Sau khi Đức suy thoái kinh tế, nền kinh tế chung châu Âu rơi vào tình cảnh tương tự

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngay sau khi kinh tế Đức, nền kinh tế đầu tàu của khu vực kinh tế chung châu Âu rơi vào suy thoái, khu vực kinh tế này bất ngờ suy thoái khi quý thứ hai liên tiếp suy giảm tăng trưởng. Trong một diễn biến khác, mặc dù tăng trưởng trì trệ nhưng lạm phát không giảm như kỳ vọng khiến NHTW Canada, Úc đồng loạt bất ngờ tăng lãi suất trở lại sau 4 tháng dừng tăng lãi suất.

Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (EU) bất ngờ giảm 0,1% trong quý 1/2023, so cùng quý trước đó.

Mức suy giảm tăng trưởng này được cho là bất ngờ khi thị trường kỳ vọng tăng trưởng GDP trong quý 1/2023 (so quý trước) ở mức mở rộng nhẹ 0,1%, số liệu công bố bởi Eurostat, theo Trading Economics.

Các số liệu kinh tế quý cuối cùng của năm 2022 cũng đã được sửa đổi, cho thấy GDP giảm 0,1%, thay vì mức GDP không mở rộng (0%) như báo cáo trước đó. Điều này có nghĩa, về mặt kỹ thuật, theo định nghĩa về suy thoái kinh tế, nền kinh tế khu vực chung châu Âu rơi vào suy thoái khi hai quý liên tiếp bị thu hẹp về quy mô.

Trong quý 1/2023, chi tiêu hộ gia đình của khu vực kinh tế chung châu Âu giảm 0,3% (so với mức giảm -1% trong Quý 4/2022) do lạm phát cao và chi phí đi vay tăng cao. Điều này dễ hiểu khi khu vực này đang phải chống chọi với tình trạng lạm phát giá lương thực tăng cao, trên 12% trong tháng 5/2023.

Chỉ số giá tiêu dùng lõi (không gồm năng lượng và thực phẩm) của khu vực EU vẫn ở mức cao kỷ lục (Nguồn: Trading Economics)

Chi phí năng lượng tăng cao và các đòn trừng phạt Nga đã tác động sâu sắc tới khu vực phụ thuộc năng lượng này. Điều này buộc chính phủ các nền kinh tế trong khối thực thi pháp kích thích nhằm bù đắp lại chi phí năng lượng tăng cao trong một thời gian dài. Tuy nhiên, chương trình này gây ra nợ và tổn thương tăng trưởng trong dài hạn của EU. Hiện tại, do giá năng lượng giảm, chương trình này kết thúc khiến chi tiêu công của EU giảm 1,6%. Điều này cũng phần nào cũng làm giảm quy mô GDP.

Ngoài ra, xuất khẩu của EU cũng giảm 0,1% (so với -0,2%) và nhập khẩu giảm 1,3% (so với -2,5%) quý trước. Trong số các nền kinh tế lớn nhất của khối, GDP giảm ở Đức (-0,3%) và Hà Lan (-0,7%) trong khi sự mở rộng GDP được ghi nhận ở Pháp (0,2%), Ý (0,6%) và Tây Ban Nha (0,5%).

Mặc dù quy mô kinh tế bị thu hẹp bởi tác động tiêu cực của chính sách tiền tệ thắt chặt song cuộc chiến với lạm phát còn rất xa mới tới đích. Lạm phát tổng thể tuy giảm nhờ giá năng lượng giảm, giá hàng hoá giảm do cầu toàn cầu yếu, nhưng lạm phát lõi của hầu hết các nền kinh tế đều giảm rất chậm; còn rất xa mục tiêu 2% của các NHTW.

Trước diễn biến lạm phát, các NHTW chắc chắn vẫn phải hy sinh tăng trưởng trước mắt chứ chưa thể đảo chiều chính sách. Hôm nay, NHTW Canada đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25%) sau 4 tháng ngừng tăng lãi suất sau khi xem xét thấy lạm phát chưa giảm như mục tiêu đề ra. NHTW Úc cũng tăng lãi suất và động thái tương tự cũng sẽ tiếp tục diễn ra với ECB. Điều này phát đi thông điệp rằng việc ngừng tăng lãi suất điều hành không có nghĩa là chu kỳ ngừng thắt chặt chính sách tiền tệ đã bắt đầu.

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Sau khi Đức suy thoái kinh tế, nền kinh tế chung châu Âu rơi vào tình cảnh tương tự