Cuộc chiến ‘ngoại giao vaccine’ - Trung Quốc sắp bị 'vượt mặt'?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh thế giới chao đảo trước làn sóng tấn công dữ dội của đại dịch COVID-19, nhu cầu có vaccine để ngăn chặn dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Và thế là từ một phương thuốc cứu người, vaccine vô hình trung trở thành một thứ vũ khí để các cường quốc sử dụng nhằm tranh giành ảnh hưởng chính trị và kinh tế. Điều này được xem là cơ hội cho nhiều nước, nhất là những quốc gia có thế mạnh về sản xuất vaccine giá rẻ như Ấn Độ và Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng, tìm kiếm vai trò, vị thế lớn hơn trên trường quốc tế.

Bắc Kinh - kẻ khơi mào cuộc chiến

Kế hoạch tạo dựng 'quyền lực mềm' thông qua ngoại giao vaccine

Cạnh tranh giữa các quốc gia nghèo hơn để có được vaccine giá rẻ hoặc miễn phí để chống lại đại dịch COVID-19 được xem là “cơ hội vàng” để Trung Quốc củng cố mối quan hệ tại các thị trường mới nổi mà nước này thèm muốn trong nhiều năm. Các chuyên gia nhận định, Trung Quốc đã có một khởi đầu đáng kể trong cuộc đua ngoại giao vaccine diễn ra giữa một bên là Bắc Kinh và bên kia là Washington và các đồng minh. Nước này đã ngăn được sự lây lan đại dịch COVID-19 trong nước, đồng thời đẩy nhanh quá trình sản xuất các liều vaccine để tung ra thế giới, giới thiệu đến các nước nghèo.

Tại thời điểm đầu tháng 3 năm 2021, nỗ lực tạo dựng “quyền lực mềm” của Bắc Kinh thông qua ngoại giao vaccine đã bắt đầu có kết quả.

Theo hãng tin AP, Trung Quốc đã cam kết cung cấp nửa tỷ liều vaccine COVID-19 do nước này sản xuất cho 45 quốc gia, phần lớn là các nước thu nhập thấp và trung bình,. Còn theo Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Bắc Kinh đã viện trợ vaccine cho 68 nước và bán thương mại cho 28 nước khác.

Trung Quốc cũng là nước đầu tiên đã phê duyệt và cho phép sử dụng tới năm loại vaccine COVID-19. Được quảng bá rộng rãi nhất là vaccine của các tập đoàn dược phẩm quốc doanh Sinovac ở Bắc Kinh và Sinopharm ở Vũ Hán.

Khác với các loại vaccine phương Tây khác, tất cả các loại vaccine Trung Quốc đều có thể được trữ trong điều kiện nhiệt độ của tủ lạnh thông thường, yếu tố đặc biệt hấp dẫn với các nước nghèo thiếu các phương tiện bảo quản siêu lạnh.

Do vậy, cùng với tình trạng khan hiếm vaccine trên thị trường, nhiều quốc gia đang phát triển như Chile, Cambodia, Peru, Serbia, Các Tiểu Vương Quốc Arab Thống Nhất (UAE), Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Zimbabwe, và Seychelles đã chọn vaccine Trung Quốc.

Theo Giáo Sư Yanzhong Huang (Hoàng Ngạn Trung), trường Ngoại Giao và Quan Hệ Quốc Tế của đại học Seton Hall University ở New Jersey, chuyên gia về y tế toàn cầu của Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Hoa Kỳ (CFR), trong bài viết trên tạp chí Foreign Affairs, đến đầu tháng 2 năm 2021, ba nhà sản xuất vaccine COVID-19 của Trung Quốc (Sinopharm, Sinovac và CanSino) đã nhận được đơn đặt hàng 572 triệu liều vaccine, bằng 8% số đơn hàng vaccine trên toàn cầu.

Nếu như ở Hoa Kỳ và Châu Âu, công việc nghiên cứu vaccine gần như thuộc về các phòng thí nghiệm ở đại học và ở các hãng dược phẩm tư nhân thì ở Trung Quốc, việc nghiên cứu và phân phối vaccine đã trở thành một ưu tiên chính trị hàng đầu. Có thể nói, vaccine đã bị “chính trị hóa”. Chính phủ Bắc Kinh đã huy động 22 viện nghiên cứu và công ty theo đuổi 17 dự án vaccine COVID-19, phần lớn các viện và công ty đó đều liên quan tới quân đội Trung Quốc.

Ông Karthik Nachiappan, một nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore nhận xét: “Lợi thế của Trung Quốc ở đây là quy mô và tốc độ. Ông nói, nhà sản xuất vaccine hoàn toàn là một doanh nghiệp nhà nước với đầy đủ các nguồn lực do chính phủ tài trợ, không giống như ở các quốc gia khác, nơi các nhà sản xuất tư nhân phải tự nỗ lực điều chế vaccine.

Thậm chí, tháng 3 năm 2020, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề ra “sáng kiến” “Con Đường Tơ Lụa Y Tế” (Health Silk Road), kết nối việc cung ứng vaccine và sản phẩm y tế với đại dự án “Vành Đai và Con Đường” (Belt and Road Initiative, BRI), theo đó các quốc gia tham gia dự án BRI sẽ được ưu tiên tiếp cận vaccine của Trung Quốc.

'Chính trị hóa vaccine'

Đối với Trung Quốc, vaccine miễn phí có thể giúp làm giảm căng thẳng của nước này đối với các nước sau các xung đột địa chính trị gần đây, chẳng hạn như tuyên bố chủ quyền yêu sách lãnh thổ phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cam kết tài trợ 500.000 liều vaccine cho Philippines. Giám đốc mua sắm vaccine của Philippines - Carlito Galvez, cho biết Manila nên "gạt sang một bên những khác biệt với Bắc Kinh về các yêu sách hàng hải cạnh tranh”, song cũng nhấn mạnh sẽ “không thỏa hiệp".

Pakistan - đối thủ “truyền kiếp” của Ấn Độ - nhận được 70 tỷ USD tài trợ của Trung Quốc cho dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Giống như Brazil, Pakistan đã cho các nhà sản xuất vaccine của Trung Quốc cơ hội thực hiện các thử nghiệm lâm sàng.

Ở châu Phi và Mỹ Latinh - những khu vực đầu tư chính của Bắc Kinh, hồi đầu tháng 2, Trung Quốc đã gửi viện trợ vaccine cho hơn 10 quốc gia, trong đó Zimbabwe và Guinea Xích Đạo.

Mới đây, Bắc Kinh thông báo sẽ chỉ cho phép người nước ngoài đã được tiêm chủng vaccine COVID-19 do Trung Quốc sản xuất được nhập cảnh vào Trung Quốc, còn những người đã tiêm chủng nhưng bằng các loại vaccine khác thì vẫn phải trải qua các cuộc xét nghiệm và cách ly phòng dịch như từ trước đến nay.

Các quốc gia đã nhận vaccine do Trung Quốc viện trợ thì phải đáp ứng một số yêu cầu chính trị, kinh tế của Bắc Kinh, chẳng hạn như phải đoạn giao với đảo quốc Đài Loan, phải chấp nhận việc tham gia đầu tư mạng viễn thông thế hệ thứ năm (5G) của Huawei - tập đoàn công nghệ trước đây đã bị Mỹ “cấm cửa” và nhiều nước từ chối vì nghi ngờ tiếp tay cho tình báo Trung Quốc hoạt động gián điệp.

Báo The New York Times ngày 15 tháng 3 năm 2021 đã phân tích trường hợp rất đáng chú ý của Brazil, là nước mới đây rất ác cảm với Huawei nhưng đã đột ngột thay đổi chính sách vì cần vaccine của Trung Quốc.

Brazil, mà tổng thống có quan điểm dân túy Jair Bolsonaro rất gần gũi với cựu Tổng Thống Donald Trump của Hoa Kỳ trong vấn đề ứng phó đại dịch COVID-91, từng quyết định sẽ xây dựng mạng viễn thông an toàn “không có gián điệp Trung Quốc.” Nhưng bây giờ, khi số tử vong vì COVID-19 tăng chóng mặt, ông Fabio Faria, bộ trưởng Thông Tin nước này, phải bay sang Bắc Kinh gặp gỡ các giới chức của Huawei để nhờ giúp cho Brazil mua được vaccine Trung Quốc, đổi lại Huawei được tham gia đấu thầu mạng viễn thông 5G trị giá nhiều tỷ USD của Brazil mà chỉ vài tháng trước đây Huawei bị cấm.

Tổng Thống Jair Bolsonaro mấy tháng trước từng tuyên bố trên Twitter “Nhân dân Brazil không phải là chuột bạch thí nghiệm của ai cả”, và ngăn chặn Bộ Y Tế nước này đặt mua 45 triệu liều vaccine Trung Quốc, thì nay đã chỉ thị cho các quan chức dưới quyền phải tìm mua cho được nhiều triệu liều vaccine và dược chất để sản xuất hàng loạt vaccine đó ngay tại Brazil. Bên cạnh Brazil, Trung Quốc cũng đang cung cấp vaccine cho Mexico, Peru, Columbia, Ecuador và Bolivia.

Paraguay muốn mua vaccine Trung Quốc nhưng không thể mua được vì nước này vẫn còn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan, đảo quốc mà Bắc Kinh coi là một phần lãnh thổ của họ.

Ở Đông Nam Á, Trung Quốc hứa hẹn cung cấp vaccine cho chín trong mười nước ASEAN, trừ Việt Nam. Các nhà quan sát giải thích rằng, có lẽ là do Việt Nam là nước đã “dám” phản đối các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh trên vùng Biển Đông.

Tờ New York Times trích dẫn lời ông Evan Ellis, giáo sư chuyên nghiên cứu quan hệ giữa Châu Mỹ La Tinh với Trung Quốc ở Đại Học Chiến Tranh Lục Quân Hoa Kỳ: “Tình trạng tuyệt vọng tìm kiếm vaccine ở Châu Mỹ La Tinh đang tạo ra cơ hội hoàn hảo cho Trung Quốc”.

Tính đến nay các nước và tổ chức quốc tế đã đặt mua 8.2 tỷ liều vaccine COVID-91, trong đó các nước giàu ở phương Tây đã mua 5.8 tỷ liều, các nước thu nhập thấp và trung bình không có con đường nào khác hơn là dựa vào vaccine của Trung Quốc và Nga, theo dữ liệu của Giáo Sư Krishna Udayakumar, thành viên sáng lập Trung Tâm Canh Tân Y Tế Toàn Cầu của đại học Duke University, tiểu bang North Carolina.

Việc Trung Quốc có những điều kiện kèm theo khi các quốc gia nhận viện trợ ghi nhận sự trợ giúp của Trung Quốc không có gì mới. Thế giới đều biết rằng khi tiến hành chính sách ngoại giao khẩu trang vào đầu năm 2020, Bắc Kinh đã yêu cầu các nước nhận viện trợ ca ngợi sự minh bạch của Trung Quốc trong các hoạt động hỗ trợ sức khỏe cộng đồng và các biện pháp nhân đạo.

Rõ ràng, Trung Quốc không chỉ sử dụng vaccine ngừa COVID-19 để thu phục các nước đang phát triển, mở rộng ảnh hưởng chính trị mà còn để chứng tỏ “sự ưu việt” của thể chế Cộng Sản, giành lợi thế về công nghệ và kinh tế so với các nền dân chủ Tây phương.

Tướng Quân Y Chen Wei (Trần Vĩ), người phụ trách chương trình vaccine COVID-19 của Trung Quốc ca ngợi những thành quả đó là “thể hiện tiến bộ về khoa học và công nghệ của nước ta, thể hiện hình ảnh và trách nhiệm của Trung Quốc như một siêu cường và hơn thế nữa, là một đóng góp cho nhân loại”.

Một nhà virus học Trung Quốc tuyên bố trên Thời báo Hoàn Cầu: “Hoa Kỳ không sánh nổi với Trung Quốc trong việc tập trung sức mạnh để hoàn thành những việc lớn”.

…nhưng nhanh chóng đuối sức và nguy cơ sớm mất vị trí dẫn đầu

Giới quan sát cho rằng, Bắc Kinh có thể tạm thời dẫn trước cuộc đua nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy lợi thế “ngoại giao vaccine” đó sẽ sớm tan biến trước sức cạnh tranh và trở ngại tâm lý ở khách hàng nước ngoài.

Năng lực sản xuất còn hạn chế buộc các nhà sản xuất vaccine Trung Quốc tính tới việc bán vaccine theo kiểu bán sỉ, bán sản phẩm thô rồi người mua sau khi nhận hàng phải tự chiết vaccine ra lọ (vial) để sử dụng. Do vậy, dù cam kết cung ứng cho các nước khác một số lượng lớn vaccine nhưng Trung Quốc chỉ cung cấp nhỏ giọt, mỗi nước chỉ được nhận từ 20,000 đến 300,000 liều. Việc chậm trễ giao hàng đã làm dư luận ở một số nước như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ Bắc Kinh không thực hiện được cam kết.

Nhưng quan trọng nhất là dư luận không thuận lợi cho vaccine Trung Quốc do các công ty bào chế của nước này không minh bạch trong việc công bố dữ kiện kết quả các cuộc thử nghiệm lâm sàng. Việc từ chối công bố tất cả các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng liên quan có thể khiến họ mất đi lợi thế ban đầu này, dẫn tới sự hoài nghi về độ an toàn và hiệu quả của các loại vaccine mà Bắc Kinh đang cung ứng.

Tuần trước, Trung Quốc đã đề nghị cung cấp vaccine cho những người tham gia Thế vận hội mùa hè ở Tokyo vào tháng 7 và Thế vận hội mùa đông ở Trung Quốc vào năm sau. Nhật Bản đã từ chối đề nghị này và không muốn cho các vận động viên của mình tiêm vaccine có nguồn gốc Trung Quốc.

Mối nghi ngờ càng tăng lên sau khi có thông tin rằng ở Hồng Kông đã có 4 người chết sau khi tiêm mũi tiêm Sinovac.

Hồi Tháng Giêng, 2020, công ty nghiên cứu thị trường YouGov của Anh tổ chức thăm dò ý kiến của 19,000 người ở 17 quốc gia và khu vực, kết quả cho thấy vaccine Trung Quốc đứng cuối bảng trong số các loại vaccine mà người dân chọn để tiêm chủng. Theo một cuộc khảo sát khác, trong năm 2020 và 2021 thiện cảm của người Đông Nam Á với Trung Quốc đã giảm xuống chứ không tăng lên. Sự hoài nghi của công chúng đối với vaccine Trung Quốc đã có tác động xấu tới hình ảnh của nước này thay vì cải thiện nó như Bắc Kinh mong đợi.

‘Bộ tứ kim cương’ (Quad) đã bước vào đường đua

Gần đây, Mỹ đã bào chế thành công với số lượng lớn các loại vaccine dùng công nghệ mRNA mới, vừa an toàn, vừa hiệu quả cao đã chứng tỏ Hoa Kỳ vẫn là cường quốc số một về khoa học và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đã cam kết tài trợ $4 tỷ cho Liên Minh COVAX – phát đi tín hiệu rằng Mỹ đã trở lại là một cường quốc y tế toàn cầu.

Một bức ảnh được chụp vào ngày 3/3/ 2021 tại Paris cho thấy, một lọ vaccine ghi dòng chữ "vaccine Covid-19" và một ống tiêm bên cạnh hộ chiếu châu Âu. (Ảnh JOEL SAGET qua Getty)
Một bức ảnh được chụp vào ngày 3/3/ 2021 tại Paris cho thấy, một lọ vaccine ghi dòng chữ "vaccine Covid-19" và một ống tiêm bên cạnh hộ chiếu châu Âu. (Ảnh JOEL SAGET qua Getty)

Tờ Australian Financial Review đưa tin, tuần trước, tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của khối Quad, các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ đã công bố kế hoạch cung cấp một tỷ liều vaccine cho các nước khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương các quốc gia Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Kế hoạch sử dụng tài chính và công nghệ của Hoa Kỳ và Nhật Bản, năng lực sản xuất vaccine của Ấn Độ và hoạt động hậu cần của Úc, nếu được thực hiện, sẽ góp phần đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này.

Cho đến nay, có thể nói Bắc Kinh đã đi trước trong lĩnh vực này, nhưng điều đó đang thay đổi, "nói chung, đó là một câu chuyện rất thành công đối với Trung Quốc ... bây giờ nó sẽ phải đối mặt với một số khó khăn”, ông Nicholas Thomas, phó giáo sư về an ninh y tế tại Đại học Thành phố Hồng Kông cho biết.

Ông Jeffrey Wilson, Giám đốc Trung tâm Perth-USAsia của Đại học Tây Úc, cho biết: Việc tiêu thụ vaccine Trung Quốc trong nước chậm có nghĩa là sự tin tưởng của quốc tế đối với sản phẩm của Quad sẽ lớn hơn nhiều - nếu những người hưởng lợi có được sự lựa chọn thứ hai.

Tiến sĩ Wilson cho biết Trung Quốc vẫn miễn cưỡng công bố dữ liệu thử nghiệm giai đoạn ba.

“Nó sẽ cung cấp sự minh bạch. Dữ liệu được cung cấp có thể sẽ cho thấy một số phần mà vaccine của Trung Quốc chưa đạt nhưng vaccin của những quốc gia khác khác lại có hiệu quả mạnh”, ông nói.

Các chuyên gia cũng cho biết họ lo lắng cả hai bên có thể trở nên nặng tay với các nước đang phát triển, buộc họ phải lựa chọn giữa vaccine do Trung Quốc hỗ trợ hoặc Quad hỗ trợ.

Ông Karthik Nachiappan, một nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết việc triển khai Quad sẽ mở rộng khả năng tiếp cận công bằng đối với vaccine trong khu vực - nhưng mục đích cuối cùng là nó được thiết kế để chống lại Trung Quốc.

Ấn Độ đang ‘vượt mặt’ Trung Quốc?

Ấn Độ từ lâu đã được xem là công xưởng sản xuất vaccine của thế giới, năng lực sản xuất vaccine COVID-19 khổng lồ đang giúp Ấn Độ đối đầu và vượt Trung Quốc trong cuộc chiến ngoại giao vaccine, giành ảnh hưởng chính trị trên toàn cầu với sự hậu thuẫn của Quad.

Nền kinh tế Trung Quốc - hiện gần gấp 5 lần quy mô của Ấn Độ, cho phép Bắc Kinh tăng cường quan hệ với các nước nghèo hơn bằng cách cho vay hàng chục tỷ USD theo Sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường”. Nhưng đại dịch COVID-19 lại mang lại cơ hội ngoại giao mới cho Ấn Độ trên con đường theo đuổi khát vọng trở thành cường quốc toàn cầu. Ngành công nghiệp dược phẩm quy mô lớn đưa quốc gia Nam Á này trở thành nhà cung cấp chính các loại thuốc thiết yếu cho thế giới. Giờ đây, nó cho phép Ấn Độ đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Trường hợp điển hình là Myanmar, quốc gia gần đây đã bị đảo lộn sau cuộc đảo chính của quân đội. Bắc Kinh hứa sẽ gửi khoảng 300.000 liều vaccine cho nước này nhưng đến nay vẫn chưa có gì, trong khi New Delhi nhanh chóng giao 1,7 triệu liều.

Theo Bloomberg, đến thời điểm hiện tại, New Delhi đã cung cấp gần 6,8 triệu liều vaccine miễn phí trên khắp thế giới. Trung Quốc cam kết khoảng 3,9 triệu liều, song nhiều trong số này vẫn chưa đến tay các nước mà Bắc Kinh hứa hẹn.

Trong khi Trung Quốc đang dè dặt chia sẻ những thử nghiệm lâm sàng liên quan đến vaccine, thì Ấn Độ đã gửi hàng triệu liều vaccine đến các nước láng giềng Nepal, Bangladesh và Sri Lanka, cho phép họ bắt đầu tiêm chủng sớm hơn so với thời gian chờ đợi các liều vaccine từ Trung Quốc. Eran Wickramaratne, nhà lập pháp Sri Lanka, người đã nhận được một trong những mũi tiêm từ vaccine của Ấn Độ cho biết: “Nhờ món quà của họ, Sri Lanka đã có thể bắt đầu tiêm phòng ngay lập tức”.

Năm ngoái, khi các nhà sản xuất Ấn Độ xuất khẩu loại thuốc chống sốt rét Hydroxychloroquine - được Tổng thống Donald Trump lúc bấy giờ quảng cáo, Thủ tướng Narendra Modi đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới về việc cung cấp vaccine.

Rõ ràng là, năng lực sản xuất vaccine của nước này vượt xa khả năng tiêm chủng cho hơn 1 tỷ dân của họ. Do đó, Ấn Độ có thể phân phối hàng triệu liều vaccine dư thừa để tạo dựng niềm tin, gây ảnh hưởng với các nước.

Ngay cả nước láng giềng với Trung Quốc là Mông Cổ thì Ấn Độ đang giành lợi thế trong việc phân phối vaccine. New Delhi đã cung cấp miễn phí 150.000 liều cho Mông Cổ.

Ngành công nghiệp vaccine của Ấn Độ - đang cung cấp lô hàng cho cả các nền kinh tế đang phát triển và phát triển. Canada mới đây cũng đã yêu cầu Viện Huyết thanh Ấn Độ cung cấp vaccine cho nước này.

Tính đến nay, Ấn Độ đã xuất khẩu tổng cộng hơn 33 triệu liều vaccine - gấp ba lần số lượng tiêm chủng trong nước. Trong danh mục 155 loại vaccine mà WHO phê chuẩn sử dụng, nếu như Trung Quốc chỉ có 4 sản phẩm thì con số này của Ấn Độ là 44.

Chính phủ Ấn Độ cam kết đảm bảo nguồn cung vaccine cho các quốc gia nhỏ hơn cũng như người dân. Giới chức Ấn Độ tổ chức các chuyến đi cho đại sứ các nước đến thăm các trung tâm dược phẩm ở Pune và Hyderabad, đồng thời đảm bảo với các nước láng giềng ở Nam Á, Ấn Độ Dương và thậm chí là Dominica và Barbados xa xôi rằng họ sẽ nhận được vaccine giá cả phải chăng và sẽ nhận được các lô hàng ban đầu miễn phí.

Thế giới hưởng lợi

Mặc dù cả vaccine do Ấn Độ sản xuất và của Trung Quốc đều bị chỉ trích là có khả năng kém hiệu quả hơn vaccine do Pfizer và Moderna phát triển, nhưng trên thực tế, các quốc gia đang phát triển bị ảnh hưởng bởi đại dịch có thể bắt đầu tiêm chủng cho các nhóm nguy cơ cao với các mũi tiêm giá rẻ và phong phú có tỷ lệ hiệu quả thử nghiệm đạt 60% hoặc 70%. Điều này được xem là tốt hơn so với việc chỉ nhận được một lượng nhỏ vaccine đắt đỏ và phải chờ đợi trong nhiều tháng.

Trong khi các công ty dược phẩm phương Tây chủ yếu tập trung cung cấp vaccine cho các quốc gia giàu, thì nhiều quốc gia nghèo hơn sẽ nhờ cậy vaccine giá rẻ và miễn phí từ Trung Quốc và Ấn Độ để thực hiện chiến dịch tiêm chủng.

Cuối cùng, sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ để cung cấp vaccine, đặc biệt là cho các quốc gia - nơi lợi ích chiến lược của họ chồng chéo lên nhau, có khả năng không chỉ giúp ích cho các quốc gia đó mà còn cả thế giới.

“Trung Quốc đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong chính sách ngoại giao vaccine của nước này. Đó là điều tốt”, ông Yanzhong Huang, một thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York cho biết:

Việt Nam có nên nhập vaccine Trung Quốc?

Để trả lời câu hỏi này, có lẽ chúng ta nên quan sát và xem xét từ 2 trường hợp nhập vaccine có nguồn gốc Trung Quốc ở rất gần chúng ta - Indonesia và Singapore.

Việc Indonesia sử dụng đại trà vaccine từ Trung Quốc được coi như phép thử đầu tiên cho chính sách ngoại giao của Bắc Kinh.

Ngày 6/12/2020, quốc gia này đã nhận được 1,2 triệu liều vaccine Sinovac từ Trung Quốc.

Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối của vaccine Sinovac tại Indonesia (sản phẩm hợp tác sản xuất giữa Indonesia và Trung Quốc) ban đầu dự kiến được công bố trong khoảng thời gian giữa tháng 1/2021, song đến nay vẫn chưa được công bố đầy đủ. Điều này đang cho thấy sự thiếu minh bạch và mập mờ, khiến dư luận hoài nghi về độ tin cậy và tính an toàn, hiệu quả của vaccine Sinovac.

Nếu Sinovac không tạo ra kết quả đầy hứa hẹn, hoặc có các tác dụng phụ nghiêm trọng hay có những sai sót đáng tiếc, Indonesia sẽ phải đối mặt với thiệt hại tài chính nặng nề từ số lượng lớn vaccine đặt mua. Ngoài ra, Indonesia cũng sẽ cần phải chi thêm rất nhiều tiền để mua vaccine ngừa COVID-19 từ các nhà cung cấp phương Tây. Hiện nay, các khu vực kinh tế trọng điểm như Bali, Jakarta và nhiều tỉnh khác của Indonesia đã ghi nhận sự sụt giảm kinh tế lớn do tác động của đại dịch. Do đó, nền kinh tế của Indonesia sẽ bị ảnh hưởng nhiều nếu vaccine Sinovac không phát huy hiệu quả như mong đợi.

Mối nghi ngờ đối với vaccine có nguồn gốc Trung Quốc càng tăng lên sau khi có thông tin rằng ở Hồng Kông đã có 4 người chết sau khi tiêm mũi tiêm Sinovac. (NOEL CELIS/AFP via Getty Images)
Mối nghi ngờ đối với vaccine có nguồn gốc Trung Quốc càng tăng lên sau khi có thông tin rằng ở Hồng Kông đã có 4 người chết sau khi tiêm mũi tiêm Sinovac. (NOEL CELIS/AFP via Getty Images)

Nếu Sinovac tại Indonesia thất bại. Đây sẽ là thảm họa cho việc quảng bá vaccine của Trung Quốc trên toàn cầu. Việc triển khai thành công Sinovac sẽ mở ra cánh cửa cho thị trường vaccine Trung Quốc trên khắp khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là với tầm ảnh hưởng của Indonesia trong khu vực.

Trung Quốc tiếp tục sử dụng chiến lược này trong chính sách ngoại giao vaccine hiện nay với nhiều điều kiện khi ký kết việc cung cấp vaccine và sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc với Indonesia và các nước đang phát triển khác. Về lâu dài, Indonesia sẽ tiếp tục là “con nợ” của Trung Quốc với “ưu ái” ngoại giao này. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng sức khỏe đang diễn ra trầm trọng, lựa chọn tốt nhất của Indonesia là phải đặt mua vaccine của Trung Quốc với hy vọng sẽ cứu quốc gia thoát khỏi tình thế này.

Lô vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất được đưa tới Singapore tối ngày 23 tháng 2 vừa qua không nhận được sự chào đón như Bắc Kinh mong đợi.

Bộ Y tế Singapore đã xác nhận lô vaccine Sinovac đã “cập cảng” nhưng cho biết rằng vaccine này vẫn chưa được các cơ quan quản lý cấp phép và vì thế sẽ chưa thể sử dụng ngay lập tức như vaccine của Pfizer và Moderna.

Thật “bất thường” khi vaccine được chuyển tới trước khi được nước sở tại cấp phép, điều này “cứ như thể họ đang nài nỉ Singapore hãy sử dụng chúng”, ông Leong Hoe Nam, một chuyên gia về dịch bệnh truyền nhiễm tại Singapore nhận xét.

Ông Khor Swee Kheng, một chuyên gia về chính sách y tế người Malaysia cho rằng, các nước nhận vaccine trước khi được các cơ quan chức năng phê duyệt có thể đối mặt với khả năng “bỏ qua phê duyệt” hay sức ép chính trị buộc các cơ quan kiểm duyệt phải cấp phép.

Bộ Y tế Singapore cho biết Sinovac đã bắt đầu trình các dữ liệu ban đầu về hiệu quả vaccine cho Cơ quan Khoa học Y tế nước này. Tuy nhiên, ông Leong nói rằng, không có khung thời gian cụ thể nào cho quá trình này. Việc phê duyệt vaccine mà không có các dữ liệu cần thiết cũng giống như đánh giá sức khỏe tài chính của một công ty mà không có các báo cáo tài chính.

Ông Chong Ja Ian, một nhà khoa học chính trị, đồng thời là học giả chính sách đối ngoại Trung Quốc tại Đại học quốc gia Singapore nói rằng, Bắc Kinh đang háo hức muốn có sự phê duyệt quốc tế đối với vaccine do nước này sản xuất như một phần trong “ngoại giao vaccine”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, có khả năng Trung Quốc sẽ phải “thất vọng” nếu Singapore không phê duyệt hoặc chậm trễ trong việc phê duyệt vaccine Sinovac.

Theo ông Chong, với danh tiếng của Singapore về các tiêu chuẩn chặt chẽ, việc nước này phê duyệt vaccine Sinovac có thể được xem như dấu kiểm duyệt đối với tất cả các vaccine do Trung Quốc sản xuất.

Theo Victor Shih, một giảng viên về kinh tế chính trị tại Đại học San Diego California, sự phê duyệt của Singapore có thể khiến nhiều người nghĩ rằng vaccine của Trung Quốc được chấp nhận trên toàn cầu, nhất là khi loại vaccine này hiện được sử dụng chủ yếu ở các nước đang phát triển, trong đó có Indonesia và Philippines.

UAE và một số ít các nước giàu có khác hiện cũng đang “nhìn vào” kết quả sử dụng vaccine ở Indonesia và Singapore để cân nhắc sử dụng vaccine của Trung Quốc.

Ông Shih cho rằng có thể có những “sức ép hậu trường” buộc Singapore phải phê duyệt vaccine Sinovac.

Trong khi đó, Zha Daojiong, giáo sư nghiên cứ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh nhấn mạnh rằng, quyết định của Singapore về việc có phê duyệt vaccine Sinovac sẽ dựa trên các tiêu chí khoa học chặt chẽ chứ không phải là “thiện chí chính trị hay ngoại giao”.

Đầu tháng 1 năm nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho báo chí biết là Việt Nam đang đàm phán mua vaccine chống COVID- 19 từ 4 quốc gia, bao gồm Anh, Nga, Mỹ và Trung Quốc.

Chính vì vậy, đợt thực hiện tiêm phòng tại Indonesia và việc Singapore nhập vaccine Trung Quốc lần này cũng sẽ giúp Việt Nam có thêm kinh nghiệm trong việc sử dụng an toàn vaccine từ Trung Quốc và không rơi vào “bẫy ngoại giao” trong chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, hiện nay Việt Nam cũng tiếp tục tập trung nguồn lực cao để có thể triển khai, nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước. Các nghiên cứu và thử nghiệm vaccine trong nước đang được triển khai theo đúng tiến độ.

Bộ Y tế cũng cho biết Việt Nam mong muốn tiếp cận nguồn vaccine đảm bảo chất lượng, mức giá hợp lý, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, bà nói thêm.

Khi được hỏi về việc có mua vaccine COVID-19 của Trung Quốc hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam đang tiếp cận nguồn vaccine đa dạng, đàm phán với 'nhiều đối tác khác trên thế giới'.

Sáng 24-2, chuyến bay mang những liều vaccine COVID-19 của Đại học Oxford (Anh) và AstraZeneca đã hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM.

Tâm Chính - Thiện Nhân

Nguồn:

https://www.afr.com/world/asia/how-china-could-lose-its-lead-in-vaccine-diplomacy-20210315-p57arb

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/ngoai-giao-vaccine-mat-tran-moi-cua-trung-quoc/

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ngoai-giao-vaccine-cua-trung-quoc-gap-kho-o-singapore-839624.vov

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/new-test-for-china-vaccine-diplomacy-02172021121013.html

 



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc chiến ‘ngoại giao vaccine’ - Trung Quốc sắp bị 'vượt mặt'?