Ngoại trưởng Anh: ‘Việt Nam ủng hộ Anh tham gia CPTPP’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Brexit và dịch viêm phổi Vũ Hán thúc đẩy Hà Nội và London hoàn tất thỏa thuận thương mại song phương; Việt Nam ủng hộ Anh tham gia CPTPP - một tổ chức mà Trung Quốc phản đối và không tham gia.

CPTPP là một hiệp định thương mại tự do liên kết 11 nước gồm Canada, Úc, Brunei, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Vương quốc Anh cho biết họ nhận được sự ủng hộ của Việt Nam để tham gia một thỏa thuận thương mại xuyên Thái Bình Dương, tạo động lực cho Anh vốn đang đối mặt với những tác động kinh tế nghiêm trọng của Brexit và đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Việt Nam ủng hộ Anh tham gia CPTPP

Ngoại trưởng Vương quốc Anh Dominic Raab đã gặp người đồng cấp Việt Nam, Phạm Bình Minh, tại Hà Nội hôm thứ Tư (ngày 30/9) để thảo luận về vắc-xin Covid-19 cũng như hai thỏa thuận thương mại.

Một trong những thỏa thuận đó sẽ là thỏa thuận song phương, và thỏa thuận còn lại liên kết 11 quốc gia trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

"Chúng tôi đã có được sự ủng hộ của Việt Nam đối với việc Vương quốc Anh tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương", ông Raab viết trên Twitter. "Đây là một bước tiến quan trọng trong việc đưa mối quan hệ kinh tế Anh-Việt lên một tầm cao mới, đồng thời thể hiện cam kết và giá trị của Vương quốc Anh đối với khu vực".

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tiếp Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tại Nhà khách Chính phủ ở Hà Nội ngày 30 tháng 9 năm 2020 (Ảnh NHAC NGUYEN/AFP qua Getty Images)
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tiếp Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tại Nhà khách Chính phủ ở Hà Nội ngày 30 tháng 9 năm 2020 (Ảnh NHAC NGUYEN/AFP qua Getty Images)

Theo trang web Chính phủ Anh, hồi giữa tháng 6/2020, Anh thông báo dự định theo đuổi việc gia nhập CPTPP như một phần quan trọng trong chương trình đàm phán thương mại của mình, với ba lý do.

  • Đảm bảo các cơ hội thương mại và đầu tư gia tăng;
  • Đa dạng hóa các liên kết thương mại và chuỗi cung ứng, đồng thời tăng cường an ninh kinh tế;
  • Đảm bảo vị thế trong tương lai của mình trên thế giới và thúc đẩy lợi ích lâu dài.

Một thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam và EU đã có hiệu lực vào tháng 8/2020, nhưng Brexit buộc London bị loại khỏi thỏa thuận đó. Vương quốc Anh hiện hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận tương tự như của EU cho thỏa thuận song phương của riêng London và Hà Nội, sớm nhất là vào năm 2021, theo một nguồn tin cho biết.

Trong thời gian chờ đợi, Việt Nam sẽ áp dụng thỏa thuận của EU với Anh cho đến khi một hiệp ước song phương sẵn sàng.

Việt Nam mong muốn tiến hành thỏa thuận thương mại với Vương quốc Anh vì COVID-19 đã “gây áp lực” đối với nền kinh tế Đông Nam Á về mặt xuất khẩu. Đài truyền hình quốc gia VTV đưa tin, hôm thứ Tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ý định đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện FTA.

Vào tháng 9/2020, Việt Nam đã giảm một nửa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay xuống từ 2% đến 2,5%. Vào tháng 5/2020, Hà Nội đã hứa sẽ tăng trưởng kinh tế trên 5%, nhưng đó là trước khi đợt lây lan virus thứ hai xảy ra vào tháng Bảy này.

TPP sẽ giúp Vương quốc Anh tiếp cận nhiều hơn với các thị trường ở châu Á

Tham gia TPP sẽ giúp Vương quốc Anh tiếp cận nhiều hơn với các thị trường ở châu Á, khi mà mối quan hệ của nước này với phần còn lại của châu Âu suy yếu.

Các công ty của Anh nắm giữ khoản đầu tư trị giá gần 98 tỷ bảng vào các nước thành viên CPTPP vào năm 2018, và trong năm 2019 Anh đã thực hiện hơn 110 tỷ bảng giao dịch thương mại với các nước trong khối này.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab gặp người đồng cấp Việt Nam Phạm Bình Minh tại Nhà khách Chính phủ ở Hà Nội vào ngày 30 tháng 9 năm 2020 (Ảnh của NHAC NGUYEN/AFP qua Getty Images)
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab gặp người đồng cấp Việt Nam Phạm Bình Minh tại Nhà khách Chính phủ ở Hà Nội vào ngày 30 tháng 9 năm 2020 (Ảnh của NHAC NGUYEN/AFP qua Getty Images)

Trong quan hệ thương mại Việt-Anh giai đoạn từ 2010-2018, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương tăng trung bình 17,8%/năm và thương mại hai chiều tính đến hết tháng 6/2020 đạt khoảng 2,5 tỷ USD (Việt Nam xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD, nhập khẩu đạt 337 triệu USD).

Về đầu tư, Anh đứng trong top 20 nước hàng đầu có vốn đầu tư FDI tại Việt Nam. Tính đến tháng 7/2020, Anh có 396 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký đạt 3,5 tỷ USD, đứng thứ 15 trong số các nước có dự án đầu tư tại Việt Nam, truyền thông trong nước cho biết.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh bao gồm điện thoại di động, thủy sản, hàng may mặc và hàng dệt may, trong khi Anh đang tìm kiếm các thị trường của Việt Nam cho các loại hàng hóa và dịch vụ như giáo dục, năng lượng tái tạo, công nghệ, cơ sở hạ tầng và chăm sóc sức khỏe.

Phái đoàn Anh có chuyến đi hai ngày tới Hà Nội để thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Đông Nam Á. Trong chuyến thăm, ông Raab cho biết Vương quốc Anh sẽ cung cấp 6,3 triệu bảng Anh (8,1 triệu USD) nguồn vốn mới để giải quyết các tác động kinh tế và sức khỏe của COVID-19, và hỗ trợ phục hồi sau đại dịch trên khắp Đông Nam Á.

Các quan chức Việt Nam và Vương quốc Anh đã tổ chức hội thảo về thúc đẩy vấn đề phát triển vắc-xin Covid-19. AstraZeneca và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford đang tiến hành nghiên cứu virus tại Việt Nam, theo đại sứ quán Vương quốc Anh.

"Chúng tôi sẽ mở rộng hợp tác về nghiên cứu và đổi mới, bao gồm các thử nghiệm lâm sàng, phát triển vắc-xin và các biện pháp để đảm bảo tính bền vững của chuỗi cung ứng y tế nhằm đối phó với [tình trạng] đại dịch khẩn cấp", theo tuyên bố chung của hai nước.

Raab cho biết đất nước của ông cam kết làm việc với khu vực về các vấn đề như an ninh hàng hải - có thể liên quan đến vấn đề Biển Đông đang tranh chấp. Ông cũng đã tổ chức một cuộc hội đàm với các ngoại trưởng ASEAN khi ở Hà Nội, theo VTV.

Lê Minh



BÀI CHỌN LỌC

Ngoại trưởng Anh: ‘Việt Nam ủng hộ Anh tham gia CPTPP’