Người đàn ông giàu nhất châu Á: Trung Quốc sẽ ngày càng bị cô lập

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người đàn ông giàu nhất châu Á cho rằng BRI đang vấp phải sự phản đối ở nhiều quốc gia và sự cô lập đối với Trung Quốc sẽ ngày một gia tăng. Với nguồn lực tài chính hùng mạnh, ông cũng là người đã giành nhiều nỗ lực để giúp đỡ các quốc gia bị mắc kẹt trong BRI của Trung Quốc.

Ông Gautam Adani, người giàu nhất châu Á, đã can thiệp để giúp các quốc gia thoát khỏi khó khăn kinh tế do Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc gây ra.

Ông Adani là một phần của phong trào phản đối ngày một gia tăng đối với BRI. Tỷ phú Ấn Độ dự đoán rằng nó sẽ dẫn đến sự cô lập ngày càng tăng đối với Trung Quốc.

Tính đến ngày 27/11, ông Adani là người giàu nhất châu Á và giàu thứ ba trên thế giới. Ông tự hào sở hữu khối tài sản trị giá 126 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.

Ông Adani là diễn giả chính tại Hội nghị CEO toàn cầu của Forbes lần thứ 20 tại Singapore. Phát biểu trước khoảng 450 nhà lãnh đạo doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới vào ngày 27/09, ông Adani nói rằng BRI của Trung Quốc đang vấp phải sự phản đối ở nhiều quốc gia.

Trong một thế giới mà “toàn cầu hóa đang ở điểm uốn [điểm đánh dấu sự thay đổi]”, ông Adani cho rằng Trung Quốc, trước đây vẫn được coi là chiến binh hàng đầu của toàn cầu hóa, “sẽ cảm thấy ngày càng bị cô lập”.

Ông nói: “Chủ nghĩa dân tộc gia tăng, hoạt động giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng và hạn chế công nghệ sẽ có tác động".

Nhận xét về quê hương Ấn Độ

Ông Adani đã so sánh Trung Quốc với quê hương Ấn Độ của mình, nơi mà ông gọi là “một trong số ít những điểm tương đối sáng” trong số các nền kinh tế thế giới.

“Điều mà nhiều người coi là sự không hoàn hảo của Ấn Độ phản ánh một nền dân chủ thịnh vượng và ồn ào", ông Adani nói. “Chỉ những người tự do mới đủ khả năng gây ồn ào - để có thể khiến những điểm không hoàn hảo của họ được bộc lộ ra”.

Ấn Độ đã phản đối BRI, từ chối tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường do Trung Quốc tổ chức.

Giúp đỡ các nước rơi vào bẫy BRI

BRI được nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng vào năm 2013 và đã áp đặt ảnh hưởng của chế độ này lên khoảng 140 quốc gia.

Sáng kiến ​​này cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) áp dụng cách tiếp cận cưỡng chế trong hợp tác với các quốc gia dễ bị tổn thương, một cách tiếp cận bị cáo buộc là vi phạm trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Một bài báo năm 2019 trên tạp chí Chính sách đối ngoại đã mô tả chiến thuật của Trung Quốc: “Tài sản chiến lược của các nước đang phát triển, chẳng hạn như tài nguyên, mỏ khoáng sản, quyền tiếp cận cảng, v.v., hiện là mục tiêu của các chủ nợ để làm tài sản thế chấp trong nhiều giao dịch ăn cướp này”.

Trong những năm gần đây, ông Adani đã dành nhiều nỗ lực, được hỗ trợ bởi sức mạnh tài chính của bản thân, để giúp đỡ các quốc gia bị mắc kẹt trong BRI.

Sri Lanka

Sri Lanka, một quốc đảo rộng 25.300 dặm vuông với dân số 21 triệu người, đang phải đối mặt với ảnh hưởng ngày càng tăng của ĐCSTQ ở Nam Á, sân sau của Ấn Độ.

Người đàn ông giàu nhất châu Á: Trung Quốc sẽ ngày càng bị cô lập
Đại sứ Trung Quốc tại Sri Lanka Qi Zhenhong (trái) ra hiệu khi tàu nghiên cứu và khảo sát của Trung Quốc, Yuan Wang 5, cập cảng Hambantota của Sri Lanka vào ngày 16/08/2022. (Ảnh: Ishara S. Kodikara/AFP qua Getty Images)

Năm 2017, Trung Quốc đã mua lại 70% quyền sở hữu cảng Hambantota của Sri Lanka, thông qua hoán đổi nợ lấy vốn chủ sở hữu, sau khi Sri Lanka không trả được các khoản vay Trung Quốc được sử dụng để phát triển cảng. Việc hoán đổi đã cấp cho Trung Quốc hợp đồng thuê cơ sở này trong 99 năm, cùng với 15.000 mẫu đất xung quanh nó.

ĐCSTQ hiện sử dụng cảng này như một căn cứ tình báo quân sự chiến lược.

Năm ngoái, ông Adani đã can thiệp để giảm bớt khó khăn tài chính của Sri Lanka.

Vào tháng 03/2021, nhà điều hành cảng Adani Ports and Special Economic Zone Ltd. do Adani đứng đầu đã ký một ý định thư (tài liệu phác họa kế hoạch chung cho một thỏa thuận) với chính quyền Sri Lanka để xây dựng và vận hành Trạm tiếp nhận container Colombo Port West trong 35 năm. Trạm tiếp nhận sẽ có chiều dài cầu tàu 1.400 mét và độ sâu 20 mét, khiến nơi đây trở thành điểm trung chuyển chính cho các tàu container siêu lớn. Chi phí của dự án, với hoạt động xây dựng được bắt đầu vào đầu tháng này, ước tính là 700 triệu USD.

Hơn nữa, ông Adani đã ký một biên bản ghi nhớ với Sri Lanka vào đầu năm nay để xây dựng các dự án năng lượng tái tạo có công suất 500 megawatt (MW) ở miền bắc Sri Lanka, với chi phí 70 tỷ USD.

Israel

Israel cũng là nạn nhân của Vành đai và Con đường.

Công ty TNHH (Tập đoàn) Cảng Quốc tế Thượng Hải do ĐCSTQ hậu thuẫn đã đầu tư 1,7 tỷ USD vào Israel để xây dựng một cảng mới ở thành phố Haifa phía bắc Israel. Cảng khai trương vào tháng 09/2021, được thiết kế để xử lý khoảng 1,86 triệu TEU (đơn vị tương đương một container 20 foot) mỗi năm.

Người đàn ông giàu nhất châu Á: Trung Quốc sẽ ngày càng bị cô lập
Quang cảnh nhìn từ trên đỉnh Núi Carmel (Núi Mar Elias) của thành phố và cảng Haifa phía bắc Israel, vào ngày 12/10/2022. (Ảnh: Ronaldo Schemidt/AFP qua Getty Images)

Trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi cảng Haifa mới là “một sản phẩm của BRI giữa Trung Quốc và Israel”.

Trong một dấu hiệu đáng lo ngại về ảnh hưởng mới của Trung Quốc ở Israel, một bất đồng đã nảy sinh về màu sắc được sử dụng trong dự án Haifa, theo một bài báo đăng trên trang web của Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc vào ngày 02/09.

Theo bài báo, các tiêu chuẩn của Cơ quan Hàng không Israel quy định rằng màu sắc của cần cẩu cảng phải là màu cam và trắng. Tuy nhiên, sau áp lực từ Trung Quốc, Israel đã đồng ý rằng các cần cẩu sẽ được sơn màu đỏ và trắng: màu của Tập đoàn Cảng Thượng Hải, và đặc biệt là của chế độ cộng sản.

Trang web này khoe khoang rằng “màu đỏ lửa bao phủ một dãy cầu trục tự động dọc theo bờ biển Địa Trung Hải”.

Đỏ lửa hay đỏ máu là biểu tượng của ĐCSTQ, được in trên lá cờ và quốc huy của Trung Quốc.

Sắc đỏ có thể được coi là một phần của sự xâm nhập ý thức hệ đi kèm với một dự án cơ sở hạ tầng như cảng Haifa.

Tuy nhiên, một thương vụ mua lại lớn trong năm nay của ông Adani có khả năng làm trung hòa bớt ảnh hưởng của ĐCSTQ ở Israel.

Vào tháng 7, Adani Ports and Special Economic Zones Ltd. đã mua lại Cảng Haifa cũ hơn với giá 4,1 tỷ ILS (đồng shekel Israel mới) (tương đương 1,2 tỷ USD). Cảng xử lý gần một nửa lượng hàng container của Israel.

Việc mua lại có thể tạo tiền lệ cho nhiều vụ sáp nhập và mua lại của công ty của ông Adani. Công ty này đặt mục tiêu trở thành công ty cảng lớn nhất thế giới vào năm 2030.

Các cảng mang lại cho Bắc Kinh sự thống trị chiến lược

Vào năm 2013, ông Tập Cận Bình đã đề xuất ý tưởng về “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, một phiên bản hiện đại của tuyến đường thương mại cổ đại nối phương Tây với Trung Đông và châu Á. “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” sẽ là một nỗ lực để liên kết các cảng ở các quốc gia khác nhau từ bờ biển Trung Quốc đến Ấn Độ Dương, Nam Thái Bình Dương và Châu Âu.

Trong một bài bình luận vào ​​năm 2021, cựu Quốc vụ khanh phụ trách thương mại quốc tế Anh Liam Fox và cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert McFarlane cảnh báo rằng 96 cảng của Trung Quốc trên khắp thế giới, một số trong số đó nằm ở những vị trí quan trọng về thương mại hàng hải, đang “mang lại cho Bắc Kinh sự thống trị chiến lược mà không cần phải triển khai một người lính, con tàu hoặc vũ khí nào".

Nhiều chuyên gia về các vấn đề toàn cầu cảm thấy ham muốn của ĐCSTQ đối với các cảng toàn cầu bắt nguồn từ một “lý thuyết về sức mạnh hải quân” ​​tương tự như lý thuyết do nhà lý luận quân sự thế kỷ 19 Alfred Thayer Mahan đưa ra. Ông Mahan nhấn mạnh rằng các cảng là một trong những trụ cột của sức mạnh hải quân.

G7 tìm cách chống lại BRI

Là một chiến lược ngoại giao hiếu chiến của ĐCSTQ, BRI có mục đích kết nối các tuyến đường bộ và đường biển từ Trung Quốc đến Đông Nam và Nam Á, Trung Á, Thái Bình Dương, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ Latinh và Úc. Chiến lược này được hỗ trợ bởi khoản đầu tư khổng lồ lên tới 1 nghìn tỷ USD.

Người đàn ông giàu nhất châu Á: Trung Quốc sẽ ngày càng bị cô lập
(Từ trái sang phải) Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngồi vào ghế trước cuộc họp của năm nhà lãnh đạo G7, tại Lâu đài Elma, miền nam nước Đức, vào ngày 28/06/2022. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP qua Getty Images)

Khi BRI ngày càng gây ra lo ngại trên toàn thế giới, liên minh Nhóm Bảy nước (G7) - Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Hoa Kỳ - đang có các bước đi nhằm chống lại mối đe dọa địa chính trị mà nó gây ra.

Tại một cuộc họp tháng 6 ở Đức, các nhà lãnh đạo G7 đã cam kết huy động 600 tỷ USD từ các quỹ tư nhân và công trong vòng 5 năm để tài trợ cho cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, khởi động lại sáng kiến được đặt lại tên “Mối quan hệ đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu” để chống lại BRI, theo bài báo của Diễn đàn kinh tế thế giới đăng ngày 27/06.

Tại cuộc gặp, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ huy động 200 tỷ USD để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình trong vòng 5 năm tới.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng xác nhận rằng châu Âu sẽ cung cấp 300 tỷ EUR (317,28 tỷ USD) cho sáng kiến này trong cùng thời kỳ. Mục tiêu của Liên minh châu Âu là xây dựng một giải pháp thay thế bền vững cho BRI.

Bảo Nguyên

Theo Jenny Li & Lynn Xu - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Người đàn ông giàu nhất châu Á: Trung Quốc sẽ ngày càng bị cô lập