Người giàu Trung Quốc thanh lý xa xỉ phẩm do cần gấp tiền mặt trong bối cảnh kinh tế xấu đi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Để có ngay tiền mặt, ngày càng nhiều người Trung Quốc giàu có phải thanh lý túi xách và đồng hồ hàng hiệu đã mua. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc quý II sụt giảm mạnh hơn. Sản xuất chậm lại bất ngờ và bất động sản ngày càng suy trầm; làn sóng sa thải nhân viên ồ ạt rất có thể xảy ra vào nửa cuối năm nay.

Bán hàng hiệu - Thu tiền mặt

Trước đại dịch COVID-19, giới nhà giàu Trung Quốc từng là những người tiêu thụ hàng xa xỉ lớn nhất thế giới. Khi đại dịch mới bùng phát, người dân Trung Quốc không thể đi du lịch nước ngoài và buộc phải chuyển chi tiêu từ thị trường quốc tế sang thị trường nội địa. Kết quả là, bản thân Trung Quốc đã trở thành thị trường hàng hóa xa xỉ lớn nhất thế giới vào năm 2021.

Tuy nhiên, các đợt bùng phát virus mới nhất bên trong Trung Quốc kể từ đầu năm nay, kết hợp với chính sách zero-COVID hà khắc của chính quyền Bắc Kinh, đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc nói chung và thị trường hàng xa xỉ nói riêng.

Nhà phân tích về Trung Quốc, ông Xia Yifan, nói với The Epoch Times vào ngày 05/08 rằng người tiêu dùng Trung Quốc, bao gồm cả những người giàu có, đã trở nên ngần ngại khi mua những món đồ xa xỉ vì họ không có đủ tiền. Thậm chí, rất nhiều người phải bán những món hàng đã mua để duy trì mức sống.

Do thiếu an toàn tài chính, nhiều người Trung Quốc trở nên bi quan và đang tìm lối thoát. Một số định di cư ra nước ngoài, một số khác thì bán tài sản để có nhiều tiền mặt hơn, ông Xia cho biết.

Nhà thẩm định hàng hóa xa xỉ có tên tuổi, ông Tian, nói với Shanghai Hotline vào ngày 02/08 rằng thời gian gần đây, nhiều khách hàng đã liên hệ với ông để bán rẻ những chiếc túi xa xỉ mà họ đã mua ở chỗ ông.

Theo ông Tian, ​​chiếc túi đắt tiền Hermes Himalaya, từng được đầu cơ với mức giá ‘trên trời’ là gần 1,5 triệu CNY (khoảng 220.000 USD) trong 2 năm qua, nay đã giảm ít nhất 10% giá trị. Thương hiệu đồng hồ cao cấp Patek Philippe cũng giảm giá mạnh trên thị trường thứ cấp.

Một khách hàng nữ ở Hàng Châu - trung tâm thương mại điện tử đặc biệt quan trọng của Trung Quốc, đã bán cho ông Tian hơn 10 chiếc túi Hermes để nhanh chóng có được tiền mặt. Một số trong những chiếc túi này từng được mua từ ông Tian vào năm ngoái.

Cô ấy rất cần tiền để hỗ trợ công ty đang gặp khó khăn của chồng mình khi mà "dòng tiền [trong công ty] khá eo hẹp", ông Tian cho biết.

“Từ nửa đầu năm nay, nhiều cửa hàng bán đồ xa xỉ đã qua sử dụng ít khách hàng hơn, hàng hóa bán trực tuyến thì bị tắc tại các đơn vị chuyển phát. Hàng tồn vẫn bị tồn, vòng tuần hoàn vốn bị phá vỡ”, ông nói.

Bà Li Yi đến từ ngành công nghiệp hàng xa xỉ cũng mua về nhiều mặt hàng xa xỉ lớn trong năm nay. Đầu tháng 4, bà nhận được gần 30 tin nhắn từ khách hàng muốn bán những chiếc túi xách thiết kế đắt đỏ của họ, theo Shanghai Hotline.

Bà kể: “Có lần, một người đàn ông mang đến những món hàng xa xỉ trị giá đến 3 triệu CNY (khoảng 440.000 USD), bao gồm đồng hồ, túi xách và một số đồ trang sức”.

Bà Li cho biết các thương hiệu cao cấp sẽ khó bán hàng trong năm nay. “Mọi người không có tiền để chi tiêu vì tác động của các biện pháp phòng chống dịch”. “Đây chỉ là bước khởi đầu và nó sẽ còn tồi tệ hơn trong tương lai”, bà Xia dự đoán, dựa vào tình hình kinh tế và sinh kế hiện tại của người dân Trung Quốc.

Người giàu Trung Quốc thanh lý xa xỉ phẩm do cần gấp tiền mặt trong bối cảnh kinh tế xấu đi, sản xuất tại Trung Quốc chậm lại bất ngờ và bất động sản ngày càng suy trầm, làn sóng sa thải nhân viên ồ ạt sẽ xảy ra vào nửa cuối năm 2022
Khách hàng Trung Quốc xem túi xách tại một cửa hàng Louis Vuitton ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 10/03/2006. (Ảnh: China Photos / Getty Images)

Sản xuất chậm lại, bất động sản vẫn suy trầm, người lao động thất nghiệp

Theo báo cáo hồi đầu tháng 8 của China Beige Book International (CBBI) - tổ chức cung cấp dữ liệu kinh tế độc lập, kinh tế Trung Quốc trong tháng 7 xấu hơn cả tháng 6. Theo khảo sát mới nhất của CBBI, sản lượng tại các nhà máy và đơn đặt hàng mới ở Trung Quốc đạt mức thấp nhất kể từ giữa năm 2020; việc làm trong lĩnh vực bán lẻ ở mức tồi tệ nhất trong hơn 2 năm trở lại đây. Mức suy giảm trong tăng trưởng doanh thu của các nhà sản xuất và nhà bán lẻ đã làm hạ lợi nhuận.

Dữ liệu do cơ quan thống kê của chính quyền Trung Quốc công bố cho thấy chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) tháng 7 trong ngành sản xuất của Trung Quốc là 49,0, thấp hơn so với mức 50,2 hồi tháng 6.

Vào tháng 7, các biện pháp zero-COVID hà khắc tiếp tục khiến nhiều thành phố bị phong tỏa, bao gồm các trung tâm công nghiệp và trung tâm kinh tế lớn. Hoạt động sản xuất, vốn đã phục hồi đôi chút vào tháng 6 sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ ở một số khu vực, hiện đã sụt giảm trở lại.

Theo Viện Nghiên cứu Chỉ số Bất động sản Trung Quốc, vào tháng 7, giá trung bình của các tòa dân cư mới xây tại 100 thành phố ở Trung Quốc đã giảm so với tháng 6; giá nhà trung bình tiếp tục giảm mạnh.

Doanh số bán bất động sản trong tháng 7 tại 17 thành phố được Viện này theo dõi đã giảm 33,4% so với tháng trước đó.

Người giàu Trung Quốc thanh lý xa xỉ phẩm do cần gấp tiền mặt trong bối cảnh kinh tế xấu đi, sản xuất tại Trung Quốc chậm lại bất ngờ và bất động sản ngày càng suy trầm, làn sóng sa thải nhân viên ồ ạt sẽ xảy ra vào nửa cuối năm 2022
Các tòa nhà Evergrande đang được xây dựng ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 18/07/2022. (Ảnh: JADE GAO / AFP qua Getty Images)

Trong khi đó, theo Caixin, số lượng việc làm trong lĩnh vực sản xuất tiếp tục giảm. Động thái sa thải nhân viên được cho là biện pháp giúp các doanh nghiệp yếu kém cắt giảm chi phí. “Thái độ thận trọng đối với việc tuyển dụng” trở nên phổ biến tại nhiều ngành nghề.

Nhà phân tích Xia Yifan nói: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ lần lượt đóng cửa, trong khi chính quyền địa phương thờ ơ với điều đó”. Ông nói thêm rằng đối với các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc, việc thực hiện các mệnh lệnh chính trị của Bắc Kinh còn quan trọng hơn việc xử lý các vấn đề trong nền kinh tế hay sinh kế của người dân, chưa kể họ thực sự không có khả năng giải quyết vấn đề.

Gần 11 triệu sinh viên đại học ở Trung Quốc đã tốt nghiệp vào mùa hè - một con số cao kỷ lục. Theo dữ liệu chính thức do chính quyền Trung Quốc công bố, trong tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị từ 16 đến 24 tuổi đã tăng lên 19,3% - cũng là mức cao kỷ lục.

Người giàu Trung Quốc thanh lý xa xỉ phẩm do cần gấp tiền mặt trong bối cảnh kinh tế xấu đi, sản xuất tại Trung Quốc chậm lại bất ngờ và bất động sản ngày càng suy trầm, làn sóng sa thải nhân viên ồ ạt sẽ xảy ra vào nửa cuối năm 2022
Hàng nghìn người đang tìm việc làm đổ xô đến hội chợ việc làm ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc, ngày 25/02/2015. (Ảnh: STR / AFP / Getty Images)

Dữ liệu chính thức cho thấy tăng trưởng kinh tế quý II ở Trung Quốc đã chậm lại 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Bởi vì chính quyền Trung Quốc nổi tiếng là thiếu minh bạch và thường báo cáo những con số sai lệch, thế giới bên ngoài tin rằng kinh tế Trung Quốc thậm chí đã suy thoái.

Chi Anh



BÀI CHỌN LỌC

Người giàu Trung Quốc thanh lý xa xỉ phẩm do cần gấp tiền mặt trong bối cảnh kinh tế xấu đi