Người Mỹ cần nói 'Không' với các sản phẩm sử dụng lao động nô lệ ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu muốn ngăn chặn một cách hiệu quả việc các tập đoàn lớn sử dụng lao động nô lệ ở Trung Quốc, người dân Mỹ cần sẵn sàng mua hàng hóa với giá cao hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Crossroads” của EpochTV, bà Nadine Maenza - Chủ tịch Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế - cho biết: Nếu các công ty, ví dụ như Nike, không thể tiếp tục sử dụng nguồn lao động nô lệ giá rẻ ở Tân Cương, Trung Quốc thì chúng ta sẽ tốn nhiều tiền hơn để mua được một đôi giày Nike.

Những doanh nghiệp đang có hoạt động sản xuất ở Trung Quốc sẽ cần phải thiết lập lại cách thức kinh doanh để trở nên cạnh tranh hơn; nếu không, họ sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các nhà sản xuất khác.

Trung Quốc sẽ không còn cơ hội như họ đang có bây giờ trong việc làm tràn ngập thị trường Mỹ với các sản phẩm được sản xuất bởi lao động cưỡng bức, bà Maenza cho biết thêm.

“Chúng ta nhìn lại [quá khứ] và chúng ta đổ lỗi cho thế hệ trước vì đã để tình trạng nô lệ xảy ra ở Hoa Kỳ. Và sau đó, chúng ta tại đây lại cho phép điều đó xảy ra [ở Trung Quốc], bởi vì chúng ta muốn tiết kiệm vài USD cho một đôi giày, một chiếc túi, hay một bộ quần áo tập thể dục”.

Cách dễ nhất để thay đổi điều này là người dân Mỹ cần nói “Không” với các loại hàng hóa như thế đến từ Trung Quốc. Điều đó thực sự thúc đẩy các công ty chấm dứt tiếp tay cho việc sử dụng lao động nô lệ.

“Tôi nghĩ rằng hầu hết người Mỹ hoàn toàn không biết họ có thể đang sở hữu những món đồ được sản xuất bởi lao động nô lệ. Và nếu họ biết, họ sẽ đưa ra các lựa chọn khác khi mua sắm hàng hóa”, bà Maenza nói thêm.

Do vậy, các phương tiện truyền thông báo chí cần phải đưa tin về sự thật, về những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, nữ Chủ tịch Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế kỳ vọng.

Bà nói thêm, nước Mỹ cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp không thực hành loại hình sản xuất kinh doanh kể trên.

Người Mỹ cần nói Không với các sản phẩm sử dụng lao động nô lệ ở Trung Quốc
Phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ làm việc trong một nhà máy may ở quận Hotan, tỉnh Tân Cương, Trung Quốc, ngày 27/04/2019. (Ảnh: Azamat Imanaliev / Shutterstock)

Vào tháng 12/2021, một đạo luật đã có hiệu lực, qua đó cấm nhập khẩu vào Mỹ các loại hàng hóa được sản xuất bằng việc sử dụng lao động cưỡng bức gồm người Duy Ngô Nhĩ và một số dân tộc thiểu số hoặc thành viên các nhóm bị bức hại khác ở Tân Cương.

“Đây là cách mà chúng tôi nói với các công ty Mỹ: Quý vị không thể sử dụng lao động nô lệ để sản xuất các sản phẩm được bán ở Mỹ. Điều đó đi ngược lại các giá trị của nước Mỹ, đi ngược lại bất kỳ tiêu chuẩn nào về nhân quyền”, bà Maenza cho biết.

Cũng theo bà Maenza, dự luật lưỡng đảng này, còn được gọi là Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ, đưa ra một giả định pháp lý không có bằng chứng ngược lại (rebuttable presumption) rằng mọi sản phẩm sản xuất ở Tân Cương đều được sản xuất bằng lao động cưỡng bức.

Trong trường hợp doanh nghiệp không sử dụng lao động cưỡng bức, doanh nghiệp đó có thể được chính phủ Mỹ chứng nhận và hàng hóa của họ có thể được bán tại Mỹ, bà nói thêm.

Bà Maenza tiết lộ đạo luật này đã bị rất nhiều tập đoàn khổng lồ, bao gồm cả Nike, coi là “một mối đe dọa lớn” nên họ đã chống lại nó.

Người Mỹ cần nói Không với các sản phẩm sử dụng lao động nô lệ ở Trung Quốc
Một người đi ngang qua logo của Nike bên trong một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, ngày 02/06/2021. (Ảnh: Nicolas Asfouri / AFP qua Getty Images)

Trong một tuyên bố, Nike đã phủ nhận về việc họ “vận động hành lang nhằm chống lại Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ hoặc bất kỳ luật về lao động cưỡng bức nào khác được đề xuất”.

Tuyên bố của Nike có đoạn viết: “Mặc dù Nike không trực tiếp cung cấp bông hoặc các nguyên liệu thô khác nhưng việc truy xuất nguồn gốc ở cấp độ nguyên liệu thô là một lĩnh vực mà Nike chú trọng. Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp, hiệp hội ngành hàng, thương hiệu và các bên liên quan khác để thí điểm các phương pháp tiếp cận truy xuất nguồn gốc và lập bản đồ nguồn nguyên liệu; qua đó, chúng tôi có thể đảm bảo rằng nguyên liệu sử dụng trong sản phẩm của chúng tôi được sản xuất một cách có trách nhiệm”.

Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức “có thể không ngăn chặn tất cả các sản phẩm sản xuất bởi lao động cưỡng bức, nhưng nó đã làm rõ ra rằng đó là những gì đang xảy ra ở Trung Quốc”, và thực tế này không còn có thể phủ nhận.

Phòng Thương mại Hoa Kỳ đã phản đối Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ, nữ Chủ tịch Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế lưu ý.

Bà Maenza nói thêm, các doanh nghiệp, bất kể lớn, nhỏ hay vừa, đều kết nối theo nhiều cách khác nhau với Trung Quốc - hoặc có một phần nào đó trong chuỗi cung ứng của họ đến từ Trung Quốc, hoặc có những công việc liên quan đến các doanh nghiệp ở Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp thực sự tỏ ra miễn cưỡng khi phải cắt đứt quan hệ với Trung Quốc.

Bà Maenza và 3 thành viên khác của Ủy ban đã bị chế độ cộng sản Trung Quốc trừng phạt vào tháng 12/2021.

Bà Maenza tin rằng bà và những người khác bị áp đặt trừng phạt là vì họ đã tham gia vạch trần cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người theo đạo Thiên chúa, Pháp Luân Công; đồng thời cũng vì bà Maenza và các Ủy viên khác đã đưa ra một số khuyến nghị khá cứng rắn lên chính phủ Hoa Kỳ và đã được chấp thuận.

Chi Anh

Theo The Epoch Times

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Người Mỹ cần nói 'Không' với các sản phẩm sử dụng lao động nô lệ ở Trung Quốc