Người nghèo Hong Kong kiệt quệ vì thuê nhà - Quý tộc đại lục sở hữu nhà sang

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người nghèo Hong Kong cảm thấy bất lực trước ước mơ sở hữu một căn nhà của riêng họ. Giá nhà cao “cắt cổ” khiến một gia đình Hong Kong phải mất trung bình 20,7 năm để mua được một căn hộ. Họ không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận thuê những căn hộ chia nhỏ với mức giá cũng không hề nhỏ trong khi đợi chờ đến lượt được thuê những căn nhà công. Tuy nhiên, thực tế cho thấy họ đang bị bỏ rơi. Tình trạng tồi tệ bắt đầu từ năm 1997 khi mảnh đất vàng Hong Kong về tay Trung Quốc.

Gia đình 4 người của anh Wong Ng, một nhân viên sân bay 39 tuổi, hiện đang sinh sống trong một không gian chỉ 11m2 tại khu Tai Wo Hau, Hong Kong.

Căn hộ chia nhỏ này chỉ chứa vừa 1 chiếc giường tầng dành cho vợ anh cùng cậu con trai 13 tuổi và cô con gái 3 tuổi, 1 chiếc giường đơn cho anh, và 1 chiếc bàn ăn nhỏ đến nỗi mỗi người trong gia đình phải thay nhau dùng bữa vì không đủ chỗ cho cả nhà.

Xuất thân từ tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, anh Wong đến Hong Kong lần thứ hai cách đây 7 năm và quyết định ở lại vì muốn có “một hệ thống giáo dục tốt hơn” cho các con.

Mỗi tháng, anh phải trả 874 USD tiền thuê căn hộ chia nhỏ, cùng với khoảng 90 USD phí tiện ích.

Đại dịch COVID-19 khiến thu nhập hàng tháng của anh giảm xuống chỉ còn khoảng 1.155 USD. Nếu tình hình này còn tiếp diễn, gia đình anh sẽ buộc phải tìm một căn hộ mới thậm chí còn nhỏ và tồi tàn hơn.

Giá nhà Hong Kong đắt đỏ nhất thế giới

Hẳn là anh Wong luôn mơ ước về việc sở hữu, hoặc được hỗ trợ để sở hữu, một căn hộ riêng. Tuy nhiên, giá bán những căn hộ dù nhỏ ở Hong Kong cũng cao ngất ngưởng khiến cả những người khá giả cũng khó mà mua nổi.

Trong 2 năm qua, tuy nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhưng giá bất động sản (BĐS) Hong Kong vẫn hầu như giữ nguyên. Vào tháng 6/2021, một căn hộ rộng 46m2 được bán với giá trung bình 1,2 triệu USD ở Đảo Hồng Kông, 1 triệu USD ở khu vực Cửu Long, và gần 900 nghìn USD ở Tân Giới, theo dữ liệu từ Phòng Đánh giá và Định giá Hong Kong.

Năm 2020, Hong Kong vẫn là thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới trong năm thứ 11 liên tiếp. Giá trị trung vị của BĐS gấp 20,7 lần giá trị trung vị của thu nhập của hộ gia đình Hong Kong. (Nguồn: Urban Reform Institute and Frontier Centre for Public Policy)
Năm 2020, Hong Kong vẫn là thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới trong năm thứ 11 liên tiếp. Giá trị trung vị của BĐS gấp 20,7 lần giá trị trung vị của thu nhập của hộ gia đình Hong Kong. (Nguồn: Urban Reform Institute and Frontier Centre for Public Policy)

Mức giá cao như vậy nằm ngoài khả năng chi trả của những người như anh Wong. Theo nghiên cứu thường niên về khả năng chi trả nhà ở toàn cầu, một gia đình Hong Kong sẽ phải tiết kiệm trong 20,7 năm để mua được một căn hộ, và Hong Kong là thị trường BĐS đắt đỏ nhất thế giới.

Anh Ken Choi 53 tuổi, làm việc trong lĩnh vực BĐS, đã trả 475 nghìn USD cho căn hộ studio rộng 22m2. Đây là một trong những căn hộ nano được xây dựng trong những năm gần đây dành cho khách hàng không đủ khả năng mua những căn hộ hay ngôi nhà lớn hơn.

Anh Choi cho biết thêm, sau khi kết hôn, anh và vợ đã phải sống cùng mẹ anh trong căn hộ công mà bà được thuê. Hai vợ chồng anh đã tiết kiệm trong hơn 10 năm trước khi đủ tiền để mua căn studio này vào 2 năm trước.

Vợ anh Choi hài lòng với tổ ấm của họ bởi phòng tắm có cửa sổ và nhà bếp có cửa ngăn - những tiện nghi không thể có được ở các căn hộ chia nhỏ.

Những cặp vợ chồng trẻ là hàng xóm của anh Choi thường phải dựa vào sự hỗ trợ tài chính từ bố mẹ mới đủ tiền để mua nhà.

“Thật đáng buồn cho người Hongkong. Tất cả những gì chúng tôi tiết kiệm được chỉ đủ để mua khoảng không gian chật chội như thế này”, anh Choi nói.

Nhà công cho thuê - cung không đủ cầu

Vấn đề nhà ở được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Hong Kong từ khi ông Xia Baolong, Giám đốc Văn phòng phụ trách các vấn đề Hong Kong và Ma Cao, ra chỉ thị yêu cầu loại bỏ nhà ở siêu nhỏ dưới chuẩn tại Hong Kong vào năm 2049.

Như vậy, anh Wong sẽ phải chờ thêm 28 năm nữa nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch. Bởi thế, hy vọng duy nhất của anh ở thời điểm hiện tại là có thể thuê được nhà công.

Tính tới tháng 3/2021, có khoảng 153.300 người như anh Wong đăng ký thuê nhà công với thời gian chờ trung bình là 5,8 năm - gần gấp đôi cam kết của Cơ quan Quản lý Nhà ở Hong Kong là 3 năm. Tuy nhiên, trên thực tế, trường hợp phải chờ lâu nhất đã lên tới 22 năm.

Cụ thể, nhu cầu thuê nhà công ở Hong Kong chủ yếu đến từ hai nhóm người. Nhóm thứ nhất là những gia đình có người đến từ đại lục và nhóm thứ hai là các cặp đôi sắp kết hôn.

Theo điều khoản của giấy phép một chiều (one-way permit), mỗi ngày Hong Kong được phép tiếp nhận tối đa 150 người đại lục đến để đoàn tụ với các thành viên trong gia đình.

Năm 2018 Hong Kong đã tiếp nhận 42.300 người theo diện giấy phép một chiều, con số này giảm xuống còn 39.060 vào năm 2019 và 10.134 trong năm 2020.

Chow Mei-chi, một nhân viên xã hội, cho biết người từ đại lục đến hầu hết là vợ của những người đàn ông Hong Kong có thu nhập thấp và làm các công việc lao động chân tay như xây dựng.

Thường mất từ 6 - 7 năm để những người này có được giấy phép một chiều và họ không được phép làm việc chính thức tại Hong Kong trong thời gian chờ đợi. Điều này có nghĩa là những người phụ nữ này phải sống dựa vào chồng của họ. Chow nói: “Đó là lý do tại sao hầu hết những gia đình này phải ở trong những căn hộ chia nhỏ” và chờ được thuê nhà công.

Những người phản đối giấy phép một chiều đã kêu gọi giảm hạn ngạch hàng ngày với lý do áp lực ngày càng gia tăng lên các nguồn lực công cộng của thành phố, bao gồm cả nhà ở.

Nhưng những người khác lại bảo vệ giấy phép một chiều, cho rằng đoàn tụ gia đình là điều đúng đắn khi mà theo số liệu của giới chức trách Hong Kong, tỉ lệ hôn nhân giữa lục địa và đặc khu đang gia tăng.

Nhân viên xã hội Chow cho hay, những người đại lục có giấy phép có thể đảm nhận những việc như rửa bát, công việc mà người Hong kong có học thức cao không muốn làm.

Nhóm thứ hai có nhu cầu thuê nhà công là những cặp đôi sắp kết hôn. Theo một dự báo của chính quyền Hong Kong, từ năm 2021 đến năm 2030, số hộ gia đình trong thành phố sẽ tăng 205.200 hộ, và hôn nhân là lý do chính khiến các hộ gia đình mới được hình thành.

Trong một thập kỷ qua, số lượng các cuộc hôn nhân ở Hong Kong đã giảm nhẹ, từ khoảng 51.600 năm 2010 xuống dưới 50.000 vào năm 2018.

Năm 2020, do các quy định về giãn cách xã hội bởi Covid-19, việc tổ chức đám cưới quy mô lớn đã không thể được thực hiện nên chỉ có khoảng 26.800 cặp đôi kết hôn.

Người thu nhập thấp bị bỏ rơi

Công ty vận hành đường sắt của Hong Kong (MTR Corp) đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp nhà ở thương mại và nhà công, vì công ty này được phép phát triển đất phía trên và xung quanh các nhà ga. Doanh thu từ BĐS sẽ bù vào chi phí xây dựng và vận hành đường sắt và nhà ga.

MTR Corp hiện bị cáo buộc chậm trễ trong quy hoạch, thi công, và phát triển các khu nhà ở có diện tích nhỏ.

Vào năm 2014, Bộ trưởng Phát triển Đặc khu Hành chính Hồng Kông khi đó là Paul Chan Mo-po cho biết: MTR Corp đã không khởi động bất kỳ dự án mới nào trong 3 năm. Ông cũng đưa ra cảnh báo rằng chính phủ có thể lấy lại quyền phát triển nếu công ty không đẩy mạnh các dự án. MTR Corp đã gọi thầu cho 3 dự án vào cuối năm đó.

Chính quyền Hong Kong cũng đã yêu cầu MTR triển khai xây dựng các tuyến đường sắt mới thay vì đợi cho đến khi các khu nhà ở quy mô lớn hoàn thành. Điều này sẽ thúc đẩy khách hàng chọn mua những khu nhà mới này.

Tuy vậy, rất nhiều dự án đường sắt hiện đang bị trì hoãn. Theo chuyên gia Lau Chun-kong, sự trì hoãn này cũng ảnh hưởng đến các dự án BĐS thương mại khác, vì các chủ đầu tư chần chừ, chưa muốn bán sớm các căn hộ. Họ muốn đợi đến khi các ga xe lửa mở cửa và bán với giá cao hơn.

Vào hồi tháng 7, các nhà lập pháp đặc khu đã cáo buộc MTR trục lợi quá mức bằng việc chỉ tập trung xây dựng các BĐS sang trọng mà ngay cả những người Hong Kong thuộc tầng lớp trung lưu cũng không thể mua được.

Ví dụ, tại The Pavilia Farm III phía trên ga MTR Tai Wai ở Sha Tin, lô căn hộ cuối cùng đã được bán vào tháng 6 năm nay với giá trung bình gần 40 nghìn USD cho 1m2.

Hình ảnh từ phòng trà tại The Pavilia Farm được cư dân chia sẻ. (Ảnh: New World Development)
Hình ảnh từ phòng trà tại The Pavilia Farm được cư dân chia sẻ. (Ảnh: New World Development)

Các nhà lập pháp lập luận rằng địa điểm ấy nên được sử dụng để xây nhà công hoặc nhà trợ cấp. Một số nhà lập pháp thậm chí còn muốn chính quyền chấm dứt quyền phát triển BĐS của MTR.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Giao thông và Nhà ở Frank Chan Fan lại cho rằng việc xây nhà trợ cấp ở khu vực trên ga MTR Tai Wai sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn tiền cung cấp cho các dự án đường sắt được thực hiện bởi MTR.

Theo đại diện của MTR Corp, chiến lược phát triển đường sắt là do các nhà chức trách định hướng và mô hình “đổi đất lấy hạ tầng” đã được áp dụng hơn 40 năm. Điều này cho phép MTR xây dựng và bảo trì đường sắt với lợi nhuận đến từ BĐS xây trên các quỹ đất được cấp. Sau khi chính phủ cấp quyền phát triển BĐS, công ty sau đó sẽ chịu mọi rủi ro thương mại và những biến động trên thị trường BĐS.

Giới quý tộc từ đại lục làm chủ cuộc chơi

Vậy các nhà phát triển BĐS ở Hong Kong bán những ngôi nhà to lớn và những căn hộ sang trọng cho đối tượng nào? Có một sự thật là chỉ khoảng 52% người Hong Kong có nhà riêng. Trong một thập kỷ qua, giá nhà ở Hong Kong đã tăng hơn 200%. Những người đại lục, chủ yếu là giới quý tộc, quan chức, và người thân của quan chức trong Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đến đặc khu này và lấp đầy bất kỳ khoảng trống BĐS nào mà người dân địa phương để lại.

Theo nghiên cứu “Câu chuyện về hai thành phố: Tác động của việc di cư từ đại lục đối với thị trường nhà ở Hong Kong” của giáo sư Maggie Hu tại trường Kinh doanh thuộc Đại học CUHK, người Trung Quốc đại lục di cư sẵn sàng trả giá cao hơn so với người dân địa phương khi mua tài sản ở Hong Kong.

Giáo sư Hu cho biết, người mua từ đại lục sẵn sàng và khẩn trương hơn trong việc đầu tư vào thị trường nhà ở Hong Kong khi họ nhận thấy lợi nhuận đến từ BĐS trong nước kém hơn, hoặc đồng nội tệ trở nên yếu hơn trong tương lai gần. Đây được gọi là 'hiệu ứng trú ẩn an toàn'.

Đồng thời, người đại lục giàu có thích sống gần với những người họ hàng ở Trung Quốc nên họ chọn Hong Kong thay vì các quốc gia khác. Do sự gần gũi về mặt địa lý này, 2 thế kỷ qua đã chứng kiến nhiều làn sóng nhập cư từ đại lục. Vì khan hiếm nguồn cung đất, thị trường nhà ở Hong Kong đang chịu tác động rất lớn.

Trong 2 tháng đầu năm 2021, số lượng BĐS ở Hong Kong được mua bởi người đại lục đã tăng 40%.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, tính theo giá trị các giao dịch, số tiền đến từ người địa lục chiếm 11,2%, tăng từ 10,5% trong cùng kỳ năm ngoái, theo Midland Realty.

Một nỗ lực gần đây của Bắc Kinh nhằm khởi động việc kết nối quản lý tài sản giữa đại lục và Hong Kong sẽ làm nhu cầu sở hữu nhà ở Hong Kong tăng cao hơn nữa, bởi nó được xem như con dấu chấp thuận của Bắc Kinh về việc đầu tư vào Hong Kong.

Theo một tính toán từ chuyên gia, giá BĐS Hong Kong sẽ tăng thêm 15% trong nửa cuối năm 2021.

Cho đến thời điểm hiện tại, chính quyền của bà Carrie Lam vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu lâu dài nào để giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng nhà ở Hong Kong.

Chi Anh

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.scmp.com/news/hong-kong/society/article/3144514/hong-kongs-housing-crisis-soaring-prices-put-flats-beyond
  2. https://www.scmp.com/news/hong-kong/society/article/3144664/hong-kongs-housing-crisis-mtr-corps-project-delays-and?module=series_carousel&pgtype=article&campaign=Hong_Kong%E2%80%99s_housing_crisis
  3. https://www.ft.com/content/06c8cbb5-ec71-432f-81fe-6cebc6edd9fa



BÀI CHỌN LỌC

Người nghèo Hong Kong kiệt quệ vì thuê nhà - Quý tộc đại lục sở hữu nhà sang