Nguy cơ tứ bề: Kinh tế Trung Quốc đón nhận tin xấu dồn dập

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nền kinh tế Trung Quốc những ngày gần đây đang phải hứng chịu những tin xấu dồn dập đến từ các ngành chứng khoán, bất động sản, sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, nước ngày còn phải gánh chịu hậu quả nặng nề của đợt lũ lịch sử ở Hà Nam. Hầu hết có nguyên nhân từ sự đàn áp, bưng bít của Bắc Kinh. Trung Quốc sẽ phải chống chọi với tình trạng nguy cơ tứ bề này như thế nào? Cách giải quyết của nước này liệu sẽ xì hơi được quả bóng khủng hoảng, hay đơn giản là tạo thêm lớp vỏ bọc cho nó như vẫn làm? 

Chứng khoán công nghệ thiết lập tháng tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008

Theo FT, chỉ số Nasdaq Golden Dragon Trung Quốc (chỉ số theo dõi các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc niêm yết tại New York) đã giảm 22% trong tháng 7/2021, mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ năm 2008. Cổ phiếu của các tập đoàn internet Trung Quốc Tencent và Alibaba đã giảm khoảng 16% và 10% tương ứng.

Sự sụt giảm nghiêm trọng này là do Bắc Kinh vừa tiến hành một cuộc đàn áp quy mô lớn đối với các công ty công nghệ và các doanh nghiệp giáo dục, cũng như cải tổ cách các tập đoàn Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài..

Thị trường chứng khoán giảm mạnh tạo nên tâm lý hoảng loạn trong giới đầu tư. Các nhà hoạch định chính sách đã cố gắng trấn an các nhà đầu tư toàn cầu và trong nước rằng các biện pháp trừng phạt không nhằm mục đích xóa sổ các công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc.

Cuộc đàn áp của Bắc Kinh đã bắt đầu sau khi nền tảng gọi xe Didi Chuxing IPO ở New York vào cuối tháng 6, lý do là vì chính quyền nước này lo ngại thông tin và dữ liệu người dùng có thể rơi vào tay người Mỹ.

Logo của gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc Didi Chuxing được nhìn thấy tại trụ sở chính ở Bắc Kinh vào ngày 2/7/2021. (Jade Gao / AFP qua Getty Images)
Logo của gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc Didi Chuxing được nhìn thấy tại trụ sở chính ở Bắc Kinh vào ngày 2/7/2021. (Jade Gao / AFP qua Getty Images)

Trung Quốc sau đó đã ban hành lệnh cấm đối với ngành công nghiệp gia sư trị giá 100 tỷ USD của nước này, làm dấy lên lo ngại về một cuộc đàn áp rộng lớn hơn đối với các công ty công nghệ muốn niêm yết ở nước ngoài.

Ông Thomas Gatley, một nhà phân tích tại Gavekal Dragonomics,nói: “Thay vì coi lĩnh vực internet là đội tiên phong của quốc gia về đổi mới, các nhà hoạch định chính sách ngày càng coi nó là nguồn gốc của các vấn đề xã hội và rủi ro an ninh”.

Chỉ số CSI 300 của các blue-chip niêm yết tại Thượng Hải và Thâm Quyến đã giảm gần 8% trong tháng 7, mức tồi tệ nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch coronavirus vào đầu năm ngoái.

Ông Tai Hui, Giám đốc chiến lược thị trường châu Á tại JPMorgan Asset Management, cho biết các nhà đầu tư có thể sẽ chuyển nhiều hơn thị trường Trung Quốc của họ từ New York sang Hồng Kông và đại lục, nơi các cổ phiếu bán dẫn, năng lượng mặt trời và công nghệ sinh học đã tăng giá. Những lĩnh vực này là ưu tiên cho chính sách công nghiệp của Bắc Kinh.

Sản xuất suy giảm 15 tháng liên tiếp

Theo Markit Economics, chỉ số PMI sản xuất chung của Caixin Trung Quốc đã giảm xuống 50,3 vào tháng 7 năm 2021 từ mức 51,3 vào tháng 6. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2020, trong bối cảnh biến thể Delta xuất hiện ở Nam Kinh, chi phí vật liệu cao hơn và lũ lụt tàn phá.

Sản lượng sản xuất tăng ở mức thấp nhất trong 16 tháng, trong khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm lần đầu tiên kể từ tháng 5 năm 2020. Vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn tiếp diễn, với thời gian giao hàng trung bình ngày càng tăng.

Trước mắt, tâm lý chung của toàn thị trường đang giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng trở lại đây do những lo ngại trong vấn đề kiểm soát đại dịch và sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang diễn ra.

Tổn thất hàng chục tỷ NDT do lũ lụt

Theo số liệu chính thức, toàn tỉnh Hà Nam đã có hơn 34 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, 72.000 ngôi nhà bị sập, thiệt hại kinh tế lên đến 130 tỷ NDT.

Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp Bảo hiểm Hà Nam, 180.000 yêu cầu bồi thường đã được báo cáo, trong đó bảo hiểm ô tô chiếm gần 95%, và thiệt hại ước tính lên tới 5,2 tỷ NDT. Con số vẫn đang tăng lên. Số lượng yêu cầu bồi thường khổng lồ đã khiến thị trường bảo hiểm ô tô vốn đã ế ẩm càng trở nên tồi tệ hơn. Đánh giá thị trường chung hiện tại, các hãng bảo hiểm PICC P&C, Ping An P&C và CPIC P&C lần lượt chiếm xấp xỉ 30%, 20% và hơn 10% thị phần bảo hiểm ô tô tại Trung Quốc.

lũ lụt trịnh châu
Lũ lụt ở Trịnh Châu, thảm họa kinh hoàng. (Ảnh: Associated Press/ Dazhi Video)

Vỡ nợ bất động sản - quả bom hẹn giờ trong hệ thống tài chính

Công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc Sichuan Languang Development Co. gần đây đã không thể huy động đủ vốn để hoàn trả cho một khoản trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tổng trị giá 900 triệu NDT (139 triệu USD), số tiền này đã bị vỡ nợ.

Mất khả năng trả nợ TPDN của Languang đã đánh dấu vụ việc vỡ nợ đầu tiên trên thị trường tín dụng trong nước của Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đang vật lộn với khối nợ khổng lồ. Nền kinh tế nước này sẽ đối mặt với rủi ro đổ vỡ hệ thống nếu không bơm đủ 4,15 nghìn tỷ NDT (CNY) cho đáo hạn khoản vay trung và dài hạn từ nay đến cuối năm 2021...

Việc một ông lớn bất động sản của Trung Quốc không thể trả nợ trên thị trường tài chính nội địa cho thấy mức độ rủi ro về thanh khoản lớn hơn nhiều so với suy đoán của giới quan sát.

Trên thị trường quốc tế, trái phiếu bất động sản của Trung Quốc bị bán tháo kỷ lục, đẩy lợi suất lên cao. Vỡ nợ trái phiếu BĐS phát hành bằng USD chiếm tới 27% các khoản vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc trong quý 1/2021 (theo Bloomberg). Bloomberg cũng ước tính hồi đầu năm 2021, ít nhất 85 doanh nghiệp BĐS Trung Quốc phải đối mặt với áp lực trả nợ khoảng 65 tỷ USD trong năm 2021 trong khi các ông lớn này đang bị PBOC chặn khả năng tiếp cận với vốn vay trong nước.

Không những vậy, vụ vỡ nợ của ông lớn BĐS này có thể "kích hoạt tình trạng vỡ nợ chéo" trên thị trường TPDN địa phương và nước ngoài của Trung Quốc.

Trong trường hợp những đổ vỡ này khiến cho giá nhà ở quay đầu giảm, thì việc tiếp tục trả nợ gốc và trả lãi của các khoản vay mua nhà hiện tại có thể kéo nền kinh tế Trung Quốc thụt lùi hơn 20 năm.

Mộc Trà



BÀI CHỌN LỌC

Nguy cơ tứ bề: Kinh tế Trung Quốc đón nhận tin xấu dồn dập