Nguyên nhân sâu xa thúc đẩy nền kinh tế đầu tàu của châu Âu rơi vào suy thoái

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đầu tàu kinh tế của châu Âu, chính thức rơi vào suy thoái sau khi số liệu điều chỉnh tăng trưởng GDP quý 1/2023 được công bố, đánh dấu quy mô kinh tế bị thu hẹp quý thứ hai liên tiếp.

Ngày 25/5, Tổng cục thống kê của Đức đã công bố số liệu GDP điều chỉnh (so với quý trước) tại quý 1/2023 là giảm 0,3%; ước tính ban đầu công bố là không tăng trưởng.

Con số sửa đổi này cho thấy nền kinh tế đầu tàu của châu Âu đã chính thức bước vào suy thoái. Một nền kinh tế được xác nhận bước vào suy thoái khi hai quý liên tiếp tăng trưởng bị suy giảm.

Là quốc gia có nền sản xuất phát triển mạnh, kinh tế thực vững chắc, nền kinh tế Đức trở nên suy yếu khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra.

Bên ngoài, 90% nhu cầu năng lượng của Đức phụ thuộc vào Nga đã khiến cuộc khủng hoảng năng lượng và địa chính trị tác động sâu sắc tới giá cả nước này.

Ngoài ra, Đức cũng ngày một phụ thuộc hơn vào kinh tế Trung Quốc khiến quốc gia này khó khăn hơn khi Trung Quốc suy yếu. Số liệu của Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) cho biết, năm 2022, Trung Quốc lần thứ 7 liên tiếp là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức.

Theo Destatis, trong năm 2022, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Đức và Trung Quốc đạt gần 298 tỷ euro, trong đó giá trị hàng hóa Đức nhập khẩu từ Trung Quốc đạt mức kỷ lục mới là 191,1 tỷ euro (tăng 33,6% so với năm 2021), giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 106,8 tỷ euro, tăng 3,1%.

Như vậy, giá trị hàng hóa mà Đức nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng gấp nhiều lần so với giá trị hàng xuất khẩu sang nước này, khiến thâm hụt thương mại của Đức so với Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục 84,3 tỷ euro.

Bên trong, sự chuyển đổi nóng vội sang nền kinh tế xanh của Đức cũng gây ra tốn kém và sự suy yếu từ nhiều năm trước.

Một bài báo mới đăng trên Business Insider năm 2022 đã tóm tắt: “Các ngành công nghiệp của Đức có thể sụp đổ do nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga bị cắt giảm”. Tờ Daily Telegraph đã mô tả Đức là “kẻ ốm yếu của Âu châu”. Mọi thứ đang trở nên tuyệt vọng đến mức người Đức đang phải xem xét cách thức để phân bổ khí đốt cho các ngành công nghiệp chính của họ nhằm duy trì hoạt động.

Làm thế nào mà một trong năm quốc gia giàu có nhất thế giới lại phải đối mặt với khó khăn kinh tế như thế này?

Tác giả Stephen Moore là thành viên cấp cao tại FreedomWorks và là đồng sáng lập của Committee to Unleash Prosperity bình luận rằng "Nguyên nhân đến từ tầm nhìn của bà Merkel về một nước Đức mới", ông viết trong một bài bình luận đăng trên The Epoch Times.

"Bà Merkel là người đã đưa ra quyết định cách đây một thập kỷ để chuyển nước Đức từ nhiên liệu hóa thạch và năng lượng hạt nhân sang “hướng xanh”. Cuộc thập tự chinh năng lượng xanh của bà, được các nhà môi trường coi là hình mẫu cho thế giới, gần như đã làm phá sản nền kinh tế sản xuất của Đức; nỗ lực phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng gió đã hoàn toàn thất bại. (Đáng buồn thay, ông Biden dường như không bao giờ học được gì từ bài học đó).

Quyết định của bà Merkel, đi ngược lại lời khuyên của Tổng thống Donald Trump lúc bấy giờ, là xây dựng đường ống Nord Stream. Khi ông Trump cảnh báo một cách nghiêm khắc vào năm 2018 rằng người Đức sẽ phải hối hận vì họ đang trở nên quá phụ thuộc vào năng lượng của Tổng thống Nga Vladimir Putin, chính phủ của bà Merkel đã công khai chế giễu ông Trump".

Giờ đây, phụ thuộc năng lượng, chi phí tốn kém cho chuyển đổi xanh và các tác động tiêu cực khách quan từ đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, suy yếu của nền kinh tế toàn cầu đã đẩy Đức vào suy thoái.

Quang Nhật tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Nguyên nhân sâu xa thúc đẩy nền kinh tế đầu tàu của châu Âu rơi vào suy thoái