Nhà đầu tư Mỹ và quốc tế có theo chân doanh nghiệp Trung Quốc đến Hong Kong và Thượng Hải?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cạnh tranh Mỹ - Trung leo thang đang gây ra nhiều sức ép lên phố Wall, đến mức mà các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã bắt đầu rút lui về Thượng Hải và Hong Kong để tránh phải giao dữ liệu cho các cơ quan quản lý Mỹ.

Vào đầu năm 2021, Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) đã hủy niêm yết cổ phiếu của China Telecom, China Mobile, và China Unicom theo lệnh hành pháp Mỹ. Lệnh này cấm các đầu tư Mỹ đổ tiền vào các công ty liên kết với quân đội Trung Quốc.

Hiện nay, một số công ty Trung Quốc lại ‘tự nguyện’ rời khỏi Mỹ, hoặc không niêm yết tại Mỹ. Thật ra, những doanh nghiệp này đang phải tuân theo chỉ đạo của Bắc Kinh. Trung Quốc không muốn các nhà quản lý và nhà đầu tư Mỹ tiếp cận được nguồn dữ liệu của các công ty. Về lâu dài, các hoạt động tài chính sẽ chuyển từ New York, London, Tokyo đến Thượng Hải và Hong Kong - nơi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có nhiều quyền kiểm soát hơn.

Quá trình này đang tiến hành thuận lợi. Ông David Loevinger của công ty quản lý tài sản TCW dự đoán rằng, hầu hết các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ sẽ hủy niêm yết và chuyển hướng đến Hong Kong hoặc Thượng Hải vào năm 2024.

Alibaba, JD.com, Baidu, NetEase, và Weibo đã được niêm yết ở Hong Kong.

Ông Loevinger nói với CNBC: “Tôi cho rằng đối với nhiều công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, cuộc chơi về cơ bản đã kết thúc. Đây là vấn đề đã tồn tại 20 năm”.

Vào hồi tháng 6, ứng dụng gọi xe Didi của Trung Quốc đã niêm yết cổ phiếu tại New York và kêu gọi được 4,4 tỷ USD. Tuy nhiên, sau 6 tháng, Didi đã công bố kế hoạch hủy niêm yết và chuyển đến Hong Kong. Giá cổ phiếu của doanh nghiệp này sụt giảm nghiêm trọng. Didi được cho là phải chịu áp lực khổng lồ từ các cơ quan quản lý Trung Quốc. Bắc Kinh lo ngại Washington tiếp cận dữ liệu của Didi, bao gồm cả thông tin cá nhân về khách hàng ở Trung Quốc.

Ông Loevinger nói: “Tôi không nghĩ rằng chính quyền Trung Quốc sẽ cho phép các cơ quan quản lý của Mỹ tiếp cận các tài liệu kiểm toán nội bộ của công ty Trung Quốc. Và nếu các cơ quan quản lý của Mỹ không thể truy cập vào các tài liệu đó, thì họ không thể bảo vệ thị trường Mỹ khỏi các vấn đề gian lận”.

Việc các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển về Trung Quốc sẽ khiến các nhà đầu tư ở Mỹ và ở các quốc gia khác hạn chế rót vốn vào các công ty Trung Quốc. Trong quá khứ, việc ‘bơm máu’ cho doanh nghiệp Trung Quốc đã giúp Trung Quốc mở rộng quyền lực độc tài để trở thành một trong những bá chủ toàn cầu.

Nhưng một số nhà đầu tư Mỹ và quốc tế sẽ vẫn theo chân các công ty Trung Quốc cùng mô hình kinh doanh lừa đảo kiểu ponzi của họ đến Hong Kong và Bắc Kinh.

The New York Times từng phân tích về việc Didi hủy niêm yết ở Mỹ rằng, các nhà đầu tư Mỹ sẽ gặp chút khó khăn khi rót tiền vào các công ty Trung Quốc, và quy trình đầu tư sẽ theo luật của Trung Quốc.

Một khi tiền được rót vào các cổ phiếu niêm yết tại Trung Quốc, ĐCSTQ sẽ dễ dàng kiểm soát chúng hơn thông qua các biện pháp điều tiết vốn, chẳng hạn như yêu cầu tái đầu tư để đảm bảo lợi nhuận không bị chuyển ra ngoài Trung Quốc.

Rủi ro về tính minh bạch đối với các nhà đầu tư ở Trung Quốc sẽ vẫn ở mức cao; vì các công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục không tiết lộ tình hình tài chính của họ. Và thẩm quyền của chính phủ Mỹ, đặc biệt là SEC, sẽ suy yếu bởi vì Bắc Kinh sẽ lại từ chối thực thi các quy tắc.

Khoản vốn bị Trung Quốc chiếm dụng sẽ khiến Mỹ và các đồng minh mất đi nhiều khoản thuế và doanh thu. Trong khi đó, các nhà đầu tư sẽ ngày càng phụ thuộc vào Bắc Kinh - về cả chính trị cũng như kinh tế. Những nhà đầu tư này sau đó sẽ trở thành những bên trung gian hữu hiệu giúp Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng chính trị ở Washington, Brussels, và Tokyo.

Bởi các nhà đầu tư đến từ Mỹ và các nước đồng minh thường chỉ theo đuổi lợi nhuận ở Trung Quốc mà quên đi những tác động đến an ninh quốc gia của họ, câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ và đồng minh có nên củng cố luật pháp để hạn chế đầu tư vào các nước thù địch như Trung Quốc, Nga, Iran, và Bắc Triều Tiên.

Một câu hỏi khác là: Nên làm gì với khoản tiền 2,3 ngàn tỷ USD mà các quỹ hưu trí của các tổ chức và tiểu bang ở Mỹ đã đầu tư vào Trung Quốc. Có thể yêu cầu nhà đầu tư thanh lý các khoản đầu tư này và chuyển hướng đầu tư vào nơi khác không? Liệu Bắc Kinh có biến điều này thành một việc bất khả thi thông qua các biện pháp kiểm soát vốn không? Nếu vậy, các tòa án của Mỹ và đồng minh có thể bù đắp cho các nhà đầu tư bằng cách tấn công tài sản của Trung Quốc ở quốc tế không?

Đây đều là những câu hỏi về chính sách mà Mỹ và đồng minh phải xem xét một cách nghiêm túc. Càng chờ lâu, các khoản đầu tư vào Trung Quốc sẽ càng nhiều hơn; và sẽ đến lúc Trung Quốc trở thành một nơi ‘quá lớn để đổ vỡ’. Đến lúc đó, Mỹ và nền dân chủ trên toàn cầu sẽ thua cuộc.

Quan điểm trong bài viết là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk(Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power (Tập trung quyền lực) - xuất bản năm 2021, và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Quyền lực lớn, chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông) - xuất bản năm 2018.

Đức Duy

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nhà đầu tư Mỹ và quốc tế có theo chân doanh nghiệp Trung Quốc đến Hong Kong và Thượng Hải?