Nhà đầu tư ngoại cắt giảm đầu tư vào Trung Quốc để phòng tránh rủi ro từ cuộc chiến Nga - Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc chiến Nga - Ukraine đang cho thấy sự hình thành của một thế giới bị phân đôi, với Nga và Trung Quốc ở một phe. Rủi ro kinh doanh tại Trung Quốc đang tăng, và để đề phòng, các công ty đang tìm cách giảm mức đầu tư vào Trung Quốc.

Các nhà đầu tư đang rút tiền khỏi Trung Quốc

Các nhà đầu tư toàn cầu có vẻ đang cân nhắc lại việc phân bổ vốn của họ cho Trung Quốc.

Dữ liệu ban đầu cho thấy điều đó - các nhà đầu tư đang nhanh chóng rút tiền ra khỏi Trung Quốc kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng Hai.

Viện Tài chính Quốc tế (IIF) đã lưu ý trong một báo cáo gần đây rằng các nhà đầu tư cắt giảm mức đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc với tốc độ “chưa từng có” trong tháng Hai, ngay cả khi dòng chảy vào các thị trường mới nổi còn lại (ngoại trừ Trung Quốc) vẫn được giữ vững.

IIF cho biết: “Thời điểm của việc rút vốn - xuất hiện sau khi Nga xâm lược Ukraine - cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài có thể đang nhìn nhận Trung Quốc theo một cách mới, mặc dù vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận chính xác nào”.

Hình thế phân đôi của thế giới trong tương lai

Các tổ chức đầu tư luôn xem xét không chỉ những gì đang xảy ra trên thị trường hiện tại mà còn cả tình hình kinh tế toàn cầu trong nhiều năm tới.

Hầu hết các ngân hàng đầu tư ở Phố Wall đã thông báo rằng họ sẽ rút khỏi các hoạt động kinh doanh ở Nga. Các ngân hàng Mỹ bao gồm JPMorgan Chase và Goldman Sachs thông báo rằng họ sẽ ngừng hoạt động kinh doanh tại Nga. Các ngân hàng châu Âu như Deutsche Bank và BNP Paribas cũng đã làm như vậy. Credit Suisse, sau một số do dự ban đầu, đã thông báo rằng họ cũng sẽ rút khỏi Nga. Điều này không phải bắt nguồn từ cơn giận dữ của các cơ quan quản lý Mỹ, vốn đã bắt đầu điều tra xem liệu Credit Suisse có tuân theo các lệnh trừng phạt của Mỹ hay không.

Ngân hàng và đầu tư là các lĩnh vực kinh doanh chủ yếu xoay quanh niềm tin. Không thể đánh mất lòng tin của khách hàng bằng cách đưa ra những quyết định khó hiểu.

Ngoài một số quỹ đầu tư mạo hiểm can đảm đang tìm cách có được các khoản đầu tư ở Nga với giá rẻ - thực tế là họ đang đánh một canh bạc - thì hầu hết các nhà quản lý tài chính đều khôn ngoan đi theo xu thế của đám đông và rút khỏi Nga. Họ sẽ không giành được giải thưởng “ý tưởng của năm”, nhưng hành động đó cũng sẽ không gây nguy hiểm cho công việc của họ.

Sau Nga là tới Trung Quốc.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và sở hữu một thị trường tài chính khổng lồ - mặc dù phần lớn là khá sơ khai - đã được các nhà đầu tư phương Tây mới bỏ tiền vào gần đây.

Bắc Kinh cũng là đồng minh về kinh tế và ý thức hệ thân cận nhất của Nga và đang cố gắng cân bằng một việc rất khó khăn khi từ chối chỉ trích các hành động của Nga nhưng vẫn cố gắng duy trì quan hệ thương mại bình thường với Mỹ và phương Tây.

Hiện tại, việc cân bằng này vẫn đang diễn ra. Nhưng đồng tiền vốn vô cùng thông minh có thể đang đi trước một vài bước. Chúng ta có thể thấy hình thế to lớn của việc chia đôi thế giới đang bắt đầu hình thành, có lẽ không rõ rệt như trong thời Chiến tranh Lạnh nhưng chắc chắn khá quen thuộc.

Điều này có vẻ vẫn còn xa vời trong hiện tại. Nhưng nếu nhóm ủng hộ Nga-Trung tận dụng cơ hội này để tạo ra một trật tự kinh tế thoát khỏi quyền bá chủ của đồng USD — trong khi dò xét một số nước ngoài cuộc như ẢRập Xêút và Ấn Độ — thì liệu Mỹ sẽ đẩy mạnh việc thoát Trung hay không?

Hiện tại không có câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi đó. Nhưng các công ty đầu tư không bao giờ muốn đối mặt với các sự kiện mà không có kế hoạch chuẩn bị trước.

Các công ty giảm đầu tư vào Trung Quốc nhằm tránh rủi ro cho tương lai

Tác giả gần đây đã có một cuộc thảo luận với một giám đốc điều hành cấp cao của một công ty đầu tư ở New York. Công ty của anh ấy vẫn chưa rút khỏi Trung Quốc, nhưng công ty đang nghiêm túc xem xét một số tình huống trong tương lai mà công ty sẽ cần rút khỏi Trung Quốc, và cách thực hiện điều đó với tác động tiêu cực tối thiểu. Trong thời gian hiện tại, công ty sẽ có thể giảm rủi ro bằng cách cắt giảm mức đầu tư vào Trung Quốc.

Việc rút khỏi Trung Quốc có thể tương đối dễ dàng thực hiện hơn đối với các tổ chức tài chính khi mà ngoài vấn đề thanh khoản của tài sản đầu tư, tài sản vật chất duy nhất cần quan tâm là các nhân viên. Đối với một tập đoàn đa quốc gia có tài sản thực, hệ thống sản xuất và hậu cần nằm trong Trung Quốc, việc rút khỏi nước này là một vấn đề khó khăn hơn nhiều. Điều này tạo ra nhiều rủi ro hơn và các công ty như vậy tốt hơn hết là nên đa dạng hóa các khoản đầu tư của họ (chẳng hạn tìm các nguồn cung ứng ở gần thị trường tiêu thụ) để đảm bảo sự linh hoạt.

Bất kể kế hoạch là gì, những kế hoạch như vậy dường như đang được thực hiện.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nhà đầu tư ngoại cắt giảm đầu tư vào Trung Quốc để phòng tránh rủi ro từ cuộc chiến Nga - Ukraine