Môi trường kinh doanh tại Trung Quốc trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng có cái nhìn xấu hơn về môi trường kinh doanh tại Trung Quốc. Người dân Mỹ và phương Tây đã nhận thức rõ hơn về vấn đề dân chủ của Trung Quốc, các cuộc diệt chủng, bức hại, mổ cướp nội tạng, mưu đồ xâm lược Đài Loan… Rủi ro kinh doanh tại Trung Quốc đang tăng cao đáng kể.

Đây là phần đầu của loạt 2 bài viết về môi trường đầu tư kinh doanh của Trung Quốc. Phần 2: Chuyên gia tiết lộ cách thức để phương Tây an toàn khi kinh doanh với Trung Quốc.

Sau 40 năm, dân chủ ở Trung Quốc vẫn không được cải thiện

Các công ty Mỹ đã nối lại đầu tư vào Trung Quốc vào nửa sau của thế kỷ 20 ngay sau khi Tổng thống Richard Nixon mở quan hệ ngoại giao với nước này vào năm 1972.

Trong 40 năm, sau khi Quốc hội Mỹ phê chuẩn tư cách Tối huệ quốc (nay là “thương mại bình thường”) của Trung Quốc mà không bắt nước này phải tuân theo các quy tắc theo yêu cầu, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã hy vọng rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các yếu tố khác của nền kinh tế thị trường sẽ “gieo vào những mầm mống của nền dân chủ".

Nhưng gần hai thế hệ sau khi Mỹ mở rộng cánh cửa và túi tiền của mình cho xuất khẩu và FDI của Trung Quốc, một Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không khoan nhượng vẫn nắm chắc quyền lực của nó đối với người dân thường. Sau 40 năm, dân chủ thực sự không có tiến triển ở Trung Quốc so với thời kỳ Cách mạng Văn hóa.

Giờ đây chúng ta nhận ra rằng Trung Quốc không phải là một thứ dễ uốn nắn mà chúng ta đã nghĩ rằng chúng ta có thể cải tạo thành một nền dân chủ kiểu phương Tây. Và khi chúng ta nhận ra sai lầm ngây thơ của mình, các nhà đầu tư cũng đang không còn đánh giá tích cực về Trung Quốc với tư cách là một đối tác thương mại.

Việc nhận ra sai lầm đó có thể sẽ có tác động tiêu cực đáng kể đến tính toán rủi ro của các nhà đầu tư, tương tự như những tác động của những thay đổi bên trong chính Trung Quốc. Những điều này làm gia tăng lo ngại về khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng đối với hàng hóa có xuất xứ từ đó.

Các quốc gia phương Tây đã nhận ra bộ mặt của Trung Quốc

Các đánh giá đối với Thế vận hội mùa đông của đài NBC năm nay là tệ nhất trong lịch sử. Tại các thị trường truyền thông có ảnh hưởng ở Washington và New York, một nhóm có tên "Nghiên cứu người tiêu dùng" đang chạy một quảng cáo trên TV chỉ trích nhà quản lý quỹ BlackRock, ông Larry Fink, về những khoản đầu tư của ông vào Trung Quốc.

Người Mỹ và người châu Âu đã biết về cuộc cưỡng bức mổ cướp nội tạng khủng khiếp của ĐCSTQ, cuộc diệt chủng của chính quyền này đối với người Duy Ngô Nhĩ và Pháp Luân Công, và các cuộc bức hại người Công giáo La Mã và những người có đức tin khác gần như hàng ngày.

Chúng ta thấy việc chế độ Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan và việc chế độ này nhanh chóng chế tạo nhiều tàu tấn công đổ bộ là những tín hiệu rõ ràng cho thấy ý định xâm lược Trung Hoa Dân Quốc (tên chính thức của Đài Loan), một điều không thể chấp nhận được đối với Mỹ và các quốc gia dân chủ khác cũng giống như cuộc xâm lược Ukraine hiện nay của Nga.

Các vấn đề nội tại của Trung Quốc đang làm xấu đi môi trường đầu tư

Ở Phố Wall, việc Evergrande không trả được nợ cho các nhà đầu tư nước ngoài đã thể hiện rõ việc xây dựng quá mức của ngành bất động sản Trung Quốc, với vẻ ngoài bóng bẩy nhưng thực sự chứa đầy những “thành phố ma” gồm các bất động sản nhà ở mới xây nhưng hoàn toàn không có người ở. Các nhà đầu tư giờ đây thực sự lo sợ về loại bong bóng bất động sản từng thấy ở Nhật Bản vào những năm 1990 và Mỹ vào năm 2008, nhưng có lẽ còn tồi tệ hơn rất nhiều.

Nỗi lo về sự đổ vỡ của những bong bóng đó cũng là dấu hiệu cho thấy nguồn thu của các tỉnh giảm, vì việc bán đất cho các nhà phát triển bất động sản giúp bổ sung ngân quỹ cho chính quyền địa phương.

Nhân khẩu học đang già đi của Trung Quốc, bị trầm trọng hơn bởi chính sách một con được thực thi một cách cứng nhắc và tàn bạo của ĐCSTQ từ năm 1980 đến năm 2016, có thể sẽ gây ra tình trạng thiếu lao động. Và các chương trình hưu trí của Trung Quốc đang trở nên lộn xộn đến mức ĐCSTQ đang thúc đẩy tăng tuổi nghỉ hưu và chuyển từ hệ thống hưu trí cấp tỉnh sang hệ thống hưu trí quốc gia để các chương trình hưu trí cấp tỉnh với nguồn tài trợ dồi dào hơn có thể bù đắp cho những chương trình hưu trí cấp tỉnh yếu kém khác.

Rủi ro đối với chuỗi cung ứng Trung Quốc

Khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng đã trở thành mối quan tâm đáng kể trong thời kỳ đại dịch, khi các rủi ro đối với chuỗi cung ứng của các sản phẩm quan trọng, như dược phẩm và thiết bị bảo vệ cá nhân, lộ ra. Chính sách công nghiệp mạnh mẽ của Trung Quốc nhằm độc quyền sản xuất trong các lĩnh vực đó phần lớn đã thành công trong việc triệt tiêu cạnh tranh nước ngoài.

Tình trạng thiếu hụt trong thời kỳ đại dịch, cũng như sự tắc nghẽn đầy tốn kém của các kênh đào Suez và Panama, đang khiến nhiều công ty phải “suy nghĩ lại” về việc tìm nguồn cung ứng của họ. Ngay cả những người bán Amazon riêng lẻ, những người thực hiện việc bán hàng của họ qua Amazon, cũng có các nguồn cung ứng thay thế bên ngoài Trung Quốc.

Cần đề phòng khi tiến hành kinh doanh với Trung Quốc

Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh về kinh tế và địa chính trị. Nước này đã tuyên bố rõ ràng về hy vọng sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2050. Ngay cả khi điều đó không xảy ra, nước này chắc chắn sẽ tìm cách chấm dứt quyền bá chủ của Mỹ ở tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. ĐCSTQ chắc chắn có ý định nắm quyền kiểm soát Trung Hoa Dân Quốc, vì nó đã nhiều lần khẳng định điều bịa đặt rằng Đài Loan là “một phần của Trung Quốc”.

Những người nước ngoài đặt cược vào việc ĐCSTQ trở thành nhà quản lý các khoản đầu tư theo phong cách phương Tây đã chứng kiến ​​những hy vọng đó bị tiêu tan nhiều lần, từ Alibaba đến Evergrande, đến quỹ tài chính của các thành phố. Rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc — mức độ rủi ro tương đối khi so sánh với các khoản đầu tư thay thế — đã tăng theo cấp số nhân trong vài năm qua.

Hơn nữa, việc Trung Quốc không áp dụng và thực thi các Tiêu chuẩn Báo cáo Tài chính Quốc tế trong lĩnh vực thương mại của mình (tính đến năm 2018, chỉ có 30% công ty Trung Quốc áp dụng điều này) - một điều phổ biến ở các doanh nghiệp phương Tây - làm trầm trọng thêm các rủi ro. Các công ty có thể đang che giấu các khoản nợ xấu, các chủ nợ nước ngoài có thể có các khoản nợ được nắm giữ bởi các ngân hàng zombie (ngân hàng đã mất khả năng thanh toán nhưng được chính phủ trợ giúp để tránh phá sản), hoặc các nhà cung cấp không có khả năng hoặc ý định thực hiện hợp đồng.

Tất cả những điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài có cái nhìn ngày càng xấu về Trung Quốc.

Nhưng những điều này cũng nên khiến các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ, Liên minh châu Âu và các nền dân chủ ở Tây Thái Bình Dương áp dụng các chiến lược phát triển công nghiệp và thương mại để cải thiện rủi ro kinh tế và địa chính trị — cũng như đối xử với những lợi ích tiềm tàng có tính hiếu chiến của Trung Quốc — vốn có trong việc làm kinh doanh với ĐCSTQ.

Phần kế tiếp tác giả sẽ bàn luận về cách thức để phương Tây an toàn khi kinh doanh với Trung Quốc; đọc tại đây.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả J.G. Collins là Giám đốc điều hành của Stuyvesant Square Consultancy - công ty tư vấn chiến lược và khảo sát thị trường tại New York. Các bài viết của ông về kinh tế, thương mại, chính trị và chính sách công được đăng trên Forbes, New York Post, Crain’s New York Business, The Hill, The American Conservative và các ấn phẩm khác.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Môi trường kinh doanh tại Trung Quốc trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài