Nhà sáng lập TSMC: Đã kết thúc quá trình toàn cầu hóa ngành công nghiệp chip

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Morris Chang, người sáng lập gã khổng lồ chất bán dẫn TSMC của Đài Loan, cho rằng quá trình toàn cầu hóa ngành công nghiệp chip đã kết thúc. Theo ông, Đài Loan là mắt xích không thể thiếu trong ngành công nghiệp chip toàn cầu vì đất nước này phát huy được đạo đức làm việc.

Để đảm bảo chuỗi cung ứng hoạt động vững chắc, nhiều nước đang cố gắng đưa các hãng sản xuất chip trở lại quê nhà, từ đó duy trì lợi ích an ninh quốc gia.

Tại một diễn đàn về chất bán dẫn ở Đài Bắc do Tạp chí CommonWealth (có trụ sở tại Đài Loan) tổ chức vào ngày 16/03, ông Chang nói: “Không còn nghi ngờ gì nữa, quá trình toàn cầu hóa đã chết; thương mại tự do chưa hoàn toàn chết, nhưng nó đang tiến tới điểm đó”.

Chi phí sẽ tăng cao

Ông trùm chip 91 tuổi cho biết ông đồng tình với chính sách công nghiệp của Mỹ trong việc làm chậm tiến độ phát triển của ngành bán dẫn tại Trung Quốc. Mỹ đã áp đặt một số lệnh trừng phạt và đưa nhiều công ty Trung Quốc vào danh sách đen. Ngoài ra, ông Chang cho biết: “Trung Quốc đi sau Đài Loan ít nhất 5 - 6 năm về công nghệ sản xuất chip”.

Theo ông, nguyên nhân chính của hiện tượng chip và chất bán dẫn được sử dụng rộng rãi là giá thành của chúng liên tục giảm. Tuy nhiên, với việc nhiều cơ sở sản xuất đang chuyển tới Mỹ, giá thành sẽ tăng lên.

Ông dự đoán giá bán sẽ tăng ít nhất 50% và thậm chí gấp đôi. Do đó, quá trình phổ biến chip sẽ chậm lại hoặc thậm chí chấm dứt; ngành công nghiệp này sẽ bước vào một cuộc cạnh tranh hoàn toàn khác.

Ông Chang chỉ trích việc Washington chuyển dịch các hoạt động sản xuất công nghệ cao sang các nước thân thiết, trong khi lại loại Đài Loan ra khỏi danh sách các nước này.

Tháng 7 năm ngoái, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói rằng sự phụ thuộc về chip của Mỹ vào Đài Loan là không tốt và không an toàn. Bà ủng hộ Đạo luật Chips - một đạo luật tăng cường hoạt động sản xuất chất bán dẫn tại Mỹ.

Đạo đức làm việc

Tại diễn đàn, ông Chang đã giải thích lý do tại sao hoạt động sản xuất chip lại tập trung ở một số quốc gia. Đó là vì mỗi quốc gia đều có tính cạnh tranh trong lĩnh vực họ làm. Ông nói, “ví dụ, Mỹ luôn xuất sắc trong thiết kế vì họ bám sát nhu cầu của thị trường”.

Mặt khác, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc có lợi thế cạnh tranh trong sản xuất. Ông Chang tin rằng chính con người và văn hóa làm việc sẽ tạo ra lợi thế độc nhất trong lĩnh vực sản xuất chip.

Ông đưa ra ví dụ, nếu ở Mỹ, máy móc bị hỏng lúc 1 giờ sáng thì đến sáng hôm sau mới sửa xong. “Nhưng ở Đài Loan, nó sẽ được sửa vào lúc 2 giờ sáng".

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhà sáng lập TSMC: Đã kết thúc quá trình toàn cầu hóa ngành công nghiệp chip