Nhà thầu thi công bị loại khỏi Dự án cao tốc Mai Sơn-QL45 vì 'năng lực tài chính yếu' là ai?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mặc dù vừa bị loại khỏi Dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 bởi Bộ Giao thông vì 'năng lực yếu', không đủ tài chính tập kết nguyên vật liệu và làm chậm tiến độ của cả dự án, nhưng nhà thầu thi công phụ này gây ngạc nhiên khi đã và đang nắm trong tay hàng loạt dự án BĐS lớn nhất của tỉnh Thanh Hoá, đồng thời trúng thầu thi công nhiều dự án BOT giao thông.

Buộc chuyển giao cho nhà thầu có năng lực tài chính mạnh hơn

Theo thông tin trên trang Chính phủ, Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Ban lý dự án (QLDA) Thăng Long chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-QL45.

Trong đó, văn bản nhấn mạnh đến tiến độ triển khai của gói thầu 14-XL, Bộ GTVT cho biết mặc dù Bộ đã có nhiều văn bản đôn đốc, song, tiến độ thi công chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực tài chính của Công ty CP Tập đoàn Miền Trung (nhà thầu phụ thi công phần nền đường đoạn tuyến từ sau nút giao Đông Xuân đến cuối gói thầu) còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc tập kết vật liệu.

Để bảo đảm tiến độ, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Thăng Long khẩn trương hoàn thiện thủ tục điều chuyển khối lượng còn lại của Tập đoàn Miền Trung cho Vinaconex trực tiếp thi công.

Đồng thời, Bộ GTVT yêu cầu Vinaconex tập trung nguồn lực tài chính triển khai thi công cuốn chiếu các lớp móng đường, thảm bê tông nhựa ngay khi có công địa, thi công cuốn chiếu các hạng mục an toàn giao thông, lắp dựng biển báo trên đoạn từ đầu gói thầu đến nút giao Đông Xuân; hoàn thành toàn bộ nút giao Đông Xuân trước ngày 31/3/2023 và hoàn thiện các hạng mục còn lại trước ngày 30/4/2023.

Từng ôm hàng loạt dự án BĐS khủng

Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung (Tập đoàn xây dựng Miền Trung) tiền thân là Công ty Xây dựng giao thông thủy lợi Thanh Hóa (TNHH), được thành lập năm 1994 với chuyên ngành chính là xây dựng giao thông thủy lợi vừa và nhỏ, hiện đăng ký trụ sở chính tại tại 479 Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa.

Theo Vnfinance, Tập đoàn xây dựng miền Trung được biết đến là cơ nghiệp của họ Mai, do ông Mai Xuân Thực sáng lập. Tính đến hết năm 2019, ông Thực đang có tỷ lệ sở hữu 39%. Bà Lê Thanh Hoa nắm 38%. Cổ đông cá nhân khác là Nguyễn Thị Dinh đã thoái vốn.

Tuy vậy, ông Thực đã sớm chuyển giao vị trí chủ tịch HĐQT cho con trai mình, ông Mai Xuân Thông. Ông Thông, sinh năm 1979, hiện đang là phó chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Tỉnh ủy viên Thanh Hóa khóa 19 (nhiệm kỳ 2020 – 2025). Đây cũng là nhiệm kỳ Tỉnh ủy viên Thanh Hóa thứ hai liên tiếp của ông.

Đây là tập đoàn kinh tế không chỉ tập trung vào xây dựng cầu đường, mà còn có trong tay rất nhiều dự án BĐS lớn, chủ yếu tại tỉnh Thanh Hoá.

Theo báo Đại đoàn kết, có thể kể đến, Dự án đầu tư có sử dụng đất Khu dân cư phía Tây đường CSEDP thuộc khu dân cư Tây Nam đường Nguyễn Phục, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa (diện tích khoảng 18,8 ha); Dự án khu đô thị mới dọc Đại lộ Nam sông Mã, tại phường Đông Hải, TP Thanh Hóa (quy mô 48 ha), Dự án Khu dân cư phía Tây đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Quảng Thắng (diện tích quy hoạch khoảng 30 ha)... Hầu hết các dự án này đều được chỉ định thầu bởi chính quyền địa phương, có liên doanh với các nhà thầu lớn khác.

UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ định Tập đoàn Miền Trung (đại diện liên danh Tập đoàn Miền Trung và Công ty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng số 18) thực hiện Dự án Khu dân cư đường CSEDP tại phường Đông Vệ và phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa với tổng chi phí gần 220 tỷ đồng (bao gồm chi phí GPMB, tại định số 4554/QĐ-UBND ngày 15/11/2018. Theo quy hoạch chi tiết, các chức năng chính trong khu vực quy hoạch gồm: nhà ở chia lô đấu giá khai thác quỹ đất; đất cây xanh, nhà văn hóa; đất giao thông, đầu mối hạ tầng kỹ thuật. Trong đó khu đất ở được chia thành 110 lô đất.

Theo thông tin từ trang Đại đoàn kết, Công ty CP Xây dựng tập đoàn Miền Trung được UBND tỉnh Thanh Hoá chỉ định thầu cho dự án CSEDP cùng với một nhà đầu khác vào năm 2017.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Miền Trung còn là cái tên tham gia đầu tư Dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn theo hình thức BOT, với quy mô 4.111 tỷ đồng (liên danh cùng Tổng Công ty 319 và CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi); dự án BT Thái miếu nhà Hậu Lê, có quy mô đầu tư khoảng 300 tỷ đồng tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa…

Theo Vnfinance, với tổng tài sản đến năm 2020 đạt 4.727 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 2.690 tỷ đồng (vốn điều lệ là 2.689 tỷ đồng) thì Tập đoàn xây dựng miền Trung có thể được xem là một doanh nghiệp có sức ảnh hưởng lớn tại Thanh Hóa. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này những năm gần đây không mấy khởi sắc. Hiện nay, quy mô tài sản của Tập đoàn xây dựng miền Trung đang bị giảm dần đều.

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Nhà thầu thi công bị loại khỏi Dự án cao tốc Mai Sơn-QL45 vì 'năng lực tài chính yếu' là ai?