Nhật Bản là nền kinh tế lớn duy nhất duy trì lãi suất âm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định giữ lãi suất của mình ở mức dưới 0. Nhật Bản là nền kinh tế lớn duy nhất làm như vậy trong khi các Ngân hàng Trung ương chủ chốt khác tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.

Kể từ năm 2016, BoJ đã duy trì lãi suất chính ở mức âm 0,1%. Vào ngày 28/10, Hội đồng Chính sách của BoJ đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách ngắn hạn, ở mức -0,1%, theo một tuyên bố từ ngân hàng. Ngoài ra, BoJ cam kết giữ lợi tức trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ở mức 0% bằng cách mua “số lượng cần thiết” trái phiếu như vậy mà không đặt ra giới hạn trần.

“Ngân hàng sẽ đề nghị mua trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm với mức [lợi tức] 0,25% mỗi ngày làm việc thông qua các hoạt động mua theo lợi tức cố định, trừ khi có khả năng cao là không có hồ sơ giao dịch nào được nộp”, BoJ cho biết.

Quyết định của BoJ được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Fumio Kishida thông báo rằng chính phủ có kế hoạch giải ngân 29 nghìn tỷ JPY (yên Nhật) (200 tỷ USD) cho chi tiêu mới.

Động thái của BoJ để giữ lãi suất thấp hoàn toàn trái ngược với các Ngân hàng Trung ương lớn khác trên thế giới đang nỗ lực hết sức mình để tăng lãi suất. Chỉ một ngày trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã công bố một đợt tăng lãi suất lớn nữa, thêm 75 điểm cơ bản.

Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất chuẩn từ mức gần như bằng 0 vào đầu năm lên khoảng 3,0–3,25%, đây là mức cao nhất kể từ năm 2008.

Sự khác biệt giữa Nhật Bản và Mỹ, cũng như khu vực đồng EUR, là trong khi tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản là thấp, hai khu vực còn lại đang trải qua thời kỳ áp lực lạm phát cao.

Theo Bloomberg, Kyohei Morita, nhà kinh tế trưởng khu vực Nhật Bản tại Nomura Securities, cho biết: “Khả năng BoJ xoay hướng theo hướng thắt chặt vẫn còn nhỏ, vì lạm phát của Nhật Bản hoàn toàn không diễn ra trên diện rộng và chỉ đang tăng khoảng một phần ba so với tốc độ đã thấy ở châu Âu và Mỹ”.

Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda đã không để tâm tới quan điểm cho rằng chính sách lãi suất của BoJ là nguyên nhân của việc suy yếu mạnh của đồng JPY. Động thái mới của BoJ củng cố thêm các dự đoán rằng BoJ sẽ không sử dụng việc tăng lãi suất như là một công cụ để làm chậm đà suy giảm của đồng JPY.

"Ông ấy vẫn kiên trì với lập trường chính sách hiện tại của BoJ", ông Alvin Tan, người đứng đầu bộ phận chiến lược FX Asia tại RBC Capital Markets nói. "Nó phát đi thông điệp cho thế giới rằng ông ấy sẽ không thay đổi cách thức trong thời gian sắp tới".

Chính sách siêu nới lỏng của BoJ được cho là góp phần tạo nên sự suy yếu mạnh mẽ của đồng JPY và làm gia tăng giá nhập khẩu nguyên liệu và nhiên liệu vốn đã đắt đỏ, thúc đẩy chính quyền phải can thiệp vào thị trường để củng cố đồng tiền.

Lạm phát của Nhật Bản

Nhật Bản là nền kinh tế lớn duy nhất duy trì lãi suất âm
Người dân đi bộ tại một con phố mua sắm trong một khu vực đông khách du lịch của Kyoto, Nhật Bản, vào ngày 11/10/2022. (Ảnh: FRED MERY / AFP qua Getty Images)

Trong khi tỷ lệ lạm phát ở khu vực đồng EUR đã tăng từ 4,1 lên 9,9% trong khoảng thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 09/2022, và tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đã tăng từ 6,2 lên 8,2% trong giai đoạn này, tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản phần lớn vẫn ở mức thấp hơn, tăng từ 0,1% đến 3,4% (tính đến tháng 9).

Tại một cuộc họp báo, Thống đốc Kuroda nói rằng cơ quan này hy vọng tiền lương sẽ "dần dần tăng lên" khi nó phản ánh lạm phát gần đây, theo Reuters. Ngân hàng không kỳ vọng lạm phát sẽ ổn định và bền vững ở mức 2% hàng năm trong năm tài chính tới.

Mặc dù BoJ dự báo lạm phát cho năm tài chính 2022 ở mức 2,9%, nhưng ngân hàng cho rằng nó sẽ giảm xuống 1,6% trong 12 tháng tiếp theo, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát mục tiêu là 2%.

Trong một tuyên bố vào ngày 28/10, BoJ cho biết họ sẽ tiếp tục “nới lỏng tiền tệ định lượng và định tính cùng với kiểm soát đường cong lợi tức”, với mục đích đạt được tỷ lệ lạm phát 2%. Cơ quan này cũng sẽ tiếp tục mở rộng cơ sở tiền tệ (lượng cung tiền) cho đến khi lạm phát duy trì trên mục tiêu một cách ổn định.

“Tại thời điểm hiện tại, trong khi theo dõi chặt chẽ tác động của COVID-19, ngân hàng sẽ hỗ trợ tài chính, chủ yếu là đối với các doanh nghiệp, và duy trì sự ổn định trên thị trường tài chính, và sẽ không ngần ngại thực hiện các biện pháp nới lỏng bổ sung nếu cần thiết; Ngân hàng này cũng kỳ vọng lãi suất chính sách ngắn hạn và dài hạn vẫn duy trì ở mức hiện tại hoặc thấp hơn”, ngân hàng cho biết.

Bảo Nguyên

 

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Nhật Bản là nền kinh tế lớn duy nhất duy trì lãi suất âm