Nhật - Mỹ: Sau hơn nửa thế kỷ, cú bắt tay đầu tiên là để...chống Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo của Mỹ và Nhật Bản đề cập Đài Loan trong một tuyên bố chung kể từ năm 1969. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Mỹ và Nhật Bản sẽ "chống lại" việc ép buộc hoặc vũ lực ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, trong nhận xét thẳng thừng bất thường về Trung Quốc sau hội nghị thượng đỉnh của ông với Joe Biden.

Phát biểu cùng với Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng hôm thứ 16 tháng 4 vừa qua, ông Suga cho biết: "Chúng tôi nhất trí rằng trong khi Nhật Bản và Mỹ vẫn đi đầu trong việc thúc đẩy tầm nhìn thông qua những nỗ lực cụ thể, chúng tôi cũng sẽ hợp tác với các quốc gia và khu vực khác, bao gồm cả ASEAN, Australia và Ấn Độ".

"Chúng tôi cũng đã có các cuộc thảo luận nghiêm túc về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với hòa bình và thịnh vượng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới nói chung. Chúng tôi nhất trí phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như đe dọa những nước khác trong khu vực", ông Suga tuyên bố.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hai nước đã đồng ý hợp tác về các vấn đề an ninh liên quan đến Trung Quốc và Triều Tiêu, nhưng không đề cập đến Đài Loan. Ông Biden cũng thông tin về các thỏa thuận giữa hai nước liên quan đến hợp tác phát triển công nghệ 5G, chuỗi cung ứng chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hệ gene và điện toán lượng tử.

"Thủ tướng Suga và tôi khẳng định sự ủng hộ sâu sắc đối với liên minh Mỹ-Nhật và vì nền an ninh chung của chúng tôi. Chúng tôi cam kết hợp tác để đối mặt với những thách thức từ Trung Quốc và các vấn đề như biển Hoa Đông, Biển Đông cũng như Triều Tiên, để đảm bảo tương lai của một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", Tổng thống Mỹ nói.

Ông Suga cho biết các cuộc đàm phán cũng tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với hiệp ước tương trợ phòng thủ giữa Mỹ và Nhật, bao gồm việc bảo vệ nhóm các đảo không người ở trên biển Hoa Đông. Nhóm đảo này được Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản - nước đang quản lý quần đảo - gọi là Senkaku.

"Tổng thống Biden một lần nữa thể hiện cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ Nhật Bản, bao gồm cả việc áp dụng điều 5 Hiệp ước Hợp tác và An ninh chung Nhật-Mỹ đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư", Thủ tướng Nhật Bản cho biết.

Ông Michael Green, một chuyên gia về Nhật Bản tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết nhận xét của ông Suga về Đài Loan là sự khẳng định chắc chắn nhất từ ​​một nhà lãnh đạo Nhật Bản kể từ khi Mỹ và Nhật Bản chuyển công nhận ngoại giao đối với Trung Quốc từ Đài Bắc sang Bắc Kinh vào những năm 1970.

Theo báo South China Morning Post, đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo của Mỹ và Nhật Bản đề cập Đài Loan trong một tuyên bố chung kể từ năm 1969.

Ông Suga nói: “Chúng tôi đã có được nhiều sự đồng thuận về vấn đề Đài Loan hơn so với các hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật kể từ năm 1969”, ông nói, đề cập đến hội nghị thượng đỉnh Richard Nixon tổ chức với thủ tướng Eisaku Sato.

Tuần này, lực lượng không quân Trung Quốc đã điều 25 máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay giám sát vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, một vụ xâm nhập kỷ lục.

Trung Quốc ngay lập tức chỉ trích tuyên bố chung, nói rằng các bình luận từ Mỹ và Nhật Bản đã "vượt xa phạm vi" quan hệ song phương bình thường.

“Thật mỉa mai rằng nỗ lực gây chia rẽ và xây dựng khối chống lại các nước khác như vậy lại được đưa ra dưới biểu ngữ 'tự do và cởi mở'. Mưu đồ của Mỹ và Nhật Bản đi ngược lại xu thế thời đại và ý chí của người dân trong khu vực”, đại sứ quán Trung Quốc tại Washington DC cho biết trong một tuyên bố.

Tuyên bố này cũng lặp lại rằng Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương là “công việc nội bộ” của Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ “bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia của mình”.

Nhật Bản ngày càng trở nên lo lắng về Đài Loan kể từ khi bất kỳ cuộc xung đột Mỹ-Trung nào về hòn đảo này sẽ kéo theo Tokyo vì hiệp ước phòng thủ chung với Washington.

Một quan chức cấp cao của Mỹ gần đây nói với Financial Times rằng Washington lo ngại rằng Trung Quốc đang mưu đồ xâm lược Đài Loan, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố là một phần lãnh thổ có chủ quyền của họ.

Trong tuyên bố, các nhà lãnh đạo cho biết họ cũng chia sẻ “những quan ngại nghiêm trọng liên quan đến tình hình nhân quyền” ở Hồng Kông, nơi Trung Quốc đã đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ và cả ở tỉnh Tân Cương phía tây bắc nước này.

Nhà Trắng đã thúc đẩy ông Suga lên tiếng ủng hộ Đài Loan trước thềm hội nghị thượng đỉnh nhưng các quan chức Nhật Bản chia rẽ về việc liệu ông có nên đồng ý đề cập đến hòn đảo này trong chuyến thăm Mỹ hay không. Một số người cho rằng tuyên bố gần đây của Tokyo đã gửi một tín hiệu đủ mạnh đến Trung Quốc, trong khi những người khác cho rằng Nhật Bản nên thể hiện một mặt trận thống nhất với Mỹ.

Ông Suga là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Biden kể từ khi ông bước vào Nhà Trắng vào tháng 1 năm nay, nhấn mạnh tầm quan trọng của Mỹ đang đặt mối quan hệ với Nhật Bản như một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của ông để chống lại Trung Quốc.

Trước hội nghị thượng đỉnh, Trung Quốc đã cảnh báo Nhật Bản tránh tham gia vào "cuộc đối đầu" giữa Washington và Bắc Kinh.

Trong một tuyên bố dường như nhắm vào Trung Quốc, ông Suga cho biết ông sẽ thúc đẩy tăng cường khả năng phòng thủ của Tokyo và tăng cường khả năng răn đe từ Mỹ-Nhật.

“Trung Quốc đã tham gia vào một đợt xây dựng quân sự lớn ở sân sau của Nhật Bản - trong khi ngày càng đe dọa lãnh thổ mà Nhật Bản coi là của riêng mình. Tuy nhiên, ngân sách quốc phòng Nhật Bản vẫn ở mức thấp đáng kể, chỉ bằng 1% tổng sản phẩm quốc nội”, bà Jennifer Lind, chuyên gia an ninh châu Á tại Đại học Dartmouth ở New Hampshire cho biết. “Những mối nguy hiểm từ Trung Quốc có nghĩa Nhật Bản đơn giản là phải làm nhiều hơn nữa. Và tuyên bố của Suga cho thấy điều đó sẽ xảy ra”.

Trần Đức

Theo Finance Times



BÀI CHỌN LỌC

Nhật - Mỹ: Sau hơn nửa thế kỷ, cú bắt tay đầu tiên là để...chống Trung Quốc