Nhiệm kỳ 2 của Jerome Powell tại Fed: Xử lý thách thức do chính mình tạo ra ở nhiệm kỳ 1

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 22/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố đề cử ông Jerome Powell cho vị trí Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiệm kỳ tới. Ông Powell sẽ phải đối mặt với thách thức cực lớn là đẩy lùi lạm phát đang ở mức cao kỷ lục tại Mỹ, trong khi chính ông là một trong số những tác nhân góp phần tạo nên lạm phát. Trong cuộc họp báo cùng ngày, ông Powell hứa sẽ sử dụng các công cụ của Fed để xử lý lạm phát. Tuy nhiên, các phân tích trước đó từ chuyên gia cho thấy, rất khó để ông Powell đảo ngược tình thế.

Đánh bại ứng cử viên ủng hộ các chính sách khí hậu, ông Powell sẽ lãnh đạo Fed nhiệm kỳ thứ 2

Trong một thông cáo ngày 22/11, Nhà Trắng đã công bố quyết định của Tổng thống Joe Biden cho vị trí Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiệm kỳ mới, chấm dứt nhiều tuần đồn đoán về việc ai trong 2 ứng cử viên hàng đầu là ông Jerome Powell và bà Lael Brainard sẽ lãnh đạo Fed.

Chủ tịch đương nhiệm Powell đã được ông Biden lựa chọn để phục vụ nhiệm kỳ 4 năm lần thứ 2 tại vị trí lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Mỹ; trong khi bà Brainard, đảng viên Đảng Dân chủ duy nhất trong hội đồng bảy thành viên của Fed, được đề cử để làm phó Chủ tịch.

Bản thông cáo nêu rõ: “Mỹ cần sự lãnh đạo ổn định, độc lập, và hiệu quả tại Cục Dự trữ Liên bang để có thể đạt được các mục tiêu kép là giữ lạm phát ở mức thấp, giữ giá cả ổn định; cũng như tạo ra một thị trường lao động mạnh mẽ mang lại lợi ích rộng rãi cho người lao động, giúp người lao động có công việc tốt hơn và mức lương cao hơn”. Bản thông cáo cho biết thêm, Tổng thống Biden “hoàn toàn tin tưởng vào kinh nghiệm, khả năng phán đoán, và sự chính trực của ông Powell và bà Brainard để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của họ trong việc xây dựng lại nền kinh tế Mỹ tốt đẹp hơn cho các gia đình lao động”.

Ông Powell, một đảng viên Đảng Cộng hòa, đã được cựu Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm Chủ tịch Fed và dẫn dắt ngân hàng trung ương xử lý tình trạng suy thoái kinh tế gây ra bởi đại dịch. Năm ngoái, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã giảm lãi suất xuống gần bằng 0 và thực hiện một chương trình mua tài sản khổng lồ - mua khoảng 120 tỷ USD mỗi tháng các Chứng khoán kho bạc và Chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp.

Đối mặt với lạm phát gia tăng, Fed đã dần loại bỏ việc mua tài sản với tốc độ khoảng 15 tỷ USD mỗi tháng. Trong khi các nhà hoạch định chính sách của Fed cho biết vẫn chưa đến thời điểm tăng lãi suất, thị trường dự đoán rằng Fed sẽ thắt chặt các chính sách vào tháng 6/2022.

Bà Brainard, một tiến sĩ kinh tế học được đào tạo tại Harvard, sẽ tiếp quản vị trí Phó Chủ tịch Fed từ ông Richard Clarida, người sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày 31/1/2022.

FILE PHOTO: Federal Reserve Board Governor Lael Brainard speaks at the John F. Kennedy School of Government at Harvard University in Cambridge, Massachusetts, U.S., March 1, 2017. REUTERS/Brian Snyder
Bà Lael Brainard phát biểu tại Trường Quản trị John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts, ngày 1/3/2017. (Ảnh: Reuters / Brian Snyder)

Bà Brainard được nhiều người đánh giá là ôn hòa hơn trong chính sách tiền tệ và có quan điểm chặt chẽ hơn trong việc quản lý ngân hàng. Bà Brainard cũng ủng hộ Fed tham gia tích cực hơn vào chống biến đổi khí hậu.

Trong một hội nghị nghiên cứu vào tháng 10, bà Brainard cho hay, Fed đang phát triển các kịch bản liên quan đến khí hậu để sử dụng trong các bài kiểm tra sức chịu đựng của hệ thống ngân hàng; Fed cũng tán thành việc các tổ chức tài chính sử dụng hướng dẫn giám sát của Fed để giảm thiểu rủi ro khí hậu.

Khác với bà Brainard, vào hồi tháng 6, ông Powell cho biết, biến đổi khí hậu đặt ra “những thách thức sâu sắc đối với nền kinh tế toàn cầu và chắc chắn là đối với hệ thống tài chính”, nhưng bác bỏ ý kiến ​​rằng Fed nên đảm nhận một vai trò nổi bật trong việc giải quyết vấn đề này.

“Biến đổi khí hậu không phải là điều mà chúng tôi trực tiếp xem xét khi thiết lập chính sách tiền tệ”. “Các ngân hàng trung ương có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một bản phân tích… để lượng hóa các rủi ro. … Nhưng chúng tôi không làm như vậy và chúng tôi cũng không tìm cách để trở thành những nhà hoạch định chính sách về khí hậu” - một vai trò nên được giao cho các vị quan chức khác, ông Powell cho biết thêm.

Trong quá trình Tổng thống Biden cân nhắc các ứng cử viên, một số thượng nghị sĩ cấp tiến thuộc Đảng Dân chủ đã thúc giục Tổng thống không tái đề cử ông Powell do ông ấy không sẵn sàng sử dụng các công cụ của ngân hàng trung ương để chống lại biến đổi khí hậu.

Thách thức lớn nhất của ông Powell: Đẩy lùi lạm phát

Các đề cử của Tổng thống Biden về các vị trí trong Fed sẽ được chuyển đến Thượng viện để xác nhận.

WASHINGTON, DC - NOVEMBER 22: Federal Reserve Board Chair Jerome Powell (R) speaks as President Joe Biden (L) listens during an announcement at the South Court Auditorium of Eisenhower Executive Office Building on November 22, 2021 in Washington, DC. President Biden is nominating Powell to be the Chair of the Board of Governors of the Federal Reserve System for a second term and Lael Brainard, an incumbent member of the Board of Governors, to be the next Vice Chair. (Photo by Alex Wong/Getty Images)
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell (phải) phát biểu khi Tổng thống Joe Biden (trái) lắng nghe trong một thông báo tại Nhà Trắng ở Washington, vào ngày 22/11/2021. (Ảnh: Alex Wong / Getty Images)

Thượng nghị sĩ Mitt Romney (Đảng Cộng hòa, bang Utah) đã viết trên Twitter rằng ông sẽ bỏ phiếu xác nhận ông Powell. Mặc dù ông Romney không đồng ý với một số chính sách trước đây của Fed, nhưng những bình luận gần đây của ông Powell cho thấy tia hy vọng rằng “Fed đã sẵn sàng giải quyết vấn đề gia tăng lạm phát” mà nước Mỹ đang phải đối mặt.

Thượng nghị sĩ Pat Toomey (Đảng Cộng hòa, bang Pennsylvania), thành viên cấp cao của Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, cho biết trong một tuyên bố: “Mặc dù tôi hoàn toàn không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Powell trong việc tiếp tục chính sách tiền tệ khẩn cấp của Fed — được áp dụng rất lâu sau khi tình trạng khẩn cấp về kinh tế đã qua đi — thì những phát biểu gần đây của Chủ tịch Powell khiến tôi tin rằng ông ấy đã nhận ra rủi ro về vấn đề lạm phát cao hơn và diễn biến dai dẳng hơn”.

Kỳ vọng của các Thượng nghị sĩ, cũng là mong mỏi của người Mỹ, chính là áp lực lớn nhất của ông Powell ở thời điểm hiện tại. Tiền trong túi người dân Mỹ hiện đang mất gần 1% giá trị cứ sau mỗi 30 ngày, theo dữ liệu được công bố vào hôm thứ 4 (10/11) của Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10 đã tăng 6,2% so với một năm trước.

Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng vào ngày 22/11, ông Powell phát biểu: “Chúng tôi biết rằng lạm phát cao đang gây thiệt hại cho các gia đình, đặc biệt là những gia đình ít có khả năng ứng phó với các chi phí thiết yếu tăng cao bao gồm thực phẩm, nhà ở, và phương tiện đi lại”. Ông Powell thừa nhận tác động không tương xứng của việc tăng giá lên những người Mỹ có thu nhập thấp.

Trớ trêu thay, ông Powell là một tác nhân góp phần gây ra lạm phát

Trong vai trò quản lý Fed, ông Powell đã để Ngân hàng Trung ương áp dụng một mục tiêu lạm phát linh hoạt hơn. Điều này về cơ bản cho phép Fed tạm thời vượt quá mục tiêu lạm phát 2% để bơm thêm tiền vào nền kinh tế nhằm giúp thị trường lao động phục hồi.

Tuy nhiên, mức độ kích thích tiền tệ chưa từng có - bao gồm khoảng 120 tỷ USD mua tài sản hàng tháng và lãi suất giảm xuống gần 0 - cùng với các biện pháp tài khóa khổng lồ, đã đẩy lạm phát tại Mỹ lên mức chưa từng thấy trong hơn 30 năm.

Tờ Wall Street on Parade đã ví Chủ tịch Jerome Powell với Howie Hubler của Morgan Stanley và Bruno Iksil của JPMorgan. Điều khác là, trong khi Hubler và Iksil đã ‘đánh bạc’ hàng tỷ USD thì ông Powell lại đang chơi canh bạc với hàng nghìn tỷ USD.

Ông Powell tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Fed vào ngày 5/2/2018. Năm ngày trước đó, số chứng khoán nắm giữ trên bảng cân đối kế toán của Fed trị giá 4,2 nghìn tỷ USD. Tính đến thứ Tư tuần trước (17/11), con số đó đã lên mức 8,179 nghìn tỷ USD, bởi ông Powell đã ra quyết định mua vô số Chứng khoán kho bạc và Chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp (MBS). Điều đáng nói là, Fed đã mua các chứng khoán nợ này bằng số tiền không phải do Fed tạo ra. Nói cách khác, người đóng thuế của Mỹ đang phải chịu trách nhiệm cho 98% bảng cân đối kế toán của Fed.

Ông Powell thường nói với các phóng viên rằng Fed chỉ có “quyền cho vay chứ không có quyền chi tiêu”, nhằm xoa dịu nhà phê bình - những người tin rằng ông đang vi phạm Đạo luật Dự trữ Liên bang. Thay vì gắn bó với vai trò của Fed là người cho vay cuối cùng (lender-of-last-resort) đối với hệ thống ngân hàng, Fed được cho là đã trở thành người mua cuối cùng (buyer-of-last-resort) của Phố Wall.

FILE PHOTO: Federal Reserve Chair Jerome Powell testifies during a Senate Banking, Housing and Urban Affairs Committee hearing on the CARES Act, at the Hart Senate Office Building in Washington, DC, U.S., September 28, 2021. Kevin Dietsch/Pool via REUTERS/File Photo
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell làm chứng trong phiên điều trần của Thượng viện tại Tòa nhà Văn phòng Thượng viện Hart ở Washington, ngày 28/9/2021. (Ảnh: Kevin Dietsch / Pool qua Reuters)

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed đã tồn tại được 95 năm cho đến khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 xảy ra. Trong suốt thời gian đó, Fed chưa bao giờ tham gia vào việc mua tài sản độc hại từ Phố Wall. Đạo luật Dự trữ Liên bang đã hạn chế hoạt động của Fed như là người cho vay cuối cùng. Nhưng, theo thông tin của Văn phòng Giải trình Chính phủ về cuộc kiểm toán của Chính phủ Mỹ về Cục Dự trữ Liên bang vào năm 2011, Fed đã “mua” các tài sản độc hại từ Phố Wall trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 như sau:

  • Maiden Lane (16/3/2008): Công cụ sử dụng cho mục đích đặc biệt được tạo ra để mua khoảng 30 tỷ USD tài sản liên quan đến thế chấp của Bear Stearns.
  • Maiden Lane II (10/11/2008): Công cụ sử dụng cho mục đích đặc biệt được tạo ra để mua chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp nhà ở (RMBS) từ danh mục cho vay chứng khoán của các công ty con AIG. Số tiền cao nhất còn tồn đọng là 20 tỷ USD.
  • Maiden Lane III (10/11/2008): Công cụ sử dụng cho mục đích đặc biệt được tạo ra để mua các nghĩa vụ nợ có thế chấp mà Sản phẩm Tài chính AIG đã xếp loại là các giao dịch hoán đổi nợ tín dụng. Số tiền cao nhất còn tồn đọng là 24 tỷ USD.
  • CPFF - Cơ sở tài trợ thương phiếu (7/10/2008 - 1/2/2010): Cung cấp các khoản vay cho một công cụ sử dụng cho mục đích đặc biệt, để tài trợ việc mua các thương phiếu có bảo đảm bằng tài sản và thương phiếu không có bảo đảm từ các tổ chức phát hành đủ điều kiện. Số tiền cao nhất còn tồn đọng là 348 tỷ USD.

Năm 2020, FED đã triển khai nhiều phương tiện cho vay khẩn cấp giống như các phương tiện cho vay mà tổ chức này đã sử dụng trong năm 2008 và các năm sau đó.

Trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008, bảng cân đối kế toán của Fed ở mức 929 tỷ USD vào ngày 26/12/2007. Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, bảng cân đối của Fed đạt đỉnh 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2015. Fed hứa sẽ “bình thường hóa” bảng cân đối kế toán của mình. Nhưng thay vì giảm đáng kể lượng trái phiếu nắm giữ, bảng cân đối kế toán của Fed dưới thời ông Powell đã tăng vọt lên mức 8,7 nghìn tỷ USD (gần gấp đôi năm 2015) vào thứ 4 tuần trước.

Lời hứa của ông Powell về giải quyết lạm phát và việc làm

Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng vào ngày 22/11, ông Powell phát biểu: “Chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ của mình để hỗ trợ nền kinh tế và thị trường lao động, đồng thời ngăn chặn lạm phát cao hơn”.

“Ngày hôm nay, nền kinh tế đang mở rộng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều năm, mang theo cơ hội việc làm tối đa”ông Powell nói.

“Việc làm tối đa” là một điều kiện mà Fed định nghĩa là mức thất nghiệp thấp nhất mà nền kinh tế có thể chịu đựng được trong khi duy trì tỷ lệ lạm phát ổn định. Vì sẽ luôn có một số người chưa có việc và đang đi tìm việc nên tỷ lệ này không bao giờ bằng 0. Vì vậy, các nhà kinh tế thường đặt tỷ lệ này ở mức từ 3 - 5%. Trong khi đó, Giám đốc Fed chi nhánh Atlanta Raphael Bostic gần đây đã định nghĩa “việc làm tối đa” là: Một điều kiện mà “mọi người Mỹ muốn làm việc đều sẽ có một công việc”.

Với số lượng công việc còn trống đang ở gần mức cao nhất trong lịch sử và tỷ lệ nghỉ việc - phản ánh niềm tin của người lao động rằng có thể tìm được một công việc tốt hơn - ở mức cao kỷ lục, một số nhà kinh tế tin rằng đã đến lúc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ lỏng lẻo.

Ông Powell đã lặp đi lặp lại quan điểm rằng sự chênh lệch cung - cầu gây ra bởi đại dịch là nguyên nhân quan trọng đẩy giá hàng hóa lên cao. Ông cho biết: “Sự mở cửa trở lại chưa từng có của nền kinh tế, cùng với những tác động dai dẳng của đại dịch, đã dẫn đến mất cân đối cung - cầu, tắc nghẽn vận chuyển, và bùng nổ lạm phát”.

Ông Powell, cùng với các quan chức Fed khác, từng nhiều lần khẳng định đợt lạm phát hiện tại chỉ là "nhất thời" và sẽ giảm bớt khi nguồn cung được giải quyết êm đẹp. Tuy nhiên, tại một cuộc họp báo vào ngày 3/11, ông Powell lại cho biết rằng ý tưởng về “tạm thời” của Fed đã thay đổi khi áp lực tăng giá tăng đã trở nên dai dẳng hơn những gì họ nghĩ trước đây.

Former Treasury Secretary and current Harvard Professor Larry Summers makes remarks during a discussion on low-income developing countries at the annual IMF and World Bank Spring Meetings, April 13, 2016, in Washington, DC. Finance ministers, bankers and economists gather to discuss monetary strategy amid a slowdown in China's economy, low oil prices and an American economy faring better than the rest of the world. / AFP / Mike Theiler (Photo credit should read MIKE THEILER/AFP via Getty Images)
Cựu Bộ trưởng Tài chính, cũng là Giáo sư Đại học Harvard, Larry Summers đưa ra nhận xét trong cuộc thảo luận về các nước đang phát triển có thu nhập thấp tại Cuộc họp mùa xuân hàng năm của IMF và Ngân hàng Thế giới ở Washington vào ngày 13/4/2016. (Ảnh: Mike Theiler / AFP qua Getty Images)

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers, người đã sớm đưa ra báo động về tình trạng giá cả tăng vọt hiện nay, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN vài tuần trước rằng, chính sách tiền tệ lỏng lẻo là phản tác dụng.

“Chúng ta phải nhận ra vấn đề của mình... Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta đang đẩy nguồn cầu vào nền kinh tế nhanh hơn mức mà nguồn cung có thể phát triển kịp [để đáp ứng], và chúng ta sẽ càng lúc phải đối mặt với lạm phát cho đến khi chúng ta ngừng làm điều đó [ngừng chính sách tiền tệ lỏng lẻo]”.

Ông Summers dự đoán, trừ khi Fed thực hiện một thay đổi đáng kể đối với chính sách hoặc có một "tai nạn" nào đó gây ra một cú sốc lớn cho nền kinh tế, thì "rất khó có khả năng" tỷ lệ lạm phát sẽ giảm trở lại mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương.

Ông Summers cũng đánh giá tốc độ của Fed trong việc loại bỏ dần chương trình mua tài sản là không đủ nhanh.

Chi Anh



BÀI CHỌN LỌC

Nhiệm kỳ 2 của Jerome Powell tại Fed: Xử lý thách thức do chính mình tạo ra ở nhiệm kỳ 1