Nhiều ngân hàng Mỹ có nguy cơ sụp đổ domino vì tiền ảo: Trường hợp phá sản của SVB và Silvergate

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chuyên trang về đầu tư tiền ảo, Coindesk, có nhận định thế này sau vụ sụp đổ của SVB và Silverbank: "Mọi ngân hàng Hoa Kỳ đang phải đối mặt với những áp lực cấu trúc tương tự như những gì đã xảy ra với SBV; các ngân hàng yêu thích tiền điện tử đã được đẩy lên mặt trăng và sau đó rơi xuống đất". Điều đó có nghĩa số ngân hàng đổ vỡ còn đang xếp hàng và hiệu ứng này mới chỉ bắt đầu.

Vụ đóng cửa Ngân hàng thung lũng Silicon (SVB) vào ngày 10/3/2023 vừa qua rúng động thị trường tài chính Phố Wall. Giới phân tích và quan sát tài chính ở Mỹ và khắp toàn cầu đặt câu hỏi: Liệu khoảnh khắc Lehman Brothers đã bắt đầu?

Lehman Brothers sụp đổ vào tháng 10/2008; sau đó là chuỗi đổ vỡ domino bắt đầu. Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ sau đó đã phải liên tục ra quyết định cứu trợ trước sự phẫn nộ của những người nộp thuế Mỹ. Đổ vỡ, giải cứu, mua bán và sáp nhập giúp siêu ngân hàng toàn cầu - những tội đồ tạo ra khủng hoảng - trở nên lớn mạnh hơn, chính xác là những gì xảy ra trong khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 (GFC2008).

Sau 15 năm, liệu SVB có đóng vai trò lịch sử như Lehman Brothers hay không thì còn chưa có câu trả lời. Nhưng sau SVB, nhiều ngân hàng đang xếp hàng để đóng cửa hoặc để được giải cứu; các ngân hàng này đều là những kẻ cuồng nhiệt với tiền kỹ thuật số, còn gọi là tiền mã hoá hay tiền ảo. Tất cả chỉ bởi vì các cơ quan chức năng của Mỹ đã quá chần chừ, quá tắc trách trong việc lắng nghe các chuyên gia tài chính, chuyên gia máy tính, chuyên gia công nghệ toàn cầu nói lên sự thật về tiền ảo. Họ đã lờ đi sự thật và để một lỗ hổng quá lớn trên thị trường tài chính cho các con kền kền đầu cơ và thu lời. Đây là cái giá tất yếu phải trả.

Trước SVB hai hôm, ngân hàng Silvergate tuyên bố đóng cửa

Silvergate là ngân hàng có quy mô nhỏ hơn SVB rất nhiều nhưng lại có chiến lược phát triển tương tự SVB, có cấu trúc tài chính, tài sản hệt như SVB.

Ngân hàng Silvergate tuyên bố đóng cửa và thanh lý vào hôm thứ Tư (ngày 8/3/2023).

Tức là Silvergate cũng ủng hộ hết mình cho các hãng công nghệ tiền kỹ thuật số, nhận tiền gửi lớn từ các tổ chức này, dùng dòng tiền cực kỳ ngắn hạn và rủi ro đó để kinh doanh trên thị trường tài chính và đổ vỡ khi dòng tiền này rút đi.

Khi thị trường tiền kỹ thuất số bùng nổ, tiền gửi tại Silvergate đã tăng từ khoảng 2 tỷ USD vào năm 2020 lên hơn 10 tỷ USD vào năm 2021. Nhưng vào cuối năm 2022, tiền gửi của nó đã giảm xuống còn 6,3 tỷ USD, giảm hơn 50% so với chỉ ba tháng trước đó.

Ở bất kỳ nơi nào mà việc khai thác tiền điện tử phụ thuộc vào các nguồn năng lượng bẩn, chẳng hạn như than, thì các tác động môi trường là tiêu cực rõ rệt, chẳng hạn như gần các mỏ khai thác tiền điện tử chạy bằng than ở Mông Cổ. (Jack Guez/AFP/Getty Images)Ở bất kỳ nơi nào mà việc khai thác tiền điện tử phụ thuộc vào các nguồn năng lượng bẩn, chẳng hạn như than, thì các tác động môi trường là tiêu cực rõ rệt, chẳng hạn như gần các mỏ khai thác tiền điện tử chạy bằng than ở Mông Cổ. (Jack Guez/AFP/Getty Images)
Theo số liệu của Statista năm 2021, có khoảng 4.501 loại tiền ảo đang niêm yết trên khắp các sàn giao dịch toàn cầu. Con số này lớn gấp 3 lần thống kê tổng lượng tiền ảo năm 2018 và gấp 68 lần số tiền ảo năm 2013. Như vậy trong 3 năm qua, khoảng gần 3.000 tiền ảo xuất hiện mới trên sàn giao dịch. (Jack Guez/AFP/Getty Images)

Nhìn chung, cả hai ngân hàng đều gặp phải một thách thức giống nhau: tiền gửi bị rút ồ ạt. Những khách hàng trước đây của họ, dù là sàn giao dịch tiền điện tử hay công ty khởi nghiệp công nghệ, đang phải đối mặt với những thách thức kinh doanh lớn khi thị trường tiền điện tử, vốn hoàn toàn là đầu cơ, sụp đổ khi chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đảo chiều.

Điều này dẫn tới hiện tượng "bank run", tiền gửi tháo chạy khỏi ngân hàng. Những ngân hàng không nắm giữ tiền mặt đủ lúc này hoàn toàn bị thị trường vùi dập.

Khi không thể huy động đủ tiền mặt, cả Silvergate và SVB phải bán những tài sản đầu trước đó với khoản lỗ đáng kể. Silvergate đã thông báo khoản lỗ lên tới 1 tỷ USD khi bán tài sản (chủ yếu là TPCP Hoa Kỳ) trong quý 4/2022. Trong khi SVB thông báo khoản lỗ do bán tài sản (là TPCP Hoa kỳ) là 1,8 tỷ USD.

Ngày hôm qua (10/3), cùng ngày mà SBV bị các cơ quan chức năng cho đóng cửa thì Silvergate cũng phải đóng cửa để phục vụ cho thanh tra của Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang FDIC. Theo giới quan sát, việc thanh tra này không phải để cứu trợ (bail out) mà là để giảm thất thoát tài sản, giảm tổn thất mà FDIC phải chi trả khi ngân hàng này đóng cửa. Số phận của Silvergate đã định đoạt.

Fed tăng lãi suất đã đè bẹp Silvergate và SBV ...

Một cách gián tiếp, việc Fed tăng lãi suất mạnh và kéo dài đã đè bẹp những ngân hàng tăng trưởng nóng nhờ dòng tiền đầu cơ nóng trên thị trường điện tử.

Tiền điện tử (còn gọi là tiền mã hoá) được ca ngợi như một loại tiền tệ của tương lai, được khung khổ pháp lý của Mỹ cho phép xem như một loại tài sản đầu tư.

Các cơ quan quản lý tiền tệ của Mỹ, cho tới nay, vẫn chần chừ trước quyết định có nên siết chặt lại tiền điện tử hay không bất chấp các cáo buộc ngày một tiêu cực về tiền điện tử và thị trường đầu cơ này. Những cáo buộc phổ biến nhất là tiền điện tử phục vụ tội phạm, phá hỏng chính sách tiền tệ của các NHTW, hoàn toàn là thị trường để đầu cơ trong khi công nghệ của nó không xứng đáng biến nó trở thành một đồng tiền thay thế.

Xem thêm:

Lý do công nghệ mã hoá không thể biến tiền điện tử thành đồng tiền có thể giao dịch, thay thế tiền truyền thống hiện có là vì: (i) số giao dịch thanh toán trên mỗi giây kém xa công nghệ truyền thống của visa; (ii) công nghệ thanh toán tiền mã hoá là không thể đảo ngược giao dịch; (iii) cuối cùng, có vố số loại tiền mã hoá có thể tạo ra mỗi ngày nên nó làm sao có thể trở thành thước đo giá trị hàng hoá toàn cầu? Chưa kể, kẻ tạo ra tiền mã hoá nhiều nhất toàn cầu là Trung Quốc. Kẻ đang thao túng và nắm giữ nguồn cung đồng tiền mã hoá nổi tiếng nhất thế giới là Bitcoin cũng là Trung Quốc - đối thủ chiến lược số 1 của Mỹ trong cuộc chiến tiền tệ - thương mại và quân sự, chính trị toàn cầu.

Việc mắt nhắm mắt mở cho một thị trường thuần tuý đầu cơ bùng nổ của Fed, SEC, FDIC... đã "đổ thêm dầu vào lửa" cho cuộc khủng hoảng này.

Các ngân hàng được liên bang bảo hiểm của Mỹ đã vội vã tận dụng các doanh nghiệp mới, các dòng tiền ồ ạt đổ về thị trường này để tăng huy động và cho vay; họ đặt cược - một canh bạc lớn - vào thị trường tiền mã hoá.

Nhưng vì là bản chất đầu cơ, hoàn toàn là đầu cơ, nên thị trường này phụ thuộc vào vốn giá rẻ trên thị trường tài chính. Bởi vậy, hai mô hình tiêu biểu ở trên cho thấy SVB và Silvergate đều tăng bộn tiền năm 2020 và 2021 khi tiền rẻ ngập thị trường, khi người dân có tiền trong túi mà chẳng thể tiêu pha gì nên đổ vào chứng khoán và tiền ảo để đầu cơ, khi tiền rẻ không thể đổ vào sản xuất mà tràn vào các thị trường rủi ro như chứng khoán, tiền ảo, bất động sản ở Mỹ cũng như khắp toàn cầu.

Trò chơi như vậy kết thúc khi lạm phát bùng phát và các ngân hàng trung ương buộc phải đảo chiều chính sách lãi suất. Fed đã buộc phải kiên định tăng lãi suất trong suốt năm 2022 và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2023 như thông điệp mà Chủ tịch Jerome Powell đã tuyên bố gần đây.

Thị trường tiền ảo sụp đổ. Hàng loạt các sàn giao dịch tiền ảo sụp đổ, hàng trăm tỉ USD của các nhà đầu tư trên các sàn giao dịch như FTX biến mất. Thị trường trị giá 3 nghìn tỷ USD mất hơn 70% giá trị, còn dưới 1 nghìn tỷ USD.

Việc đảo chiều tăng lãi suất của Fed còn tạo ra một hiệu ứng khác với NHTM. Nó không chỉ làm tiêu hao dòng tiền gửi của họ mà còn đánh "tan tác" phần tài sản đầu tư của các NHTM này.

Như Wall Street Journal giải thích, việc phát hành trái phiếu kho bạc mới với lợi suất cao hơn đã làm giảm giá trị thị trường của trái phiếu kho bạc cũ vốn có lợi suất thấp hơn.

Hầu hết các ngân hàng Hoa Kỳ nắm giữ một lượng lớn Trái phiếu Kho bạc làm tài sản thế chấp theo yêu cầu của pháp luật, có nghĩa là rủi ro tương tự xảy ra với Silvergate và Ngân hàng Thung lũng Silicon ở một mức độ nào đó cũng áp dụng cho hầu hết các NHTM ở Hoa Kỳ.

Silvergate và SVB phải chịu đứng cú đánh kép từ động thái Fed đảo chiều chính sách tiền tệ: sự sụp đổ của thị trường tiền ảo và khách hàng rút hết tiền đồng thời tài sản dùng tiền gửi để đầu tư thì phải bán vội cắt lỗ.

Các NHTM thường không hoạt động một mình, thị trường nợ là thị trường phức tạp với quyền lợi và trách nhiệm giữa các NHTM đan xen, ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau.

Việc một số NHTM đổ vỡ luôn kéo theo sự đổ vỡ của hàng loạt NHTM khác trong hệ thống, niềm tin người gửi tiền bị sói mòn cũng như rất nhiều hệ luỵ khác.

Dù sao, sự đổ vỡ của SVB và sự tan rã của Silvergate tới đây cũng chỉ là khởi đầu. Khối tài sản phái sinh khổng lồ trong hệ thống các siêu NHTM của Mỹ mới là điều đáng nói; đó mới là nguyên nhân thực sự tạo nên cuộc khủng hoảng tài chính - được dự báo lớn chưa từng có - trong năm 2023.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Nhiều ngân hàng Mỹ có nguy cơ sụp đổ domino vì tiền ảo: Trường hợp phá sản của SVB và Silvergate