Nhìn lại tính ưu việt của bản vị vàng sau việc Nga mua vàng để củng cố đồng rúp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc Nga mua vàng bằng một tỷ giá cố định dựa trên đồng rúp, dù chỉ trong thời gian ngắn, được đánh giá là một nước cờ khôn ngoan, góp phần củng cố giá trị của đồng rúp. Vàng có thể sẽ là một công cụ để các quốc gia thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD. Trong quá khứ, bản vị vàng đã giúp bảo vệ đồng tiền trước lạm phát, đảm bảo việc phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế hay chống lại vòng lặp bùng nổ và suy thoái kinh tế.

Nước cờ khôn ngoan của Nga khi neo đồng rúp vào vàng

Vào giữa tháng 3, Ngân hàng Trung ương Nga đã tạm dừng mua vàng từ các ngân hàng của nước này để các Ngân hàng Thương mại có thể đáp ứng nhu cầu vàng ngày càng tăng từ người dân Nga. Sau đó, hôm thứ 6 (25/03), Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố sẽ mua vàng trở lại từ các Ngân hàng Thương mại với tỷ giá cố định 5000 rúp đổi 1 gram vàng, kéo dài từ 28/03 đến 30/06. Động thái này lúc đó ít được các nhà đầu tư hay nhà quản lý phương Tây để ý đến.

Tuy nhiên sau đó, Moscow thông báo rằng các khách hàng mua dầu, khí đốt và các mặt hàng khác có thể sẽ phải thanh toán bằng đồng rúp. Ngày 31/03, Tổng thống Putin chính thức tuyên bố việc mua khí đốt, một mặt hàng xuất khẩu của Nga rất quan trọng với châu Âu, phải được thanh toán bằng đồng rúp. Ông Putin có vẻ rất cứng rắn với yêu cầu này khi vào ngày 27/04, công ty năng lượng Gazprom của Nga đã dừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria sau khi hai nước từ chối trả tiền khí đốt bằng đồng rúp.

Theo ông Jack Bouroudjian, cựu Chủ tịch Ngân hàng Thương mại ở Chicago và hiện là Chủ tịch của Global Smart Commodity Group, Nga đã đi những nước cờ thông minh. Ngân hàng Trung ương Nga sẽ nhận được vàng mà các bên dùng để mua rúp nhằm thanh toán cho các hàng hóa xuất khẩu của Nga. Nga đã khiến đồng tiền của mình gắn với vàng, trở nên tương đối độc lập với đồng USD. Đang phải hứng chịu các lệnh trừng phạt mạnh mẽ từ phương Tây, Moscow đã tạo ra một lối thoát tài chính cho mình và đồng thời làm tăng dự trữ vàng. Mỹ trước đó đã chặn khả năng tiếp cận nguồn dự trữ USD của Nga, đẩy Nga vào nguy cơ vỡ nợ trái phiếu đồng USD. Nga có thể dùng lượng vàng này để mua USD nhằm thanh toán cho các trái chủ, những người đang nắm giữ các trái phiếu bằng đồng USD của Nga.

Động thái của Nga mang ý nghĩa địa chính trị lớn, củng cố vị thế của nước này. Giáo sư Andrei Korobkov, Giám đốc phụ trách Nga học thuộc khoa quan hệ quốc tế và khoa học chính trị tại Đại học Công lập Middle Tennessee (Mỹ), cho rằng: Nga đã phát đi tín hiệu về việc phá hủy tính độc quyền của phương Tây và sức mạnh của đồng USD.

Sau thông báo mua vàng bằng rúp với tỷ giá cố định, đồng tiền của Nga vào ngày 08/04 đã phục hồi hoàn toàn việc mất giá so với đồng USD. Đồng rúp đã tăng mạnh so với đồng USD. 5000 rúp trị giá khoảng 52 USD vào thứ 6 (25/03) và khoảng 63 USD vào thứ 5 (07/04).

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây từng khiến đồng rúp mất giá theo ngày. Sau khi Moscow neo đồng rúp vào vàng, niềm tin của thị trường đối với đồng rúp tăng lên, đồng rúp không bị bán phá giá trên diện rộng.

Nhưng một khi đồng tiền của quốc gia đang neo vào vàng và hoạt động theo cơ chế của thị trường, ta cần tính đến việc thị trường định giá đồng tiền đó như thế nào. Sự phục hồi của đồng rúp diễn ra mạnh mẽ hơn và sớm hơn dự kiến ​​đã buộc Nga phải từ bỏ mua vàng theo tỷ giá cố định, chuyển sang cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn. Bắt đầu từ ngày 08/04, Ngân hàng Trung ương Nga đã chuyển sang mua vàng từ các Ngân hàng Thương mại với giá đàm phán. Điều này cho phép Nga đặt tỷ giá sao cho phù hợp với các yếu tố tức thời, với tình trạng tín dụng toàn cầu và những bước ngoặt của nền kinh tế thế giới. Tại thời điểm viết bài, đồng rúp đang mạnh hơn so với thời điểm trước chiến tranh Nga - Ukraine, khi được giao dịch ở mức 69 rúp đổi 1 USD.

Hệ thống bản vị vàng cổ điển yêu cầu Ngân hàng Trung ương thực hiện trao đổi mua bán vàng và đồng tiền quốc gia theo hai chiều (khác với biện pháp một chiều - chỉ mua vàng - của Nga) theo một tỷ giá cố định. Mặc dù việc mua vàng với giá cố định hay duy trì một tỷ giá thương lượng giữa vàng và đồng tiền đều không tạo ra cơ chế bản vị vàng cổ điển, nhưng đây là những ví dụ tuyệt vời minh chứng cho hiệu quả đáng ca ngợi của việc làm mạnh đồng tiền bằng vàng.

Vàng sẽ trở thành công cụ để thay thế sự thống trị của đồng USD?

Ngày 29/04, điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin đang thảo luận về ý tưởng hoàn toàn neo đồng rúp vào vàng và các loại hàng hóa khác, qua đó lần đầu tiên sau một thế kỷ liên kết đồng tiền của Nga với vàng hay các kim loại quý khác. Trước đó, một quan chức an ninh quan trọng của Nga đã phát biểu rằng việc neo đồng rúp như vậy sẽ giúp nền tài chính của Nga trở nên độc lập hơn, trong bối cảnh Nga đang hứng chịu liên tiếp các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina, đã phủ nhận việc ý tưởng đó đang được xem xét.

Hiện tại Nga vẫn chưa thực sự thiết lập chế độ bản vị vàng. Tuy nhiên, vàng là công cụ để làm mạnh đồng tiền, là điểm tựa cho xu hướng bài trừ USD đang diễn ra trong các nước ngoài phương Tây. Nếu các nước ngoài phương Tây không còn dùng đồng EUR và USD, các đồng tiền này sẽ mất đi giá trị và tầm quan trọng của chúng. Trong khi đó, các nước phương Tây chỉ chiếm 12% số dân toàn cầu.

Trong cuộc chiến tiền tệ của thế giới, vàng nổi lên như là một phương tiện trao đổi lý tưởng và sẽ ngày càng quan trọng. Lịch sử đã chỉ ra, tất cả các loại tiền giấy cuối cùng rồi sẽ biến mất. Trong khi đó vàng đã được dùng như phương tiện trao đổi trong hàng nghìn năm.

Đồng rúp và đồng nhân dân tệ, một khi được đảm bảo bằng vàng, có thể thách thức vai trò của đồng USD trong giao dịch quốc tế. Trung Quốc đang tỏ rõ mong muốn đưa đồng nhân dân tệ thay thế đồng USD; đặc biệt trong bối cảnh nước này cũng có thể lâm vào vị thế giống với Nga, bị phương Tây trừng phạt và cô lập nếu tiến hành đánh chiếm Đài Loan.

Bản vị vàng sẽ được sử dụng trở lại? Khi được hỏi liệu ý tưởng như vậy có mâu thuẫn với các lý thuyết kinh tế hay không, ông Nikolai Patrushev - thư ký Hội đồng An ninh Nga cho biết, ý tưởng đó không mâu thuẫn với các quy luật kinh tế học, mà chỉ mâu thuẫn với các quy luật trong sách giáo khoa kinh tế của phương Tây.

Chúng ta hãy cùng nhìn lại lịch sử về bản vị vàng và phân tích về những tác động đối với nền kinh tế khi dùng bản vị vàng.

Thế giới đã từ bỏ bản vị vàng theo đề xuất của nhà kinh tế học Keynes

Trong cuốn sách rất nổi tiếng (tại thời điểm ra mắt) có tựa đề "Tract on Monetary Reform" (Chính luận về cải cách tiền tệ), nhà kinh tế học John Maynard Keynes đã thúc giục Mỹ và Anh từ bỏ chế độ bản vị vàng, gọi nó là một “tàn dư man rợ”. Trong những thập kỷ sau khi cuốn sách được xuất bản, các quốc gia trên toàn thế giới đã nghe theo lời khuyên của Keynes và loại bỏ bản vị vàng. Một trong những điều trớ trêu to lớn trong lịch sử là hầu hết mọi lời khuyên của Keynes đều được thế giới áp dụng vào nửa sau của thế kỷ 20 nhưng đã không tạo ra được ổn định, toàn dụng lao động (tình trạng công ăn việc làm đầy đủ) như mong muốn.

Nhìn lại tính ưu việt của bản vị vàng sau việc Nga mua vàng để củng cố đồng rúp
Một người đang điền đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Arlington, Virginia, vào ngày 16/04/2020. (Ảnh: Olivier Douliery / AFP qua Getty Images)

Quan điểm của Keynes về bản vị vàng đã trở thành cơ sở để các chính phủ từ chối quay trở lại bản vị vàng. Keynes, trong phân tích của mình, đã chỉ ra rằng bản vị vàng là một tàn dư man rợ của quá khứ, mang tính phản khoa học và không phù hợp để đáp ứng nhu cầu của thế giới hiện đại. Những lập luận của ông chống lại bản vị vàng đã được nhắc đi nhắc lại.

Tuy nhiên, bản vị vàng trên thực tế lại là một hệ thống ưu việt, ngược lại với những cáo buộc chống lại nó.

Bản vị vàng giúp ngăn ngừa lạm phát

Ông Keynes đã viết trong cuốn sách nêu trên về căn bệnh lạm phát: “Lạm phát phân phối lại của cải…. Hậu quả nổi bật nhất mà nó mang lại là sự bất công đối với những người có thiện chí tiết kiệm bằng tiền thay vì vật chất…. Sự bất công trên quy mô lớn như vậy có các hậu quả khác nữa…. Lạm phát đã… phá hủy niềm tin vốn là điều kiện cho hoạt động tiết kiệm…”.

Người ta có thể cho ​​rằng tác giả của những dòng chữ như vậy rất căm ghét một chế độ tiền tệ đã phá hủy cơ chế giá cả và việc tích lũy của người dân bằng việc khiến giá cả tăng cao. Nhưng đó là một kết luận sai lầm nghiêm trọng. Cả hai trường hợp giá cả tăng vọt ngoài tầm kiểm soát trong lịch sử hiện đại, như là đợt lạm phát đình trệ (nền kinh tế xuất hiện cả lạm phát và sự đình trệ) vào những năm 1970 và sự gia tăng mạnh giá cả ở mức khoảng 10% tại Mỹ hiện nay đều là kết quả của kinh tế học Keynes.

Ưu điểm được thừa nhận rộng rãi nhất của hệ thống bản vị vàng trong quá khứ là tỷ lệ lạm phát trung bình thấp. Tỷ lệ lạm phát trung bình là thấp nhất dưới chế độ bản vị vàng khi so sánh với (i) hệ thống Bretton Woods - với việc neo vào đồng USD và (ii) hệ thống dự trữ USD định danh đầy biến động (hệ thống tiền định danh là hệ thống trong đó đồng tiền không được đảm bảo bằng hàng hóa có giá trị như vàng hay bạc mà được đảm bảo bởi chính quyền phát hành).

Thời đại của chế độ bản vị vàng cổ điển kéo dài từ năm 1880 đến 1914. Lạm phát trong khoảng thời gian này, dù có dao động hàng năm, hầu như bằng không; và kết quả là giá cả đã làm đúng vai trò trong việc báo hiệu mức độ khan hiếm/có sẵn của hàng hóa trên thị trường, qua đó đảm bảo việc phân bổ nguồn lực hợp lý. Điều này đã giúp thu nhập trên đầu người thực tế ở Mỹ tăng hơn 60% trong một thế hệ rưỡi (khoảng 35 năm). Mức lạm phát thấp này không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả trực tiếp của việc cung tiền bị ràng buộc bởi cung vàng. Trong khi Ngân hàng Trung ương có thể dễ dàng tạo ra hàng nghìn USD để tăng cung tiền, nguồn cung vàng lại ít bị thay đổi bởi giá cả, do sự khan hiếm của vàng.

Điều này đảm bảo rằng tác động của việc tăng nguồn cung do giá vàng tăng sẽ không đủ lớn để gây ra những thay đổi trong mặt bằng giá tuyệt đối (giá tuyệt đối là giá của hàng hóa được tính bằng tiền). Ví dụ, năm 2006 là năm chứng kiến ​​giá vàng giao ngay tăng 36%. Đối với bất kỳ loại hàng hóa nào khác, điều này hẳn sẽ làm tăng đáng kể sản lượng khai thác để cung cấp cho thị trường và hạ giá thành. Trong khi đó, trên thực tế, sản lượng khai thác vàng trong năm 2006 là 2.370 tấn, ít hơn 100 tấn so với năm 2005 và sẽ giảm thêm 10 tấn vào năm 2007.

Với việc cung tiền phần lớn không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của giá vàng, sự tăng giá xuất hiện khi cung tiền lớn hơn nhu cầu nắm giữ tiền sẽ không xảy ra. Trong một nền kinh tế không tăng giá do tăng cung tiền, thì giá cả sẽ phụ thuộc vào mức độ khan hiếm hay có sẵn của hàng hóa đó theo nhu cầu của người tiêu dùng. Điều này dẫn đến việc các nhà kinh doanh phải phân bổ nguồn lực phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

Cơ chế bảo vệ nền kinh tế của hệ thống bản vị vàng

Một công cụ tín dụng như tiền giấy được sử dụng như phương tiện trao đổi khi được đảm bảo bằng vàng có những đặc tính nhất định, có thể tạo ra một cơ chế mà theo đó, sự gia tăng cung tiền nhân tạo không được khuyến khích hoặc tác động của nó có thể bị đảo ngược.

Giả sử nếu các Ngân hàng Thương mại tăng nguồn cung công cụ tín dụng, thì sự gia tăng nguồn cung trước tiên sẽ làm tăng số dư tiền mặt của những tổ chức cho vay. Họ sẽ bắt đầu chi tiêu số tiền đó cho các khoản đầu vào khác nhau của sản xuất, do đó làm tăng giá của các đầu vào này. Mức giá tăng này sẽ tạo ra lợi nhuận cao hơn cho người bán các đầu vào đó. Những người này sẽ tăng sản lượng của họ.

Việc những người bán các đầu vào tăng sản lượng sẽ dẫn đến việc họ thuê thêm lao động và tư liệu sản xuất, do đó sẽ gây áp lực gia tăng lạm phát đối với tiền lương và các hàng hóa tiêu dùng khác. Giá đầu vào tăng được chuyển hóa thành giá hàng hóa tiêu dùng cao hơn.

Do giá cả tăng như vậy, hàng hóa của các nền kinh tế khác sẽ có được lợi thế cạnh tranh so với hàng hóa trong nước, dẫn đến tăng nhu cầu đối với vàng để giao dịch với các nước khác. Các công cụ tín dụng được phát hành quá mức sẽ quay trở lại ngân hàng khi người dân có nhu cầu quy đổi chúng ra vàng. Các ngân hàng này sẽ lâm vào tình trạng nguy hiểm khi vàng bị rút ra hàng loạt và vỡ nợ. Hậu quả vỡ nợ theo thời gian sẽ loại bỏ tận gốc các ngân hàng có thói quen phát hành quá mức các công cụ tín dụng. Việc phát hành quá mức các công cụ tín dụng vốn là nguồn gốc của một sự bùng nổ kinh tế nhân tạo không bền vững, cuối cùng sẽ sụp đổ và dẫn đến suy thoái kinh tế.

Các Ngân hàng Trung ương cũng gặp các hạn chế tương tự. Trong trường hợp một Ngân hàng Trung ương muốn giảm lãi suất cho vay dự trữ vàng đối với các Ngân hàng Thương mại, tức là Ngân hàng Trung ương muốn thực thi một chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm tạo ra bùng nổ kinh tế, thì họ không thể làm như vậy mà không làm cạn kiệt dự trữ vàng của họ.

Khi ấy, dòng vốn sẽ chảy ra khỏi đất nước bỏi các nhà đầu tư sẽ tìm cách đầu tư vào các quốc gia có lãi suất cao hơn, cũng có nghĩa là nhu cầu dùng vàng để đổi lấy ngoại tệ của các nhà đầu tư sẽ tăng lên. Lượng vàng dự trữ chảy ra khỏi nền kinh tế sẽ làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế, dẫn đến việc tăng lãi suất. Do vậy, điều này không chỉ có nghĩa là chính sách tiền tệ sẽ không đạt được hiệu quả mà còn dẫn đến việc các Ngân hàng Trung ương thất thoát vàng dự trữ. Kết quả, Ngân hàng Trung ương sẽ không dám thi hành chính sách tiền tệ nới lỏng mà có thể dẫn đến phá hủy nền kinh tế.

Hậu quả đáng buồn khi các chính quyền rời xa bản vị vàng

Một trong những ưu điểm lớn nhất của hệ thống bản vị vàng nằm ở việc nó có thể hạn chế thao túng của chính quyền. Điều này có thể thấy được rõ ràng nhất khi chúng ta xem xét lại thời kì các quốc gia lần lượt từ bỏ chế độ bản vị vàng để chuẩn bị cho Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Nhằm tích trữ vũ khí và đạn dược, các quốc gia đã phải tăng chi tiêu quốc phòng - điều không thể diễn ra trong một hệ thống đề cao quyền tự do cá nhân. Khi chiến tranh kết thúc, đã có một số nỗ lực quay trở lại chế độ bản vị vàng; nhưng vì không dựa trên cơ chế thị trường của tỷ giá vàng - tiền tệ nên nó đã không thể khôi phục sự ổn định giá cả và sự thịnh vượng kinh tế của chế độ bản vị vàng cổ điển. Mỗi quốc gia tham gia cuộc chiến đã chi một lượng tiền khổng lồ và khiến đồng tiền bị lạm phát nặng nề, do đó các điều kiện kinh tế đã làm thay đổi tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền quốc gia. Tỷ giá vàng đáng lẽ cũng phải được điều chỉnh. Nếu năm 1914 được lấy làm cơ sở (= 100), thì giá bán buôn trong nền kinh tế vào tháng 12/1918 như sau: US 202, France 355, UK 246.

Sau chiến tranh năm 1918, Mỹ ngay lập tức tuyên bố sẽ duy trì giá vàng tính theo USD ở mức trước chiến tranh. Có nghĩa là, nước này sẵn sàng xuất khẩu vàng ở mức 20,67 USD/ounce. Điều này tạo ra một nguy cơ về tiền tệ cho nước Anh. Nếu không thể khôi phục tỷ giá vàng và đồng bảng Anh như ở mức trước chiến tranh, niềm tin vào đồng bảng Anh sẽ suy giảm.

Do đó, Anh đã áp dụng chính sách giảm phát và khôi phục giá trị của đồng bảng Anh so với vàng về mức trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất, điều này cuối cùng dẫn tới thảm họa đối với nền kinh tế Anh và các nền kinh tế khác có liên quan. Việc hạ thấp giá trị đồng bảng Anh cùng với việc tăng nguồn cung tiền trong thời kỳ chiến tranh đã làm sai lệch toàn bộ cơ cấu giá, thứ có vai trò định hướng cho các doanh nhân. Hành động của chính quyền Anh giống với việc dùng tín hiệu điều phối giao thông của ngày hôm qua để xử lý tình huống tắc nghẽn giao thông của ngày hôm nay.

Mỹ có thể vượt qua thời kỳ giảm phát nhân tạo (do chính quyền tạo ra) nhờ vào lượng vàng dự trữ khổng lồ được tăng thêm trong chiến tranh và các khoản nợ chồng chất mà các quốc gia khác nợ Mỹ. Điều này cho phép Mỹ theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, tạo ra một đợt bùng nổ kinh tế tạm thời, điều mà cuối cùng đã dẫn tới một sự đổ vỡ có thể đoán trước. Cơ chế này đã được tác giả Rothbard giải thích một cách thỏa đáng nhất trong tác phẩm nổi tiếng của ông mang tên "America’s Great Depression" (Đại suy thoái nước Mỹ). Nếu các đồng tiền được neo giữ với nguyên tắc một lượng vàng cố định đổi một đơn vị tiền tệ, thì tình hình hẳn đã khác.

Nhìn lại tính ưu việt của bản vị vàng sau việc Nga mua vàng để củng cố đồng rúp
Các thỏi vàng, mỗi thỏi nặng 28 pound, được trưng bày tại Cục Khắc và In ở Washington, D.C. (Ảnh: Paul J. Richards / AFP / Getty Images)

Ông Keynes mong muốn xây dựng hệ thống kinh tế mà bàn tay hữu hình của các nhà hoạch định chính sách sẽ thay thế bàn tay vô hình của thị trường. Qua đó, sự gia tăng chi tiêu của chính phủ sẽ làm gia tăng tổng cầu trong nền kinh tế theo cơ chế cấp số nhân, mang lại toàn dụng hoặc gần toàn dụng lao động. Nền tảng của hệ thống kinh tế của Keynes dựa trên giả định là một quốc gia là độc lập về tiền tệ và tài khóa, và quốc gia này không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các chính sách của các nền kinh tế khác; và những điều này không thể có được dưới chế độ bản vị vàng. Do đó, muốn đạt được lý tưởng của mình, ông Keynes cần trước tiên phủ định chế độ bản vị vàng như ông ấy đã làm.

Nhưng giờ đây dựa trên những bằng chứng và phân tích có giá trị, rõ ràng là Keynes đã sai về mức độ ổn định của đồng tiền và hệ thống bản vị vàng. Chế độ bản vị vàng cổ điển được chứng tỏ là ưu việt hơn trên mọi phương diện và việc quay trở lại bản vị vàng sẽ là giải pháp cho các căn bệnh kinh tế như lạm phát, việc phân bổ nguồn lực không hợp lý và các chu kỳ bùng nổ và đổ vỡ xảy ra không ngừng. Điều này đặt ra nhu cầu đánh giá lại toàn bộ nền tảng của hệ thống tiền định danh cùng với hệ thống tư tưởng Keynes.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Nhìn lại tính ưu việt của bản vị vàng sau việc Nga mua vàng để củng cố đồng rúp