Nợ xấu và trái phiếu doanh nghiệp: Các hố đen hút tiền mạnh nhất của nền kinh tế (Kỳ 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một chủ doanh nghiệp nhỏ than phiền không thể vay vốn với tài sản đảm bảo tốt ở tại một ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước lớn với lý do ngân hàng này hết 'room' tín dụng. Một cá nhân cho biết họ không thể vay tiền từ NHTM dù tài sản đảm bảo là chính sổ tiết kiệm của họ tại ngân hàng đó... Căng thẳng thanh khoản ngày một rõ nét. Tiền đang bị hút vào hố đen: Nợ xấu và Trái phiếu doanh nghiệp.

Tình trạng mà người dân, doanh nghiệp không thể tiếp cận tín dụng từ hệ thống ngân hàng được gọi là căng thẳng tín dụng, thuật ngữ tiếng anh là Credit Crunch; một số nơi gọi là khủng hoảng tín dụng.

Khủng hoảng (hoặc căng thẳng) tín dụng là sự giảm sút đột ngột về mức độ sẵn có của các khoản cho vay hoặc thắt chặt đột ngột các điều kiện cần thiết để có được khoản vay từ các ngân hàng. Khủng hoảng tín dụng thường liên quan đến việc giảm khả năng cung cấp tín dụng độc lập với việc tăng lãi suất chính thức.

Với tình trạng hiện tại của hệ thống NHTM, như mô tả ở trên, chúng ta thực đã bước chân vào "căng thẳng tín dụng"!

Xem thêm: Nghịch lý: Lãi suất cho vay chỉ giảm 'lấy lệ' khi SBV bơm tiền ra nhưng tăng vọt khi 'có biến' (Kỳ 1)

Các chuyên gia cũng đều đồng loạt khẳng định tình trạng 'suy kiệt thanh khoản'. Trả lời phỏng vấn trên trang Dân Việt trong một bài báo đăng ngày 14/11/2022, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, thành viên Hội đồng Cố vấn của Thủ tướng, nhận định rằng cả nền kinh tế đang rơi vào tình trạng suy kiệt thanh khoản.

Tình trạng suy kiệt thanh khoản xảy ra thời điểm này là khá "vội vàng" khi lạm phát chưa kịp tăng, tăng trưởng GDP tăng khá, thặng dư thương mại và dòng vốn ngoại chưa tháo chạy khỏi Việt Nam. Phải chăng, chúng ta đang mắc lỗi kỹ thuật? Hay đơn giản là nền kinh tế đang thiếu các nhạc trưởng tài ba, những người có thể nhận diện và lập tức vá lại những hố đen hút tiền trong hệ thống? Dù là gì, những hố đen hút tiền trong hệ thống thực sự đang tồn tại.

Hố đen thứ nhất: Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Nghịch lý là khi cả nền kinh tế chìm vào khó khăn do đại dịch, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiện nay (số liệu cập nhật tới 30/6/2022) đã nhiều gấp 6,5 lần hồi tháng 1/2020; khoảng 30 tỷ USD, theo Asian Bonds. Số liệu của Finn Group thậm chí còn lớn hơn, tổng dư nợ TPDN tính tới thời điểm hiện tại vào khoảng 1,2 triệu tỷ VND, tương đương với khoảng 51 tỷ USD.

Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế, thuộc Ngân hàng MSB, tổng khối lượng TPDN đáo hạn trong năm 2022 là 231.000 tỷ đồng. Theo một thống kê khác của Fiin Group, khoảng 60% giá trị trái phiếu đang lưu hành sẽ đáo hạn trong năm 2023-2024. Như vậy, nhu cầu tái tài trợ các khoản TPDN đáo hạn từ nay đến năm 2024 lên tới gần 1 triệu tỷ đồng, tương đương với 11,79% GDP cả nước năm 2021.

Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành tại Việt Nam hiện gấp 6,5 lần so với thời điểm 31/12/2019 (không gồm TPDN phát hành bởi các doanh nghiệp nhà nước). Nguồn: Asean Bonds

Mặc dù có sự tăng trưởng nóng nhưng thực tế quy mô thị trường TPDN Việt Nam còn nhỏ so với các nền kinh tế có quy mô tương đương trong khu vực và thế giới.

Vấn đề ở chỗ, 3 năm qua, thị trường này bị buông lỏng quản lý, các doanh nghiệp yếu kém, thậm chí là doanh nghiệp 'xác sống' đã thoả sức hút tiền, thậm chí là lừa đảo tài chính qua phát hành TPDN riêng lẻ. Sự buông lỏng quản lý trên thị trường TPDN đã tạo ra một hố đen trên thị trường tài chính.

Năm 2021, BĐS vẫn là ngành phát hành nhiều TPDN nhất, chiếm tỷ trọng gần 40% lượng TPDN phát hành năm qua; tương đương 285,6 nghìn tỷ đồng (tăng 64% so với năm 2020). Đây cũng là ngành nghề có lãi suất sơ cấp bình quân cao nhất với mức lãi suất gần 9,8% (theo báo cáo của công ty chứng khoán Techcombank).

Trong đó có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng chính cổ phiếu của công ty mẹ. Giá cả của các loại hàng hoá này cũng đang lao dốc không phanh theo tốc độ mất giá của Vn-index.

Tờ rơi giới thiệu trái phiếu doanh nghiệp Tân Hoàng Minh, phát hành bởi công ty con trong hệ thống (Nguồn: Ảnh chụp màn hình)

Lãi suất phát hành của các TPDN dao động trong khoảng 8%-13%/năm, bên cạnh đó có một vài doanh nghiệp có mức lãi suất phát hành chỉ ở mức khoảng 5%-6%/năm. Kỳ hạn 1-3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong năm với 142.389 tỷ đồng, chiếm 67,33%.

Theo Báo cáo của Fiin Group cách đây một năm, hơn 80% giá trị TPDN của ngành BĐS phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết. Các doanh nghiệp này có sức khỏe tài chính ở mức yếu rất đáng báo động. Điều này thể hiện ở mức độ đòn bẩy tài chính (Nợ vay ròng/Vốn chủ sở hữu) hiện ở mức lên tới 8,1 lần trong khi các doanh nghiệp niêm yết chỉ ở mức 2,5 lần. Đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp BĐS phát hành TPDN chưa niêm yết ước tính có thể còn cao hơn nữa, rủi ro hơn nữa vào cuối năm 2022.

Nói cách khác, 80% TPDN BĐS Việt Nam hiện ở mức 'trái phiếu rác'. Do thị trường nợ Việt Nam chưa có xếp hạng tín nhiệm độc lập, hãng phát hành nợ là trái phiếu rác đang có một thiên đường phát hành nợ ở Việt Nam; đặc biệt khi có sự tiếp tay nhiệt tình từ các ngân hàng thương mại (NHTM) và công ty chứng khoán.

SCB phủ nhận tin đồn về nhân sự cấp cao
Ngân hàng SCB sáng ngày 08/10/2022, chi nhánh Sài Gòn. (Ảnh: Hongvian/NTDVN)

Với thực trạng trên, TPDN đã và đang tiếp tục là cái hố đen găm giữ tiền, hút tiền trên thị trường tài chính mà phần tỷ lệ lớn trong đó không tạo ra giá trị gia tăng thực sự cho nền kinh tế.

Thứ nhất, dòng tiền tiết kiệm từ dân cư đổ vào đầu tư thì đổ vào TPDN 'xác sống' do lãi suất cao thay vì tiết kiệm trong ngân hàng thương mại. Nhưng khi 80% TPDN BĐS là trái phiếu rác thì tức là nợ mất khả năng chi trả tính riêng cho TPDN này là 10% GDP. Hàng trăm tỷ nội tệ bị mất hút trong lỗ đen này.

Một lưu ý nữa là, do đặc thù của hệ thống NHTM có khả năng tạo tiền, nếu NHTM huy động được 1 đồng thì có thể cho vay ra nền kinh tế 4 - 5 đồng (số nhân tiền). Bởi vậy, khi huy động vốn của NHTM bị cạnh tranh bởi các TPDN BĐS rác thì thiệt hại với nền kinh tế trở thành thiệt hại kép.

Thứ hai, lợi suất TPDN BĐS trên thị trường thứ cấp đang leo cao, cạnh tranh 'tiêu cực' về vốn huy động với NHTM. Mức lợi suất ngất ngưởng này đã mở rộng miếng hố đen TPDN BĐS rủi ro cao, hút dòng vốn đang ngày một suy kiệt của nền kinh tế vào khu vực nhiều bất định.

Mặc dù TPDN hầu như không còn phát hành mới trên thị trường sơ cấp sau khi hàng loạt các vụ lừa đảo tài chính liên quan tới TPDN BĐS của các nhà phát triển BĐS Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát,... nhưng mua bán TPDN trên thị trường thứ cấp rất sôi động.

Theo tuyên bố trên tài khoản Facebook cá nhân của CEO Finn Group ngày 19/11, ông Thuân Nguyễn bình luận về giao dịch TPDN BĐS trên thị trường thứ cấp: "Hoạt động cơ cấu lại nợ trái phiếu diễn ra mạnh mẽ với nhiều hình thức khác nhau. Cũng là một cách thức để "hạ cánh mềm". Các bên (doanh nghiệp và trái chủ) đều chấp nhận giảm giá (hay còn gọi là cắt lỗ) chấp nhận "xẻ thịt" qua repo cổ phiếu để giải quyết một phần vấn đề thanh khoản. [Xu hương này] thể hiện ở % lợi tức đang lên rất cao trên giao dịch thứ cấp (thị trường OTC/ qua apps của CTCK)". Ông Thuân kết luận "mức độ rủi ro cao hơn".

Trên Facebook cũng lan toả một hình ảnh chụp màn hình giao dịch TPDN BĐS của một nhà đầu tư; lợi tức TPDN của một doanh nghiệp BĐS đã lên tới 115%/năm. Một mức lợi tức bất thường. Lợi tức TPDN của Evergrande, một nhà phát triển BĐS Trung Quốc, trước khi phá sản cũng lên tới hơn 100%/năm trên thị trường giao dịch thứ cấp.

Lợi tức giao dịch TPDN của một Công ty BĐS trên thị trường thứ cấp đã lên tới 115%/năm. Ảnh chụp màn hình internet ngày 19/11/2022 bởi NTDVN.

Các nhà đầu tư và phân tích BĐS đều biết rằng BĐS có dấu hiệu suy giảm từ năm 2019. Tuy nhiên, dòng tiền rẻ đột ngột đổ vào thị trường này qua TPDN (như mô tả ở trên) và vốn từ NHTM đã thúc đẩy thị trường này nóng trở lại 2020-2021; đặc biệt ở các phân khúc có tính chất đầu cơ cao như đất vùng ven, đất ở tỉnh xa,... Bao giờ cũng vậy, thị trường hồi sinh nóng bằng đòn bảy thì cũng sẽ suy trầm nhanh chóng khi công cụ đòn bảy bị siết chặt: giới hạn tín dụng, siết phát hành TPDN riêng lẻ, lãi suất cho vay tăng...

Hố đen thứ hai: Nợ xấu cũ và mới dồn tích suốt một thập kỷ

Vào ngày 2/11, trang Cafef tổng kết báo cáo tài chính quý 3/2022 của 27 NHTM cho thấy, tính đến ngày 30/9/2022, tổng nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng ở mức gần 129,8 nghìn tỷ đồng, tăng 28,4% so với đầu năm.

Trong đó, đáng chú ý, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn tính đến cuối tháng 9 tăng mạnh tới 62,5% so với đầu năm, lên gần 72,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,8% tổng nợ xấu, so với tỷ trọng 44% hồi đầu năm.

Thực tế, nợ xấu trong hệ thống NHTM đã tăng cao trong suốt đại dịch và chưa được hạch toán đúng và đủ vào bảng cân đối của các NHTM vì chính sách giãn nợ, khoanh nợ (theo chính sách).

Xem thêm:

Kinh tế Việt: Ưu điểm hỗ trợ tăng trưởng trong quá khứ đều bị virus đánh bại thành nhược điểm (Kỳ 1)

9 'mối đe dọa lớn' của nền kinh tế sau đại dịch (Kỳ 2)

Thêm vào đó, khối nợ xấu đề cập ở trên chỉ là khối nợ hiện diện trong nội bảng của các NHTM mà thôi. Một khối nợ lớn nằm ngoài bảng cân đối, được Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) nắm giữ.

Theo quy định, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% đều phải bán nợ xấu lại cho VAMC. Công ty này sẽ mua lại nợ xấu từ phía ngân hàng thông qua hình thức phát hành trái phiếu đặc biệt trong thời hạn 5 năm với lãi suất 0% và mỗi năm, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro 20%/năm cho số trái phiếu này. Như vậy, việc bán nợ cho VAMC chỉ là cách giúp ngân hàng kéo được tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức cho phép và kéo dài thời gian để trích lập dự phòng cho những khoản nợ xấu này. Nói cách khác, VAMC chỉ là nơi giữ hộ nợ xấu, các ngân hàng vẫn phải xử lý những khoản nợ này...

nợ xấu của hệ thống NHTM trong nước luôn xuất phát từ nợ xấu của tín dụng dành cho bất động sản. (Ảnh: Getty Images)
Nợ xấu của hệ thống NHTM trong nước luôn xuất phát từ nợ xấu của tín dụng dành cho bất động sản. (Ảnh: Getty Images)

Rất nhiều khoản nợ xấu của NHTM từ 2012 cho tới nay vẫn đang tồn tại ở VAMC. Nợ xấu dồn tích suốt 10 năm, đặc biệt tăng vọt sau đại dịch. Một số liệu gián tiếp chứng minh nợ xấu trong NHTM rất lớn đó là việc lãi suất cho vay bình quân trong hệ thống NHTM giảm hầu như không đáng kể dù lãi suất huy động giảm mạnh trong giai đoạn 2020 - 2021.

Nợ xấu làm NHTM phải tăng dự trữ và làm giảm khả năng thanh khoản của hệ thống.

Khi TPDN còn dễ dàng phát hành (2019-2021), NHTM có các công ty chứng khoán (CTCK) là công ty con hoặc công ty liên kết, lúc này NHTM có thể sử dụng CTCK để đảo nợ cho các khách hàng có rủi ro cao của họ. CTCK vừa tư vấn phát hành, vừa môi giới đầu tư lại vừa có thể trực tiếp đầu tư (mua) TPDN của các doanh nghiệp 'có nguy cơ', cần đảo nợ. Bằng cách này, các doanh nghiệp có nợ xấu hoặc nguy cơ phát sinh nợ xấu có thể có dòng tiền mới từ phát hành TPDN để đảo nợ cho NHTM. Nhờ đó, nợ xấu của các NHTM tạm thời không tăng thêm.

Thực tế, hệ thống NHTM Việt Nam liên tục được các chuyên gia, các nhà quản lý cảnh báo về tình trạng vốn tín dụng đổ quá mức vào thị trường BĐS trong 3 năm trở lại đây. Có những NHTMCP lớn, tổng dư nợ cho vay BĐS có thời điểm chiếm tới 50%, thậm chí lên tới 60% tổng dư nợ cho vay. Khi BĐS đóng băng như hiện nay trong khi công cụ đảo nợ là phát hành TPDN riêng lẻ trở nên khó khăn, nợ xấu trong hệ hống ngân hàng sẽ tiếp tục bộc lộ mạnh mẽ.

Nợ xấu khiến NHTM phải trích lập dự phòng nhiều hơn, NHTM khan vốn và buộc phải chạy đua cạnh tranh huy động, thúc đẩy lãi suất huy động tăng cao như tình trạng hiện nay.

Khó khăn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong nền kinh tế thực thúc đẩy nợ xấu tăng trong khi công cụ đảo nợ của NHTM là TPDN qua CTCK bị siết chặt, nợ xấu tiếp tục là bóng ma ám ảnh hệ thống NHTM.

Không quá lời khi nhận định nợ xấu chính là hố đen ngày một lớn, với rất nhiều ẩn số và bất định, đang hút tiền của nền kinh tế; là một trong những nguyên nhân (trong cả ngắn và dài hạn) tạo ra tình trạng suy kiệt thanh khoản như hiện nay cũng như trong tương lai.

Quang Nhật

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Mời các bạn đón đọc Kỳ 3: Mất niềm tin và sai lầm chính sách, tiền không chảy vào hệ thống ngân hàng



BÀI CHỌN LỌC

Nợ xấu và trái phiếu doanh nghiệp: Các hố đen hút tiền mạnh nhất của nền kinh tế (Kỳ 2)