Nỗi đau của nhà đầu tư và thiệt hại cho các bên khi ông Trịnh Văn Quyết bán chui 74,8 triệu cổ phiếu

Giúp NTDVN sửa lỗi

HOSE đã hủy bỏ toàn bộ giao dịch 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết; trong khi Bộ Tài chính quyết định phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Quyết; qua đó, cứu vãn được một phần thiệt hại mà ông Quyết tạo ra cho các nhà đầu tư, các sàn giao dịch, và cả thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, phần thiệt hại không thể vãn hồi là còn rất lớn.

Chiều ngày 11/01, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HOSE sẽ hủy bỏ toàn bộ giao dịch bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC của Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết trong ngày 10/01/2022.

Cũng trong ngày 11/1, Bộ Tài chính đã ra Quyết định số 19/QD-UBCK về việc phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết. Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp phong tỏa là kể từ ngày 11/01/2022; thời hạn phong tỏa sẽ kéo dài cho đến khi Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyết định thay thế, báo Công an Nhân dân đưa tin.

Chuyên gia chứng khoán Hoàng Việt Cường chia sẻ với VTC News vào sáng 12/01 rằng, việc ông Quyết bị cơ quan chức năng hủy giao dịch bán cổ phiếu FLC là chưa có tiền lệ, chưa từng xảy ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Dù là điều chưa có tiền lệ nhưng trên thực tế, nội dung này đã được quy định trong Quy chế hoạt động của HOSE. Theo khoản 2, điều 22 của quy chế này, trong trường hợp giao dịch đã được xác lập vi phạm quy định giao dịch, hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các nhà đầu tư hay toàn bộ giao dịch trên thị trường, HOSE có thể công nhận hoặc hủy bỏ giao dịch sau khi báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Động thái từ phía HOSE và Bộ Tài chính được đánh giá là đã cứu vãn được một phần thiệt hại mà ông Quyết tạo ra cho các nhà đầu tư, các sàn giao dịch, và cả thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, phần thiệt hại không thể vãn hồi là còn rất đáng kể.

Thiệt hại không thể vãn hồi là rất đáng kể

Thành viên thuộc hội đồng quản trị hoặc ban điều hành công ty là những người nắm giữ nhiều thông tin quan trọng của doanh nghiệp. Họ có thể sử dụng ‘vũ khí’ thông tin để trục lợi trên thị trường chứng khoán. Do vậy, theo quy định của Luật Chứng khoán, những người này nếu muốn bán cổ phiếu thì phải đăng ký trước với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở giao dịch chứng khoán. Nói cách khác, giao dịch cổ phiếu của thành viên hội đồng quản trị và ban điều hành doanh nghiệp đại chúng bị hạn chế, chứ không thể được thực hiện tự do giống như cổ phiếu do các cổ đông thông thường nắm giữ.

Trong phiên giao dịch thứ 2 (10/01), có tới gần 135 triệu cổ phiếu FLC được giao dịch - tương đương hơn 20% lượng cổ phiếu lưu hành của FLC và chiếm gần 10% thanh khoản của cả HOSE. Riêng 74,8 triệu cổ phiếu được bán ra từ tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết chiếm tới 55% tổng lượng giao dịch của mã FLC, tác động tới hơn 5% thanh khoản toàn sàn.

Việc HOSE huỷ bỏ toàn bộ giao dịch bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC của Chủ tịch Tập đoàn FLC trong ngày 10/01/2022 có nghĩa là HOSE sẽ phải xác định tài khoản nào khớp lệnh đối ứng từ tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết.

Việc này được đánh giá là không quá khó khăn, bởi các giao dịch mới được xác lập nhưng chưa hoàn tất thanh toán bù trừ nhờ việc áp dụng cơ chế giao dịch chứng khoán T+2. Theo cơ chế T+2 hiện nay, một giao dịch mua cổ phiếu FLC thực hiện vào phiên 10/01 thì tới 16h30 của ngày 12/01, giao dịch mới hoàn tất, cổ phiếu mới thực sự về tài khoản người mua.

Cũng theo thông báo của Sở, các giao dịch khác liên quan tới mã FLC trong phiên 10/01 vẫn giữ nguyên.

Như vậy, các nhà đầu tư đã khớp lệnh đối ứng với ông Quyết sẽ không bị thiệt hại. Thậm chí, sau 3 phiên giao dịch, giá cổ phiếu FLC đã giảm khoảng hơn 20% (so sánh giá của phiên 10/01 với giá hiện tại), thì những nhà đầu tư này đã không phải chịu lỗ. Trong khi đó, những nhà đầu tư không khớp đối ứng với 74,8 triệu cổ phiếu này mà khớp với những lệnh bán ra khác không được hoàn tiền, mà vẫn bị ảnh hưởng xấu bởi giá cổ phiếu đi xuống.

Nhưng không phải chỉ có nhà đầu tư mua vào phiên 10/01 chịu ảnh hưởng. Những nhà đầu tư khác mua cổ phiếu FLC ở vùng giá cao, nếu không kịp thoát hàng, thì tài khoản đa phần đã chuyển từ lãi sang lỗ. Phần nhiều các nhà đầu tư không kịp trở tay, không có khả năng cắt lỗ, vì mã FLC đang trong tình trạng "trắng bảng bên mua". Với gần 40 triệu cổ phiếu FLC treo bán sàn, dù họ có đặt lệnh cũng không thể khớp lệnh.

Các công ty chứng khoán cũng là bên có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực. Thông thường, họ sẽ nhận được phí mua bán 0,1-0,35% cho 1 giao dịch. Như vậy, nếu tính tổng giá trị bán của ông Quyết trong phiên 10/01 là hơn 1.400 tỷ nếu tính theo giá trung bình, hoặc 1.800 tỷ đồng nếu tính theo mức giá trần, thì mức phí trung bình mà các công ty chứng khoán thu về có thể đạt hơn 6 tỷ đồng. Hiện những công ty chứng khoán này vẫn phải chờ hướng xử lý tiếp theo của HOSE và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để biết họ có nằm trong diện được bồi thường hay không.

Bên cạnh đó, vụ việc Chủ tịch một tập đoàn lớn như FLC bán chui 74,8 triệu cổ phiếu đã làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư, không chỉ là nhà đầu tư trong nước mà còn cả nước ngoài, trên thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, FLC là tập đoàn hoạt động đa ngành, gồm hàng không, bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp, xây dựng, dịch vụ tài chính, khai khoáng,… Do vậy, rất nhiều người tỏ ra lo lắng về tính minh bạch của tập đoàn. Khả năng huy động vốn trong tương lai của các công ty họ FLC sẽ chịu tác động tiêu cực bởi thương hiệu tập đoàn này đã bị mất uy tín.

Chi Anh



BÀI CHỌN LỌC

Nỗi đau của nhà đầu tư và thiệt hại cho các bên khi ông Trịnh Văn Quyết bán chui 74,8 triệu cổ phiếu