Nối gót Phố Wall, chứng khoán Hong Kong rơi về mức thấp nhất trong 11 năm qua vì lo sợ Fed

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước khả năng Cục dự trữ liên Bang Mỹ sẽ tăng lãi suất điều hành lên cao kỳ vọng ban đầu của thị trường vì lạm phát lõi của Mỹ tăng cao, giá dầu có nguy cơ tăng trở lại do OPEC+ cắt giảm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày, chỉ số giá đồng USD tăng vọt, dòng tiền đổ vào trú ẩn ở tài sản USD, thị trường chứng khoán Hong Kong rơi về mức thấp nhất trong 11 năm qua.

Chỉ số chứng khoán Hang Seng trên sàn giao dịch Hong Kong đã giảm 154 điểm tương đương 0,93% xuống 16.433 vào đầu phiên giao dịch hôm nay (thứ Hai, ngày 17/10/2022), mức điểm thấp nhất trong 11 năm qua.

Tại đại lục, chỉ số chứng khoán của 300 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn giao dịch Thượng hải còn giảm mạnh hơn, CSI300 rơi về mức 3819 điểm, giảm 0,6% trong phiên giao dịch hôm nay, và giảm 21,65% so với cùng kỳ 2021.

Sự biến động của Hang Seng và CSI300 song hành với sự biến động trên thị trường chứng khoán Phố Wall. Chỉ số S&P 500 rơi về mức 3.583,07 điểm, giảm 86,84 (tương ứng giảm 2.37%) so với phiên giao dịch trước. Chỉ số Dow Jones hôm nay rơi về mức 29.634,83 điểm, mất 403,89 điểm, tương ứng giảm 1,34%.

Các thị trường chứng khoán suy giảm mạnh sau khi tín hiệu từ biến động địa chính trị, kinh tế vĩ mô cho thấy Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất lên 0,75% (hoặc thậm chí hơn) trong kỳ hợp chính sách vào tháng 11 tới đây.

Các lý do thúc đẩy Fed tăng lãi suất điều hành quá nhanh như vậy là vì:

Thứ nhất, số liệu việc làm của Mỹ tốt hơn trong tuần vừa qua, điều này khuyến khích Fed kiên trì với mục tiêu kiềm chế lạm phát;

Thứ hai, số liệu lạm phát đáng thất vọng của Mỹ được công bố cuối tuần trước. Mặc dù lạm phát chung so cùng kỳ năm trươc giảm nhẹ nhưng chỉ số lạm phát lõi tăng mạnh (6,5%, tháng trước là 6,3%). Điều này phản ánh giá cả hàng hoá của Mỹ, trừ lương thực và năng lượng) đã không ngừng tăng cao, thiết lập mặt bằng giá cả mới. Lạm phát hàng năm chỉ tạm thời giảm do giá dầu và năng lượng ổn định hơn. Nhưng tất cả chỉ là tạm thời nhờ xả kho dầu thô dự trữ chiến lược của Mỹ.

Thứ ba, giá dầu giảm chỉ là tạm thời khi khối OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu thô ở mức 2 triệu thùng/ngày vào tháng 11/2022 tới đây. Việc cắt giảm này tương ứng với 2% cung dầu toàn cầu. Điều này sẽ đẩy giá năng lượng toàn cầu lên cao hơn. Như vậy, lạm phát Mỹ không có nhiều cơ hội giảm. Fed sẽ buộc phải tăng lãi suất điều hành mạnh tay hơn.

Chỉ số giá đồng USD là DXY tăng trở lại, đạt mức 113,03 điểm, tăng hơn 20% trong năm 2022.

Cuối tuần trước, Ngân hàng Trung ương (BoE) của Vương quốc Anh cảnh báo rằng lãi suất có thể phải tăng nhiều hơn mức kế hoạch của cơ quan này trong vài tháng trước.

Ngược lại với hành động của Fed và BoE, Trung Quốc đã không lãi suất để ngăn dòng tiền ngoại tệ chạy khỏi Bắc Kinh do lo ngại về suy thoái kinh tế, tắc nghẽn tín dụng BĐS. Hôm nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tuyên bố không thay đổi lãi suất đáo hạn Các khoản vay trung hạn, duy trì ở mức lãi suất thấp là 2,75%/năm tháng thứ hai liên tiếp.

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Nối gót Phố Wall, chứng khoán Hong Kong rơi về mức thấp nhất trong 11 năm qua vì lo sợ Fed