Nỗi lo đã thành sự thực: Nhiều đối tác chuyển đơn hàng sang nước khác, xuất khẩu gặp khó

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lệnh giãn cách được áp dụng ở nhiều tỉnh, thành phố đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu. Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 53,7 tỷ USD, giảm 5,8% so với tháng trước. 

Thời gian gần đây, việc áp dụng Chỉ thị 16 tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam với những yêu cầu nghiêm ngặt, các DN phải đáp ứng được các điều kiện sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến" mới được phép duy trì sản xuất. Nhưng thực tế cho thấy, số lượng DN có khả năng áp dụng các biện pháp kể trên rất ít, số lượng DN phải dừng hoạt động khá đông.

Theo thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM, hiện chỉ có khoảng 600 DN của thành phố tiếp tục hoạt động nhờ áp dụng chế độ này. Đây là con số quá ít ỏi so với hàng chục nghìn DN của TP.HCM và các DN ngừng hoạt động sẽ không đáp ứng được đơn hàng xuất khẩu. Trong khi kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi, nhu cầu hàng hóa rất lớn, việc không tham gia được vào chuỗi cung ứng và không đáp ứng được đơn hàng là thiệt thòi, ảnh hưởng nhiều đến DN trong thời gian tới.

Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), các tỉnh phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước... là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp (DN) da giày lớn, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, nhưng nhiều doanh nghiệp lại không thể hoạt động. Còn các DN khu vực phía Bắc dù vẫn hoạt động nhưng với công suất chỉ 50% do thiếu nguyên phụ liệu từ các nhà máy phía Nam. Ngoài ra, việc nhập khẩu từ Trung Quốc cũng không thuận lợi do việc di chuyển gặp khó khăn. Do đó, các đối tác đã dần chuyển đơn hàng sang các nước khác.

Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ cũng trong tình trạng lao đao. Nhóm nghiên cứu của các Hiệp hội gỗ và Tổ chức Forest Trends nhận định, với kịch bản xấu nhất, kim ngạch xuất khẩu trong các tháng cuối năm 2021 tiếp tục đà giảm, xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 12,69 tỷ USD thay vì khoảng 15 tỷ USD như mục tiêu ban đầu.

Thê thảm nhất có lẽ là ngành dệt may, dù đóng cửa dừng sản xuất, mỗi tháng nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn "bay" hàng tỷ đồng cho những chi phí cố định, chưa kể chi phí hỗ trợ lương cho người lao động.

Một doanh nghiệp dệt may lớn ở miền Bắc (trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam), với quy mô gần 5.000 lao động cho hay, công ty đã phải nghỉ sản xuất trong vòng 1 tháng nay. Nếu tiếp tục nghỉ, doanh nghiệp sẽ không gắng gượng nổi.

Theo vị này, mặc dù phải đóng cửa, nhưng mỗi tháng công ty "bay" gần 20 tỷ đồng cho nhiều loại chi phí: Chi phí khấu hao khoảng 6 tỉ đồng, chi phí bảo hiểm phải đóng cho người lao động khoảng 4 tỉ đồng, chi phí lãi vay ngân hàng khoảng 1,5 tỉ đồng, chi phí vận chuyển bằng máy bay cho những đơn hàng gấp khoảng 4 tỉ đồng, chi phí xét nghiệm test COVID-19 cho người lao động 2 tỉ đồng. Đó là chưa kể các chi phí lương và hỗ trợ cho người lao động.

Cũng theo doanh nghiệp này, điều khiến doanh nghiệp dệt may sợ nhất lúc này, không phải là những chi phí cố định, mà là việc bị đối tác phạt chậm giao hàng. Nếu như bị phạt, doanh nghiệp có thể thiệt hại lên tới 100 tỉ đồng.

Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu tháng 8.2021 của ngành ước giảm 18,69% so với tháng 7.2021 và giảm 5,88% so với cùng kỳ.

Các hiệp hội đều nhận thấy những dấu hiệu rất rõ ràng về việc các đối tác của họ đang chuyển dần đơn hàng sang các nước khác. Đợt dịch lần thứ 4 diễn biến phức tạp và kéo dài khiến cho nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, các doanh nghiệp còn sản xuất cầm chừng thì khó thực hiện được đơn hàng nên rất dễ bị khách hàng hủy đơn, gây tổn thất nặng nề về cả kinh tế và uy tín của doanh nghiệp. Kể cả khi đợt dịch này qua đi, một khi khách hàng đã tìm được đối tác mới ổn định thì khả năng họ có quay lại Việt Nam hay không rất khó đoán biết, nếu vậy, các ngành xuất khẩu chủ lực này của Việt Nam khi đó rất có thể sẽ phải gây dựng lại mọi thứ từ đầu.

Ngọc Minh



BÀI CHỌN LỌC

Nỗi lo đã thành sự thực: Nhiều đối tác chuyển đơn hàng sang nước khác, xuất khẩu gặp khó