Ông Biden dùng đồng minh để tránh đối đầu trực diện với Bắc Kinh: Không đơn giản đâu!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền mới của ông Biden tin rằng họ có thể phát triển một chiến lược Trung Quốc “không trực diện”, làm hài lòng người dân Mỹ trong khi vẫn không quá căng thẳng với Bắc Kinh: Đó là thúc đầy đồng minh của Mỹ đi đầu trong các động thái chống Bắc Kinh.

Động thái đầu tiên của ông Biden trong cương vị tân Tổng thống Mỹ là tập trung vào việc triển khai vaccine Covid-19 và cố gắng thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ USD. Nhưng với Trung Quốc, theo nhìn nhận của chuyên gia phân tích quan hệ địa chính trị Mỹ-Trung của Financial Times, ông Demetri Sevastopulo, cho rằng chính quyền ông Biden dường như đang đẩy thế đối đầu trực diện sang đồng minh, vừa để xoa dịu người dân Mỹ trong việc tỏ thái độ chống Trung Quốc - như đã hứa vừa không làm mếch lòng Trung Quốc vốn có nhiều “gắn bó”, ràng buộc với chính quyền đương nhiệm.

Không chỉ không đối đầu mà còn ‘cảm thông’ với tội ác nhân quyền của Bắc Kinh

Phát biểu trước hội nghị an ninh trực tuyến Munich vào tháng trước, Biden cho biết Mỹ và các đồng minh phải đối mặt với "sự cạnh tranh chiến lược lâu dài" với Trung Quốc và phải "đẩy lùi" Bắc Kinh trong việc "lạm dụng kinh tế và ép buộc làm suy yếu nền tảng của hệ thống kinh tế quốc tế”.

Ông nói: “Chúng ta đang ở giữa một cuộc tranh luận cơ bản về tương lai và hướng đi của thế giới chúng ta, một sự lựa chọn giữa những người cho rằng chế độ chuyên quyền là cách tốt nhất để tiến tới và đảm bảo nhiều người hơn nhận thức rằng dân chủ là điều cần thiết”.

Kể từ khi Biden nhậm chức, ông Antony Blinken, ngoại trưởng của ông, đã mô tả việc giam giữ 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại lao động ở Tân Cương là "tội ác diệt chủng". Và Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia, người đã chỉ trích "cuộc tấn công" của Trung Quốc vào các quyền tự do ở Hong Kong, đã nói rằng Mỹ sẽ "áp đặt chi phí" đối với Trung Quốc đối với bất kỳ hành vi lạm dụng nào.

Những động thái này khiến công chúng và quan sát viên quốc tế sớm cho rằng riêng với chính quyền Trung Quốc, thái độ của chính quyền ông Biden vẫn “kế thừa” hoàn toàn tinh thần và chiến lược thời ông Trump. Ngay cả ông Sevastopulo, tay viết kỳ cựu của Financial Times về cuộc chiến Mỹ - Trung, cũng cho rằng “trong khi chính quyền Biden đã cố gắng ra hiệu đoạn tuyệt với người tiền nhiệm về hầu hết các vấn đề, lập trường về Trung Quốc thường có vẻ tương tự.

Ông Biden thậm chí đã báo hiệu rằng ông không có kế hoạch ngay lập tức để loại bỏ thuế quan mà ông Donald Trump áp đặt đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại của mình.

Nhưng khác với những gì ông Biden và nội các của ông tuyên bố, những sắc lệnh ông Biden ký trong hai tháng qua hoàn toàn đi ngược lại với những gì ông và chính quyền của mình công bố và quảng bá trên truyền thông.

Nhưng gần đây nhất, vào ngày 26 tháng 1 vừa qua, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã cấp Giấy phép Chung số 1A - cho phép người Mỹ tiếp tục mua cổ phần trong một số công ty liên kết với "các công ty quân đội Trung Quốc", được gọi là CCMC, cho đến ngày 27/5/2021. Thời hạn trước đó do chính quyền Trump thiết lập là ngày 28/1/2021.

Giấy phép Chung này đã giúp trì hoãn một phần việc áp dụng Sắc lệnh Hành pháp (EO) 13959 mang tính bước ngoặt của cựu Tổng thống Trump - được ban hành ngày 12 tháng 11 năm 2020. EO 13959 đã ngăn các nhà đầu tư mua hoặc sở hữu cổ phần trong bất kỳ công ty nào được chỉ định là CCMC.

Không chỉ khía cạnh này, các quan chức chủ chốt của ông Biden cũng không trả lời câu hỏi rằng họ có tiếp tục cấm Huawei vì an ninh quốc gia Mỹ hay không. Thực tế, Trung Quốc đang thúc giục chính quyền ông Biden hủy bỏ những lệnh cấm doanh nghiệp, cá nhân Trung Quốc mà chính quyền ông Trump đã thiết lập trước đó.

Tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony J. Blinken (CARLOS BARRIA/POOL/AFP / Getty Images)
Tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony J. Blinken đã mô tả việc giam giữ 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại lao động ở Tân Cương là "tội ác diệt chủng". (CARLOS BARRIA/POOL/AFP / Getty Images)

Một chứng minh khác về thái độ "chống Trung" trên bề mặt của chính quyền Biden hết sức rõ ràng là việc ông Biden đình chỉ lệnh hành pháp của Tổng thống Trump - cấm các cơ sở quốc phòng Mỹ mua sắm thiết bị Trung Quốc trong vòng 90 ngày và yêu cầu Bộ năng lượng xem xét lại vấn đề này ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức 20/1/2021.

Đi xa hơn, ông Biden thậm chí còn “đồng tình” với các vi phạm nhân quyền, mà thực tế là tội ác chống lại loài người đang diễn ra tại Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn với CNN vào ngày 19/2 vừa qua, khi được hỏi về vấn đề vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Bắc Kinh. Ông Biden nói rằng: “Về mặt văn hóa, mỗi quốc gia có những quy định khác nhau và các nhà lãnh đạo của những quốc gia này phải tuân theo đó mà làm”.

'Vẫn phải chống Trung' - nhưng ông Biden đang đẩy 'quá bóng' sang cho đồng minh

Dù cho rằng chính quyền Biden đang nỗ lực chống Trung khi dựa vào một số tuyên bố trên truyền thông cánh tả của Mỹ, nhưng các chuyên gia phân tích địa chính trị và mối quan hệ Mỹ - Trung phải thừa nhận rằng chính quyền ông Biden, khác với chính quyền của ông Trump, đã lảng tránh việc đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh, thay vào đó chính quyền này thúc đẩy đồng minh làm việc đó. Việc thực thi chiến lược này giống như đẩy quá bóng sang chân kẻ khác. trong khi vẫn được “ghi nhận” thành tích chống Trung - để bảo vệ an ninh, kinh tế và vị thế của nước Mỹ.

Nhưng có một con đường dễ dàng thế sao?

Một con đường mà các chính quyền tiền nhiệm đã thất bại đến mức họ góp phần tạo ra một Trung Quốc quá cường đại, tham vọng và hung hăng như hiện nay? Chiến lược đi ngược lại với chiến lược vốn rất thành công trong bốn năm qua liệu có thể dễ dàng thành công? Chiến lược này có đánh bại một Trung Quốc đã suy yếu rất nhiều sau 4 năm ông Trump tại nhiệm hay đơn giản là giúp Trung Quốc phục hồi nguyên khí?

Chiến lược của ông Biden khác chiến lược của ông Trump ở chỗ: Ông Trump cắt giảm tiền chi cho các liên minh lỏng lẻo không hiệu quả tại Châu Âu, Châu Á, trong khi tăng chi tiêu trực tiếp thực thi các chính sách cắt hẳn các vòi bạch tuộc của Trung Quốc hút tiền, vốn, can thiệp chính trị vào nội bộ Mỹ và các tổ chức toàn cầu. Các nhát cắt chính xác, liên tục và dứt khoát của tổng thống tiền nhiệm đã làm Trung Quốc ngày một suy yếu, trong khi củng cố nguyên khí nền kinh tế, nội lực quân sự trong lòng nước Mỹ.

Trong khi ông Biden không quan tâm tới các kết quả tích cực từ chiến lược của Trump (dù buộc phải thừa nhận nó), mà tin rằng việc tăng chi tiêu cho các liên minh Châu Âu, Châu Á và thúc đẩy các liên minh này chống Trung sẽ hiệu quả hơn. Đây không phải là chiến lược mới, 8 năm ông Barack Obama cầm quyền, chiến lược này đã chi tiêu rất nhiều tiền thuế của dân Mỹ cho các liên minh lỏng lẻo, các tổ chức quốc tế bị Trung Quốc thao túng và góp phần giúp Trung Quốc trỗi dậy hung hăng hơn. Có vẻ như, chính quyền của ông Biden đang nỗ lực lặp lại lịch sử một lần nữa.

Trong các cuộc phỏng vấn với một loạt quan chức Hoa Kỳ cấp cao về vấn đề Trung Quốc, họ mô tả một chiến lược của chính quyền ông Biden có thể được tóm tắt là - khó khăn, nhưng với sự ủng hộ của liên minh.

Các quan chức của ông Biden tin rằng Trump đã đúng khi có lập trường khắc nghiệt hơn đối với Trung Quốc. Nhưng họ không ủng hộ các phương pháp của ông, nói rằng cựu tổng thống, người đã chỉ trích số tiền Mỹ chi để bảo vệ các đồng minh ở châu Âu và châu Á, đã tạo ra khoảng trống quyền lực và làm suy yếu các liên minh.

Một quan chức cấp cao nói với các phóng viên rằng ông Biden muốn tạo ra cái mà ông Dean Acheson, ngoại trưởng Mỹ thời hậu chiến, gọi là "tình huống sức mạnh", nơi các quốc gia cùng chí hướng hợp tác để giải quyết các mối đe dọa.

Nhưng câu hỏi mà ông đang phải đối mặt là có bao nhiêu đối tác, đặc biệt là ở châu Âu, sẵn sàng tham gia vào các kế hoạch này. Mức độ cam kết, đồng lòng của họ cao đến đâu? Có thể tin cậy được không?

Trong khi quan điểm đối với Bắc Kinh đã trở nên cứng rắn ở nhiều nước, các đồng minh châu Âu nói riêng không muốn bị lôi cuốn vào một cuộc đối đầu kiểu chiến tranh lạnh với Trung Quốc. Thái độ của Đức với Trung Quốc, ngoài cứng trong mềm, trong suốt 4 thập kỷ qua là ví dụ điển hình. Dựa vào người khác để bảo vệ mình chưa bao giờ là thượng sách.

Một quan chức cấp cao nói: “Có mong muốn đối thoại và thảo luận rộng rãi, nhưng đừng ảo tưởng, nhiều nước EU đang cẩn thận và muốn thực hiện từng bước một”, một quan chức cấp cao nói.

Chia sẻ sâu sắc

Khi Barack Obama nhậm chức trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, ưu tiên với Trung Quốc trong năm đầu tiên của ông là tránh đối đầu không cần thiết. Chính quyền Biden, hoạt động với nhiều quan chức từng dưới thời Obama, không loại trừ việc hợp tác với Trung Quốc - họ cho biết Mỹ sẽ can dự vào các vấn đề cấp bách như Iran, Triều Tiên và biến đổi khí hậu. Nhưng tổng thống mới, tập trung hơn vào việc xây dựng lại các liên minh.

Ông Evan Medeiros, cựu cố vấn hàng đầu về châu Á của Obama, nói: “Họ đã báo hiệu rõ ràng rằng họ không vội theo đuổi đối thoại vì mục tiêu đối thoại".

Tuy nhiên, quan chức cấp cao này nhấn mạnh rằng Mỹ “không ngăn cản đối thoại theo bất kỳ cách nào” với Bắc Kinh, mà trước tiên muốn khám phá các khu vực có điểm chung với các đồng minh của mình. Ông nói: “Chúng tôi đang đánh giá cao việc chia sẻ quan điểm sâu sắc với các đối tác và đồng minh để giúp chúng tôi đưa ra các quan điểm chiến lược”.

Hôm thứ Tư (ngày 3/3), ông Biden đã ban hành "hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời", trong đó nói rằng Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ của mình để tạo ra thách thức lâu dài đối với một hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở".

Ở châu Á, ông Biden muốn củng cố “Bộ tứ”, một nhóm bao gồm Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, để chống lại Trung Quốc. Tờ Financial Times đưa tin trong tuần này rằng Nhà Trắng đang dẫn đầu một sáng kiến ​​với Nhật Bản, Australia và Ấn Độ sẽ sử dụng ngoại giao vắc xin ở châu Á để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

USS Nimitz (phải) và USS Reagan (trái) đã tiến hành bốn cuộc tập trận ở Biển Đông và Ấn Độ Dương trong vòng 20 ngày, thể hiện sức mạnh quân sự của họ và của liên minh quân sự Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Bức ảnh do Hải quân Hoa Kỳ công bố hôm 7/7/2020. (Keenan Daniels / US NAVY / AFP)
USS Nimitz (phải) và USS Reagan (trái) đã tiến hành bốn cuộc tập trận ở Biển Đông và Ấn Độ Dương trong vòng 20 ngày, thể hiện sức mạnh quân sự của họ và của liên minh quân sự Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Bức ảnh do Hải quân Hoa Kỳ công bố hôm 7/7/2020. (Keenan Daniels / US NAVY / AFP)

Ở châu Âu, nhóm của ông đã hợp tác với các quan chức trong nỗ lực tìm kiếm các lĩnh vực mà họ có thể hợp tác với Trung Quốc.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết họ nhận ra rằng trong khi Mỹ và châu Âu chia sẻ nhiều giá trị, thì có sự khác nhau về "khẩu vị rủi ro" trên Đại Tây Dương. Sau khi ông Biden phát biểu trước hội nghị Munich, Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Emmanuel Macron đều đưa ra những nhận xét nhấn mạnh hơn về sự cần thiết phải hợp tác với Trung Quốc.

Các quan chức châu Âu và Mỹ cho biết họ sắp tổ chức một loạt cuộc thảo luận trong những tuần tới về mọi thứ, từ cách tiếp cận chiến lược đến các vấn đề cụ thể như cách hợp tác với nhau để ngăn Trung Quốc tiếp cận, đánh cắp hoặc phân phối các công nghệ nhạy cảm .

Một quan chức cấp cao thứ ba của Mỹ cho biết các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào việc tìm kiếm các khu vực hội tụ và xây dựng các liên minh "đan xen và chồng chéo", trái ngược với một mặt trận thống nhất lớn chống lại Trung Quốc, để tạo ra "sải cánh vĩ đại nhất".

Người Mỹ càng ngày càng nhìn nhận tiêu cực về Trung Quốc

Ông Medeiros nói thêm rằng mặc dù bà Merkel và ông Macron đã “rất rõ ràng rằng sự liên kết chống lại Trung Quốc không nằm trong các quân bài”, Mỹ có thể xây dựng liên minh cho các vấn đề cụ thể.

“Có một trò chơi địa chính trị thực sự có thể sử dụng châu Âu để định hình Trung Quốc. Nhưng điều đó khác với một số kiểu tiếp cận của Kissingerian, vốn có thể khiến châu Âu liên kết với Mỹ để chống lại Trung Quốc” ông nói. “Chúng ta không nên mong đợi thấy Biden, Merkel và Macron đứng lên và nói 'Chúng ta sẽ làm việc cùng nhau theo kiểu Yalta để cân bằng quyền lực của Trung Quốc' ".

Các quan chức Mỹ tự tin rằng họ có thể tìm ra lý do chung với châu Âu về các vấn đề như người Duy Ngô Nhĩ và Hong Kong, cũng như các vấn đề kinh tế liên quan đến việc tiếp cận thị trường Trung Quốc. Nhưng họ nói rằng sẽ khó nhất trí về các vấn đề công nghệ, chẳng hạn như cuộc tranh luận về 5G gây căng thẳng quan hệ xuyên Đại Tây Dương dưới thời chính quyền Trump.

Một thách thức đối với Washington là các tính toán chính trị khác nhau phải được thực hiện khi cân bằng các cân nhắc cạnh tranh về kinh tế và an ninh.

Nathan Sheets, một cựu quan chức Bộ Tài chính hàng đầu, nói rằng lập trường cứng rắn hơn của Biden phản ánh áp lực quốc hội lưỡng đảng được tăng cường bởi thực tế rằng việc nhìn vào Trung Quốc yếu kém sẽ gây tổn hại cho Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.

Ông Sheets, người hiện là nhà kinh tế trưởng tại tổ chức đầu trái phiếu PGIM Fixed Income, cho biết: “Những người theo chủ nghĩa thời đại đang yêu cầu một chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc. Tất cả mọi người ở Washington, dù cánh tả hay cánh hữu, đều đồng ý rằng Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chiến lược”.

Tuy nhiên, bên kia Đại Tây Dương, bức tranh trái chiều hơn, một phần là do một số chính trị gia đặt mức phí cao hơn vào việc đảm bảo quan hệ thương mại tốt đẹp với Bắc Kinh.

Ông Alex Wong, một cựu quan chức của Trump hiện đang làm việc tại Viện Hudson cho biết: “Khi tôi thảo luận về mối đe dọa đối với chiến lược của Trung Quốc và sự cần thiết của một phản ứng cạnh tranh với các quan chức bộ ngoại giao và an ninh ở châu Âu, họ đã hoàn toàn đồng ý. Câu hỏi luôn là liệu họ có thể thuyết phục được các chính trị gia của mình hay không”.

Nhưng Wong nói thêm rằng các nhà lập pháp Châu Âu dường như sẵn sàng áp dụng lập trường diều hâu hơn sau khi nhận thấy sự thiếu minh bạch từ Trung Quốc xung quanh đại dịch.

Châu Âu bắt cá 2 tay

Trong một ví dụ khác về thách thức, nhóm Biden đã thất vọng khi Châu Âu ký hiệp ước đầu tư với Trung Quốc ngay trước khi tổng thống mới nhậm chức, ngay cả sau khi Sullivan ra hiệu rằng họ muốn Châu Âu nhượng bộ trước khi tiến hành.

“Hợp tác Mỹ-EU sẽ khó hơn nhiều những gì mà người ta có thể công nhận, nói thì dễ nhưng làm thì khó hơn. Đó thực sự không phải là cách lý tưởng để triển khai", theo Anja Manuel, Giám đốc Diễn đàn An ninh Aspen.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền ông Biden nói với Financial Times rằng họ cho rằng Trung Quốc đã đặt lên bàn cân một thỏa thuận “hấp dẫn” đến mức EU cảm thấy buộc phải hành động nhanh chóng. Tuy nhiên, ông nói rằng các quan chức Hoa Kỳ, những người đã xem xét văn bản đã rất "thất vọng" về những nhượng bộ Trung Quốc được đưa ra.

Ông nói: “Chúng tôi lo ngại rằng những thỏa thuận hoặc thỏa thuận kiểu này không thúc đẩy Trung Quốc rời bỏ và từ bỏ một số yếu tố trong hành vi kinh tế của họ”.

Trong khi những lo ngại về thương mại có thể ảnh hưởng đến việc một số chính trị gia châu Âu kiềm chế việc tấn công Trung Quốc, một vấn đề đối với Mỹ là nhận thức của châu Âu về các mối đe dọa an ninh và kinh tế từ Trung Quốc không mạnh bằng ở Washington.

Ông Rolland, một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Pháp cho biết: “Người châu Âu cuối cùng đã nhận ra rằng Trung Quốc sẽ không tự do hóa về mặt chính trị dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình nhưng họ vẫn nuôi hy vọng rằng họ có thể định hình hành vi của Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế”.

Bà Susan Thornton, một cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao châu Á hiện đang làm việc tại Trường Luật Yale, cho biết thêm rằng trong khi người châu Âu chia sẻ mối lo ngại về chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc và sự phá vỡ quy tắc kinh tế, họ xem sự trỗi dậy của Trung Quốc theo cách ít đe dọa hơn người Mỹ.

Bà nói: “Các quan chức châu Âu làm việc về chính sách châu Á nói rằng họ đã quen với việc các cường quốc lên xuống và cảm thấy thoải mái trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, và không coi mọi thứ là một cuộc đấu tranh kiểu nhị nguyên Manichean. Có một sự thay đổi quyền lực cơ cấu đang thúc đẩy rất nhiều câu chuyện của Hoa Kỳ về Trung Quốc, và Hoa Kỳ có xu hướng quan niệm quá mức về sự suy giảm".

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Phòng Roosevelt tại Nhà Trắng ở Washington, DC, ngày 14 tháng 2 năm 2012 (Ảnh: JIM WATSON / AFP qua Getty Images)
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Phòng Roosevelt tại Nhà Trắng ở Washington, DC, ngày 14 tháng 2 năm 2012. (Ảnh: JIM WATSON / AFP qua Getty Images)

Trong khi Mỹ tập trung vào việc tìm kiếm thỏa thuận với các đồng minh, các hành động của nước này ở Thái Bình Dương cho thấy ông Biden sẽ duy trì lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Hải quân Mỹ đã tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở eo biển Đài Loan và tổ chức các cuộc tập trận tàu sân bay kép ở Biển Đông - đây chỉ là lần thứ ba diễn ra kể từ năm 2012.

Tuy nhiên, chính quyền Biden vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định lớn nào cho thấy rằng liệu những lời lẽ gay gắt của họ có phù hợp với những hành động kém phần cứng rắn tương xứng.

Mike Gallagher, một nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa Wisconsin và là nhà phê bình hàng đầu về Trung Quốc, nói rằng ông đã thấy những dấu hiệu đáng khích lệ, nhưng đang có thái độ “chờ xem”.

"Tin tốt là nhiều cố vấn của Biden đã chứng tỏ nhận thức ngày càng tăng về mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc", ông Gallagher cho biết.

Ngoài Blinken và Sullivan, Biden đã bố trí ông Kurt Campbell làm điều phối viên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và bà Laura Rosenberger làm quan chức cấp cao nhất của NSC Trung Quốc. Trong khi đó tại Lầu Năm Góc, Ely Ratner, một quan chức khác hiếu chiến hơn, đã được yêu cầu đứng đầu một lực lượng đặc nhiệm mới tập trung vào chính sách Trung Quốc.

Dù vậy, chính quyền ông Biden quỳ gối trước Trung Quốc về cuộc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ và hàng loạt chính sách cởi trói cho Bắc Kinh đã được thiết lập từ thời ông Trump (như đề cập ở trên) cho thấy dường như chính quyền ông Biden mới chỉ cứng rắn trong lời nói chứ không phải trong hành động. Việc tiếp tục một chiến lược đã được lịch sử chứng minh là thất bại dưới thời Barack Obama cũng như thực tế Mỹ không có sức mạnh trong việc can thiệp lợi ích địa chính trị - kinh tế giữa Trung Quốc và Châu Âu hiện nay khiến chúng ta có quyền lo ngại một Trung Quốc sẽ sớm hung hăng trở lại.

Đức Duy - Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Ông Biden dùng đồng minh để tránh đối đầu trực diện với Bắc Kinh: Không đơn giản đâu!