Ông Biden giúp Trung Quốc và Nga hạ bệ đồng USD

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chỉ có một quốc gia có thể truất ngôi đồng USD; và đó không phải là quốc gia thuộc khối BRICS. Đó là Mỹ. Tổng thống Joe Biden là đồng minh lớn nhất của Trung Quốc và Nga trong quá trình "phi đô la hóa" trên toàn thế giới.

Tại cuộc họp của nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) hồi tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu: “Kế hoạch tạo ra một đồng tiền dự trữ quốc tế dựa trên rổ các loại tiền tệ của các nước [trong khối] chúng ta đang được giải quyết”.

Nga và Trung Quốc đồng thời thực hiện một nỗ lực khác để phát triển “loại tiền dự trữ toàn cầu mới”. Nói cách khác, họ đang một lần nữa tấn công đồng USD.

“Tyler Durden”, bút danh của nhân viên trang ZeroHedge, viết: “Thách thức toàn cầu đối với đồng USD … sẽ là tin tức lớn nhất trong nhiều thập kỷ”. Durden "ngạc nhiên rằng dường như không ai quan tâm đến sự dịch chuyển được cho là lớn nhất trên sân chơi kinh tế vĩ mô toàn cầu trong nửa thế kỷ qua có thể đang diễn ra".

Ông Biden lại là người bạn lớn nhất của Trung Quốc và Nga trong quá trình "phi đô la hóa" trên toàn thế giới.

Đồng BRICS yếu. Đồng rúp của Nga, mặc dù đã thể hiện sức mạnh đáng ngạc nhiên trong thời gian gần đây, nhưng lại gắn liền với một quốc gia sẽ suy giảm trong dài hạn - và dường như xu hướng đó không thể đảo ngược. Hơn nữa, Liên bang Nga, nhờ vào sự hung hăng và dã man của họ ở Ukraine, đã trở thành kẻ bị thế giới ruồng bỏ.

Nam Phi đang đi ngược lại định hướng trước đây của họ. Brazil, nơi cánh tả đang dẫn đầu các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 10, cũng không thể chạm tới vinh quang kinh tế. Ấn Độ, chắc chắn là một quốc gia lớn và được cho là đang hướng tới sự giàu có, chỉ là chưa sẵn sàng để dẫn đầu về kinh tế hoặc tài chính.

Do vậy, sự thành công của đồng tiền dự trữ BRICS phụ thuộc vào đồng CNY (nhân dân tệ) của Trung Quốc.

Khả năng chuyển đổi tự do của đồng CNY

Nhiều người luôn lạc quan về “đồng bạc đỏ” - cách một số người hiện nay gọi đồng CNY. Ví dụ, ông David Goldman đã nói về Trung Quốc như sau: “quá trình Trung hóa” ở Nam bán cầu sẽ khiến việc sử dụng đồng CNY theo đó mà phát triển lên.

Theo Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), vào tháng 5, Bắc Kinh đã khoe khoang về mức độ gia tăng sử dụng đồng tiền của họ. Khi ấy, đồng CNY chiếm 2,15% các khoản thanh toán bằng tiền tệ trên toàn cầu. Điều đó khiến nó trở thành đồng tiền hoạt động tích cực thứ 5 của thế giới.

Đúng vậy, mức độ sử dụng đồng CNY trong tháng 5 năm nay đã tăng lên - tăng 0,01% so với hồi tháng 4 cùng năm.

Tuy nhiên, xu hướng tổng thể là tiêu cực. Đồng CNY chiếm 3,2% giao dịch toàn cầu trong tháng 1, đưa nó trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều thứ 4. Trong các giai đoạn trước, đồng CNY thậm chí còn được sử dụng rộng rãi hơn.

Có lý do để giải thích tại sao đồng CNY lại là ‘chú lùn’ trên trường quốc tế. Đặc tính quan trọng nhất đối với một đồng tiền dự trữ, điều mà Trung Quốc đặc biệt thiếu, là khả năng chuyển đổi tự do sang các loại tiền tệ khác.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã liên tục thất bại trong việc giúp đồng tiền của họ tự do chuyển đổi. Trước cuộc khủng hoảng tài chính Á châu năm 1997, họ đã hứa sẽ để đồng CNY được tự do chuyển đổi vào đầu thế kỷ này. Tháng 01/2011, ông Dị Cương (Yi Gang), khi đó là Cục trưởng Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc, đã hứa rằng Trung Quốc sẽ để đồng CNY được chuyển đổi trên tài khoản vốn — nói cách khác là cho phép vốn đầu tư được tự do hồi hương — trong 5 năm.

Đến cuối năm 2015, nhiều người tin rằng Hội nghị toàn thể lần thứ 5 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ tuyên bố bãi bỏ tất cả các quyền kiểm soát vốn vào năm 2020, kết thúc Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của đất nước. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã không thực hiện được lời hứa đó. Hiện tại, Trung Quốc vẫn không để đồng CNY được chuyển đổi tự do.

Trong suốt nhiều thập kỷ, đã có những lần tự do hóa nho nhỏ ở Trung Quốc; nhưng những tiến bộ đạt được thường bị đảo ngược hoặc không đi đến đích. Chẳng hạn, vào năm 2015, Bắc Kinh đã ngừng chuyển tiền mặt ra nước ngoài - hoạt động từng được luật pháp Trung Quốc cho phép. Đây là động thái nhằm giảm bớt dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc.

Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ không thể cho phép chuyển đổi tự do tiền tệ. Mô hình kinh tế của Bắc Kinh phụ thuộc vào nguồn tiền mặt giá rẻ cho các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng nhà nước, có nghĩa là ngân hàng trung ương giảm sâu lãi suất tiền gửi. Nếu người gửi tiền có sự lựa chọn, họ sẽ theo đuổi mức lợi nhuận cao hơn bên ngoài Trung Quốc, trong khi quốc gia này không thể chịu đựng được kết quả hỗn loạn của việc tiền mặt tháo chạy khỏi thị trường nội địa.

Hiện tại, dòng tiền mặt đang cố gắng rời khỏi Trung Quốc một cách tuyệt vọng. Cuộc khủng hoảng nợ - Bắc Kinh đã tích lũy khoản nợ tương đương 350% tổng sản phẩm quốc nội - có vẻ như sẽ hạ gục Trung Quốc. Tập đoàn Evergrande và nhiều nhà phát triển bất động sản lớn khác đang vỡ nợ; người mua nhà trên khắp đất nước cùng nhau tham gia “cuộc tẩy chay thế chấp”, từ chối trả ngân hàng các khoản vay cho các căn hộ; các nhà cung cấp của các nhà phát triển bất động sản cũng từ chối trả các khoản vay ngân hàng; và các ngân hàng không thể trả tiền gửi nên những người gửi tiền đang biểu tình trên đường phố. Kết quả là, các nhà đầu tư nước ngoài rút tiền khỏi thị trường trái phiếu - vốn đang bùng nổ. Tháng 07/2022 đánh dấu tháng thứ 6 liên tiếp dòng tiền tháo chạy khỏi thị trường trái phiếu của Trung Quốc. Ai lại muốn nắm giữ một đồng tiền Trung Quốc yếu đang lao về phía bờ vực?

Hơn nữa, ông Tập Cận Bình, người cai trị Trung Quốc, tin tưởng vào quyền kiểm soát "tuyệt đối" mọi khía cạnh xã hội. Do đó, ý tưởng về khả năng chuyển đổi tự do gần như chắc chắn là điều ông ấy ghét cay ghét đắng. Vì vậy, trước khi Trung Quốc từ bỏ hoàn toàn mô hình phát triển kinh tế của họ và ông Tập không còn là người cai trị, đồng CNY không thể truất ngôi đồng USD. Sự thất bại của Trung Quốc trong việc khiến đồng tiền của họ được chấp nhận rộng rãi có nghĩa là, về mặt thực tế, đồng BRICS sẽ không bao giờ có thể phát triển.

Ông Biden giúp sức

Người Nga và người Trung Quốc đã muốn tấn công đồng USD trong nhiều thập kỷ; và bây giờ, họ đã nhìn thấy cơ hội thực sự để thành công.

Các đặc điểm của đồng tiền dự trữ toàn cầu là gì? Nó phải ổn định, nó phải được hỗ trợ bởi một nền kinh tế lớn mạnh, nó phải có thể chuyển đổi tự do và nó phải được sử dụng rộng rãi.

Chính sách của ông Biden đang làm suy yếu các đặc điểm kể trên của đồng USD. Những kế hoạch chi tiêu điên rồ của ông ấy cuối cùng sẽ làm suy yếu đồng USD và do đó làm giảm sức hấp dẫn của đồng USD trong việc cất giữ giá trị. Những khoản chi tiêu của ông Biden có được bằng cách phát hành nợ. Nợ quốc gia của Mỹ hiện là 30,6 nghìn tỷ USD và đang tăng nhanh. Cuối cùng, các nhà đầu tư sẽ quay lưng lại với đồng USD ốm yếu. Không ai muốn giữ của cải của mình trong một đồng tiền liên tục mất giá.

Hơn nữa, ông Biden đã đẩy nền kinh tế Mỹ vào 2 quý tăng trưởng âm, vào một cuộc “suy thoái kinh tế”; và các chính sách của ông dường như được thiết kế để làm kéo dài và sâu sắc thêm cuộc suy thoái ấy.

Ngoài ra, việc ông áp đặt các biện pháp trừng phạt bằng đồng USD đối với Nga đã triệt tiêu một trong những lợi thế chính của đồng bạc xanh: sự chấp nhận trên toàn cầu và khả năng sử dụng rộng rãi trong các giao dịch. Do đó, người Trung Quốc và người Nga đang cố gắng giao dịch với nhau bằng đồng CNY. Hơn nữa, Trung Quốc đang nỗ lực để khiến Ảrập Xêút chấp nhận đồng bạc đỏ trong thanh toán dầu.

Trong khi đó, ông Biden như thể đang cố gắng giết đồng USD. Ở Bắc Kinh và Moscow, họ đang không thể tin vào vận may của mình. Tổng thống đương nhiệm Mỹ đang phá hoại điều mà ông Tucker Carlson gọi một cách chính xác là “lợi ích cốt lõi của nước Mỹ”: duy trì địa vị đồng USD như là đồng tiền dự trữ của thế giới.

Người Mỹ không nên tự tin thái quá. Lý do duy nhất khiến đồng bạc xanh vẫn là đồng tiền dự trữ của thế giới là vì không có giải pháp thay thế thực tế nào. Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga đang bận rộn tìm cách thiết kế sản phẩm thay thế. Đó là lý do tại sao họ thúc đẩy đồng BRICS tại thời điểm này.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Lê Minh

Theo Gordon G. Chang - The Epoch Times

Tác giả Gordon G. Chang là một thành viên cao cấp xuất sắc tại Viện Gatestone, thành viên Ban cố vấn của viện này và là tác giả của cuốn “The Coming Collapse of China” (Sự sụp đổ đang đến gần của Trung Quốc).



BÀI CHỌN LỌC

Ông Biden giúp Trung Quốc và Nga hạ bệ đồng USD