Ông Tập làm suy yếu chính sách tự do hóa kinh tế của Đặng Tiểu Bình, trở lại thời kỳ Mao Trạch Đông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, Đặng Tiểu Bình đã tự do hóa nền kinh tế Trung Quốc, thúc đẩy nước này chuyển đổi từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành nền kinh tế số 2 toàn cầu. Báo cáo Công tác Chính phủ năm 2022 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho thấy các chính sách của ông Đặng đang dần bị xóa sổ, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lái đất nước trở lại thời kỳ độc tài của Mao Trạch Đông.

Báo cáo Công tác Chính phủ công bố hôm 05/03 của ĐCSTQ cho thấy ông Tập muốn làm suy yếu chính sách tự do hóa kinh tế của Đặng Tiểu Bình.

Cuộc họp thường niên quan trọng nhất của Trung Quốc năm nay đã diễn ra từ 04/03 đến 11/03. Trong 2 phiên họp — của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) và của Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc — các quan chức ĐCSTQ đã tóm tắt tình hình kinh tế của đất nước từ năm ngoái, đồng thời đưa ra chủ trương và chính sách cho năm tới, bao gồm các mục tiêu về chi tiêu và tăng trưởng.

Báo cáo nêu rõ: “Chúng ta phải hành động dựa trên triết lý phát triển lấy con người làm trung tâm và dựa vào nỗ lực của tất cả mọi người để thúc đẩy thịnh vượng”.

Cách nói mới này nghe giống chủ nghĩa cộng sản kiểu cũ hơn là chủ nghĩa xã hội thị trường - vốn đã thúc đẩy sự phát triển của Trung Quốc trong 20 năm qua.

Bản báo cáo nhiều lần tuyên bố rằng ĐCSTQ và chính quyền Trung Quốc có “đồng chí Tập Cận Bình ở vị trí cốt lõi” - một lời nhắc nhở rõ ràng rằng ông Tập là nhà lãnh đạo tối cao (paramount leader - một thuật ngữ thường dùng ở Trung Quốc), ngang tầm với Mao Trạch Đông.

Trong thời đại Mao, sinh viên và công nhân phải nghiền ngẫm “Mao ngữ lục”. Ngày nay, “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho kỷ nguyên mới” là cuốn sách bán chạy nhất ở Trung Quốc, bao gồm 14 nguyên tắc đã được ghi trong Hiến pháp Trung Quốc.

Phần phúc lợi xã hội trong cuốn sách của ông Tập có đoạn “cải thiện sinh kế và hạnh phúc của mọi người là mục tiêu chính của sự phát triển… và đảm bảo rằng mọi người hài lòng với cuộc sống và công việc của họ”.

Ông Tập làm suy yếu chính sách tự do hóa kinh tế của Đặng Tiểu Bình để trở lại thời kỳ độc tài của Mao Trạch Đông
Cuốn sách của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, được dịch ra tiếng nước ngoài và trưng bày tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh hôm 01/12/2017. (Ảnh: Fred Dufour / AFP qua Getty Images)

Rõ ràng, ông Tập tin rằng cách tốt nhất để cải thiện cuộc sống của người dân và khiến họ hài lòng hơn với công việc của mình là thông qua các biện pháp kiểm soát xã hội và tài chính. Ông kêu gọi ban hành nhiều hạn chế đối với thu nhập cao. Ngược lại, chính sách của Đặng Tiểu Bình cho phép "một số người làm giàu trước".

Ông Wang Jun của Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc nói với Nikkei Asia rằng: “Dữ liệu về tiêu dùng trì trệ cho thấy cần phải nhanh chóng nâng cao thu nhập của người dân và tập trung nhiều hơn vào bình đẳng trong việc phân phối [của của]”. Bằng cách giảm tài sản của người giàu, ĐCSTQ hy vọng sẽ kích thích tiêu dùng.

Báo cáo Công tác Chính phủ ít đề cập đến chiến lược lưu thông kép, một chiến lược mà Trung Quốc ưu tiên tiêu dùng nội địa trong khi vẫn duy trì mở cửa cho thương mại và đầu tư quốc tế. Động thái rời xa lưu thông kép cho thấy Trung Quốc sẽ tập trung nhiều hơn vào nền kinh tế trong nước, đồng thời khép mình lại với thế giới bên ngoài.

Dưới thời Đặng Tiểu Bình, lưu thông kép được nhà nghiên cứu Trung Quốc Wang Jian gọi là “lưu thông quốc tế rộng lớn”. Do đó có thể thấy, từ bỏ lưu thông kép là một ví dụ khác về việc từ bỏ chính sách của Đặng Tiểu Bình.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là chất xúc tác cho sự thay đổi chính sách, vì nó khiến Trung Quốc chuyển hướng từ tương tác với thế giới sang tập trung vào nền kinh tế nội địa. Đại dịch cũng đóng một vai trò, khi các đợt phong tỏa và chính sách “Zero-Covid” đã làm giảm năng lực xuất khẩu sản phẩm hay kiếm tiền từ du lịch của Trung Quốc. Nó cũng ngăn cản khả năng quốc tế hóa hơn nữa của Bắc Kinh khi không thể đón sinh viên và doanh nhân nước ngoài đến lưu trú. Nhưng nhiều thay đổi là do ông Tập tạo ra. Chiến tranh thương mại và đại dịch có thể chỉ là cái cớ để nhà lãnh đạo này siết chặt kiểm soát nền kinh tế.

‘Xiconomics’ - chính sách kinh tế kiểu Tập và hệ quả

Tư tưởng Kinh tế của ông Tập được gọi là “Xiconomics”, là điều mà ĐCSTQ cần lưu ý để có “hướng phát triển đúng đắn”. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, những thay đổi trong chính sách kinh tế của ông Tập đã dẫn đến một số biện pháp kiểm soát tai hại, ngày càng hạn chế các khía cạnh thị trường của kinh tế Trung Quốc.

Năm ngoái, ông Tập đã công bố nhiều chính sách giúp khắc phục nền kinh tế đang gặp khó của Trung Quốc. Ông cam kết hạn chế mở rộng vốn một cách bừa bãi, đảm bảo tăng trưởng, thúc đẩy tiêu dùng cá nhân, xóa nợ cho nền kinh tế và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Chủ tịch Tập cũng hứa hẹn về “thịnh vượng chung”, một chương trình tái phân phối của cải nhằm giúp đỡ người nghèo. Nhưng hầu hết điều này chỉ được đề cập ngắn gọn trong Báo cáo Công tác Chính phủ.

Kế hoạch của ông Tập là để Trung Quốc chuyển sang nền kinh tế dựa vào tiêu dùng; nhưng sau đó ông đã thực hiện chính sách "Zero-Covid", tạo ra nhiều vụ phong tỏa và không thể khuyến khích người dân tiêu tiền. Để cải thiện tình trạng này, ông Tập đã chuyển sang chiến lược “Zero Covid linh động”, tức là quét sạch Covid trong cộng đồng theo biến động. Chiến lược này có vẻ còn hà khắc hơn chính sách cũ. Các ca nhiễm Covid gần đây đã gia tăng trên khắp Trung Quốc. Trung tâm công nghiệp của Thâm Quyến, thành phố có khoảng 17 triệu dân, đã bị phong tỏa vào 2 tuần trước.

Chiến sách từ bỏ nhiên liệu hóa thạch của ông Tập đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng; và giới chức trách sau đó đã phải đảo ngược các biện pháp này.

Để kiềm chế khủng hoảng nợ, ông Tập tuyên bố sẽ thắt chặt kiểm soát tín dụng. Và bây giờ, vào thời điểm mà thế giới đang gặp khó bởi lạm phát gia tăng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lại đang cắt giảm lãi suất.

Ông Tập làm suy yếu chính sách tự do hóa kinh tế của Đặng Tiểu Bình để trở lại thời kỳ độc tài của Mao Trạch Đông
Một tòa nhà đang được xây dựng ở Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 24/09/2021. (Ảnh: Hector Retamal / AFP qua Getty Images)

Để làm cho những ngôi nhà trở nên rẻ hơn đối với người dân phổ thông, ông Tập đã kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực bất động sản - lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Điều này đã dẫn đến tình trạng thất nghiệp và đình trệ trong ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và các ngành liên quan khác.

Ông Tập nhắm mục tiêu vào lĩnh vực công nghệ, vốn là động cơ của sự đổi mới và hiện đại hóa. Cho đến nay, chỉ số đo lường công nghệ Trung Quốc, một chỉ số về cổ phiếu công nghệ của Trung Quốc, đã giảm hơn 60% từ mức đỉnh vào năm ngoái.

Để giảm chi phí nuôi dạy con cái, ông Tập quyết liệt loại bỏ ngành công nghiệp dạy thêm trị giá 100 tỷ USD, xóa sổ 3 triệu việc làm. Về lâu dài, điều này cũng sẽ làm giảm kỹ năng tiếng Anh của thanh niên Trung Quốc, khiến họ và quốc gia này kém cạnh tranh hơn trên trường thế giới.

Mục tiêu GDP của Trung Quốc trong năm tới là 5,5%, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Chỉ số Shanghai Stock Composite đã có xu hướng đi xuống ít nhiều kể từ năm ngoái, với 10 công ty niêm yết tại Mỹ lớn nhất của Trung Quốc mất hơn 1 ngàn tỷ USD giá trị.

Hơn nữa, việc ông Tập từ chối lên án Nga xâm lược Ukraine có thể khiến Trung Quốc bị trừng phạt kinh tế. Trong khi đó, kể từ cuộc chiến ở Ukraine, ĐCSTQ đã phân bổ nhiều tiền hơn cho quốc phòng, nâng ngân sách quân đội lên 230 tỷ USD. Điều này sẽ gây thêm căng thẳng cho hệ thống kinh tế và tăng thêm nợ quốc gia. Dưới sự lãnh đạo của ông Tập, nợ công Trung Quốc đã tăng lên 270% GDP vào năm 2020.

Các chính sách của ông Tập chắc chắn giống các chính sách của Mao Trạch Đông hơn là của Đặng Tiểu Bình. Khi Mao Trạch Đông qua đời, trung bình một người Trung Quốc kiếm được 187 USD/năm; do vậy kế hoạch hóa tập trung đã được chứng minh là một hệ thống kinh tế sai lầm. Việc ông Tập quay về chủ nghĩa Mao là lặp lại những sai lầm trong quá khứ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện là Giáo sư và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc. Ông viết bài cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông gồm: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc); và A Short Course on the Chinese Economy (Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc).

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập làm suy yếu chính sách tự do hóa kinh tế của Đặng Tiểu Bình, trở lại thời kỳ Mao Trạch Đông