Ông Tập sẽ khó có thể đưa kinh tế Trung Quốc vượt qua Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện tại, Trung Quốc sẽ rất khó vượt qua Mỹ trong tương lai gần. Trung Quốc đang gặp những vấn đề lớn về kinh tế gồm: công thức tăng trưởng cũ không còn hiệu quả, quy mô lực lượng lao động giảm trong khi năng suất khó tăng đủ nhanh để bù đắp. Ngoài ra, việc thắt chặt kiểm soát của ông Tập đang kéo lùi hơn nữa sự phát triển.

Với sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, khó có khả năng Trung Quốc sẽ phục hồi về kinh tế hoặc vượt qua Mỹ trong vài thập kỷ, nếu điều đó có thể xảy ra.

Từ năm 1980 đến năm 2019, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Trung Quốc là 8%. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng hàng năm đã suy giảm. Và năm nay, Trung Quốc dự kiến ​​sẽ công bố con số tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ, có thể dưới 3%.

Việc hoàn toàn nắm chắc quyền lực của ông Tập có nghĩa là đất nước sẽ được lãnh đạo hướng tới tầm nhìn tương lai của ông: đẩy mạnh an ninh và thống nhất bằng vũ lực với Đài Loan. Tăng trưởng kinh tế được cải thiện không phải là ưu tiên cao mặc dù ông Tập kêu gọi biến Trung Quốc trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu của ông Tập, nền kinh tế sẽ phải tăng trưởng với tốc độ trung bình 5% mỗi năm. Với tốc độ tăng trưởng chậm của năm nay, tình trạng tệ hại chung của nền kinh tế, các đợt phong tỏa COVID-19 đang diễn ra, nợ nần chồng chất, thâm hụt ngân sách lớn, và khủng hoảng nhân khẩu học, điều này có vẻ khó xảy ra. Trên thực tế, với tốc độ tăng trưởng hiện tại dưới 3%, Trung Quốc sẽ không thể vượt qua Mỹ cho đến năm 2060.

Ông Tập sẽ khó có thể đưa kinh tế Trung Quốc vượt qua Mỹ
Một nhân viên y tế lấy mẫu từ một người đàn ông để xét nghiệm Covid-19 ở quận Hoàng Phố, Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 24/10/2022. (Ảnh: HECTOR RETAMAL / AFP qua Getty Images)

Các vấn đề của kinh tế Trung Quốc

Trong những thập kỷ trước, Trung Quốc đã phát triển bằng cách chuyển người dân từ nông thôn lên thành phố, nơi đóng góp vào GDP của một công nhân nhà máy cao gấp bốn lần so với một nông dân. Di chuyển hàng trăm triệu người đã làm tăng đáng kể quy mô GDP của Trung Quốc. Bây giờ, đất nước phần lớn đã được đô thị hóa, vì vậy công thức cũ không mang lại lợi ích to lớn như thế nữa.

Trong quá khứ, Trung Quốc cũng đã sử dụng việc xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nền kinh tế. GDP tăng đáng kể khi các tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên và các tuyến đường bộ cải tiến được xây dựng giữa các thành phố. Hầu hết đất nước hiện được kết nối thông qua đường cao tốc và tàu cao tốc ngoại trừ những ngôi làng nhỏ, ít người biết đến và chưa phát triển. Mặc dù việc kết nối các làng này có thể làm tăng GDP của các làng, nhưng nó sẽ có tác động ít hoặc không có tác động đến GDP quốc gia. Trên thực tế, chi phí xây dựng những kết nối như vậy có thể dễ dàng vượt qua lợi ích mang lại.

Trung Quốc đã thực sự đạt đến điểm giảm dần lợi nhuận khi chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, trong đó mỗi USD chi cho cơ sở hạ tầng có tác động nhỏ hơn đến GDP. Để tạo ra 1 USD tăng trưởng GDP, Trung Quốc phải đầu tư trung bình 8 USD. Tệ hơn nữa, nếu những đồng USD đó được tài trợ thông qua nợ, thì giờ đây chúng sẽ đắt hơn khi lãi suất trên các thị trường nợ quốc gia trên thế giới tăng lên. Bất kỳ khoản nợ bổ sung nào được sử dụng để tài trợ cho cơ sở hạ tầng sẽ phải được cộng vào tổng nợ của Trung Quốc, trong khi con số này, tính cả nợ chính phủ và tư nhân, đã bằng 270% GDP.

Một vấn đề khác mà Trung Quốc phải đối mặt là tỷ lệ sinh giảm. Để duy trì quy mô lực lượng lao động của mình, Trung Quốc sẽ phải có trung bình 2,1 ca sinh cho mỗi gia đình. Tuy nhiên, vào năm 2021, tỷ lệ sinh của Trung Quốc chỉ là 1,15. Tăng trưởng nền kinh tế đi cùng với lực lượng lao động ngày càng giảm sẽ đòi hỏi phải cải thiện năng suất lao động để tăng mức đóng góp vào GDP của mỗi người lao động. Điều này có thể đạt được thông qua công nghệ và hoạt động sản xuất hàng hóa có giá trị cao hơn.

Bằng cách chuyển đổi sang lĩnh vực sản xuất cao cấp hơn, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã duy trì mức sống cao mặc dù lực lượng lao động đang giảm dần. Thay vì làm công việc sản xuất cấp thấp trị giá 500 USD mỗi tháng như công nhân Trung Quốc làm, mỗi công nhân Nhật Bản trung bình đóng góp 2.000 USD mỗi tháng vào GDP với nền sản xuất tiên tiến.

Mặc dù Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai, nhưng tính trung bình, người dân Trung Quốc vẫn nghèo hơn nhiều so với người Mỹ. Trung bình một người Trung Quốc chỉ kiếm được khoảng 12.500 USD hàng năm, trong khi người Mỹ trung bình kiếm được gần 70.000 USD. Xét về GDP bình quân đầu người, Trung Quốc cao hơn nhiều nước châu Á nhưng lại thua xa Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Và ông Tập dường như không có khả năng thu hẹp khoảng cách đó.

Trung Quốc dường như đã mắc vào cái được gọi là bẫy thu nhập trung bình. Nói chung, ngay cả những nước có mức tăng trưởng cao cũng sẽ chững lại khi họ đạt mức thu nhập trung bình. Điều này là do khả năng cạnh tranh của quốc gia bị đình trệ, cũng như đầu tư và đổi mới của quốc gia đó. Mức lương thấp như ở Trung Quốc vẫn cao hơn nhiều so với mức lương trung bình 130 USD một tháng cho ngành sản xuất ở Ấn Độ hay 200 USD một tháng ở Việt Nam. Điều này có nghĩa là Trung Quốc không còn có tính cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất cấp thấp. Đồng thời, Trung Quốc thiếu vốn, đầu tư, công nghệ và nhân lực để thay thế các công việc nhà máy cấp thấp bằng lượng công việc sản xuất cấp cao tương tự.

Trung Quốc đang phải đối mặt với nhu cầu tăng năng suất của lực lượng lao động đang già đi để duy trì tốc độ tăng trưởng. Nhưng tăng trưởng năng suất đã giảm khoảng 50% trong thập kỷ qua. Với tốc độ suy giảm quy mô lực lượng lao động và tăng trưởng năng suất hiện tại của Trung Quốc chỉ là 0,7, quốc gia này sẽ gần như phát triển chững lại. Năng suất chỉ phát triển đủ nhanh để bù đắp sự suy giảm về quy mô của lực lượng lao động.

Sự kiểm soát của ông Tập

Các nhà phân tích phương Tây từng tin rằng một quốc gia không thể giàu lên nếu thiếu các quyền tự do cơ bản. Tự do báo chí và ngôn luận được cho là cần thiết để theo đuổi nghiên cứu học thuật và thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới cần thiết để phát triển nền kinh tế. Sau đó, Trung Quốc xuất hiện và có thể đạt mức tăng trưởng hai con số năm này qua năm khác mặc dù có một chính phủ độc tài. Đúng là tăng trưởng lớn diễn ra sau năm 1978 và đi kèm với sự mở cửa của xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển của Trung Quốc dường như đã thách thức quan điểm của phương Tây rằng tự do là cần thiết để một quốc gia trở nên giàu có.

Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng chưa từng có nhờ xuất khẩu, cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào nhận ra rằng tăng trưởng phải cân bằng hơn. Ông Tập lên nắm quyền và cũng nói về việc đa dạng hóa nền kinh tế và tăng tiêu dùng tính theo tỷ lệ phần trăm GDP. Nhưng thay vì tự do hóa nền kinh tế, ông Tập đã bắt đầu thắt chặt sự kìm kẹp của mình, sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ mới để kiểm soát gần như mọi khía cạnh cuộc sống người dân. Cuộc đàn áp của ông đối với đầu tư “mất trật tự” gần như đã làm sụp đổ nền kinh tế. Vào thời điểm mà Trung Quốc cần đổi mới để phát triển, các biện pháp kiểm soát của ông Tập đang kìm hãm sự phát triển, và sự tiến bộ trong học thuật cũng như nghiên cứu và đổi mới ở Trung Quốc đang chậm lại.

Bây giờ, vào đầu nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có của ông Tập, nền kinh tế Trung Quốc đang ở trong tình trạng tồi tệ. Lĩnh vực bất động sản giảm 30%. Lĩnh vực công nghệ đã mất hơn 1 nghìn tỷ USD trong hai năm. Các cuộc tẩy chay thế chấp đang trở nên thường xuyên hơn khi người mua nhà từ chối thanh toán cho các bất động sản đã hoàn thiện một nửa và quá hạn từ lâu từ các nhà phát triển đang trên bờ vực vỡ nợ. Các ngân hàng tiết kiệm nhỏ hơn và ở nông thôn ngày càng phải đóng băng tài khoản để ngăn chặn việc rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng. Tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng và người dân đang thấy mức sống của họ bị đe dọa. Phản ứng của ông Tập là chuyển trọng tâm ra khỏi nền kinh tế.

Ông Tập sẽ khó có thể đưa kinh tế Trung Quốc vượt qua Mỹ
Cảng container tại đảo Thanh Y ở Hong Kong vào ngày 28/02/2022. (Ảnh: PETER PARKS / AFP qua Getty Images)

Theo bài phát biểu khai mạc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Tập hiện đang ưu tiên an ninh hơn tăng trưởng kinh tế. Vì an ninh không trả lãi kinh tế, điều này sẽ khiến kinh tế Trung Quốc thậm chí ít có khả năng phục hồi hơn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang ưu tiên đảm bảo an ninh cho thương mại với Trung Quốc bằng cách cắt giảm khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với các chip tiên tiến.

Hai nhà lãnh đạo đang tấn công nền kinh tế Trung Quốc từ hai bên bờ Thái Bình Dương. Bắc Kinh cần những con chip để chuyển đổi sang sản xuất cấp cao hơn và cứu nền kinh tế của mình. Các con chip cũng là một yêu cầu cần có để sản xuất vũ khí thế hệ tiếp theo mà ĐCSTQ cần để đạt được ưu thế quân sự so với Mỹ. Và tất nhiên, Trung Quốc cần tiền để tài trợ cho đầu tư công nghệ, mua vũ khí và các chương trình phát triển vũ khí. Các lệnh cấm chip cũng đang khiến các công ty của Mỹ và các quốc gia khác rời khỏi Trung Quốc, điều đang làm giảm cơ hội cho hoạt động gián điệp công nghiệp của ĐCSTQ. Do đó, Trung Quốc sẽ không còn có thể đổi mới thông qua chuyển giao công nghệ cưỡng bức như họ đã từng làm trước đây.

Trong tương lai, sự siết chặt kiểm soát của ông Tập, vốn đang giết chết con ngỗng đẻ trứng vàng (nguồn tiền của Trung Quốc), khó có thể giảm bớt. Kể từ sau cuộc dọn dẹp chính trị theo sau Đại hội toàn quốc, hầu như không còn ai trong ĐCSTQ có thể chống lại ông Tập. Và nếu ông Tập không thay đổi hướng đi, ông sẽ không đạt được mục tiêu của mình là đưa Trung Quốc trở thành siêu cường kinh tế và quân sự, hoặc biến Bắc Kinh thành nhà lãnh đạo của một trật tự thế giới mới do Trung Quốc lãnh đạo và thay thế cho Mỹ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo Antonio Graceffo - The Epoch Times

Tiến sĩ Antonio Graceffo là nhà phân tích kinh tế Trung Quốc đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện đang theo học ngành quốc phòng tại Đại học Quân đội Mỹ. Ông là tác giả của cuốn sách: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc)



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập sẽ khó có thể đưa kinh tế Trung Quốc vượt qua Mỹ