PBOC ra tuyên bố về chính sách tiền tệ - Nhân dân tệ sẽ tiếp tục mất giá

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhân dân tệ (CNY) đang mất giá mạnh trở lại so với USD. Tuyên bố chính sách của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho thấy xu hướng mất giá CNY còn tiếp tục trong thời gian tới. Đồng CNY mất giá, PBOC tiếp tục nới lỏng tiền tệ và chính sách 'zero Covid' đã thúc đẩy dòng vốn ngoại tháo chạy khỏi Bắc Kinh.

Đồng nhân dân tệ mất giá so với USD, ở mức 6,75 CNY cho mỗi USD vào ngày 9/5/2022. Đây là mức giá thấp nhất của CNY trong 18 tháng qua. Lo ngại về suy thoái kinh tế ở Trung Quốc cũng như toàn cầu trong khi lãi suất đồng USD tăng lên để kiềm chế lạm phát, các nhà đầu tư đã quay trở lại với sự an toàn của đồng USD thay vì CNY.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tuân thủ nghiêm ngặt cách tiếp cận không khoan nhượng của họ với Covid cũng đang ảnh hưởng tiêu cực tới giá trị đồng nội tệ của họ.
Dữ liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc chậm lại, xuống mức thấp nhất trong gần hai năm, trong khi nhập khẩu hầu như không thay đổi trong tháng 4 do các quy định thắt chặt hơn và rộng hơn của Covid-19 khiến sản xuất và dịch vụ trong nước bị thu hẹp. Theo số liệu công bố PMI của Caixin, khu vực sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc đã bị thu hẹp nhất kể từ tháng 3/2020; thời điểm đỉnh của đại dịch virus viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc.

CNY sẽ tiếp tục mất giá

Ngày 9/5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã công bố "Báo cáo tình hình thực hiện chính sách tiền tệ của Trung Quốc trong quý I năm 2022". Trong bối cảnh tỷ giá của đồng Nhân dân tệ so với đô la Mỹ giảm mạnh từ cuối tháng 4, Ngân hàng trung ương Trung Quốc tuyên bố sẽ theo đuổi chính sách tiền tệ theo nguyên tắc: "Tuân thủ hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi có quản lý dựa trên cung và cầu thị trường, được điều chỉnh dựa trên rổ tiền tệ ... để duy trì hoạt động bình thường của thị trường ngoại hối, đồng thời duy trì tỷ giá Nhân dân tệ cơ bản ổn định ở mức hợp lý và cân đối”.

Đánh giá về thái độ của PBOC sau công bố này, các chuyên gia tài chính khẳng định rằng đồng sẽ tiếp tục mất giá, PBOC sẽ không can thiệp quá mức vào việc đẩy giá trị của CNY.

Giải thích cho sự mất giá 'khó cưỡng lại' của CNY, công ty Huatai Securities cho rằng với sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh trong nước gần đây, các biện pháp phòng chống và kiểm soát ngày càng sâu rộng, chặt chẽ hơn có thể dẫn đến tác động lâu hơn đến nền kinh tế. Bởi vậy, kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi chậm hơn so với kế hoạch mà Quốc hội Trung Quốc đề ra, dẫn đến giảm đáng kể kỳ vọng tăng trưởng. Tất cả gia tăng thêm sự không chắc chắn liên quan đến ổn định tài chính và thị trường bất động sản. Thị trường gần như lập tức bảo vệ tài sản trước sự suy yếu của đồng CNY; điều này khiến đồng CNY bị suy yếu hơn bởi yếu tố tâm lý.

Thêm vào nữa, kể từ tháng 4/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại gia tăng biểu hiện "diều hâu" đối với triển vọng chính sách tiền tệ, đẩy đồng USD tăng giá, đồng thời làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ đồng NDT.

Báo cáo Nghiên cứu Chứng khoán Đông Bắc cho rằng dư địa giảm giá CNY có thể bị hạn chế. Nguyên nhân đầu tiên là do chỉ số đô la Mỹ được dự báo sẽ suy yếu dần sau đợt tăng lãi suất mạnh mẽ và giảm bảng cân đối kế toán ở Mỹ trong quý 2; tốc độ mất giá CNY dự kiến ​​sẽ nhẹ nhàng hơn.

Doanh nghiệp khó khăn hơn

Biến động mạnh của tỷ giá hối đoái cũng đã khiến các công ty Trung Quốc có hoạt động thương mại quốc tế đang chịu áp lực lớn hơn và tiêu cực hơn.

Về vấn đề này, Liu Jie, kinh tế trưởng về Trung Quốc tại định chế tài chính Standard Chartered, nói rằng dữ liệu quyết toán ngoại hối trong nước cho thấy các công ty trong nước ở trạng thái thanh toán ngoại hối âm.

He Gang, Giám đốc cấp cao của Vụ Kinh doanh Quốc tế của Ngân hàng Truyền thông, nói với China Business News rằng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên thực hiện các biện pháp giảm rủi ro tỷ giá theo nhu cầu thực tế của họ, và hoạt động cụ thể tùy thuộc vào các loại hình doanh nghiệp. Ví dụ, các công ty đại lý thương mại nước ngoài có thể thực hiện các hợp đồng phái sinh phòng ngừa tỷ giá một cách có kế hoạch, dựa theo thoả thuận thanh toán với khách hàng. Các công ty sản xuất và thương mại có thể kết hợp dòng vốn ngoại hối hai chiều: cầu ngoại hối cho xuất khẩu và cung ngoại hối từ nhập khẩu để khớp lệnh mua bán hợp đồng phái sinh ngăn ngừa rủi ro về biến động tỷ giá. Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn có thể phối hợp với các biện pháp giảm rủi ro truyền thống trong quản lý ngoại hối như tăng cường dự trữ. Dù sao thì, việc đồng CNY giảm giá có lợi cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc.

Guoyuan Securities cho rằng các công ty có tỷ trọng doanh thu kinh doanh ở nước ngoài lớn và tỷ suất lợi nhuận thấp sẽ thu được có tỷ suất lợi nhuận lớn hơn sau khi thay đổi tỷ giá hối đoái.

Vào ngày 6/5/2022, phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc Thời báo chứng khoán đưa tin rằng Giám đốc Nghiên cứu Kinh tế Châu Á của Ngân hàng UBS Wang Tao cho biết: "Dự kiến ​​CNY sẽ suy yếu hơn nữa so với USD trong vài tháng tới, ở mức mức 6,9 CNY/USD vào cuối năm 2022. USD đã duy trì đà tăng mạnh trong thời gian gần đây trong khi xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc suy yếu. Tỷ giá CNY/USD có thể vượt qua mốc 7 vào giữa năm, nhưng nó sẽ trở lại trong vòng 7 tới cuối năm".

Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

PBOC ra tuyên bố về chính sách tiền tệ - Nhân dân tệ sẽ tiếp tục mất giá