PBoC tuyên truyền về triển vọng kinh tế xán lạn và kêu gọi phối hợp chính sách toàn cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) kêu gọi chính phủ các nước phối hợp chính sách toàn cầu và vẽ ra viễn cảnh xán lạn về triển vọng kinh tế nước này. Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế lại tăng cường cảnh báo rủi ro lây nhiễm nếu có quan hệ kinh tế với PBoC nói riêng và kinh tế Trung Quốc nói chung.

Theo Investing, vào ngày 22/3, một quan chức ngân hàng trung ương Trung Quốc đã kêu gọi tăng cường phối hợp chính sách toàn cầu nhằm quản lý các tác động kinh tế do sự bùng phát của dịch viêm phổi Vũ Hán. Quan chức này cho biết các biện pháp chính sách gần đây của Bắc Kinh đã đạt được “sức hút” và họ có đủ khả năng để tiến hành các hành động tiếp theo.

Chen Yulu, phó thống đốc tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), phát biểu trong một cuộc họp báo rằng Thống đốc PBoC Yi Gang đã trao đổi quan điểm trên với Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Jerome Powell, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các cơ quan khác.

"Dịch bệnh đang lan nhanh toàn cầu. Việc cấp bách trước mắt là tất cả các nước nên tăng cường phối hợp quốc tế trong các chính sách vĩ mô như: chính sách y tế công cộng, chính sách thương mại, chính sách tài khóa và tiền tệ. Chúng tôi sẽ tích cực tham gia vào việc hợp tác quốc tế để đối phó với những thách thức đang được đặt ra bởi tình hình phức tạp này”, ông Chen nói.

PBoC vẽ ra một viễn cảnh hứa hẹn về kinh tế và năng lực chính sách của Trung Quốc

Ông Chen cho biết nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng chịu áp lực suy giảm khi dịch virus đã làm “rung chuyển” thị trường tài chính. Ông nói rằng ông kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ cải thiện đáng kể trong quý II năm nay.

Các nhà phân tích khu vực tư nhân đang cắt giảm dự báo về mức tăng trưởng của họ đối với nền kinh tế Trung Quốc xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ khi Cách mạng Văn hóa kết thúc năm 1976. Các dự kiến cho thấy sẽ có một sự thu hẹp mạnh ​​đối với mức tăng trưởng trong quý đầu tiên của năm nay. Dù vậy, ông Chen - đại diện của PBoC - vẫn cho rằng: "Hiện tại, hoạt động của thị trường tài chính Trung Quốc nói chung là ổn định, kỳ vọng thị trường tương đối bình ổn và có đủ không gian cho các chính sách vĩ mô và dự trữ công cụ".

PBoC đã đưa ra một loạt các biện pháp, bao gồm: giảm lãi suất cho vay và tỷ lệ dự trữ của các ngân hàng, giảm bớt các khoản cho vay giá rẻ đối với các công ty được chọn. Những biện pháp này nhằm tạo bước đệm cho sự phát triển trở lại của nền kinh tế từ tình trạng suy thoái do bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán.

Trong khi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán dự kiến ​​sẽ tiếp tục gây áp lực làm tăng giá đối với mức giá tiêu dùng của Trung Quốc trong thời gian tới, PBoC truyền thông về việc lạm phát có thể giảm trong các quý tiếp theo bất chấp thực trạng giá lương thực leo thang và nguy cơ thiếu hụt lương thực trầm trọng tại nước này sau đại dịch do thiếu nhân công, phân bón và giống, chưa kể đến thảm họa châu chấu sa mạc cận kề.

Trong một cuộc họp ngắn cùng các nhà quản lý tài chính cấp cao khác của Trung Quốc, ông Chen phát biểu rằng thị trường nợ của Trung Quốc “đang ở mức ổn định”, không có sự gia tăng đáng kể về các khoản nợ mất khả năng chi trả trên thị trường vốn quốc tế. Tuyên bố này đưa ra bất chấp làn sóng vỡ nợ của doanh nghiệp Trung Quốc liên tiếp phá kỷ lục suốt giai đoạn 2018-2019. Cùng với gián đoạn nguồn cung và sốc cầu giảm, không chuyên gia tài chính nào nghi ngờ kết quả vỡ nợ doanh nghiệp của Trung Quốc sẽ ghi tiếp kỷ lục mới vào năm 2020.

Zhou Liang, phó chủ tịch Ủy ban điều tiết bảo hiểm và ngân hàng Trung Quốc, cho biết Trung Quốc sẵn sàng kiểm soát rủi ro tài chính do sự bùng phát virus, và đang nghiên cứu kế hoạch cải tổ các công ty quản lý tài sản của đất nước (nơi được giao nhiệm vụ xử lý các khoản nợ xấu). Ông Zhou cho biết thêm rằng tỷ lệ nợ xấu của Trung Quốc đã tăng lên 2,08% vào cuối tháng 2/2020. Ngành ngân hàng của Trung Quốc đã xử lý tổng cộng 5,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (817,48 tỷ USD) các khoản nợ xấu trong ba năm vừa qua. Thực tế, với tỷ lệ nợ xấu thực cao hơn con số công bố 10-15 lần, Trung Quốc không còn nhiều dư địa chính sách tiền tệ để ứng phó với rủi ro thanh khoản từ khối nợ xấu này.

Nhưng các chuyên gia dự báo triển vọng xấu và cảnh báo rủi ro lây nhiễm nếu ngân hàng trung ương các nước có quan hệ với PBoC

Các chuyên gia kinh tế có lý do để tăng cường rủi ro từ nền kinh tế này bởi các số liệu kinh tế của Trung Quốc, bao gồm cả tăng trưởng, lạm phát, đặc biệt là nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại luôn được cho là không minh bạch và bị che dấu bởi các mục tiêu chính trị của Chính phủ đương quyền. Thực tế, dư địa chính sách kinh tế của Trung Quốc ngày một hạn hẹp và bức tranh kinh tế không tươi sáng như “tuyên truyền” của PBoC.

Thứ nhất, Trung Quốc chưa thoát khỏi dịch bệnh virus Corona Vũ Hán, nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng quay trở lại sản xuất, kinh doanh.

Yahoo News đưa tin của truyền thông tại Trung quốc, trang Caixin, “tuyên bố của Trung Quốc về việc chiến thắng dịch Coronavirus là giả”. Hiện nay, Trung Quốc tuyên truyền về tình trạng dịch bệnh đã được đẩy lùi và các doanh nghiệp thậm chí đã quay trở lại sản xuất, kinh doanh. Nhưng những người tố giác và quan chức địa phương nói với Caixin rằng đó chỉ là một sự lừa dối được tính toán, che đậy kỹ càng của chính quyền Trung Quốc mà thôi.

Nhưng các công chức nói với Caixin rằng các doanh nghiệp đang giả mạo con số về tiêu thụ điện và sản xuất. Bắc Kinh đã bắt đầu kiểm tra mức tiêu thụ điện của các doanh nghiệp Chiết Giang, vì vậy các quan chức quận đã ra lệnh cho các công ty bắt đầu để đèn và máy móc của họ cả ngày để tăng số lượng, một công chức nói. Các doanh nghiệp cũng đã làm sai lệch nhật ký công tác của nhân viên - họ "thà lãng phí một khoản tiền nhỏ cho quyền lực hơn là gây khó chịu cho các quan chức địa phương", tờ Caixin cho biết.

Thứ hai, các tổ chức tài chính quốc tế liên tiếp giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc từ mức 5,5% xuống còn 4% thậm chí 3% năm 2020.

Ngân hàng Standard Chartered trong một báo cáo mới nhất đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2020 từ 5,5% xuống 4%, nguyên nhân là do các chỉ số kinh tế quý I/2020 của nước này đã suy giảm hơn dự kiến và dịch Covid-19 lây lan toàn cầu khiến tăng rủi ro suy thoái của kinh tế thế giới. Goldman Sachs cũng điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc trong quý I từ 2,5% xuống -9% và cả năm từ 5,5% xuống 3%. Các giáo sư kinh tế của Singapore còn dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc âm trong năm 2020 và nền kinh tế này bước vào vòng xoáy đại suy thoái lớn nhất trong 40 năm qua.

Đáng lưu ý kể từ năm 2019 cho tới nay, dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc luôn ở trong tình trạng dự báo sau thấp hơn dự báo trước. Chỉ riêng giai đoạn thương chiến, sức chống chịu của Trung Quốc đã suy giảm mạnh và triển vọng tăng trưởng, ổn định đã suy giảm mạnh mẽ. Hơn thế nữa, triển vọng kinh tế không thể tươi sáng nhất là trong bối cảnh đại dịch còn lan rộng trên toàn cầu và chưa có dấu hiệu kết thúc tại Trung Quốc như tuyên truyền của PBoC.

Thứ ba, lạm phát của nền kinh tế này đang tăng vọt, đặc biệt là giá lương thực.

Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc ngày 21/3 công bố số liệu cho thấy giá các loại nông sản thiết yếu của Trung Quốc tăng trong tháng 2/2020. Giá bán buôn trung bình 28 loại rau (được Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc giám sát biến động giá cả) tại Trung Quốc trong tháng 2/2020 đã tăng 10,4% so với tháng 1/2020 và tăng 17,2% so với tháng 1/2019. Trong khi giá bán buôn trung bình của 6 loại trái cây thiết yếu ở Trung Quốc trong tháng 2/2020 tăng 4% so với tháng 1/2020, song lại giảm 4,7% so với tháng 1/2019. Giá các loại thịt ở Trung Quốc trong tháng 2/2020 tăng nhanh hơn so với tháng 1/2020, trong đó giá thịt lợn trung bình tăng 9,5%, trong khi giá thịt bò và thịt cừu trung bình tăng lần lượt 2,5% và 1,4%.

Quan trọng hơn, giá lương thực của Trung Quốc khó có thể giảm khi dự báo sản xuất nông nghiệp của nước này bị thu hẹp sau đại dịch. Theo Financial Times, một cuộc khảo sát của Đại học Qufu vào tháng trước dành cho các cán bộ thôn, làng xã ở 1.636 quận cho thấy 60% số người được hỏi cảm thấy bi quan hoặc rất bi quan về mùa trồng trọt năm nay. Tâm trạng ảm đạm đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu lương thực ở quốc gia đông dân nhất thế giới sau khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, dẫn đầu là việc hạn chế giao thông, đã gây nhiều thiệt hại cho hoạt động nông nghiệp. “Ngành công nông nghiệp của Trung Quốc đang sụp đổ do không có dòng chảy tự do của lao động và nguyên liệu thô”, ông Ma Wenfeng, một nhà phân tích làm việc cho hãng tư vấn CnAgri có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết.

Thứ tư, nợ xấu tại Trung Quốc đã cao hơn con số công bố của PBoC tới 10-15 lần.

Theo Bloomberg, Fitch Rating ước tính mức nợ xấu của Trung Quốc năm 2017 ít nhất là 21% tổng dư nợ (gấp 10-15 lần số liệu nợ xấu công bố bởi PBoC tại thời điểm đó). Tuyên bố này hoàn toàn có cơ sở khoa học do chính sách phân loại, quản lý và xử lý nợ xấu mang “màu sắc Trung Quốc” đang che dấu khối lượng nợ xấu khổng lồ.

Vào năm 2015, HSBC đã công bố một báo cáo về cách Trung Quốc phân loại nợ xấu (nợ loại 3, 4 và 5 theo cách phân loại của Việt Nam). Nợ xấu được ghi nhận theo thông lệ nếu quá hạn trả nợ 90 ngày (đối với cả nợ lãi và/hoặc nợ gốc) và khi đó ngân hàng thương mại (NHTM) phải trích dự phòng rủi ro cho khoản vay khó thu hồi này. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, nợ quá hạn hơn 90 ngày được coi là “bình thường” và chưa được phân thành nợ xấu nếu ngân hàng thương mại tin tưởng rằng có thể thu hồi nợ. Nợ xấu chỉ được ghi nhận tại các NHTM ở Trung Quốc khi ngân hàng thấy rằng khách hàng không thể trả được nợ (thậm chí không hoàn trả được ngay cả sau khi đã xem xét tài sản đảm bảo cho khoản vay).

Theo lẽ thường, các NHTM Trung Quốc thà tin tưởng sẽ thu hồi được nợ còn hơn phân loại thành nợ xấu và phải trích lập dự phòng rủi ro (DPRR). Theo quy định, trích lập DPRR tối thiểu là 150% tổng nợ xấu trên bảng cân đối và không thấp hơn 2,5% tổng dư nợ. Và nếu phân loại theo chuẩn mực quốc tế, tỷ lệ nợ xấu của Trung Quốc thời điểm hiện tại có thể lên tới 22-30% tổng dư nợ trên toàn hệ thống.

Thứ năm, dư địa chính sách tiền tệ của Trung Quốc không còn nếu nợ xấu được hạch toán lại theo thông lệ quốc tế.

Theo số liệu của PBoC, mặc dù đã nhiều lần hạ dự trữ bắt buộc kể từ năm 2019 đến nay, tỷ lệ dự trữ bắt buộc/ tiền gửi huy động tại các NHTM lớn của Trung Quốc vẫn là 12.5, tỷ lệ này tại NHTM của các nền kinh tế khác chỉ ở mức 2-3%. Với tỷ lệ dự trữ bắt buộc lớn như vậy, PBoC có nguồn tiền dồi dào từ dự trữ bắt buộc của các NHTM để điều tiết chính sách. Tuy nhiên, nếu nợ xấu tại NHTM Trung Quốc được hạch toán theo thông lệ quốc tế và các NHTM nước này trích lập đủ dự phòng rủi ro cho khối nợ khổng lồ này thì PBoC không còn chút dư địa chính sách tiền tệ để điều hành như vẫn “tuyên truyền”.

Cuối cùng, chuyên gia cảnh báo các ngân hàng trung ương (NHTW) có hợp đồng hoán đổi ngoại tệ với PBoC sẽ gặp phải “rủi ro” lớn khi Trung Quốc có biến động như hiện nay.

Quy mô hợp đồng hoán đổi ngoại tệ của PBoC với NHTW các nước lên tới 500 tỷ đô la Mỹ. NHTW các nước dự trữ ngoại tệ bằng đồng Nhân dân tệ (NTD) và mua hợp đồng hoán đổi NDT sang USD khi có nhu cầu về thanh khoản ngoại tệ. Hiện nay, FED cũng mở rộng hợp đồng hoán đổi ngoại tệ với 9 NHTW khác để đảm bảo thanh khoản đồng đô la. Tuy nhiên, quy mô hợp đồng hoán đổi ngoại tệ của FED còn thấp hơn PBoC, chỉ ở mức 450 tỷ đô la. Trong khi đó, đối với FED, USD là đồng nội tệ.

Ông Mansoor Mohi-uddin, nhà phân tích ngoại hối kỳ cựu và là chiến lược gia vĩ mô chính cho chi nhánh ngân hàng đầu tư của Tập đoàn Ngân hàng Hoàng gia Scotland NatWest Markets ở Singapore, đã đưa ra lập luận với tờ Bloomberg, cho biết điều nguy hiểm trong phương thức trên là các ngân hàng trung ương nước ngoài sẽ đổi tiền của họ để lấy đồng NDT với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), sau đó sử dụng khoản tiền đó để đổi lấy đô la Mỹ nếu khủng hoảng xảy ra.

Ông Mohi-uddin viết: “Điều này sẽ gây áp lực mất giá lên tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ so với đồng đô la Mỹ ngay tại thời điểm mà PBoC đang cố gắng vực dậy giá trị của đồng nhân dân tệ. Hoán đổi có thể trở thành điểm liên kết yếu nhất của đồng nhân dân tệ trong một cuộc khủng hoảng tài chính lớn”.

Theo phân tích của NatWest, không giống như các kênh hoán đổi của FED với khu vực các nước sử dụng đồng euro, Nhật Bản, Canada, Vương quốc Anh và Thụy Sĩ, các thỏa thuận của PBoC không yêu cầu phê duyệt để kích hoạt. PBoC đã không đưa ra phản hồi ngay lập tức cho một yêu cầu được fax đến về vấn đề phê duyệt để kích hoạt các lệnh trao đổi.

Các giao dịch với Argentina một vài năm trước đã minh họa rõ ràng cho rủi ro này. Quốc gia Nam Mỹ này đã bắt đầu tích lũy nhân dân tệ thông qua kênh hoán đổi với PBoC vào cuối năm 2014. Sau đó, vào tháng 12 năm 2015, họ đã trao đổi nhân dân tệ lấy đô la Mỹ, vào thời điểm Trung Quốc đang tự mình điều hành dự trữ ngoại hối khi chiến đấu với vấn đề “bay vốn” (xảy ra khi tài sản hoặc tiền nhanh chóng chảy ra khỏi một quốc gia, do một sự kiện hậu quả kinh tế).

Ông Mohi-uddin, người đã theo dõi thị trường tiền tệ trong hơn hai thập kỷ qua, đã cảnh báo NHTW các nước có thể chịu rủi ro lớn do không hoán đổi được đồng USD với PBoC tại các thời điểm căng thẳng tiền tệ, điều này sẽ làm trầm trọng thêm khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

PBoC tuyên truyền về triển vọng kinh tế xán lạn và kêu gọi phối hợp chính sách toàn cầu