Phố Wall khẳng định kinh tế Việt Nam phục hồi là do Mỹ nhưng lại ‘quên mất’ nhân tố Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tạp chí Phố Wall gần đây đã nhận định kinh tế Việt Nam, một trong những nền kinh tế Đông Á hiếm hoi, phục hồi hình chữ V là nhờ hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế của Mỹ. Nhưng Tạp chí Phố Wall chưa chạm đến thực tế là nhiều ngành xuất siêu sang Mỹ cũng chính là ngành Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc.

Tạp chí Phố Wall (WSJ) trích dẫn số liệu GDP (tổng sản phẩm quốc nội) quý I/2021 vừa được Tổng cục thông kê Việt Nam (TCKT) công bố hôm thứ Hai, tăng 4,5% (ước tính) so với cùng kỳ năm 2020. Sự phục hồi được thúc đẩy chủ yếu nhờ xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ.

Theo TCTK, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2021 ước tính đạt 152,65 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 77,34 tỷ USD - tăng 22%; nhập khẩu hàng hóa đạt 75,31 tỷ USD - tăng 26,3%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2021 ước tính xuất siêu 2,03 tỷ USD. Phần thặng dư này là một thành phần trong công thức tính GDP từ phía tổng cầu.

Trong đó, doanh số xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh được WSJ sử dụng chứng minh cho nhận định này. Trong 12 tháng đến hết tháng Giêng, nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Việt Nam tương đương khoảng 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia châu Á, cao hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 20% ​​trước năm 2019. Cần thận trọng khi dữ liệu đến từ các tổ chức khác nhau, nhưng về mặt lịch sử thì hai các chuỗi có xu hướng khớp với các số liệu được công bố với độ trễ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, vốn được coi là tiêu chuẩn vàng.

WSJ tin rằng Việt Nam nổi lên như một nước chiến thắng lớn từ cuộc xung đột thương mại Trung - Mỹ. Một số chuỗi cung ứng đã định hướng rời khỏi Trung Quốc, và Việt Nam, với đường biên giới chung với Trung Quốc, sở hữu bờ biển hơn 2,000km, vô cùng thuận lợi cho hoạt động logistic cũng như các chính sách ưu đãi khủng cho dòng vốn FDI đã giúp Việt Nam trở thành một bến đỗ hợp lý cho việc “trung chuyển” nhiều tầng để tránh thuế quan của Mỹ.

Dù không tuyên bố trực tiếp, nhưng WSJ dường như nhắc đến việc mặt trái trong hưởng lợi thương chiến Mỹ - Trung chính là việc Việt Nam có thể trở thành cứ điểm đầu tư núp bóng của nhiều doanh nghiệp (chiếm tỷ trọng lớn là doanh nghiệp Trung Quốc) để tránh cuộc chiến khốc liệt về thuế xuất khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc một phần trong thành tích xuất khẩu của Việt Nam có thể đến từ hoạt động đầu tư núp bóng, vốn đang là mối lo ngại lớn của nền kinh tế nhỏ bé sát cạnh Trung Quốc này.

Thực tế, số ngành xuất khẩu sang Mỹ gia tăng doanh số bất thường, đều là những ngành Việt Nam nhập nhiều từ Trung Quốc.

Nhập khẩu từ Trung Quốc và Xuất khẩu sang Mỹ năm 2020 của Việt Nam (nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam)

WSJ dự báo rằng với sự chi phối tài chính ở Washington, có khả năng tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam của Hoa Kỳ sẽ vẫn ở mức cao trong một thời gian. Tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể đạt tới 6,5% trong năm nay - theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - sẽ giữ cho nhu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng mạnh và thúc đẩy kinh doanh cho các công ty Việt Nam tập trung vào xuất khẩu.

Việc Việt Nam kiểm soát đại dịch Covid-19 là một trong nền kinh tế duy trì mức tăng trưởng dương đáng kinh ngạc nhất trên toàn cầu. Dù vậy, một nền kinh tế nhỏ bé, thu nhập còn thấp khó có thể chịu tác động tiêu cực từ suy giảm doanh thu du lịch trong một năm mà du lịch quốc tế biến mất. Theo trang TCTK, khách du lịch quốc tế quý 1/2021 giảm hơn 98% so với cùng kỳ 2020. Cùng kỳ 2020 đã là thời điểm mà Covid-19 bùng phát ở Việt Nam và lúc này Chính phủ Việt Nam đã sớm ban hành các chính sách giãn cách xã hội, cách ly và đóng cửa đường biên, du lịch quốc tế…

Theo lý thuyết, với một nền kinh tế có độ mở quá lớn như Việt Nam, khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới hơn 200% GDP vào năm 2020 thì sẽ chịu tổn thất lớn hơn trong các biến cố địa kinh tế - chính trị. Tuy nhiên, sự kiện năm 2020 đã không tác động đáng kể tới năng lực xuất khẩu của Việt Nam, thậm chí còn tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ cao hơn kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung bắt đầu năm 2018 cho tới nay.

Chỉ số chứng khoán Việt Nam VNindex hiện đã bắt kịp chỉ số S&P 500 về giá kể từ đầu năm 2020. Mỗi chỉ số tăng hơn 20%. Tuy nhiên, WSJ cảnh báo các nhà đầu tư nước ngoài cần thận trọng khi lựa chọn quỹ đầu tư tại Việt Nam: Quỹ giao dịch hối đoái duy nhất, VanEck Vectors Vietnam ETF, chỉ tăng khoảng 11% so với cùng kỳ, đã tụt hậu khá nhất quán so với thị trường rộng kể từ khi thành lập vào năm 2009. Nhiều quỹ Việt Nam được quản lý tích cực đã hoạt động tốt hơn nhiều.

Sự hồi sinh kinh tế của Hoa Kỳ có thể sẽ kéo dài một thời gian nữa khi dự luật kích thích kinh tế mới nhất của Washington được thông qua cho người tiêu dùng Mỹ. Việt Nam là một trong những quốc gia có vị trí thuận lợi nhất để đi đầu.

Tuy nhiên, WSJ chưa đề cập đến bản chất cốt lõi của thành công trong xuất khẩu của Việt Nam là từ khu vực đầu tư FDI. WSJ cũng ‘quên mất” rằng một phần trong đó thậm chí còn đến từ doanh nghiệp đầu tư núp bóng từ Trung Quốc vào Việt Nam để lẩn thuế, tránh thuế thương mại với Mỹ đã góp phần tạo thêm thặng dư cho cán cân thương mại, làm tăng GDP nền kinh tế.

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong quý I/2021 đã tăng tới 28,5% so với cùng kỳ năm trước trong khi khu vực kinh tế trong nước chỉ tăng 4,9% so cùng kỳ. Thặng dư thương mại nhờ xuất khẩu tăng mạnh của khu vực FDI cũng giải thích tốc độ phục hồi của ngành công nghiệp chế biến chế tạo và mức đóng góp cao hơn của ngành này so với các ngành khác (vốn chủ yếu thuộc khu vực kinh tế trong nước).

Sự tăng trưởng của xuất khẩu FDI trong bối cảnh này là quý giá. Tuy nhiên, các ưu đãi quá mức dành cho FDI đã tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước trên chính sân nhà, đặc biệt nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa. Thực tế, trước mỗi cơn bão, chấn động địa kinh tế - chính trị trong nước và khu vực, nhóm doanh nghiệp nội địa luôn bị tổn thương lớn nhất.

Nghiên cứu của VERP về báo cáo chi tiêu thuế (thực chất là ưu đãi thuế cho khu vực FDI) cho thấy các ưu đãi thuế làm hụt thu 20% ngân sách trong khi tạo ra môi trường kinh doanh mất công bằng giữa khu vực kinh tế FDI và kinh tế trong nước.

Thêm vào đó, khi rất nhiều lô hàng, doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam bị Mỹ điều tra và kết luận có gian lận thương mại, lẩn tránh xuất xứ (CO) để lẩn và tránh trừng phạt thuế của Mỹ với Trung Quốc, thì Việt Nam chưa nên quá vui mừng vì thặng dư thương mại. Đây không phải là thặng dư thương mại tốt, tức là thặng dư đến từ nội lực ngành sản xuất hàng hoá, cung cấp dịch vụ của Việt Nam. Thặng dư (dù chỉ là một phần nhỏ) đến từ gian lận thương mại, có thể khiến Việt Nam mất uy tín với Mỹ và thị trường trong nước hứng chịu mức thuế trừng phạt thương mại tương đương với mức Mỹ dành cho Trung Quốc. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là thảm hoạ với nền sản xuất trong nước còn mỏng và yếu này.

Đức Duy - Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Phố Wall khẳng định kinh tế Việt Nam phục hồi là do Mỹ nhưng lại ‘quên mất’ nhân tố Trung Quốc