Quá lớn để có thể sụp đổ: Gã khổng lồ bất động sản Evergrande đang đe dọa chính phủ Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Evergrande là tập đoàn bất động sản (BĐS) lớn nhất Trung Quốc với gần 600 dự án trên khắp 200 thành phố tại nước này. Gần đây, lời kêu cứu “sặc mùi đe dọa” của Evergrande đã làm rung chuyển ngành BĐS: “Hãy cứu tôi hoặc tôi sẽ cho bạn thấy tôi chết như thế nào”. Phải chăng tập đoàn “quá lớn để có thể bị sụp đổ” này đang khiến chính quyền Trung Quộc lộ "gót chân Asin"?

Thông tin tập đoàn Evergrande làm đơn cầu cứu lên chính phủ Trung Quốc nhằm đối phó với nguy cơ cạn kiệt thanh khoản đã bị rò rỉ trên mạng xã hội Trung Quốc.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã loan tin về sự việc này với dòng tiêu đề: “Lời kêu cứu của Evergrande làm rung chuyển ngành bất động sản: Hãy cứu tôi hoặc tôi sẽ cho bạn thấy tôi chết như thế nào”. Tuy nhiên, ngay sau đó, tất cả các tin bài liên quan đã bị xóa khỏi hệ thống internet Trung Quốc, chỉ còn sót lại một số bức ảnh.

Nhiều người không quan tâm đến tính xác thực của đơn đệ trình, hay việc Evergrande có ngầm nhận được sự hỗ trợ của chính phủ hay không, hoặc là việc “một con vật cưng đe dọa chủ của mình” thì hợp đạo lý hay không, nhưng tất cả đều có xu hướng tin rằng đó là sự thật.

Dưới sự điều hành của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), quan hệ sinh thái thắt chặt giữa Chính phủ - Doanh nghiệp khiến nhiều công ty, tập đoàn lớn không thể thành công nếu không bám víu vào các quan chức có quyền lực.

Dù ngầm nhận được sự hỗ trợ của chính phủ, vậy tại sao Evergrande lại tin rằng đây chính là gót chân Asin của ĐCSTQ?

Gót chân Asin của ĐCSTQ

Trong lá đơn cầu cứu Evergrande gửi cho chính quyền tỉnh Quảng Đông, nơi tập đoàn đặt trụ sở, đã cảnh báo rằng tập đoàn có thể cạn kiệt thanh khoản, gây ra các rủi ro cho hệ thống tài chính nếu chính quyền không hỗ trợ cho Hengda Real Estate - công ty con của Evergrande, tái cấu trúc và niêm yết cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến.

  • Mối đe dọa thứ nhất, do tập đoàn khủng hoảng tiền mặt, có thể gây vỡ nợ với số tiền 130 tỷ NTD (19 tỷ USD).
  • Mối đe dọa thứ hai, tập đoàn Evergrande có khả năng vỡ nợ lên đến 835,5 tỷ NDT (123,8 tỷ USD) liên quan đến 171 tổ chức tài chính gồm cả ngân hàng và các công ty tín quỹ. Việc vỡ nợ chéo trên quy mô lớn còn dẫn đến tình trạng hỗn loạn tài chính có hệ thống.
  • Mối đe dọa thứ ba, 8.441 doanh nghiệp khâu thượng nguồn và hạ nguồn sẽ bị ảnh hưởng, một số trong đó có thể dẫn đến phá sản. Điều này sẽ làm suy yếu nền kinh tế quốc gia.
  • Và cuối cùng, 792 dự án BĐS đang triển khai của Evergrande sẽ bị ảnh hưởng, đe dọa tới đời sống và tài chính của 2 triệu người mua nhà; 3 triệu người mất việc làm.
Hai công nhân di chuyển một mô hình tòa nhà trong một hội chợ bất động sản ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, vào năm 2007. (Ảnh Trung Quốc / Getty Images)
Hai công nhân di chuyển một mô hình tòa nhà trong một hội chợ bất động sản ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, vào năm 2007. (Ảnh Trung Quốc / Getty Images)

Rõ ràng là, hậu quả từ những mối đe dọa nêu trên rất nghiêm trọng, rủi ro có thể xâm lấn khắp hệ thống tài chính rộng lớn của Trung Quốc, dẫn đến sự suy yếu chính sách tài khóa quốc gia mà ĐCSTQ đã mất công sức xây dựng và thực hiện trong 3 năm qua như “6 biện pháp ổn định” và “6 biện pháp bảo vệ”.

‘6 biện pháp ổn định’ được gia cố bởi ‘6 biện pháp bảo vệ’, vẫn nghẽn tiêu dùng?

Các chính sách có vai trò như mục tiêu phát triển, đem lại sự ổn định cho các lĩnh vực tài chính, đầu tư nước ngoài, ngoại thương, đầu tư trong nước và việc làm.

Chính sách “6 biện pháp bảo vệ” nhằm tăng cường củng cố cho chính sách “6 biện pháp ổn định” được nêu ra tại hai phiên họp trong năm 2018. Những chính sách này đưa ra để bảo vệ việc làm, cuộc sống của người dân và thị trường cốt lõi, đảm bảo người dân có thu nhập đầy đủ, thúc đẩy nhu cầu và tiêu dùng. Đây là điểm cốt yếu đối với một nền kinh tế ổn định.

Tập đoàn Evergrande nhận thức được lo ngại của ĐCSTQ rằng, đằng sau sự sụp đổ của một doanh nghiệp lớn sẽ gây khủng hoảng cho thị trường, vỡ nợ và thất nghiệp. Khi người dân thất nghiệp, nhu cầu và tiêu dùng tất yếu sẽ sụt giảm.

“Nghẽn tiêu dùng” chắc chắn cũng sẽ làm nghẽn mối quan hệ sinh thái giữa Chính phủ - Doanh nghiệp, và là nguyên nhân sụp đổ tài chính của các tập đoàn, nhân viên và người vay mua nhà có liên quan đến đến Evergrande.

Kéo theo đó, nguồn thu thuế bị ảnh hưởng trầm trọng, và lúc này “6 biện pháp ổn định” sẽ trở thành “6 nguyên nhân gây hỗn loạn” đe dọa nghiêm trọng nền kinh tế Trung Quốc.

ĐCSTQ ban hành chính sách quản lý 620 lần/năm, vẫn ‘hở sườn’?

Trung Quốc giữ kỷ lục về số lượng doanh nghiệp BĐS. Vào thời kỳ hoàng kim, nhiều công ty chuyển đổi mô hình kinh doanh sang xây dựng, kinh doanh và phát triển BĐS. Năm 2018, hơn 97.000 công ty BĐS được đăng ký, mặc dù số lượng các công ty phá sản vẫn diễn ra hàng năm.

Năm 2014, hơn 2.000 công ty BĐS nộp đơn xin phá sản. Truyền thông Trung Quốc gọi sự biến động này như một cuộc cải tổ lớn của ngành BĐS. Theo thống kê, ĐCSTQ đã ban hành chính sách quản lý BĐS 620 lần trong năm 2019, tăng 38% so với năm 2018. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay.

Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc liên tục cảnh báo về rủi ro tài chính trong ngành BĐS. Nhiều chính sách tài chính có những quy định ngày càng thắt chặt, hạn chế các nguồn như ủy thác, vay ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp và nợ nước ngoài. Điều này gây ra tình trạng khan hiếm tiền mặt đối với các doanh nghiệp BĐS vừa và nhỏ.

Trang thông tin điện tử của Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc công bố hơn 525 công ty nộp đơn phá sản trong năm 2019, một năm đầy thách thức đối với các công ty BĐS vừa và nhỏ.

Các chuyên gia nhận định các công ty nộp đơn phá sản chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ, không thường xuyên tham gia vào hoạt động BĐS, nhưng dẫu sao cũng có tác động hạn chế đến ngành. Dự báo trong thời gian tới, sẽ có đến 80% các công ty BĐS còn lại sẽ phá sản tiếp và chỉ trụ lại được những công ty có quy mô lớn mạnh.

Tạp chí Forbes bình chọn Hứa Gia Ấn, chủ tịch tập đoàn Evergrande, là người giàu nhất Trung Quốc và là người giàu thứ 34 trên thế giới vào năm 2017. Và Evergrande được kỳ vọng sẽ tồn tại sau cuộc cải tổ tàn khốc này.

Evergrande: Quá lớn để có thể bị sụp đổ?

Đầu năm 2020, truyền thông Trung Quốc tuyên bố rằng năm 2019 là “năm khó khăn nhất trong thập kỷ qua, nhưng là năm tốt nhất cho thập kỷ tới”. Một kỷ nguyên độc quyền, trong đó chỉ cần khoảng 50 nhà phát triển BĐS trên cả nước.

 

Chủ tịch Tập đoàn Evergrande Xu Jiayin (L) và người sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Alibaba Jack Ma tại Quảng Châu, Trung Quốc, vào ngày 5 tháng 6 năm 2014.
Chủ tịch Tập đoàn Evergrande Xu Jiayin và người sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Alibaba Jack Ma tại Quảng Châu, Trung Quốc, vào ngày 5 tháng 6 năm 2014 (Ảnh: getty images)

Các chuyên gia trong ngành đã đưa ra một dự báo bảo thủ hơn, khi nói rằng “tương lai của thị trường BĐS Trung Quốc sẽ thuộc về 30 công ty dẫn đầu trong ngành”.

Quá hiển nhiên, tập đoàn Evergrande nằm trong số đó vì được xếp trong nhóm ba đại gia BĐS hàng đầu Trung Quốc. Thống kê của Học viện Chỉ số Trung Quốc cho thấy trong năm 2019, 3 công ty BĐS hàng đầu của Trung Quốc với thu nhập “kỷ lục” lần lượt là: Country Garden đạt 771,5 tỷ NDT (114,4 tỷ USD), Vanke đạt 631,2 tỷ NDT (93,6 tỷ USD) và Evergrande đạt 626,2 tỷ NDT (92,8 tỷ USD).

Vậy tại sao Evergrande bỗng nhiên lại lâm vào hoàn cảnh khó khăn?

Nguyên nhân chính là do hệ thống tài chính của tập đoàn này đang ngày càng suy yếu. Trang CBN (China Business Network) đăng tải một báo cáo diễn giải rõ tình trạng tài chính khó khăn của Evergrande. Công ty con của Evergrande là Hengda Real Estate có tổng tài sản 926,8 tỷ NDT (137,4 tỷ USD) và tổng nợ là 865,5 tỷ NDT (128,3 tỷ USD).

Điều này dẫn đến tỷ lệ nợ là 82%, không bao gồm các khoản thanh toán trước. Các khoản trái phiếu vĩnh viễn là 116 tỷ NDT (17,2 tỷ USD), tỷ lệ nợ ròng của công ty tăng lên 445%. Evergrande không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm các khoản đầu tư từ các nhà đầu tư chiến lược.

Sau ba lần tăng vốn, tập đoàn Evergrande đã thu về 130 tỷ NDT (20 tỷ USD) từ các nhà đầu tư chiến lược với giá trị 36,54% cổ phần. Nhưng cơ chế điều chỉnh giá trị mà Evergrande ký với các nhà đầu tư lại tạo ra một số rào cản tiềm tàng cho việc tái cấu chức của Evergrande.

Thứ nhất, Evergrande cam kết thu về tổng lợi nhuận ròng 165 tỷ NDT (24,5 tỷ USD) cho năm tài chính 2018-2020.

Thứ hai, nếu Evergrande không cơ cấu lại và bán công ty BĐS Hengda cho Đặc khu kinh tế Thâm Quyến và quay trở lại nhóm A trên thị trường chứng khoán vào năm 2020, thì có nguy cơ là các nhà đầu tư chiến lược có quyền yêu cầu các cổ đông hàng đầu của Hengda - công ty BĐS Kailong do Evergrande kiểm soát hoặc chủ tịch tập đoàn Evergrande Hứa Gia Ấn - mua lại cổ phần, hoặc yêu cầu công ty BĐS Kailong nhường lại một số cổ phần Evergrande cho các nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư chiến lược đã đồng ý gia hạn thêm thời hạn tái cấu trúc Hengda Real Estate đến năm 2021, và cân nhắc mức cổ tức cao mà Evergrande đã trả trong ba năm qua. Nếu việc tái cấu trúc không được hoàn thành đúng hạn, các cổ đông đầu tư chiến lược vẫn có thể yêu cầu Evergrande hoặc chủ tịch tập đoàn Hứa Gia Ấn mua lại cổ phần.

Thật khó có thể tin được Evergrande - vốn là tập đoàn BĐS khổng lồ của Trung Quốc - lại chấp nhận có được nguồn tiền với những điều khoản khắc nghiệt như vậy.

Quang cảnh khu tài chính Phố Đông, ở Thượng Hải, Trung Quốc, từ Tháp Jin Mao, vào ngày 17 tháng 1 năm 2011. (Peter Parks / AFP / Getty Images)
Quang cảnh khu tài chính Phố Đông, ở Thượng Hải, Trung Quốc, từ Tháp Jin Mao, vào ngày 17 tháng 1 năm 2011. (Peter Parks / AFP / Getty Images)

‘Ổ ung nhọt’ rồi cũng phải vỡ, dù sớm hay muộn

BĐS Trung Quốc vốn là một ngành có tính rủi ro cao. Sự tồn tại của thị trường này không còn là một nhiệm vụ kinh tế, mà còn là một nhiệm vụ chính trị. Thị trường luôn gắn liền với 3 nhóm đối tượng:

  • Chính quyền địa phương dựa vào việc bán đất để có nguồn thu;
  • Nhà đầu tư kinh doanh dựa vào các khoản vay;
  • Người mua nhà và BĐS dựa vào các khoản vay thế chấp.

Cả ba nhóm này đều phải dựa vào các ngân hàng thương mại quốc doanh - mà ở đó - ông chủ thực sự lại là chính quyền ĐCSTQ.

Kể từ thế kỷ 20, hơn 100 cuộc khủng hoảng kinh tế đã xảy ra và hầu hết nguyên nhân đều do bong bóng BĐS gây ra. Điển hình gần đây là các cuộc khủng hoảng BĐS ở Nhật Bản, Mỹ và Tây Ban Nha.

ĐCSTQ tạo nên bong bóng BĐS lớn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại, bong bóng này lẽ ra đã vỡ từ lâu nếu nó xảy ra ở một quốc gia khác.

ĐCSTQ đang nỗ lực kiểm soát nền kinh tế. Tuy nhiên, họ cũng đang ở trong tình thế khó xử vì không thể mạo hiểm để bong bóng vỡ, cũng như không thể để nó phát triển lớn hơn. Tất cả các chính sách điều tiết mà ĐCSTQ đưa ra trong những năm gần đây đều có một mục tiêu là “để bong bóng từ từ co rút lại”.

Đa phần người sở hữu BĐS không muốn giá nhà đất giảm; khi mà 70% giá trị tài sản của người dân Trung Quốc là BĐS. Nếu giá nhà đất giảm sẽ khiến tổng giá trị tài sản của họ sụt giảm và đương nhiên họ không muốn điều đó xảy ra, Ngay cả với những người đã trả xong nợ vay mua nhà hay vẫn còn đang trả. Do vậy, cả chính phủ và người dân Trung Quốc hy vọng giá nhà đất sẽ giữ được mức ổn định tương đối.

Chi tiêu tiêu dùng của người dân Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tăng lên, chuyển chi tiêu từ mua nhà sang các loại hình khác như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, sản xuất... nếu bong bóng BĐS vỡ. Nhưng giả định này quả là không thực tế đối với một quốc gia như Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, khoản nợ bình quân của một thanh niên sinh sau năm 1990 là 127.000 NDT (18.826 USD). Trong khi đó, 560 triệu người Trung Quốc không có tiền tiết kiệm trong năm 2019. Do đó, dù bong bóng có vỡ cũng không thức đẩy được tiêu dùng, bởi những yếu tố sau:

  • Những người mua nhà bằng vay thế chấp sẽ vẫn phải tiếp tục trả nợ;
  • Bong bóng BĐS vỡ sẽ gây ra tỷ lệ thất nghiệp trên diện rộng với hơn 50 ngành nghề liên quan.

Vì vậy, hậu quả của vỡ bong bóng BĐS là cơn ác mộng đối với chính phủ, hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp và đại bộ phận người dân Trung Quốc. Mức độ nghiêm trọng của hậu quả còn phụ thuộc vào “sức căng” của bong bóng trước khi vỡ. Tập đoàn Evergrande đối với ĐCSTQ không còn chỉ là mối đe dọa, mà còn là cuộc chạy đua với thời gian.

Tác giả: Hà Thanh Liên (He Qinglian) là nhà kinh tế học nổi tiếng của Trung Quốc, hiện bà đang làm việc tại Hoa Kỳ. Bà là tác giả của “China’s Pitfalls”, tạm dịch "Cạm bẫy của Trung Quốc", cuốn sách viết về tham nhũng trong thời kỳ cải cách kinh tế ở Trung Quốc những năm 1990. Và cuốn “The Fog of Censorship: Media Control in China”, tạm dịch "Sương mù kiểm duyệt: Kiểm soát truyền thông ở Trung Quốc", đề cập đến việc thao túng và hạn chế báo chí.

May May



BÀI CHỌN LỌC

Quá lớn để có thể sụp đổ: Gã khổng lồ bất động sản Evergrande đang đe dọa chính phủ Trung Quốc?