Quan chức cấp cao Mỹ: Chiến lược chống Trung bằng liên minh của ông Biden có thể thất bại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bất chấp các thành tựu kinh tế - chính trị - ngoại giao chống Trung thành công của chính quyền ông Trump, chính quyền mới lựa chọn chiến lược quan hệ đa phương, tạo liên kết để đẩy quả bóng chống Trung sang nhóm này theo cách làm cũ của tổng thống thứ 44 của Mỹ - ông Obama. Và giờ thì họ thừa nhận chiến lược này có thể sẽ thất bại.

Theo nguồn tin từ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, ông Kurt Campbell, người giữ vai trò điều phối viên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia của chính quyền ông Biden, cho biết chính phủ Trung Quốc sẽ thay đổi hướng đi nếu vấp phải sự phản đối của các quốc gia khác [liên minh tạo ra bởi chính quyền của ông Biden]. Ông Campell cũng thừa nhận rằng “tôi nghĩ rằng chúng tôi phải nhận ra rằng một số yếu tố trong sách vở lý thuyết của chúng tôi có thể cần được sửa đổi”.

Ông Kurt Campbell nói rằng Chủ nghĩa đa phương vẫn có ích và có thể cần thiết trong vài trường hợp nhưng ông cũng thừa nhận rằng chiến lược này 'không thể đổi hoàn cảnh liên quan đến Trung Quốc', ông cho biết thêm trong một buổi tọa đàm của Tạp chí Financial Times vào hôm thứ Ba vừa qua.

Bằng cách lặp lại các chính sách thời ông Barack Obama, chính quyền ông Biden đã nỗ lực tăng cường quan hệ với các đồng minh với Châu Âu, Châu Á và hy vọng né được thế đối đầu trực diện với Trung Quốc, đẩy quả bóng này sang chân các đồng minh. Cách làm này hoàn toàn đi ngược lại cách tiếp cận của chính quyền tiền nhiệm, khi nước Mỹ đơn độc đối đầu trực tiếp với Trung Quốc bằng các đòn trừng phạt điểm đúng huyệt, trọng yếu về tài chính, thương mại, ngoại giao... Với đồng minh, chính quyền tiền nhiệm thực hiện đàm phán song phương để đảm bảo lợi ích của Mỹ cũng như kiểm soát được thái độ của đồng minh trước Trung Quốc.

Liên kết lỏng lẻo

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 2 năm nay đã phản đối ý tưởng xây dựng một khối liên minh chống lại Trung Quốc và gọi nỗ lực đó là “phản tác dụng”.

“Đây là một tình huống xung đột cao nhất có thể xảy ra”, ông Macron nói vào ngày 4 tháng 2 trong một cuộc phỏng vấn với Viện chiến lược Hội đồng Atlantic (Atlantic Council).

“Đối với tôi, điều này phản tác dụng vì nó sẽ thúc đẩy Trung Quốc gia tăng chiến lược trong khu vực”, ông nói thêm rằng nó cũng sẽ không khuyến khích Bắc Kinh hợp tác trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu.

Bình luận của Tổng thống Macron được đưa ra sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel từ chối đứng về phía Hoa Kỳ để kiềm chế Trung Quốc.

Bà Merkel phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào ngày 26/1/2021: “Tôi rất muốn tránh việc xây dựng các khối. Tôi nghĩ rằng nó sẽ không công bằng và không tốt cho nhiều xã hội nếu chúng ta nói rằng đây là Hoa Kỳ và kia là Trung Quốc và chúng tôi đang thuộc khối này hay khối kia. Đây không phải là quan điểm của tôi về vấn đề này".

Sự lỏng lẻo trong liên minh bởi vì trách nhiệm chống Trung và lợi ích chính trị của việc đó thuộc về ông Biden nhưng chính quyền của ông lại muốn đá quả bóng đó sang cho đồng minh. Ngoài ra, các đồng minh đều có mối quan hệ kinh tế khăng khít với Bắc Kinh. Ví dụ như Đức, việc phản đối nhân quyền của Bắc Kinh chỉ là trên bề mặt, mối quan hệ với Bắc Kinh của Đức ngày một chặt chẽ trong suốt 4 thập kỷ qua, bất chấp các vấn đề đạo đức kinh doanh như lao động nô lệ, diệt chủng lạnh ở Tân Cương, Tây Tạng hay mổ cướp tạng của các học viên Pháp Luân Công - những vấn đề mà Đức đã tuyên bố trên bề mặt nhưng đằng sau lại không thể bỏ qua miếng bánh lợi ích kim tiền mà Bắc Kinh đưa cho. Kết quả là tội ác của Trung Quốc vẫn cứ diễn ra trước thói đạo đức giả của phương Tây.

Đồng minh có tuyên bố chung, Bắc Kinh sẽ chia để trị

Trong 3 tháng đầu tiên của chính quyền mới, việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và các liên minh đã mang lại các biện pháp trừng phạt phối hợp nhằm chống lại Bắc Kinh về cách đối xử với các nhóm dân tộc thiểu số ở vùng viễn tây của Trung Quốc; một tuyên bố chung hiếm hoi của Tokyo và Washington về tầm quan trọng của hòa bình ở eo biển Đài Loan; và một phiên họp G7 trong tuần này hoàn toàn dành riêng cho những thách thức mà Bắc Kinh đặt ra.

Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc không có dấu hiệu cúi đầu trước áp lực gia tăng, thay vào đó họ lại ban hành các biện pháp trừng phạt trả đũa, bác bỏ những lời chỉ trích và cho đó là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Đồng thời họ còn sử dụng cuộc họp song phương ở Alaska để trừng phạt các nhà ngoại giao Mỹ trước ống kính truyền thông.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh lặng lẽ tăng cường quan hệ cửa sau với các đồng minh của Mỹ và tài trợ mạnh tay cho các đối thủ của Mỹ ở Trung Đông như Iran. Đây là cách Bắc Kinh đã rất thành công chống lại các liên minh lỏng lẻo từ thời ông Barack Obama.

Phát biểu hôm 4/5/2021, ông Campbell cho rằng “Lý do mà chúng tôi làm việc cùng với các quốc gia khác không chỉ đơn giản là hy vọng rằng Trung Quốc sẽ thay đổi hướng đi, mà [còn] vì chính mục tiêu hợp tác với các quốc gia khác là đúng đắn” và sẽ giúp Mỹ và các đồng minh bảo vệ tốt hơn lợi ích của họ nếu Trung Quốc tiếp tục bác bỏ những cáo buộc của họ.

“Nó dẫn đến khả năng phục hồi cao hơn: chúng ta có thể cần phải hợp tác chặt chẽ hơn với nhau trong ngay cả trong trường hợp chúng ta [liên minh] không thể thay đổi hoàn cảnh liên quan đến Trung Quốc”, ông Campbell nói.

Nhận xét của Campbell được đưa ra khi chính quyền Biden đang trì hoãn các chính sách chống Trung của chính quyền tiền nhiệm để "xem xét lại", các chính sách trải dài từ quốc phòng đến bộ thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Trung Quốc hung hăng hơn và tàn nhẫn hơn

Các quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ đã công khai bày tỏ suy nghĩ niềm tin rằng chính phủ Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đang theo đuổi một chương trình nghị sự ngày càng độc đoán ở trong nước, ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hoặc tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây của CBS rằng Bắc Kinh đang tăng cường đàn áp trong nước và hung hăng hơn ở nước ngoài. Trong khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuần trước mô tả ông Tập là một kẻ chuyên quyền, người “rất nghiêm túc về việc đưa [Trung Quốc] trở thành quốc gia có ảnh hưởng, quan trọng nhất trên thế giới”.

Ông Campbell, một chuyên gia lâu năm về Trung Quốc, người từng là nhà ngoại giao hàng đầu của Barack Obama chuyên giám sát các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết viễn cảnh một chính phủ Trung Quốc ngày càng độc tài và ngày càng không thèm quan tâm tới sức ép quốc tế đã hình thành khi ông Tập chọn vây cánh nhân sự quanh mình là một nhóm nhỏ những người trung thành.

Ông Tập đã chuyển phương thức quản lý của Trung Quốc đi từ một mô hình lãnh đạo tập thể hướng tới một kịch bản trong đó ông sẽ lắng nghe những lời khuyên từ 3 đến 7 cố vấn. Ông Campbell nhận định: "Ông ấy [Tập Cận Bình] là một người thích được khẳng định lại [được ca tụng] quan điểm của mình".

Bà Elizabeth Economy, một thành viên nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Trung Quốc cho rằng cách làm của chính quyền ông Biden sẽ rất “khó khăn” để khiến Trung Quốc thay đổi cách ứng xử của họ trong các vấn đề xung quanh Hồng Kông và Tân Cương. Nhưng điều đó có thể thay đổi nếu ngày càng nhiều quốc gia ở Trung Đông và châu Phi bắt đầu tham gia vào làn sóng phản đối kịch liệt của quốc tế đối với hành động của Trung Quốc ở Tân Cương, theo tờ Economy.

Nhưng các chính trị gia phương Tây và Mỹ quên mất rằng các nền kinh tế đang khát vốn từ Trung Đông và Châu Phi vốn ngày càng phụ thuộc vào đầu tư từ Trung Quốc, bản thân các nền kinh tế đang phát triển có quá nhiều vấn đề và họ sẵn sàng ưu tiên lấp đầy dạ dày trước khi nói chuyện đến dân chủ, nhân quyền, tội ác chống lại loài người...

Đức Duy



BÀI CHỌN LỌC

Quan chức cấp cao Mỹ: Chiến lược chống Trung bằng liên minh của ông Biden có thể thất bại