Virus viêm phổi Vũ Hán làm lộ ra quản lý yếu kém về gạo Việt - Bài học từ Thái Lan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Là nước có sản lượng xuất khẩu gạo thứ hai thế giới, Việt Nam gặp vấn đề về gạo dự trữ và lúng túng về chính sách xuất khẩu, nguyên nhân không phải do nguồn cung trong nước mà do quản lý yếu kém, đặc biệt về minh bạch thông tin… Thái Lan có thể là bài học tốt về quản lý gạo và an ninh lương thực quốc gia.

Giá gạo và ngũ cốc thế giới tăng mạnh do cầu dự trữ tăng trước tương lai bất định

Giá gạo, lương thực chính ở châu Á đang ở mức cao nhất trong vòng 7 năm qua do dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. Trong khi các nước nhập khẩu đang tăng dự trữ gạo, các nước xuất khẩu lại hạn chế bán ra.

Theo Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan, giá gạo trắng 5% tấm đã tăng 12% từ ngày 25/3 đến 1/4. Hiện giá gạo này đang ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2013. Giá gạo tăng do dự báo nhu cầu mua gạo từ Thái Lan tăng lên sau khi các nhà xuất khẩu hàng đầu là Ấn Độ và Việt Nam đều cân nhắc xuất khẩu có kiểm soát mặt hàng lương thực này trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đang bùng phát. Theo CNBC, châu Á sản xuất 90% gạo cho thế giới và cũng tiêu thụ hết số lượng này.

Nguyên nhân khiến giá tăng đến từ cả cung và cầu về gạo. Về phía cầu, hạn hán và xâm nhập mặn tại các vựa lúa của châu Á là đồng bằng sông Mê Kông, dịch châu chấu tại châu Phi lan rộng sang Tây Á, và dịch bệnh virus corona khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng mạnh. Về phía cung, thiếu lao động, đóng cửa nền kinh tế do cú sốc từ đại dịch virus viêm phổi Vũ Hán cũng tác động lớn đến năng lực cung ứng gạo trên thị trường.

Một nông dân đang làm việc trên một cánh đồng lúa bị hạn hán vào ngày 4/5/2016 tại tỉnh Bến Tre, Việt Nam. (Ảnh: Getty)

Các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ đã ngừng ký hợp đồng mới, do thiếu lao động và những gián đoạn về hậu cần đang cản trở việc hoàn thành các hợp đồng đã ký (Reuters). Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan, ngày 6/4 vừa qua cho biết có khó khăn về việc tuyển lao động trong bối cảnh dịch bệnh, điều này có thể gây khó khăn cho việc sản xuất và thu hoạch trong tương lai. Các nước Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động và chuỗi cung ứng cho vụ xuân đang bị gián đoạn. Nếu lỡ thời điểm gieo trồng, các nước này có thể bỏ lỡ vụ mùa của cả năm nay.

Ở một số nơi khác như Ấn Độ và Nam Á, hiện nay là thời điểm thu hoạch nông sản vụ đông như lúa mì, khoai tây, bông vải, một số loại trái cây và rau. Các nông trại cần lao động để vận hành máy móc, khiêng vác, vận chuyển nông sản, nhưng thiếu người.

Hội đồng Ngũ cốc quốc tế cảnh báo mặc dù nhập khẩu một số hàng hóa có tăng lên, nhưng những thách thức về hậu cần đã xảy ra do các biện pháp hạn chế về đi lại và kiểm dịch đang áp dụng hiện nay.

Theo CNBC, không chỉ giá gạo mà giá lúa mì, một loại lương thực cơ bản để làm mì ống, bánh mì cũng tăng lên gần đây. Giá lúa mì đã tăng khoảng 15% trong nửa cuối tháng 3/2020 do tâm lý mua sắm hoảng loạn của khách hàng và lo ngại về vụ mùa tại các nước đang có lệnh phong tỏa như Bắc Mỹ và châu Âu.

Trong nước, xuất khẩu gạo tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm

Trong khi nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh thì xuất khẩu gạo lại có sự tăng tốc cực kỳ ngoạn mục. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2020, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 929.000 tấn, kim ngạch hơn 430 triệu USD, tăng 30,5% về lượng và tăng 38% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Lượng xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc dù tăng mạnh, ở mức 595% về lượng và tăng 724% về kim ngạch, đạt hơn 66.000 tấn, tương đương 37 triệu USD, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số kim ngạch xuất khẩu gạo. Số lượng này thấp hơn nhiều so với kim ngạch xuất khẩu gạo sang Philippines, Iraq, Malaysia…

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến Trung Quốc gia tăng đột biến mua gạo từ Việt Nam là do năm 2020 dự báo sản lượng gạo của Trung Quốc giảm khoảng 1,8 triệu tấn, xuống còn 146,7 triệu tấn. Nguyên nhân của tình trạng sụt giảm này được cho là do lệnh phong tỏa đất nước kéo dài khiến cho dòng chảy của lao động và nguyên liệu thô (phân bón, hạt giống,...) không được lưu chuyển tự do, bên cạnh đó là mối đe dọa của nạn châu chấu sa mạc đang áp sát Đại lục có thể diễn ra trong những tháng tới.

Lúng túng và ngoài tầm kiểm soát

Lo ngại an ninh lương thực, Chính phủ đã dựa trên đề xuất của Bộ Công thương thực thi chính sách dừng xuất khẩu gạo ngày 24/3/2020. Nhưng chưa đầy 24 tiếng sau đó, chính Bộ Công thương xin Chính phủ rút lại quyết định tạm dừng xuất và cho phép doanh nghiệp xuất khẩu trở lại. Sau đó, Bộ Công thương cho biết “đã tính toán kỹ” và đề xuất có thể cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng, trước mắt là tháng 4 và tháng 5/2020. Lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5 sẽ vào khoảng 800.000 tấn, giảm 40% so với lượng xuất khẩu tháng 4 và tháng 5/2019.

Không chỉ lúng túng với chính sách xuất khẩu gạo, Tổng cục Dự trữ quốc gia cho tới nay vẫn chưa mua đủ gạo dự trữ trong nước. Theo ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính), đến ngày 14/4, Tổng cục Dự trữ Nhà nước mới mua vào được 7.700 tấn gạo dự trữ, trong tổng số 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2020 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Phần còn lại nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối ký hợp đồng. Tổng cục Dự trữ đã có kế hoạch lựa chọn nhà thầu để tổ chức đấu thầu lại 182.300 tấn gạo theo hình thức đấu thầu rộng rãi, thời điểm mở thầu là ngày 12/5/2020, dự kiến thời hạn nhập kho trước ngày 30/6/2020.

Đầu cơ, thao túng giá và “lợi ích núp bóng”

Các sự kiện cho thấy các bộ ngành có liên quan như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp dường như không nắm được sản xuất, thông tin thị trường và doanh nghiệp. Khi các bộ ngành có liên quan, các đối tượng tham gia thị trường như nông dân, doanh nghiệp, ngân hàng,… không có chung một nền tảng thông tin minh bạch về thị trường này tại các khâu: sản xuất - nhập kho - thương mại - phân phối - nguồn lực hỗ trợ ngành (tín dụng, người lao động, giống…) thì sẽ tồn tại hiện tượng đầu cơ, thao túng giá trên thị trường. Về phía nhà nước, an ninh lương thực cũng bị đe dọa khi mua dự trữ cũng có thể gặp khó khăn về khối lượng và giá cả như tình trạng hiện nay.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách) có quan điểm rằng Việt Nam không nên áp dụng chính sách cấm xuất khẩu gạo hoặc chế độ quota lúc này và rằng "Tất cả chỉ làm lợi cho các nhóm lợi ích núp bóng nhà nước".

Bình luận của chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành nhắc nhở thực trạng giá gạo Việt trong nước bị ép xuống thấp do chính sách xuất khẩu (ngừng xuất khẩu hoặc xuất khẩu gạo theo hợp đồng tập trung) trong những năm 2008, 2017.

Ví dụ về chính sách ngừng xuất khẩu gạo năm 2008, đây cũng là năm giá gạo thế giới tăng cao. Khi đó, Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã ký hợp đồng với nước ngoài như Trung Quốc hay Malaysia bỏ thầu giá gạo thấp. Tuy nhiên, giá gạo trong nước tăng do thương lái Anh, Hà Lan thu mua giá cao. Vinafood không mua được giá thấp đã yêu cầu Chính phủ tạm ngừng xuất khẩu gạo với lý do chưa mua đủ dự trữ lương thực. Khi đó giá gạo thị trường rớt mạnh, nông dân điêu đứng. Lúc đó Vinafood mới đi mua để xuất ra nước ngoài với giá rẻ.

Cơ quan Thực phẩm Quốc gia Philippines nhập khẩu gạo từ Việt Nam trên tàu chở hàng Vĩnh Phước khi công nhân đang bốc dỡ 10.800 tấn gạo tại cảng Tabaco, Manila vào ngày 5/7/2007. (JAY DIRECTO / AFP / Getty Images)

Việc ra chính sách ngừng xuất khẩu gạo thời điểm đó là do Việt Nam đơn phương tuyên bố dừng xuất khẩu chứ không phải do điều kiện “bất khả kháng” nên có một số hợp đồng phải bồi thường cho khách hàng, vì trong nước chúng ta vẫn còn gạo và các hợp đồng đang trong quá trình giao nhận. Thiệt hại về kinh tế với người sản xuất gạo, doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất lớn.

Ví dụ về chính sách “xuất khẩu gạo tập trung” tạo ra độc quyền năm 2017. Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) giữa đầu tháng 6/2017 có văn bản yêu cầu các thương nhân khác không được xuất khẩu gạo vào một số thị trường tập trung. Lý do được đưa ra là Vinafood 1 và Vinafood 2 - hai Tổng công ty nhà nước chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường xuất khẩu gạo, được Chính phủ chỉ định là đầu mối đàm phán, ký kết xuất khẩu gạo vào những thị trường này. Điều này có nghĩa, việc xuất khẩu gạo vào các thị trường tập trung (thị trường có nhu cầu lớn, có ký kết hợp tác chiến lược với Việt Nam về gạo) đều phải thông qua Vinafood 1 và 2.

Phía các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã phản đối mạnh mẽ chính sách này, cho rằng quy định cấm thương nhân xuất khẩu gạo vào thị trường tập trung như đề xuất của VFA là bất bình đẳng, đi ngược lại xu hướng tự do thương mại. Nhất là khi Việt Nam đang cần bán nhiều gạo và mang lại giá trị kim ngạch cao.

Giới chuyên gia cho rằng VFA hoạt động như một cơ quan quản lý ngành hàng, nhất là quản lý việc kinh doanh xuất khẩu gạo dựa trên các biện pháp hành chính là chủ yếu. Điều này đôi lúc đã làm cho thị trường lúa gạo của nước ta bị bóp méo, cứng nhắc, thiếu sự năng động đối với xuất khẩu gạo.

Thực tế, khi các quyết sách chính sách xuất khẩu bị tác động quá lớn bởi các doanh nghiệp nhà nước, tức là người ra chính sách cũng đồng thời là người sở hữu doanh nghiệp thì sẽ phát sinh các thiệt hại kinh tế lớn hơn bởi có “lợi ích núp bóng” xuất hiện. Đơn cử như tháng 5/2017, Vinafood 1 ký hợp đồng xuất khẩu 120.000 tấn gạo loại 5% tấm với Malaysia với mức giá chỉ hơn 356 USD/tấn. Hoặc cách đây 3 năm, khi ấy Việt Nam trúng thầu xuất khẩu gạo sang Philippines với giá bèo 370,05 USD/tấn, trong khi giá gạo cùng loại xuất sang Trung Quốc và các thị trường khác đã là 385 – 390 USD/tấn.

Kinh nghiệm Thái Lan về quản lý thị trường gạo: minh bạch và công bằng lợi ích với người nông dân - doanh nghiệp và an ninh lương thực

Thái Lan có một chiến lược rất thành công trong việc sản xuất, xuất khẩu và phát triển thương hiệu gạo nên hiển nhiên chúng ta có thể học rất nhiều từ mô hình này. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này đề cập đến quản lý nhà nước của Thái Lan về thị trường gạo giúp thị trường có thông tin đầy đủ, minh bạch, dễ tiếp cận và không bị thao túng chính sách bởi các nhóm có quyền lực; đây chính là nguyên nhân giúp Thái Lan phát triển bền vững thị trường gạo của họ trong nhiều thập kỷ qua.

Thái Lan có một chiến lược rất thành công trong việc sản xuất, xuất khẩu và phát triển thương hiệu gạo nên hiển nhiên chúng ta có thể học rất nhiều từ mô hình này. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này đề cập đến quản lý nhà nước của Thái Lan về thị trường gạo giúp thị trường có thông tin đầy đủ, minh bạch, dễ tiếp cận và không bị thao túng chính sách bởi các nhóm có quyền lực; đây chính là nguyên nhân giúp Thái Lan phát triển bền vững thị trường gạo của họ trong nhiều thập kỷ qua.

Từ thập kỷ 1960, chiến lược phát triển nông nghiệp xanh hình thành, Thái Lan đã xây dựng chiến lược phát triển hạt gạo của riêng mình theo cách tổ chức rất khoa học. Chính phủ cho phép doanh nghiệp thuộc mọi thành phần (tư nhân, nhà nước) tạo các kho với tiêu chuẩn quốc gia về kho chứa gạo. Khi nông dân thu hoạch, họ chuyển hàng tới kho gần nhất. Các kho gạo cấp cho nông nhân giấy tờ xác nhận về khối lượng gạo, chất lượng gạo, loại gạo mà họ gửi ở kho. Bản thân các kho cũng đưa thông tin cập nhập về gạo lên sàn giao dịch chung, công khai và minh bạch. Các thương nhân, doanh nghiệp đăng ký mua bán theo giá cả thị trường trên sàn giao dịch đó và người nông dân quyết định bán gạo theo các chào giá này.

Một nông dân đang gặt lúa ở làng Mae Rim thuộc tỉnh Chiang Mai phía bắc Thái Lan vào ngày 7/11/2019. (LILLIAN SUWANRUMPHA/AFP qua Getty Images)

Như vậy, ở bất kỳ thời điểm nào, quản lý nhà nước của Thái Lan cũng nắm chắc chắn số lượng gạo sản xuất, mua - bán, giá cả và tồn kho trong nội bộ nền kinh tế. Bản thân các nông dân của Thái Lan được tiếp cận với hệ thống thông tin đầy đủ, không bị ép giá và không bị tình trạng đầu cơ thao túng. Hơn nữa, ngay cả khi chưa bán được gạo, với chứng nhận của họ tại kho gạo, nông dân có thể tiếp cận ngân hàng địa phương để chiết khấu tiền cho sinh hoạt, tái tổ chức sản xuất cho vụ mùa tiếp theo.

Thái Lan đã tạo ra được một thị trường gạo với thông tin thị trường đầy đủ, cân xứng, minh bạch và vì lợi ích của tất cả các bên, đặc biệt của người nông dân. Đây là lý do họ luôn dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu gạo với chất lượng tốt.

Bài học của Thái Lan về quản lý gạo rất có ý nghĩa với Việt Nam nếu chúng ta sẵn sàng thay đổi và không ngại thay đổi trong tư duy và quản trị nhà nước.

Trà Nguyễn - Thanh Hương



BÀI CHỌN LỌC

Virus viêm phổi Vũ Hán làm lộ ra quản lý yếu kém về gạo Việt - Bài học từ Thái Lan