Quốc hữu hóa 'con ngỗng đẻ trứng vàng': 'Bàn tay đen' của ĐCS Trung Quốc trong việc Jack Ma 'mất tích' và công ty bị Bắc Kinh 'kiểm soát'?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính phủ không thực sự muốn 'giết' Alibaba, họ chỉ muốn dạy cho công ty này biết ai là ông chủ thật sự; đồng thời chính quyền Trung Quốc "sẵn tay" quốc hữu hóa "con ngỗng đẻ trứng vàng" này. Quả thật là, một công đôi việc!

Jack Ma - tỷ phú công nghệ Trung Quốc đã biến mất một cách bí ẩn khỏi chương trình thực tế của chính mình, sau khi ông dũng cảm chỉ trích chế độ Bắc Kinh. Hồi tháng 3/2020, một ông trùm bất động sản khác của Trung Quốc cũng biến mất sau khi gọi ông Tập là "gã hề" và ông này ngay sau đó đã chịu bản án tù 18 tháng vì "phạm tội tham nhũng".

Một bản tin cho biết, người siêu giàu Jack Ma - được báo cáo có tổng tài sản trị giá ít nhất 60 tỷ USD - đã không xuất hiện trước công chúng kể từ cuối tháng 10/2020. Người đàn ông 56 tuổi này đã tạo ra khối tài sản khổng lồ của mình sau khi thành lập Alibaba, được mệnh danh là Amazon của châu Á, và từng là công ty yêu thích của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, ông trùm công nghệ Bắc Kinh bất ngờ bị thay thế bằng một giám khảo khác trong buổi chung kết của “Người hùng Doanh nghiệp Châu Phi”, một cuộc thi truyền hình theo phong cách "Hố Rồng" - dành cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Buổi chung kết diễn ra chỉ vài tuần sau khi ông Ma có bài phát biểu chỉ trích các cơ quan quản lý và các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc.

Bức ảnh của ông sau đó đã bị xóa khỏi trang web của hội đồng giám khảo và bị loại khỏi một video quảng cáo. Động thái kỳ lạ này xảy ra ngay sau khi ông đã tweet rằng ông ấy "không thể chờ đợi" để gặp tất cả các thí sinh.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, không có bất kỳ hoạt động nào trên tài khoản Twitter của ông - trong khi trước đây tài khoản này thường được đăng vài dòng tweet mỗi ngày.

Ông Ma là một trong những người đàn ông giàu có nhất Trung Quốc và cũng nổi tiếng với công việc của mình tại Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức từ thiện toàn cầu. Trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán đang diễn ra, ông đã tặng hàng chục triệu khẩu trang trên khắp thế giới.

Cho đến nay, chưa có bất kỳ một thông tin nào về việc liệu Jack Ma có bị tổn hại về sức khỏe và tinh thần trong suốt hơn 2 tháng "mất tích" hay không. Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có một cách tiếp cận rất bạo lực và cực đoan để đối phó với những người lên tiếng chống lại chế độ.

Chính phủ không thực sự muốn 'giết' Alibaba, họ chỉ muốn dạy cho công ty này biết ai là ông chủ thật sự; đồng thời chính quyền Trung Quốc "sẵn tay" quốc hữu hóa "con ngỗng đẻ trứng vàng" này (Ảnh: Getty)
Chính phủ không thực sự muốn 'giết' Alibaba, họ chỉ muốn dạy cho công ty này biết ai là ông chủ thật sự; đồng thời chính quyền Trung Quốc "sẵn tay" quốc hữu hóa "con ngỗng đẻ trứng vàng" này (Ảnh: Getty)

Vào tháng 3/2020, một ông trùm bất động sản đã "biến mất" sau khi gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là "gã hề" trong việc xử lý khủng hoảng virus Corona Vũ Hán. Bạn bè của Ren Zhiqiang nói rằng ông ấy sau đó đã bị kết án 18 năm tù, sau khi ông này dường như "tự nguyện thú nhận" nhiều tội danh tham nhũng.

'Họ chỉ muốn dạy cho công ty biết ai mới là ông chủ thực sự'

Việc các nhà quản lý tài chính từ lâu lo ngại về ảnh hưởng của Ant Group không phải là câu chuyện bí mật. Tuy nhiên, một bài phát biểu của Jack Ma vào tháng 10/2020 dường như là "giọt nước làm tràn ly" - kéo theo chuỗi sự kiện như trên, với hệ quả rõ nhất là kế hoạch niêm yết của Ant Group bị đột ngột thất bại bởi sự can thiệp của Bắc Kinh vào phút cuối.

Cụ thể, tại một diễn đàn ở Thượng Hải ngày 24/10/2020 có sự tham dự của một số nhân vật quyền lực nhất trong giới chính trị và tài chính của Trung Quốc, Jack Ma đã chỉ trích "tâm lý tiệm cầm đồ" của các ngân hàng Trung Quốc và cho rằng những quy định tài chính ngày càng chặt của Trung Quốc kìm hãm sự phát triển công nghệ.

Ông nói rằng Hiệp định giám sát ngân hàng Basel toàn cầu là "câu lạc bộ của người già" và "chúng ta không thể dùng các phương pháp của hôm qua để quản lý tương lai". Cuối sự kiện, Jack Ma còn dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: "Thành công không cần phải do tôi".

Theo báo Wall Street Journal (Mỹ), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không hài lòng về những phát biểu của ông Jack Ma và đã ra lệnh chặn đợt chào bán công khai lần đầu trị giá 37 tỷ USD của Ant Group. Vài ngày sau, ĐCSTQ đã công bố các quy định chống độc quyền mới và sau đó vào tháng 12/2020 mở cuộc điều tra chống độc quyền với Alibaba. Đến ngày 27/12, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thông báo đã yêu cầu Ant Group "chấn chỉnh" hoạt động của công ty.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ở giữa, được chào đón bởi Giám đốc điều hành Cisco John Chambers, bên trái và Chủ tịch điều hành Alibaba Jack Ma, bên phải, trong chuyến thăm tại khuôn viên chính của Microsoft vào ngày 23 tháng 9 năm 2015 ở Redmond, Washington (Ảnh của Ted S. Warren-Pool / Getty Images)
Chính phủ không thực sự muốn loại bỏ Alibaba, họ chỉ muốn dạy cho công ty biết ai mới là ông chủ thực sự (Ảnh của Ted S. Warren-Pool / Getty Images)

Pan Gongsheng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, đã nói rõ trong một bản ghi chép cuộc phỏng vấn rằng "những thay đổi lớn hơn đang đến". Ám chỉ rằng chính phủ không thực sự muốn loại bỏ Alibaba, họ chỉ muốn dạy cho công ty biết ai là ông chủ thật sự với quy trình chống độc quyền này.

"Nếu các ngân hàng không thay đổi, chúng tôi sẽ thay đổi các ngân hàng", Jack Ma đã nói khoảng một thập kỷ trước. “Chúng tôi muốn cải tổ các doanh nghiệp nhà nước”.

Tước đoạt và kiểm soát tài sản của doanh nghiệp tư nhân - Chiến lược dài hơi của Bắc Kinh, Ant Group chỉ là bước khởi đầu

Trước khi ông Jack Ma "lỡ lời" chỉ trích chính quyền Trung Quốc, chỉ một tháng trước đó, truyền thông của ĐCSTQ đã nỗ lực tuyên truyền về chiến lược dài hơi của Bắc Kinh nhắm vào kiểm soát tài sản và tư tưởng của khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Vào ngày 15/9, CCTV Evening News cho biết Chủ tịch Tập ban hành "chỉ thị quan trọng", với một tiêu đề dài dòng: "Ý kiến ​​về Tăng cường Công tác Mặt trận Thống nhất của Kinh tế Tư nhân trong Kỷ nguyên Mới". Nhưng phân tích kỹ nội dung dài dòng này, mục đích cuối cùng đơn giản là để ĐCSTQ có thể thâm nhập, can thiệp và kiểm soát tư tưởng lãnh đạo của khối doanh nghiệp tư nhân (DNTN).

Tuyên bố tìm cách cải thiện sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với DNTN và doanh nhân thông qua Công tác Mặt trận thống nhất “để tập trung tốt hơn trí tuệ và sức mạnh của các doanh nhân tư nhân vào mục tiêu và sứ mệnh thực hiện sự trẻ hóa vĩ đại của đất nước Trung Quốc”.

Chỉ thị của ông Tập đã được đưa ra một ngày trước khi diễn ra Hội nghị về chủ đề này. ĐCSTQ muốn thấy một "mặt trận thống nhất" giữa DNTN và doanh nghiệp chính phủ.

Và những gì xảy ra với Ant Group cũng như sự biến mất đáng ngờ của Jack Ma không hề nằm ngoài chiến lược mà ông Tập đã chỉ thị.

Bắc Kinh đang đẩy nhanh kế hoạch đưa tập đoàn Ant Group của Jack Ma vào vòng kiểm soát chặt chẽ hơn - như một phần của động lực “cải cách” - khiến một trong những người đàn ông giàu nhất Trung Quốc khó có thể xây dựng lại toàn bộ đế chế trực tuyến của mình.

Định chế tài chính cho vay tiêu dùng của Ant Group và các bộ phận phát triển nhanh khác của tập đoàn công nghệ tài chính này sẽ bị chuyển thành một công ty cổ phần tài chính mới do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) quản lý, theo những người đã đưa tin về những thảo luận giữa ngân hàng trung ương và công ty này. Một bước đầu tiên trong tiến trình "quốc hữu hoá" "con ngỗng đẻ trứng vàng" này.

Quốc hữu hóa 'con ngỗng đẻ trứng vàng'

Một cựu quản lý cho biết: “Giải pháp tốt nhất là chia Ant thành một đơn vị tài chính đối với các doanh nghiệp cho vay, môi giới và bảo hiểm trực tuyến, các doanh nghiệp này sẽ chịu sự giám sát đầy đủ về mặt quy định, và một đơn vị dữ liệu và công nghệ ít bị kiểm soát hơn”. Ông Ma từ lâu đã "châm chọc" các quan chức khi tham vọng định hình lại hệ thống tài chính do nhà nước lãnh đạo.

Ant “phải tích hợp sự phát triển của mình vào kế hoạch phát triển chung của đất nước”, ông nói. Các tổ chức cho vay thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc từ lâu đã phàn nàn rằng các đối thủ cạnh tranh trực tuyến của họ đã thu được lợi thế không công bằng khi chỉ tuân theo các quy định ít nghiêm ngặt hơn.

Tại sao IPO của Ant bị hủy? Ant có thể cũng cần tăng vốn để đáp ứng các hướng dẫn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cùng với các yêu cầu về an toàn vốn, kiểm soát rủi ro và quản trị, việc này khiến các công ty tài chính giống các ngân hàng hơn là các công ty công nghệ.

Kế hoạch này có thể làm giảm đáng kể kế hoạch biến Ant thành công ty có giá trị - được định giá lên tới 300 tỷ USD trước khi IPO bị nhấn chìm. “Ant đã nhiều lần nhấn mạnh đó là một công ty công nghệ và thị trường đánh giá nó là một công ty công nghệ, nhưng nếu nó được làm lại thành một công ty cổ phần tài chính, nó sẽ trở thành một tổ chức tài chính đúng nghĩa và thị trường sẽ cần phải đánh giá lại nó”, ông He Zhisong, một luật sư tại Zhong Lun, một công ty luật cho biết.

Cơ quan quản lý cạnh tranh của Trung Quốc cũng thông báo rằng họ đang bắt đầu một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Alibaba - công ty thương mại điện tử của ông Ma, và đã lấy bằng chứng từ trụ sở chính ở Hàng Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang, miền đông nước này.

"Để giải quyết những lo ngại về chống độc quyền, Ant cũng có thể cần phải cắt bỏ một số ngành nghề kinh doanh của mình". Quy định chặt chẽ hơn đối với việc lan tràn các công ty tài chính đã được thực hiện ít nhất là từ năm ngoái, khi các quy tắc mới lần đầu tiên được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vạch ra.

Một luật sư quen thuộc với quy trình chống độc quyền cho biết Alibaba có thể sẽ bị phạt một số tiền bằng 1% hoặc 2% doanh thu của năm trước đó, hoặc khoảng 7 tỷ nhân dân tệ (1,1 tỷ USD) vì lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của mình. "Chính phủ không thực sự muốn 'giết' Alibaba, họ chỉ muốn dạy cho nó biết ai là ông chủ", luật sư nói. Cổ phiếu của Alibaba đã giảm gần 1/4 kể từ khi IPO của Ant bị rút lại.

Dữ liệu của Bloomberg cho thấy giá trị ròng tài sản của ông Ma, người luôn đứng đầu danh sách người giàu nhất của Trung Quốc trong những năm gần đây, đã giảm gần 10 tỷ USD xuống còn 50,9 tỷ USD so với cùng kỳ.

Logo của Ant Group được in hình tại trụ sở chính của công ty ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, vào ngày 29 tháng 10 năm 2020. (Aly Song / Reuters)
Logo của Ant Group được in hình tại trụ sở chính của công ty ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, vào ngày 29 tháng 10 năm 2020. (Aly Song / Reuters)

Alibaba quá lớn và uy tín nên Bắc Kinh phải 'luộc ếch' từ từ

Ant Group là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán lớn nhất của Trung Quốc, với hơn 730 triệu người dùng hàng tháng trên dịch vụ thanh toán kỹ thuật số Alipay. Nhưng chính các hoạt động cho vay của công ty dường như đã khiến các nhà quản lý quan ngại hơn.

Việc Bắc Kinh chặn đứng đợt IPO của Ant Group hồi đầu tháng 11/2020 được xem là quyết định gây sốc vào phút chót. Đây dự kiến là đợt IPO lớn nhất thế giới, với giá trị huy động đạt 37 tỷ USD. Việc cản trở này đã giáng một đòn mạnh vào công ty công nghệ tài chính của Jack Ma.

Khoảng một năm trước, tờ Nhân Dân Nhật Báo - cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ - từng gửi thông điệp mạnh tới Jack Ma: "Không có cái gọi là thời đại Jack Ma, chỉ có Jack Ma ở trong thời đại này".

Theo trang Quartz, nhiều người xem thông điệp trên là dấu hiệu cho thấy mối lo ngại ngày một tăng của Bắc Kinh về "vị trí siêu sao thế giới" của Jack Ma và ảnh hưởng to lớn của các "gã khổng lồ" thương mại điện tử cùng công nghệ tài chính của ông Ma, khi các công ty này kiểm soát mọi thứ từ cách mua hàng, chi tiền và tiết kiệm của người dân tại quốc gia tỉ dân này.

Ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập của tờ Thời báo Hoàn Cầu, cho biết rằng cùng với sự phát triển của Trung Quốc, các gã khổng lồ Internet như Alibaba - công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, được ví như "Amazon của Trung Quốc" - đã trỗi dậy nhanh chóng gần đây. Một mặt, điều đó đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế Internet và tăng tính cạnh tranh của Trung Quốc, mặt khác ngày càng có nhiều phàn nàn về sự độc quyền của Alibaba ở một số lĩnh vực.

"Thật phi lý khi cho rằng Trung Quốc có ý định 'đè nát' một doanh nghiệp dẫn đầu thành công... Dù một doanh nghiệp lớn ra sao, họ cũng phải vận hành và mở rộng phù hợp với luật và các quy định của quốc gia. Họ không nên kiêu căng vì sức mạnh của mình và không nên nghĩ rằng họ được hưởng đặc quyền bất chấp luật" - ông Hồ Tích Tiến chỉ ra.

Khu vực tư nhân quá lớn và giàu có, giờ đến lúc Bắc Kinh quốc hữu hóa khối tài sản ấy?

Kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 vào tháng 5/2020, các ủy viên Trung ương đảng và Chủ tịch Tập đã đề xuất một loạt khái niệm và chiến lược mới, đồng thời thông qua một loạt biện pháp lớn để hướng dẫn và thúc đẩy hoạt động kinh tế tư nhân “Mặt trận thống nhất”. Họ nói rằng những động thái này đã đạt được "kết quả đáng kể".

Người đồng sáng lập Alibaba Jack Ma (R) nhìn CEO Pony Ma của Tencent Holdings trong buổi gặp mặt kỷ niệm 40 năm chính sách "cải cách và mở cửa" của Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 18 tháng 12 năm 2018. Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 18/12 cảnh báo rằng không ai có thể "sai khiến" đường lối phát triển kinh tế của Trung Quốc khi Đảng Cộng sản đánh dấu 40 năm chính sách "cải cách và mở cửa" lịch sử của mình trước thách thức gay gắt từ Hoa Kỳ. (Ảnh của WANG Zhao / AFP) (Nguồn ảnh nên đọc WANG ZHAO / AFP qua Getty Images)
Người đồng sáng lập Alibaba Jack Ma (R) nhìn CEO Pony Ma của Tencent Holdings trong buổi gặp mặt kỷ niệm 40 năm chính sách "cải cách và mở cửa" của Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 18 tháng 12 năm 2018. Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 18/12 cảnh báo rằng không ai có thể "sai khiến" đường lối phát triển kinh tế của Trung Quốc khi Đảng Cộng sản đánh dấu 40 năm chính sách "cải cách và mở cửa" lịch sử của mình trước thách thức gay gắt từ Hoa Kỳ. (Ảnh của WANG ZHAO / AFP qua Getty Images)

Khi nền kinh tế tư nhân của Trung Quốc phát triển và đa dạng hóa, tuyên bố cho biết "những biện pháp này sẽ mang lại sự trẻ hóa lớn của đất nước Trung Quốc theo tư tưởng Tập Cận Bình". Nhìn chung, có hơn 100 giải pháp, bao gồm hướng dẫn lựa chọn nhân sự để thực hiện các biện pháp.

"Chúng ta cũng phải thấy rằng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã bước sang một kỷ nguyên mới, do quy mô của kinh tế tư nhân tiếp tục mở rộng, rủi ro và thách thức gia tăng đáng kể, các giá trị và lợi ích của kinh tế tư nhân ngày càng đa dạng, và công tác mặt trận thống nhất của kinh tế tư nhân đang đứng trước những tình hình và nhiệm vụ mới”, tuyên bố viết.

Với cách diễn ngôn “hoa lệ”, tuyên bố nhấn mạnh mục tiêu là để tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của ĐCSTQ đối với công tác mặt trận đoàn kết kinh tế tư nhân, tổng hợp tốt hơn nữa trí tuệ, sức lực của đội ngũ kinh tế tư nhân vào mục tiêu, nhiệm vụ trẻ hóa vĩ đại của đất nước Trung Quốc…

Ý nghĩa cơ bản có thể tóm gọn một câu: “Nâng cao vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ đối với kinh tế tư nhân”.

Nhưng ĐCSTQ từ lâu đã chỉ tạo tư tưởng của các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, trong đó có cả "ông lớn" Alibaba của Trung Quốc. Jack Ma là đảng viên ĐCSTQ, tập đoàn này “đương nhiên” đi theo các đường lối “đạo đức” mà ĐCSTQ yêu cầu. Jack Ma thậm chí còn được nằm trong danh sách 100 đảng viên được tuyên dương vì các đóng góp cho sự nghiệp của ĐCSTQ.

Dù vậy, có vẻ như Jack Ma vẫn không thoát khỏi số phận bị quốc hữu hóa khối tài sản mà ông ta tạo ra, khi nó quá lớn và tạo ra tầm ảnh hưởng quá rộng trên khắp Trung Quốc.

Thủy Tiên



BÀI CHỌN LỌC

Quốc hữu hóa 'con ngỗng đẻ trứng vàng': 'Bàn tay đen' của ĐCS Trung Quốc trong việc Jack Ma 'mất tích' và công ty bị Bắc Kinh 'kiểm soát'?