'Quốc sư' kinh tế hàng đầu của ông Tập ngấm ngầm phản đối chính sách 'zero covid'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngay cả 'quốc sư' nổi tiếng nhất của của ông Tập về kinh tế, người luôn mạnh miệng dự báo tương lai hào nhoáng nhất cho nền kinh tế này trong bao năm qua, giờ cũng thất vọng với chính sách 'Không Covid' của ông Tập Cận Bình, cho rằng đây là thách thức lớn nhất với tăng trưởng và ổn định kinh tế của đất nước. Có vẻ như chính sách của ông Tập đang mâu thuẫn với cả các lực lượng ủng hộ thân cận nhất, điều này thu hút sự chú ý của giới quan sát bên ngoài Trung Quốc.

Ngày 18/5 vừa qua, ông Lâm Nghị Phu (Lin Yifu), Hiệu trưởng danh dự của Viện Nghiên cứu Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh, và được biết đến như một trong những "quốc sư" của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), người luôn đưa ra các dự báo rực rỡ về nền kinh tế dưới sự trị vì của ông Tập Cận Bình, đã phát biểu hàm ý phản đối chính sách 'Không Covid' của ông Tập trong một buổi giới thiệu cuốn sách mới của mình.

Trước kia, ông Lâm nổi tiếng với quan điểm rằng Trung Quốc có tiềm năng phát triển to lớn, có thể đạt tăng trưởng 8% mỗi năm từ nay cho tới năm 2036. Sau đó, kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng 6% hàng năm cho tới giữa thế kỷ 21. Theo cách này, đến năm 2049, ông Lâm khẳng định rằng GDP bình quân đầu người của Trung Quốc tính theo sức mua tương đương sẽ đạt 50% của Hoa Kỳ và quy mô tổng thể của nền kinh tế có thể gấp đôi Hoa Kỳ. Ông Lâm luôn tin rằng đến 2050, kỹ thuật công nghiệp cũng sẽ đạt đến “trình độ ngang với Hoa Kỳ”.

Ông Lâm cũng "giải thích" việc Trung - Mỹ tách rời sẽ "không có lợi cho Hoa Kỳ" như thế nào, và nói rằng về việc Hoa Kỳ tách khỏi Trung Quốc, nếu xét theo tình hình hiện nay là "làm địch tổn thất 10 phần, cũng tự làm bản thân tổn hại 8 phần", thì trong tương lai sẽ trở thành "địch chỉ tổn 5, còn ta tổn 10”, v.v.

Tuy nhiên, trong buổi chia sẻ phát hành sách hôm 18/5 vừa qua, quốc sư của ông Tập đã thay đổi cách nói và góc nhìn về triển vọng kinh tế của Trung Quốc. Ông Lâm cho biết, "kể từ quý 3 năm 2021, nền kinh tế của đất nước đã có một sự suy giảm tương đối lớn. Xu hướng đi xuống này là do nhu cầu bị thu hẹp, nguồn cung bị sốc, và làm giảm kỳ vọng tăng trưởng gấp 3 lần". Ông Lâm cho rằng, thực tế, từ nửa cuối năm ngoái đến năm nay, kinh tế Trung Quốc vẫn trong chu kỳ đi xuống, và do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc Thượng Hải thực hiện đóng cửa khoanh vùng từ cuối tháng 2 đã ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Trung Quốc.

Ông Lâm Nghị Phu nhấn mạnh rằng kiểu giữ sạch bóng covid như vậy thông qua phong tỏa và kiểm soát "chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, và làm cho nền kinh tế tăng trưởng chậm lại toàn diện". Mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 5,5% năm nay cũng đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức mới.

Mặc dù quốc sư của ông Tập khẳng định "chính sách không covid là đúng", ông không trực tiếp bày tỏ sự không đồng tình với chính sách này của Chủ tịch Tập, nhưng ông cũng đề cập rằng "việc thực hiện [chống dịch] phải khoa học, hiệu quả và không thể lạm dụng quyền lực khi thực thi". Ông Lâm cũng chỉ ra các hạn chế trong chính sách kép về hạn chế carbon, về kiểm soát bất động sản, nhưng không cho rằng đó là sai lầm của ông Tập mà đẩy trách nhiệm lên cấp thực thi phía dưới.

Quốc sư của ông Tập cho rằng thách thức lớn nhất với Trung Quốc hiện nay là phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Ông chỉ ra rằng do dịch bệnh và cách kiểm soát dịch bệnh như hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ của Trung Quốc đang đi đến bờ vực phá sản ở các thành phố phải phong tỏa. Các quan chức phải đưa ra các biện pháp hiệu quả để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn như cắt giảm thuế, miễn hóa, giảm tiền thuê nhà và giãn nợ cho doanh nghiệp. Nếu không, theo ông Lâm, "một công ty phá sản, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên, khó có thể phục hồi trở lại".

Không chỉ doanh nghiệp, ông Lâm cũng kêu gọi chính quyền quan tâm tới các hộ gia đình. Ông cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số gia đình đã cạn kiệt tiền tiết kiệm, tiêu dùng cho cả trực tuyến và trực tiếp, họ thực sự ở trạng thái "suy sụp".

Các nhận xét ngấm ngầm chỉ trích chính sách "không Covid" của ông Lâm Nghị Phu làm dấy lên suy đoán của dân chúng về đấu tranh trong nội bộ ĐCSTQ. Trước đó, Tân Hoa Xã, Nhân dân Nhật báo và các phương tiện truyền thông chính thống khác đã liên tiếp đăng tải nội dung phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Hội nghị công tác Chính phủ trong sạch của Quốc Vụ Viện lần thứ 5 vào ngày 25/4. Theo đó, ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh rằng "hoạt động kinh tế hiện tại đang ở giai đoạn leo dốc", điều này làm nổi bật tình thế tiến thoái lưỡng nan mà nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt.

Ông Lâm Nghị Phu sinh ra tại huyện Nghi Lan, Đài Loan. Khi còn là chỉ huy mang quân hàm Đại úy của Bộ tư lệnh Lục quân Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) ở đảo Kim Môn vào năm 1979, ông Lâm đã đào tẩu sang Trung Quốc đại lục và Bộ Quốc phòng Trung Hoa Dân Quốc đã ra lệnh truy nã ông vĩnh viễn.

Ông Lâm hiện là Ủy viên Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (gọi tắt là Chính hiệp Toàn quốc) khóa 12, Phó Chủ tịch của Ủy ban Kinh tế thuộc Chính hiệp Toàn quốc và Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại toàn Trung Quốc (cấp Thứ trưởng). Vợ ông Lâm - bà Trần Vân Anh (Chen Yunying) cũng từng là đại biểu của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc lần thứ 10 năm 2003.

Tờ Wind Media của Đài Loan từng chỉ ra rằng ở Trung Quốc đại lục, ông Lâm Nghị Phu đứng đầu trong 9 "giáo chủ kinh tế quốc dân" của chính quyền Tập Cận Bình.

Thanh Đoàn

(Theo Secret China)



BÀI CHỌN LỌC

'Quốc sư' kinh tế hàng đầu của ông Tập ngấm ngầm phản đối chính sách 'zero covid'