Quốc tế hóa eCNY và theo đuổi chủ nghĩa biệt lập - Trung Quốc chỉ có thể chọn 1 trong 2

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) thời gian gần đây đẩy mạnh phát triển đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số (eCNY) sẽ là mối đe dọa đối với tính ưu việt và sự phổ biến của đồng USD trong bối cảnh Mỹ đang tụt hậu trong cuộc đua cho vị trí siêu cường phát hành tiền kỹ thuật số. Trên thực tế, điều ngược lại mới chính xác. Chính sách hiện tại của Bắc Kinh đối với eCNY có thể khiến quốc gia này bị bỏ lại phía sau.

Trước năm 2015, Trung Quốc tin rằng một quốc gia đầu tàu thế giới thì cần phải có tàu sân bay và có đồng tiền được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu. Với mong muốn chứng minh Trung Quốc là một quốc gia đã và đang phát triển tuyệt vời, họ đã cố gắng làm cho đồng CNY trở nên “tuyệt vời”.

Năm 2015 và 2016 là đỉnh cao của việc chính phủ Trung Quốc ráo riết theo đuổi việc quốc tế hóa đồng CNY, nhưng họ đã buộc phải dừng lại vì những biến động trên thị trường chứng khoán.

Chính quyền Trung Quốc đã ban hành một số chính sách tự do hóa để tăng cường việc sử dụng và đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng CNY. Tuy nhiên, việc tự do hóa quá nhanh trước khi tăng cường giám sát và điều tiết đối với các ngân hàng, thị trường tài chính, và thị trường chứng khoán, thì những điều tồi tệ sẽ xảy ra cho hệ thống chính trị của chế độ cộng sản Trung Quốc.

Bắc Kinh đã rút ra bài học rằng có nhiều việc quan trọng cần làm hơn là quốc tế hóa tiền tệ.

Tháng 10/2020, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập đặc khu kinh tế Thâm Quyến, chính phủ Trung Quốc đã lần đầu tiên tiến hành thử nghiệm đồng eCNY trên quy mô lớn. Khoảng 50.000 người dân đã được tặng 200 eCNY và số tiền này có thể sử dụng tại 3.400 cửa hàng tại đặc khu.

Các tháng tiếp theo, Trung Quốc tiếp tục mở rộng thử nghiệm loại tiền này tại các thành phố lớn hơn như Bắc Kinh và Thượng Hải.

Song song với việc phát triển eCNY, Trung Quốc đang siết chặt gọng kìm, đẩy mạnh kiểm soát các loại tiền kỹ thuật số thịnh hành trên thế giới như Bitcoin. Điều này cho thấy sự thận trọng ngày càng gia tăng của chính phủ nước này đối với các doanh nghiệp tư nhân.

Những cuộc đàn áp đang diễn ra ở các lĩnh vực thương mại điện tử, dạy thêm trực tuyến, gọi xe công nghệ... không chỉ đơn thuần là biểu hiện của “thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, mà là sự tái định nghĩa mối quan hệ giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân.

Bằng việc cấm các tổ chức tài chính và các công ty thanh toán ở Trung Quốc cung cấp các dịch vụ liên quan đến Bitcoin, đồng thời khiến một số nhà điều hành hoạt động đào tiền như Huobi Mall và BTC.TOP phải tìm cách chuyển hoạt động sang nước khác, Bắc Kinh đang tự cô lập chính mình. Quan trọng hơn, cuộc đàn áp đối với tiền kỹ thuật số của Trung Quốc là một phần của xu hướng tự cô lập ngày càng sâu rộng của nước này.

Các động thái của Bắc Kinh đã không hề giúp Trung Quốc tăng tốc trong việc phát triển đồng eCNY thành đồng tiền thanh toán quốc tế, mà ngược lại, làm suy yếu vị thế của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu.

Trên thực tế, eCNY tuy là một đồng tiền kỹ thuật số nhưng lại có bản chất đối lập với các đồng tiền kỹ thuật số khác. Thay vì độc lập và phi tập trung, eCNY lại nằm dưới sự điều hành của PBOC. Cụ thể là, eCNY có thể được sử dụng để nhà nước kiểm soát nền kinh tế một cách gắt gao hơn, bởi nó giúp giới chức trách dễ dàng theo dõi mọi giao dịch và chi tiêu của người dân và doanh nghiệp.

Đồng eCNY được dự đoán là không khác gì so với đồng CNY trong việc hạn chế người sử dụng quốc tế do nó không thể tự do chuyển đổi trên các thị trường giao dịch ngoại hối. Nguyên nhân chủ yếu do Bắc Kinh buộc phải kiểm soát chặt chẽ dòng vốn ra vào nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu và đầu tư nước ngoài của họ trong nhiều thập kỷ. Điều này khiến các nhà đầu tư khó có thể kiểm soát tài sản bằng đồng eCNY.

Theo một nghiên cứu công bố hồi tháng 7 của Công ty nghiên cứu kinh tế quốc tế Capital Economics, cái gọi là đồng eCNY sẽ “không có tác dụng gì trong việc nới lỏng các ràng buộc đã ngăn cản đồng CNY được chấp nhận rộng rãi trong thương mại quốc tế hoặc như một loại tiền tệ dự trữ”.

Barry Eichengreen, giáo sư kinh tế và khoa học chính trị tại Đại học California, cho biết lịch sử đã chứng minh rằng mọi đồng tiền dự trữ quốc tế đều đến từ một nền dân chủ hoặc cộng hòa thực sự: Mỹ, Vương quốc Anh, và trước đó là Cộng hòa Hà Lan.

Ông Eichengreen cho hay, Mỹ hiện đang là “cái ô hạt nhân” cho châu Âu và Nhật Bản. Điều đó có nghĩa là các chính phủ châu Âu và Nhật Bản luôn sẵn sàng hỗ trợ đồng USD, từ đó, vị thế đồng USD được duy trì.

Trong tương lai, Trung Quốc sẽ bị mắc kẹt trong hệ thống tiền kỹ thuật số của chính họ. Trong khi người Trung Quốc mải miết giao dịch bằng đồng eCNY với nhau (hoặc ít nhất là trong các giao dịch mà chính quyền Bắc Kinh có thể kiểm soát), thì phần còn lại của thế giới lại sử dụng Bitcoin và Ethereum.

Thị trường nội địa Trung Quốc có thể đủ lớn để các công ty trong nước phát triển, bao gồm cả không gian cho đồng eCNY. Nhưng nếu Trung Quốc muốn thay thế Mỹ để trở thành nền kinh tế đầu tàu thế giới, thì Bắc Kinh sẽ phải đón nhận, chứ không phải ngăn chặn và tách ra khỏi các xu hướng toàn cầu.

Đất nước này sẽ không bao giờ có khả năng dẫn đầu nếu người Trung Quốc buộc phải đầu tư, mua sắm, cũng như sử dụng loại tiền tệ và công nghệ khác với hầu hết người ở các quốc gia khác. Nếu Bắc Kinh không thể thích ứng với sự thay đổi của nền kinh tế toàn cầu, thì chắc chắn Bắc Kinh sẽ không định hình được nền kinh tế toàn cầu.

Nếu Trung Quốc muốn làm tăng vị thế của đồng eCNY, họ phải làm hai việc.

Thứ nhất, họ phải cho phép đồng eCNY tự do chuyển đổi trên thị trường giao dịch ngoại hối toàn cầu. Điều này khiến Bắc Kinh buộc phải từ bỏ kiểm soát dòng vốn, giúp các nhà đầu tư nước ngoài ra vào thị trường tài chính dễ dàng hơn. Vì vậy, chừng nào mà Bộ chính trị Trung Quốc vẫn nắm giữ “quyền năng vô hạn” thì ắt hẳn tầm ảnh hưởng của đồng eCNY sẽ bị hạn chế.

Thứ hai, Bắc Kinh phải trả lời cho câu hỏi liệu hệ thống chính trị của họ có tương thích với việc đồng tiền nước này trở thành đồng tiền quốc tế, không cần phải thao túng tiền tệ, có thể hấp thu thặng dư toàn cầu hoặc bù đắp thâm hụt toàn cầu bằng sức mạnh kinh tế hào phóng của mình? Liệu Bắc Kinh có chấp nhận biến PBOC thành một ngân hàng trung ương độc lập không? Trung Quốc phải đi bao xa để cải cách chính trị và thể chế?

Chi Anh

Tài liệu tham khảo:

https://www.bloomberg.com/opinion/articles/2021-08-08/china-s-crypto-policy-will-isolate-the-economy-from-new-innovation

https://asia.nikkei.com/Editor-s-Picks/Interview/For-yuan-to-be-the-new-dollar-China-needs-democracy-Eichengreen



BÀI CHỌN LỌC

Quốc tế hóa eCNY và theo đuổi chủ nghĩa biệt lập - Trung Quốc chỉ có thể chọn 1 trong 2