Qũy hưu trí sắp cạn kiệt do dân số già hóa, Trung Quốc đẩy bớt gánh nặng sang khu vực tư nhân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đang điều chỉnh hệ thống lương hưu trị giá 1,2 nghìn tỷ USD để tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong bối cảnh dân số già hóa và nguồn tài chính thiếu hụt. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng động thái này chỉ giúp giải quyết được “phần ngọn”, về lâu dài, nước này cần có những thay đổi cơ bản để cung cấp mạng lưới lương hưu ổn định và theo kịp được tốc độ già hóa dân số.

Gần đây, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC), cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm hàng đầu của nước này, cho biết họ đang triển khai một chương trình thí điểm về lương hưu tư nhân ở 2 khu vực mới là Trùng Khánh và Chiết Giang.

Theo Reuters, CBIRC cũng đang xem xét xác nhận danh sách các quỹ hưu trí tư nhân. Đồng thời, họ chỉ định một nhóm các nhà quản lý chuyên nghiệp để điều hành các quỹ này nhằm phục vụ cho một kế hoạch mới của chính phủ.

Sự thay đổi trên cho thấy Trung Quốc đã nhận ra mức độ thách thức về nhân khẩu học. Báo cáo gần đây chỉ ra rằng công dân từ 65 tuổi trở lên chiếm 13,5% trong tổng số 1,4 tỷ dân số của nước này vào năm 2020, tăng từ 8,87% so với một thập kỷ trước.

Vấn đề lương hưu của Trung Quốc đang rất nghiêm trọng. Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), một tổ chức tư vấn của nhà nước, cho biết quỹ hưu trí của nhà nước sẽ đạt đỉnh 6,99 nghìn tỷ NDT (1,09 nghìn tỷ USD) vào năm 2027 và có thể cạn kiệt vào năm 2035.

Viễn cảnh đó, cùng với 100 nghìn tỷ NDT tiết kiệm ngân hàng và quản lý tài sản của người dân, đang thu hút khu vực tư nhân. Các nhà cung cấp lương hưu nước ngoài cũng đang chờ đợi để nhảy vào khi nhà nước cho phép.

Nhưng để bắt đầu, lĩnh vực hưu trí tư nhân sẽ cần lợi nhuận đầu tư cao hơn và các ưu đãi như miễn thuế tăng vốn để thu hút các nhà đầu tư bình thường. Những người này sẽ dùng tiền gửi ngân hàng và lợi nhuận đầu tư bất động sản để đầu tư, các chuyên gia cho biết.

Một rào cản khác là khu vực phi chính thức khổng lồ của Trung Quốc, nơi hàng triệu người làm việc mà không có hợp đồng và cả họ lẫn người sử dụng lao động đều không đóng góp vào quỹ lương hưu.

Giáo sư Dong Keyong của Đại học Thanh Hoa cho biết: “Phạm vi bảo hiểm do nhà nước quản lý đang đối mặt với những thách thức lớn và việc mở rộng đóng góp của doanh nghiệp vào hệ thống lương hưu bị hạn chế bởi số lượng việc làm phi chính thức”, "Nguồn thứ ba, và chỉ có nguồn thứ ba (lương hưu tư nhân), là lối thoát, và chúng tôi phải cấp bách thực hiện thí điểm này".

Trong khi chính phủ và các tập đoàn là những người đóng góp chính vào hệ thống lương hưu ở các nước phát triển, thì đóng góp của các doanh nghiệp và lương hưu tư nhân của Trung Quốc chỉ bằng 7,3% tổng sản phẩm quốc nội vào cuối năm 2018, so với 136% ở Hoa Kỳ, theo dữ liệu mà giáo sư Dong cung cấp.

Hầu hết người Trung Quốc dựa vào quỹ hưu trí đô thị do nhà nước quản lý, vốn yêu cầu người sử dụng lao động đóng góp tương đương 16% lương cơ bản của nhân viên vào quỹ hưu trí của nhà nước mỗi tháng, một tỷ lệ cao hơn so với rất nhiều quốc gia khác.

Năm ngoái, cựu Bộ trưởng tài chính Lou Jiwei cho biết rằng lương hưu của nhà nước chỉ đủ chi trả dưới 50% thu nhập mà người lao động kiếm được trước khi nghỉ hưu và tỷ lệ đó dự kiến ​​sẽ còn tiếp tục giảm sâu hơn nữa.

Theo giáo sư Dong, tỷ lệ công dân từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng mạnh trong thời gian tới trước khi ổn định ở mức 1/3 tổng dân số.

Ở Trung Quốc hiện có một số công ty bảo hiểm địa phương lớn, như Công ty Bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc (601319.SS) và Tập đoàn Bảo hiểm Thái Bình Dương Trung Quốc (601601.SS), và các quỹ tương hỗ đang bán các sản phẩm hưu trí thương mại, nhưng thường chỉ gồm các hợp đồng ngắn hạn, kéo dài không quá một vài năm.

Tập đoàn Bảo hiểm Thái Bình Dương Trung Quốc cũng bán các sản phẩm dài hạn được tích hợp với các khoản đầu tư bất động sản, và được đón nhận tốt hơn.

Các công ty bảo hiểm được chỉ định trong thử nghiệm đầu tư hưu trí tư nhân đầu tiên - ở Thượng Hải, thành phố Tô Châu và tỉnh Phúc Kiến - chỉ thu hút được khoảng 400 triệu NDT đầu tư trong suốt 3 năm qua ( con số này chỉ là “muối bỏ bể” so với hệ thống lương hưu 8 nghìn tỷ NDT hiện tại của Trung Quốc). Nguyên nhân là do các chính sách không đủ khuyến khích đối với các cá nhân và đại lý bán hàng, theo ông Zheng Bingwen, một chuyên gia của CASS.

Về dài hạn, CBIRC đang tìm cách thúc đẩy các khoản đầu tư hưu trí tư nhân được hỗ trợ bởi 80 nghìn tỷ NDT tiền gửi ngân hàng và 20 nghìn tỷ NDT sản phẩm quản lý tài sản của Trung Quốc.

"Chúng ta nên nghiên cứu và biến các khoản tiết kiệm cá nhân khổng lồ không có đặc điểm lương hưu thành các sản phẩm hưu trí lâu dài, có bảo đảm và sinh lời. Tôi tin rằng đó là những gì chúng ta cần làm và chúng ta đã có nền tảng", Phó Chủ tịch CBIRC Xiao Yuanqi nói với Diễn đàn Boao vào tháng 4 vừa qua.

Ngọc Minh

Theo Reuters

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Qũy hưu trí sắp cạn kiệt do dân số già hóa, Trung Quốc đẩy bớt gánh nặng sang khu vực tư nhân