“Quyền lực mềm” của Trung Quốc tại Trung Á

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà nghiên cứu tiết lộ các hoạt động kinh doanh của Trung Quốc tại Trung Á...

Kể từ khi giành được độc lập vào năm 1991 và bắt đầu con đường phát triển kinh tế, các quốc gia Trung Á, từng là một phần của Liên Xô cũ, đã trở thành mục tiêu rất hấp dẫn đối với đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Khi sự phát triển cơ sở hạ tầng là điều kiện tiên quyết để tăng trưởng kinh tế và bước khởi đầu này nên được nhìn nhận một cách tích cực, thì các khoản đầu tư của Trung Quốc vào khu vực Trung Á lại đang tạo ra những thách thức và vấn đề.

Tiến sĩ Gül Berna Özcan, phó giáo sư khoa Kinh doanh và Khởi nghiệp Quốc tế tại Royal Holloway, Đại học London, đã tiến hành nghiên cứu về tác động của sự bành trướng kinh doanh của Trung Quốc và ảnh hưởng đến năm quốc gia khu vực Trung Á bao gồm: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Turkmenistan, Tajikistan và Uzbekistan. Tại một sự kiện ở Trung tâm Wilson tại Washington vào ngày 20/2, bà đã trình bày kết quả nghiên cứu của mình khi lần theo “dấu chân của Trung Quốc” trong vùng này.

Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Ông James Nolt, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học New York nói với The Epoch Times vào năm 2017 rằng Trung Quốc đã đưa ra Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) để tận dụng “nguồn vốn thặng dư và năng lực sản xuất dư thừa” của mình. “Với tỷ lệ tiết kiệm cao tại Trung Quốc và đầu tư công nghiệp tại nước này bị chậm lại, Trung Quốc đang tìm kiếm các dự án ở nước ngoài có thể mang lại nguồn tài chính và mở lối thoát mới cho hàng xuất khẩu Trung Quốc”, ông Nolt cho biết.

Bà Özcan cũng lưu ý rằng Trung Quốc có lực lượng lao động dồi dào và muốn tiếp cận các tuyến thương mại quan trọng, cũng như củng cố quyền thâm nhập vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên chiến lược - đây chính là những lý do quan trọng để Trung Quốc thực hiện BRI.

Xây dựng cơ sở hạ tầng ở Trung Á đóng một vai trò quan trọng trong BRI bởi vì “Trung Á nằm ở trung tâm lục địa Á - Âu và trong lịch sử, nó chiếm một nửa Con đường Tơ lụa cổ đại”, theo một bài báo do Observer Research Foundation đăng. Vùng này cũng rất giàu tài nguyên thiên nhiên.

Bà Özcan giải thích rằng Trung Quốc thâm nhập về phía Tây bằng cách đi qua Tân Cương, sau đó qua Kazakhstan và Kyrgyzstan, và như vậy các khu vực này là thành phần quan trọng của BRI.

Bà Özcan nói rằng lợi ích kinh tế chính của Trung Quốc trong khu vực này nằm ở cơ sở hạ tầng và xây dựng, cũng như trong các ngành công nghiệp dầu khí và khai thác mỏ nhưng không giới hạn ở những ngành này. Các công ty Trung Quốc cũng tham gia vào các dịch vụ tiện ích như hệ thống sưởi trung tâm và điện, giám sát, thương mại và hậu cần và các dịch vụ an ninh cho các doanh nghiệp, bà Özcan nói.

Bà Özcan giải thích rằng các dịch vụ giám sát mà Trung Quốc cung cấp cho các khu vực đô thị được xem như là các giải pháp “thành phố thông minh” khi sử dụng các phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và công nghệ nhận dạng khuôn mặt để giám sát và kiểm soát cư dân và xác định những người bất đồng chính kiến. Một ví dụ về một “thành phố thông minh” do Huawei phát triển là Astana (hiện được đổi tên thành Nursultan), thủ đô của Kazakhstan, theo một bài báo năm 2017 do Huawei công bố trên tài khoản chính thức của họ trên mạng truyền thông xã hội WeChat.

Trung Quốc tiến hành kinh doanh như thế nào

Bà Özcan nói rằng các công ty Trung Quốc thực hiện các dự án và các dịch vụ nội bộ này, đưa công nhân, thiết bị và vật tư từ Trung Quốc sang, và chỉ giao thầu cho các công ty Trung Quốc. Trong số này có các công ty quốc doanh lớn như China Road, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), các công ty tư nhân lớn do nhà nước tài trợ như TBEA (công ty sản xuất thiết bị điện), các công ty Trung Quốc nhỏ, độc lập, nhà thầu và doanh nhân Trung Quốc, bà Özcan giải thích.

Các thỏa thuận với các công ty quốc doanh Trung Quốc thường được chính phủ của cả hai nước ký kết. Ví dụ, cựu tổng thống Kazakhstan đã ký một số thỏa thuận như vậy, bà Özcan cho biết.

Bà nói: “CNPC hiện có 50% cổ phần của dầu Kazakh. Trên thực tế, có thể một số cổ phần này nằm dưới tên của các công ty phương Tây nhưng nó cũng thuộc sở hữu của Trung Quốc”.

Được nhà nước bảo trợ, các công ty tư nhân Trung Quốc có một mức tự do nhất định để tiến hành các hoạt động của mình nhưng họ cũng tận dụng các sự ràng buộc chính trị, bà Özcan nói. Người dân Trung Á nói rằng họ cũng rất lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc lên nền văn hóa của họ. Các doanh nhân nhỏ của Trung Quốc thực hiện các dự án nhỏ và ngắn hạn, họ kết hôn với phụ nữ địa phương và di cư từ nơi này sang nơi khác sau khi công việc của họ hoàn thành, bà nói.

Theo bà Özcan, các dự án do công ty Trung Quốc thực hiện “rất đắt và những khoản đầu tư đó không thực sự mang lại lợi nhuận hợp lý”. Bà đã minh họa câu nói của mình bằng một ví dụ về một dự án nâng cấp hệ thống sưởi trung tâm do công ty TBEA của Trung Quốc thực hiện ở Bishkek, Kyrgyzstan trị giá 368 triệu đô la. Dự án này “đầy những lỗ hổng do tham nhũng và công nghệ kỹ thuật kém, và vào giữa mùa đông lạnh lẽo năm 2018, [hệ thống sưởi ấm] đã ngừng hoạt động trong một tuần”, bà Özcan nói.

Khi làm việc trong các dự án tại Trung Á, các công ty Trung Quốc cũng gây ra nhiều vấn đề khác như “kéo dài tiến độ, dự án đội giá, bê bối tham nhũng trong các dự án xây dựng đường bộ”, bà Özcan cho biết. Ví dụ, dự án đặc khu kinh tế cảng biển Aktau đã hoàn thành trên giấy tờ, nhưng khi tới đó, bà Özcan đã phát hiện ra rằng “hầu hết khu vực này đều không mang lại hiệu quả”.

Bà cũng nhận thấy cảng cạn Khorgos nằm ở biên giới Kazakhstan-Trung Quốc được kết nối đầy đủ trên bản đồ, nhưng một chuyến thực địa vào năm 2017 cho thấy “phía Trung Quốc được bao quanh bằng các tòa nhà mới được xây dựng, còn phía Kazakhstan chỉ có vài tòa nhà đang xây dựng dở bị bỏ hoang”.

Bẫy nợ

Giới tinh hoa và dân thường có quan điểm tiêu cực về “vai trò của Trung Quốc” và “tác động của Trung Quốc trong khu vực” và điều này được phản ánh trong “số lượng các cuộc biểu tình diễn ra ở Kazakhstan và Kyrgyzstan”, nhất là ở Kyrgyzstan vì quốc gia này tự do hơn, bà Özcan nói. Mọi người phản đối “việc tăng quyền sở hữu đất đai và tài nguyên, lao động/di cư, hôn nhân khác chủng tộc và trả lương không công bằng của Trung Quốc”, bà Özcan diễn giải.

Một bẫy nợ thường được Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng để nắm quyền thâm nhập vào các nguồn lực quan trọng và các trung tâm vận chuyển chiến lược. Tại Trung Á, hai quốc gia “có một khoản nợ ngày càng lớn đối với Trung Quốc” do tham gia vào BRI là Kyrgyzstan và Tajikistan, bà Özcan nói.

Nợ của Kyrgyzstan đối với Trung Quốc là 1,7 tỷ đô la, chiếm 44,9% tổng nợ nước ngoài của đất nước này. Năm 2018, tổng nợ công của Kyrgyzstan là 4,4 tỷ đô la (chiếm 56% GDP), theo The Times of Central Asia. Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Tajikistan đã nợ Trung Quốc 1,2 tỷ đô la năm 2018, chiếm 41,3% tổng nợ nước ngoài. Nợ nước ngoài của nước này là “2,9 tỷ USD, tương đương 38,9% GDP vào đầu năm 2019”, The Times of Central Asia báo cáo.

Nếu các quốc gia không thể trả nợ (thường là với lãi suất cao) cho Trung Quốc, chính quyền Trung Quốc sẽ yêu cầu họ giao đất, bà Özcan nói và cho biết thêm rằng điều này thường xảy ra tại các nước đó.

“Người dân địa phương ngày càng mất dần thiện cảm và sự ủng hộ với các chính phủ cầm quyền ở Trung Á. Người dân địa phương thực sự nghĩ rằng những người cầm quyền của họ đang để mặc cho Trung Quốc lộng hành sau lưng mà không hề có trách nhiệm giải thích hay minh bạch gì”, vì vậy trách nhiệm chính trị của các chính phủ là rất quan trọng, bà Özcan nói. “Một dự án lớn và hào hoa, [BRI] và các dự án chính trị khác mà Trung Quốc theo đuổi, có thể kết thúc bằng một vụ phá sản tài chính khổng lồ vì chúng mang tính chính trị nhiều hơn bất cứ thứ gì”, bà Özcan kết luận.

Nghiên cứu của bà Özcan dựa trên hơn 60 cuộc phỏng vấn mà bà đã thực hiện tại Kazakhstan, Kyrgyzstan và Trung Quốc vào năm 2018 và 2019, cũng như bằng chứng được thu thập vào năm 2016.

Thủy Tiên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

“Quyền lực mềm” của Trung Quốc tại Trung Á