Afghanistan sụp đổ: Mỹ - Trung gia tăng xung đột địa chính trị và thị trường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 khiến gần 3.000 người ở New York thiệt mạng là một bất ngờ đối với tình báo Mỹ. Tương tự như vậy, sự sụp đổ nhanh chóng của Afghanistan trong những tuần qua cũng là một cú sốc, đến mức Mỹ và các đồng minh G7, mới gặp nhau hôm 17/8 để thảo luận về Afghanistan, hiện phải phụ thuộc vào Trung Quốc, Nga và Taliban để tiếp tục sơ tán khỏi Kabul. Sự bất ngờ và bị động, trong chiến tranh hay trong bất cứ khía cạnh nào khác, đều dẫn đến thất bại.

Sự sụp đổ của Afghanistan năm 2021 được nhiều người đánh giá là một thất bại thảm hại của Mỹ và NATO. Điều này tạo nên bốn tác động lâu dài trên thị trường: 1) tăng áp lực lên chi tiêu quốc phòng; 2) tăng áp lực lên chi phí năng lượng; 3) gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; và 4) gia tăng tranh cãi trong nội bộ nước Mỹ và Châu Âu về việc ngừng lệ thuộc vào Trung Quốc.

Mỹ và NATO đã tham gia và nhận thất bại trong cuộc chiến này không chỉ bởi những sai lầm trong tình báo, mà còn bởi sự coi thường khả năng tài chính của Taliban và các nguyên nhân sâu xa khác. Taliban thu được nguồn tiền khổng lồ từ việc sản xuất thuốc phiện ở Afghanistan, cũng như từ các phần tử tình báo và quân đội Pakistan. Đổi lại, Pakistan đã thu được hàng tỷ USD tài trợ phát triển từ Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia mà Mỹ chỉ mới bắt đầu công nhận như một đối thủ nặng ký trong những năm gần đây. Việc Mỹ và Anh tiếp tục tiếp cận Trung Quốc và Nga để nhận được “sự giúp đỡ” ở Afghanistan là một sai lầm chiến lược ngớ ngẩn. Yêu cầu sự ủng hộ từ Trung Quốc và Nga đồng nghĩa với việc Mỹ phải đáp lại bằng một sự ủng hộ khác dành cho hoạt động tài trợ khủng bố trong quá khứ cũng như tương lai của hai nước này.

Trung Quốc và Nga đã hỗ trợ Taliban thông qua vỏ bọc ngoại giao, và có thể là thông qua cả tài chính và khí tài quân sự. Trung Quốc được hưởng lợi từ cuộc chiến của Taliban chống lại NATO vì cuộc chiến này đã hút hết ngân sách quốc phòng của Mỹ và đồng minh mà lẽ ra phải dành cho việc răn đe Trung Quốc. Thêm vào đó, Taliban đã khiến hình ảnh của Mỹ và NATO trở nên yếu kém trước cộng đồng thế giới. Các quan chức ở Bắc Kinh có khả năng sẽ khui sâm panh trước sự hỗn loạn ở Kabul khi Mỹ và Anh không thể kiểm soát đám đông người Afghanistan đang muốn chạy trốn khỏi đất nước trong sự tuyệt vọng, chứ chưa nói gì đến việc kiểm soát toàn bộ đất nước. Sau 20 năm ở Afghanistan với hàng nghìn người chết và hàng tỷ USD được chi tiêu, nước Mỹ đã thất bại hoàn toàn trong sứ mệnh xây dựng một nền dân chủ ổn định.

Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh ít nhất đã đạt được những điều sau: thứ nhất, trừng phạt Taliban vì bảo vệ trùm khủng bố Osama bin Laden; thứ hai, nâng cao uy tín về khả năng răn đe của NATO; thứ ba, lần đầu tiên thử nghiệm một hoạt động quy mô lớn của NATO; thứ tư, làm suy yếu Taliban và lực lượng khủng bố ở Afghanistan trong suốt 20 năm; và thứ năm, tiêu diệt được Osama bin Laden.

Mang lại nền dân chủ cho Afghanistan và từ đó tạo ra một đồng minh mạnh mẽ ở một vị trí chiến lược của Trung Á luôn là một mục tiêu phụ, nhưng là một mục tiêu thể hiện đạo đức, cơ sở lý luận, và chiến lược trong chính sách đối ngoại của Mỹ và NATO. Tại sao nước Mỹ lại thất bại trong mục tiêu phụ này, và thất bại đó được sử dụng như thế nào để chống lại nước Mỹ?

Những kẻ khủng bố Taliban tuần tra bên trong thành phố Ghazni, phía tây nam Kabul, Afghanistan, hôm 12/08/2021. Taliban đã chiếm được thủ phủ của tỉnh gần Kabul hôm 19/08/2021 khi Mỹ và NATO chuẩn bị rút hoàn toàn khỏi đất nước này sau nhiều thập kỷ chiến tranh. (Ảnh: Gulabuddin Amiri / AP)
Những kẻ khủng bố Taliban tuần tra bên trong thành phố Ghazni, phía tây nam Kabul, Afghanistan, hôm 12/08/2021. Taliban đã chiếm được thủ phủ của tỉnh gần Kabul hôm 19/08/2021 khi Mỹ và NATO chuẩn bị rút hoàn toàn khỏi đất nước này sau nhiều thập kỷ chiến tranh. (Ảnh: Gulabuddin Amiri / AP)

Thứ nhất, việc xây dựng thể chế vững mạnh ở một đất nước đã bị tàn phá nặng nề bởi nhiều thập kỷ nội chiến là rất tốn kém. Thứ hai, Mỹ đã ngây thơ tin rằng những người Afghanistan nghèo khó với rất ít hoặc không một chút kinh nghiệm nào về dân chủ có thể thực thi dân chủ sau một vài năm và không cần tự họ phát triển thể chế dân chủ bản địa. Thứ ba, Mỹ đã không trừng phạt Pakistan và Trung Quốc - những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ Taliban về mặt quân sự, kinh tế, và ngoại giao.

Cuối cùng, nước Mỹ đã thất bại trong việc nhìn rộng ra ngoài ranh giới của Afghanistan trong một cuộc chiến với các nguyên nhân liên khu vực, và do đó, nước Mỹ đã không giải quyết được gốc rễ của cuộc xung đột.

Sự thất bại nặng nề này của Mỹ sẽ khiến các đối thủ trở nên mạnh mẽ hơn, đặc biệt là những kẻ khủng bố Hồi giáo, Trung Quốc, và Nga. Trong khi đó, Pakistan, quốc gia đã chiến thắng nhờ Taliban, sẽ giành được lợi thế chiến lược trước Ấn Độ, ngay cả khi quốc gia này đã phải hứng chịu tổn thất nhiều hơn đạt được lợi ích từ chủ nghĩa khủng bố Taliban.

Khủng bố quốc tế gia tăng sẽ gây áp lực lên giá năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt.

Trung Quốc, Nga và các đồng minh sẽ phản ứng trước sự kiện Afghanistan bằng cách tăng chi tiêu quốc phòng và gia tăng các hoạt động đối ngoại ác ý, gồm việc chiếm lãnh thổ và tấn công vào các lực lượng và lợi ích kinh tế của Mỹ. Trung Quốc có thể tìm cách xâm lược Đài Loan trong vòng 5 hoặc 10 năm tới. Nga có thể chiếm phần còn lại của Ukraine hoặc Gruzia. Iran đang để mắt đến một hành lang xuyên Iraq và Syria tới Địa Trung Hải. Triều Tiên vẫn muốn chiếm Hàn Quốc và đe dọa Nhật Bản, có lẽ là do Trung Quốc xúi giục. Tất cả bốn quốc gia này có thể phối hợp bằng cách phát động cùng lúc các cuộc xâm lược. Điều này sẽ khiến Mỹ bất lực bởi nước Mỹ không thể một mình giải quyết mớ hỗn độn ấy.

Vì vậy, Mỹ sẽ thúc đẩy các đồng minh gia tăng chi tiêu quốc phòng đủ để ngăn chặn những hành động gây hấn từ các nước khác, trong khi Mỹ tập trung vào Trung Quốc. Hàn Quốc và Đài Loan không rõ liệu Mỹ có bảo vệ họ về mặt quân sự trước một cuộc xâm lược từ Trung Quốc hay không trước những lo ngại Trung Quốc có thể đang sở hữu vũ khí hạt nhân với tầm bắn tới lục địa Hoa Kỳ.

Israel và Ảrập Xêút có thể sẽ tăng chi tiêu quân sự để răn đe Iran. Và các đồng minh châu Á của Mỹ, bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc và Đài Loan, có khả năng sẽ tăng chi tiêu quân sự và đưa ra các biện pháp răn đe hạt nhân độc lập nhằm chống lại Trung Quốc.

Châu Âu, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ tăng chi tiêu quân sự để ngăn chặn Nga và Iran. Thổ Nhĩ Kỳ có thể đạt được một biện pháp răn đe hạt nhân độc lập trong 10 đến 20 năm tới.

Sau khi các đồng minh nhận thức được thất bại ở Afghanistan của 4 đời Tổng thống Mỹ và sự gia tăng các rủi ro chính trị từ Trung Quốc, Nga và Iran, các đồng minh của Mỹ có thể sẽ gia tăng chi tiêu quốc phòng. Cũng sẽ có một sự thúc đẩy chính trị ở Mỹ và châu Âu để tăng cường nguồn cung ứng hàng hóa chiến lược. Thực tế là các chuỗi cung ứng hiện nay liên kết với nhau chặt chẽ đến mức sẽ rất khó khăn để loại bỏ sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Vương quốc Anh tỏ ra khó chịu với Mỹ vì chủ nghĩa đơn phương của ông Biden và ông Trump trong việc rút quân khỏi Afghanistan. Anh cũng đang tìm kiếm một sức mạnh quân sự mạnh mẽ hơn ở châu Âu mà nước này có thể nhờ tới khi không có sự hiện diện của Mỹ. Anh và châu Âu có khả năng sẽ tăng chi tiêu quốc phòng và thể chế hóa các mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn, bao gồm cả việc thực hiện ý tưởng của Tổng thống Pháp Macron về một lực lượng quân sự thường trực của EU, một ngày nào đó có thể tương đương với quân đội Mỹ về chi tiêu. Chi tiêu quân sự của EU tăng lên sẽ cải thiện an ninh quốc gia của Mỹ.

Tuy nhiên, tác động của việc chi tiêu đó lên sự phát triển quân sự của châu Âu sẽ phải mất nhiều năm. Từ giờ đến lúc đó, lục địa này vẫn phụ thuộc quân sự vào Mỹ. Nhưng họ không hoàn toàn tin tưởng rằng Mỹ sẽ đứng ra bảo vệ họ nếu bị Nga xâm lược hoặc trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Như đã nói, điều này cũng đúng với các đồng minh của Mỹ ở châu Á. Nếu các nước châu Á đạt được các biện pháp răn đe hạt nhân độc lập mà không có một cuộc chiến tranh phủ đầu do Trung Quốc phát động, thì vòng vây của các cường quốc hạt nhân bao quanh Trung Quốc có thể kiềm chế tham vọng bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh, nhưng chỉ ở một mức độ nhất định.

Việc vũ khí hạt nhân ngày càng phổ biến và những thất bại liên tiếp của Mỹ và NATO sẽ khích lệ những kẻ khủng bố Hồi giáo. Ví dụ, ở Iraq và Afghanistan, những tổ chức khủng bố sẽ tăng cường các nỗ lực lâu nay để có được và sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Mỹ, Anh, Israel, và Ấn Độ. Theo Giáo sư Graham Allison của Đại học Harvard, xác suất xảy ra một cuộc tấn công như vậy trong vòng 10 năm, bao gồm cả việc sử dụng bom hạt nhân, là hơn 50%. Ba cuộc tấn công như thế chống lại Mỹ nếu đồng thời xảy ra sẽ có thể chấm dứt vị trí siêu cường của nước Mỹ và mở đường cho sự phát triển vượt bậc về kinh tế cũng như quân sự của Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc được lợi khi hỗ trợ các nhà nước bảo trợ khủng bố, và đó chính xác là những gì họ làm trong việc hỗ trợ các quốc gia như Pakistan, Iran và Triều Tiên.

Các binh sĩ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tham gia huấn luyện quân sự tại Dãy núi Pamir ở Kashgar, vùng Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc, hôm 04/01/2021. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)
Các binh sĩ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tham gia huấn luyện quân sự tại Dãy núi Pamir ở Kashgar, vùng Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc, hôm 04/01/2021. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)

Giống như ông Mao trong Thế chiến thứ hai, ông Tập Cận Bình muốn đứng ra đánh một trận lớn, làm suy yếu cả đồng minh lẫn kẻ thù của Trung Quốc, và sau đó giành chiến thắng mà không cần tốn nhiều hỏa lực.

Trung Quốc sẽ coi thất bại ở Afghanistan là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đã đúng về sức mạnh quân sự của Trung Quốc và về sự yếu kém của nền dân chủ. Bắc Kinh sẽ sử dụng sự kiện này một cách hữu dụng để khuyến khích các hành động phiêu lưu quân sự từ các đồng minh gồm Nga, Iran, Pakistan và Triều Tiên.

Năm 2017, GDP Trung Quốc đã vượt qua GDP của Mỹ xét theo sức mua. Trung Quốc đã lợi dụng sự bảo đảm an ninh của Mỹ ở Afghanistan và Iraq để mua quyền khai thác khoáng sản ở những quốc gia đó, bao gồm đồng và dầu mỏ.

Việc kết thúc chiến tranh ở Afghanistan sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc phát triển mỏ đồng Mes Aynak. Năm 2008, Trung Quốc đã ký hợp đồng trị giá 2,9 tỷ USD với thời hạn 30 năm để khai thác và chế biến quặng đồng chất lượng cao từ khu vực này. Mes Aynak được cho là mỏ đồng lớn thứ hai thế giới, chứa khoảng 5,5 triệu tấn quặng. Taliban sẽ hợp tác với Trung Quốc trong việc khai thác mỏ bất chấp sự đàn áp của Trung Quốc đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Nguyên nhân là Afghanistan dưới thời Taliban, giống như các quốc gia Hồi giáo khác, thường thích phát triển các nguồn thu của riêng họ hơn là sự đoàn kết của người Hồi giáo.

Đồng, dầu mỏ, và các tài nguyên thiên nhiên khác của Afghanistan sẽ chảy vào ngành công nghiệp và xuất khẩu của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ tìm cách duy trì hệ thống thương mại tự do quốc tế, mà nhờ đó, Trung Quốc sẽ hưởng rất nhiều lợi ích. Vì vậy, Bắc Kinh sẽ hỗ trợ các tập đoàn của Mỹ và châu Âu trong việc tiếp tục thúc đẩy và tham gia vào thương mại tự do với Trung Quốc.

Sự thúc đẩy bền bỉ của Trung Quốc vào các thị trường phương Tây sẽ tiếp tục tạo ra xung đột trong nước giữa giới tinh hoa - những người ưa thích tự do thương mại và các cử tri - những người ngày càng coi thương mại là hành động săn mồi và có hại đối với người dân phổ thông. Điều này gây áp lực lên cả 2 đảng chính trị ở Mỹ trong việc tiến hành “thoát Trung", mặc dù việc này thường diễn ra chậm chạp và có nhiều kẽ hở. Thương mại Trung Quốc theo thời gian làm tăng sức mạnh của Trung Quốc và tích tụ rủi ro đối với nền dân chủ, thị trường tự do và chủ nghĩa tư bản trên phạm vi toàn cầu.

Với sự trỗi dậy của Trung Quốc, nguồn vốn từ Mỹ và châu Âu ngày càng gặp nhiều rủi ro ngay cả khi một số nhà đầu tư đã thu được lợi nhuận ngắn hạn khổng lồ từ Trung Quốc. Trên thực tế, những lợi nhuận đó có thể được sinh ra từ các nguyên tắc tương tự mô hình ponzi, chứ không phải được tạo ra dựa trên các nguyên tắc cơ bản. Các nhà đầu tư cần quan tâm đến rủi ro chính trị, các yêu cầu công bố thông tin không rõ ràng một cách có chủ đích, và các công ty vỏ bọc (cụ thể là các mô hình sở hữu đặc biệt VIE) mà thông qua đó các khoản đầu tư chảy vào Trung Quốc.

Quan điểm trong bài viết là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả bài viết Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics Inc. - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á. Ông là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power (tạm dịch: Tập trung quyền lực - sắp ra mắt năm 2021) cũng như nhiều cuốn sách khác.

Lê Minh

Theo The Epoch Times

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Afghanistan sụp đổ: Mỹ - Trung gia tăng xung đột địa chính trị và thị trường