Samsung sử dụng bữa ăn ít carbon nhằm chống biến đổi khí hậu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các bữa ăn có nguồn gốc thực vật ít carbon sẽ được Samsung cung cấp cho nhân viên, theo xu hướng giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Chế độ ăn ít carbon nổi lên như một lối sống dành cho những người muốn giảm phát thải khí nhà kính, cho dù còn nhiều nghi vấn về tính hợp lý của giải pháp này.

Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc Samsung Electronics cho biết vào Chủ nhật (29/01) rằng họ sẽ kết hợp các bữa ăn có nguồn gốc thực vật vào thực đơn của nhân viên như một phần trong nỗ lực giảm lượng khí thải carbon của công ty nhằm đối phó với biến đổi khí hậu.

Samsung sẽ thiết lập một góc ẩm thực tại trụ sở chính ở tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc, để cung cấp cho nhân viên các lựa chọn bữa ăn ít carbon, chẳng hạn như cơm với nấm và mì ống sốt pesto với rau củ tẩm gia vị, cùng các lựa chọn khác.

Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc dự kiến sẽ giới thiệu các thực đơn ít carbon tại trụ sở chính ở Suwon, tỉnh Gyeonggi vào đầu tháng 2. Các văn phòng khu vực cũng sẽ chuyển từ việc sử dụng dao dĩa dùng một lần sang loại dùng nhiều lần, phương tiện truyền thông địa phương đưa tin.

Động thái này phù hợp với chiến lược môi trường mới của công ty nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Năm ngoái, Samsung cho biết họ sẽ đầu tư 7 nghìn tỷ KRW (đồng won) (5,7 tỷ USD) vào các dự án môi trường của mình vào năm 2030.

“Khủng hoảng khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta. Hậu quả của việc không hành động là không thể tưởng tượng được và đòi hỏi sự đóng góp của mỗi chúng ta, bao gồm cả các doanh nghiệp và chính phủ”, Giám đốc điều hành Samsung Han Jong-hee cho biết trong một tuyên bố vào ngày 15/09/2022.

Chế độ ăn đặc biệt

Chế độ ăn ít carbon đã nổi lên như một lối sống cho những người mong muốn giảm phát thải khí nhà kính. Theo Liên Hợp Quốc, thực phẩm từ thực vật thải ra ít khí nhà kính hơn so với thực phẩm từ động vật.

Dựa trên báo cáo của Liên Hợp Quốc, thịt bò và thịt cừu tạo ra lần lượt 70,6 kg và 39,7 kg khí nhà kính trên mỗi kg thực phẩm, trong khi rau chỉ tạo ra 0,7 kg.

Nhưng tính hợp lý của giải pháp được đề xuất này còn nhiều nghi vấn. Từ góc độ dinh dưỡng, việc bổ sung chế độ ăn uống được khuyến khích cho những người đang theo chế độ ăn này trong dài hạn để ngăn ngừa sự thiếu hụt và suy dinh dưỡng. Nhưng những sự bổ sung này sẽ làm tăng lượng khí thải carbon tổng thể.

Chế độ ăn thuần chay được đánh giá là cần bổ sung vitamin B12 và axit béo omega-3. Trong khi đó, cây trồng yêu cầu bổ sung phân tự nhiên hoặc phân bón tổng hợp để có năng suất tốt, đây lại là một quá trình liên quan đến việc phát thải carbon bổ sung.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Samsung sử dụng bữa ăn ít carbon nhằm chống biến đổi khí hậu