Sàn giao dịch chứng khoán Bắc Kinh - Đứa con tài chính thất bại của ông Tập

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Bắc Kinh có lẽ đã vội vã và thiếu khôn ngoan khi thành lập Sàn giao dịch chứng khoán Bắc Kinh (BSE). Bất chấp khởi đầu đầy hứa hẹn, BSE đã nhanh chóng lao dốc. Bên cạnh vấn đề chung về kinh tế của Trung Quốc, vị trí đặt tại Bắc Kinh có vẻ không phải là một lựa chọn tốt.

Sàn giao dịch chứng khoán Bắc Kinh có thể trở thành một dự án “thối đuôi” (rotten tail) khác dưới thời chính quyền Tập Cận Bình, theo một chuyên gia kinh tế cấp cao. Cụm từ "thối đuôi" của Trung Quốc đề cập đến một nhiệm vụ thất bại hoặc chưa hoàn thành, thường là kết quả của việc lập kế hoạch sai lầm hoặc thực hiện kém.

Khối lượng giao dịch trên BSE tiếp tục giảm vào năm 2023, với doanh thu hàng ngày tụt xuống chỉ còn 295 triệu CNY (nhân dân tệ) (khoảng 40 triệu USD) và khối lượng giao dịch của một số cổ phiếu nhất định giảm xuống mức thấp nhất là 2.200 CNY (khoảng 300 USD) vào ngày 17/01.

Từ ngày 16/01 đến ngày 20/01, doanh thu hàng ngày trên BSE dao động từ 295 triệu CNY đến 551 triệu CNY (khoảng 90 triệu USD). Ngay cả khối lượng hàng ngày cao nhất, 90 triệu USD, cũng là mức giảm khoảng 94% so với khối lượng giao dịch 9,576 tỷ CNY (khoảng 1,41 tỷ USD) vào ngày giao dịch đầu tiên của BSE.

Trong số các cổ phiếu được giao dịch trên sàn, Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Kỹ thuật Quốc tế Quảng Đông Guangzi (836892.BJ), một doanh nghiệp nhà nước và là một trong 81 công ty đầu tiên niêm yết trên BSE, chỉ có ba giao dịch vào ngày 12/01, với quy mô doanh thu là 2.200 CNY (324 USD) và tỷ lệ doanh thu là 0,001%. Cơ quan nắm quyền kiểm soát thực tế của công ty là Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Quảng Đông.

Sự cải cách từ NEEQ

Trong hệ thống thị trường chứng khoán của Trung Quốc, Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải (SSE) và Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến (SZSE) được thành lập vào năm 1990 và thường phục vụ các doanh nghiệp lớn. Hai sàn giao dịch cũ hơn này thực hiện giao dịch bằng đấu thầu cạnh tranh tích cực do Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc giám sát.

Sàn giao dịch cổ phiếu và báo giá quốc gia (NEEQ) được thành lập vào năm 2012 để phục vụ các công ty siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công ty mới thành lập - những công ty không thể đủ điều kiện niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến.

NEEQ cuối cùng đã không thành công, với các yêu cầu niêm yết dễ dãi thu hút các doanh nghiệp kém chất lượng.

BSE cũng được hình dung như một cách để khuyến khích các công ty vừa và nhỏ, một sự cải cách của NEEQ.

Khởi đầu hứa hẹn

BSE được dành cho các công ty ở giai đoạn phát triển sớm hơn, nhỏ hơn và tập trung vào đổi mới và sản xuất. Được nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình công bố vào tháng 09/2021, các phương tiện truyền thông gọi sàn giao dịch mới là “đứa con tài chính mới của ông Tập”.

BSE bắt đầu giao dịch ngày đầu tiên vào ngày 15/11/2021. Trong số 81 công ty đầu tiên được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán mới, 10 công ty là cổ phiếu mới và 71 công ty còn lại được chuyển giao từ “cấp chọn lọc” của NEEQ.

Ngày đầu tiên, sàn giao dịch lập kỷ lục giao dịch 9,576 tỷ CNY (khoảng 1,41 tỷ USD). Do không có giới hạn về phần trăm tăng giảm trong ngày đầu tiên giao dịch nên giá cổ phiếu của một số cổ phiếu đã tăng vọt gấp năm lần.

Sàn giao dịch chứng khoán Bắc Kinh - Đứa con tài chính thất bại của ông Tập
Sàn giao dịch chứng khoán Bắc Kinh trong ngày đầu tiên giao dịch tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 15/11/2021. (Ảnh: WANG ZHAO/AFP qua Getty Images)

Lao dốc

Tuy nhiên, ngày hôm sau, 16/11, khối lượng giao dịch giảm mạnh xuống còn 4,496 tỷ CNY (khoảng 630 triệu USD), gần bằng một nửa khối lượng của ngày đầu tiên. Bốn ngày sau, vào ngày 19/11, khối lượng giao dịch hàng ngày còn giảm hơn nữa, xuống còn 2,085 tỷ CNY (khoảng 290 triệu USD), bằng khoảng 22% khối lượng của ngày đầu tiên.

Hơn nữa, cả tổng vốn hóa thị trường và tỷ lệ giá cổ phiếu trên lợi nhuận của BSE đều cho thấy xu hướng giảm tổng thể kể từ khi đi vào hoạt động.

Theo Bản tin thống kê thị trường chứng khoán năm 2022 của BSE, tổng giá trị thị trường của sàn giao dịch vào tháng 12/2021 là 272,275 tỷ CNY (khoảng 38 tỷ USD). Đến tháng 12/2022, tổng giá trị thị trường đã giảm xuống còn 211,029 tỷ CNY (khoảng 29,5 tỷ USD).

Trong một bài báo vào tháng 08/2022 trên tờ Thời báo Chứng khoán (The Securities Times), một tờ báo của nhà nước Trung Quốc, chuyên gia tài chính Zhang Aoping nói rằng ông tin rằng sự sụt giảm chỉ là hiện tượng tạm thời và thị trường sẽ trở nên sôi động hơn khi BSE dần dần mở rộng.

Tuy nhiên, gần sáu tháng sau, kết quả hoạt động của BSE không những không được cải thiện mà còn tiếp tục giảm.

Quyết định vội vàng

Ông Zhang Jinglun, một nhà bình luận kinh tế cấp cao, nói với The Epoch Times vào ngày 26/01 rằng ông cảm thấy BSE là sản phẩm của việc ra quyết định vội vàng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

“Có một số lý do chính dẫn đến sự thất bại của Sàn giao dịch chứng khoán Bắc Kinh", ông nói. “Đầu tiên, môi trường kinh tế hiện tại của Trung Quốc rất tồi tệ; thị trường bất động sản gần như sụp đổ. Ngay cả các sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến cũng bị ảnh hưởng bởi những yếu tố này, chưa kể đến Sàn giao dịch chứng khoán Bắc Kinh mới đi vào hoạt động”.

Thứ hai, ông Zhang cảm thấy việc thành lập sàn giao dịch là một bước đi thiếu khôn ngoan của các nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), những người hy vọng sẽ lợi dụng được các nhà đầu tư và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Bắc Kinh là trung tâm chính trị của Trung Quốc. Những người giàu có và quyền lực sẽ không tùy tiện bỏ tiền của họ vào đó, vì họ biết ý định thực sự của chính quyền Trung Quốc. Hầu hết các cổ đông của sàn BSE, những người cuối cùng sẽ bị chính quyền lợi dụng là các nhà đầu tư bán lẻ cấp trung và cấp thấp”, ông nói.

Hơn nữa, ông chỉ ra rằng, BSE được thành lập để phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và bao gồm việc chuyển nhượng nhiều cổ phiếu NEEQ. Tuy nhiên, những cổ phiếu này đã có hiệu quả hoạt động kém trên NEEQ. Ông Zhang cho biết, thật không hợp lý khi kỳ vọng hiệu quả hoạt động của chúng sẽ cải thiện chỉ vì chúng hiện đã được giao dịch trên một sàn giao dịch chứng khoán khác.

Hơn nữa, xét về hoạt động kinh tế, Thượng Hải và Thâm Quyến sôi động hơn Bắc Kinh. Thượng Hải là thủ đô tài chính, nơi đặt trụ sở của các công ty lớn nhất Trung Quốc. Thâm Quyến, một trung tâm công nghệ lớn được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của Trung Quốc”, cởi mở hơn và thu hút vốn Hong Kong cũng như đầu tư nước ngoài. Mặt khác, tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, thật khó thoát khỏi sự dòm ngó của ĐCSTQ.

“Giới thượng lưu và những người giàu có muốn kiếm tiền trên thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ tránh xa Bắc Kinh. Bởi vì ngay cả khi họ kiếm được lợi nhuận từ thị trường chứng khoán, sẽ không dễ dàng để họ rút tiền ra. Vì vậy, họ thích đến Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến hơn”, ông Zhang nói.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Sàn giao dịch chứng khoán Bắc Kinh - Đứa con tài chính thất bại của ông Tập