Sau hai nhiệm kỳ Tổng bí thư ĐCSTQ, Giang Trạch Dân và gia tộc giàu có đến mức nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giang Chí Thành, cháu trai của vị Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khét tiếng Giang Trạch Dân, có thể đã hút hàng trăm tỷ USD của nhiều nhà đầu tư Mỹ thông qua các công ty bình phong của gia tộc Giang, đồng thời ‘rửa’ thành công 500 tỷ USD tiền tham nhũng của ông nội và cha ở nước ngoài qua các thiên đường thuế.

Người đàn ông giàu nhất Trung Quốc là ai tùy thuộc vào người mà bạn hỏi. Theo danh sách tỷ phú năm 2019 của Forbes, đó là Mã Hóa Đằng của Tencent, Jack Ma của Alibaba, hoặc Hứa Gia Ân của tập đoàn bất động sản Evergrande.

Nhưng trong những năm gần đây, chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh và các vụ rò rỉ dữ liệu cấp cao đã làm lộ diện nhiều người nắm giữ tài sản giấu mặt — phần lớn trong số đó là những tài sản bất nghĩa và có liên hệ mật thiết với các đỉnh cao quyền lực chính trị ở Trung Quốc. Những tiết lộ mới chỉ ra rằng con cháu của Giang Trạch Dân, 92 tuổi, cựu lãnh đạo ĐCSTQ, sở hữu khối tài sản mà không một tỷ phú Trung Quốc nào trong danh sách của Forbes có thể vượt qua.

Giang Chí Thành, còn được gọi với cái tên là Alvin Jiang, sinh năm 1986 và là cháu trai của Giang Trạch Dân. Cha của Giang Chí Thành là Giang Miên Hằng, con trai cả của Giang Trạch Dân. Năm 2010, ở tuổi 24, Giang Chí Thành thành lập công ty cổ phần tư nhân của riêng mình, Boyu Capital, sau khi bỏ việc tại Goldman Sachs, nơi cậu ta mới làm việc chưa đầy một năm.

Năm 2014, Reuters công bố một bài báo đặc biệt nêu chi tiết cách Giang Chí Thành sử dụng địa vị của mình như một ‘thái tử Đảng’ - tức là con, cháu của quan chức lãnh đạo ĐCSTQ - để tích lũy tài sản trong thị trường cổ phần tư nhân mới nổi lớn nhất thế giới.

Và chỉ trong tháng 4 ấy (thời điểm Reuters đăng tải bài báo), tỷ phú lưu vong Trung Quốc Quách Văn Quý đã cáo buộc gia đình họ Giang tích lũy ít nhất 1 nghìn tỷ USD nhờ biển thủ các loại quỹ của Trung Quốc, và Giang Chí Thành đã xoay sở để rửa tiền thành công, ít nhất là một nửa số tiền đó (tương đương 500 tỷ USD), ở nước ngoài.

Tỷ phú Trung Quốc bỏ trốn Quách Văn Quý trong một cuộc họp báo về Chế độ chuyên chế Trung Quốc tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Washington, vào ngày 5/10/2017. (Ảnh: Samira Bouaou / The Epoch Times)

Ông Quách, hay còn được gọi là Miles Kwok, đã trốn khỏi Trung Quốc vào năm 2015 và hiện sống ở Manhattan. Ông nổi tiếng nhờ các mối quan hệ với các quan chức ĐCSTQ đã nghỉ hưu, đặc biệt là những người có quan hệ với Giang Trạch Dân. Giang và các đồng minh của ông ta nắm quyền tối cao trong chính trường Trung Quốc từ năm 1997 đến năm 2012, năm mà nhà lãnh đạo hiện tại Tập Cận Bình lên nắm quyền.

Theo ông Quách, 10 công ty hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm Huawei, Alibaba và Tencent, thực chất là “các doanh nghiệp nhà nước quân sự hóa” do gia đình họ Giang kiểm soát. Gia đình Giang cũng sở hữu nhiều công ty lớn ở nước ngoài như một phần đầu tư của họ.

Mặc dù những tuyên bố của ông Quách liên quan đến quy mô tham nhũng của nhà họ Giang có vẻ đáng ngờ, nhưng trên thực tế, chúng không phải là viển vông. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy Giang Chí Thành đã tích lũy hàng trăm tỷ USD trong vòng hơn một thập kỷ.

Tham nhũng từ thế hệ này sang thế hệ khác

Giang Chí Thành và cha của ông ta là Giang Miên Hằng đều là những “thái tử Đảng”. Trong xã hội Trung Quốc, dưới sự quản lý chặt chẽ của Đảng Cộng sản, các thái tử Đảng lại có thể dễ dàng dùng các mối quan hệ chính trị của gia đình họ để tạo ra khối tài sản kếch xù.

Vào những năm 1980, các thái tử Đảng đã tận dụng vị thế của mình để thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ. Sự tức giận của công chúng trước hành vi của họ đã góp phần tạo nên cuộc biểu tình của sinh viên năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn.

Sau vụ thảm sát ngày 4/6, Giang Trạch Dân lên nắm quyền lãnh đạo ĐCSTQ, bắt đầu thời kỳ “cai trị bằng tham nhũng”, tiếp thêm quyền lực cho các thái tử Đảng lạm dụng địa vị và tham gia vào các hoạt động kinh tế bất chính.

Giang Trạch Dân trở thành tổng bí thư ĐCSTQ sau cuộc Thảm sát Thiên An Môn năm 1989, và bắt đầu một kỷ nguyên tham nhũng không thể kiềm chế. (Ảnh chụp màn hình / NTDTV)

Trong bầu không khí chính trị này, Giang Trạch Dân đã sử dụng quyền lực của mình để chuyển giao các doanh nghiệp nhà nước có giá trị chiến lược cho con trai mình là Giang Miên Hằng. Giang Miên Hằng đã mua lại nhiều công ty với giá rất rẻ mạt hoặc trong một số trường hợp, không mất một đồng nào. Giang Miên Hằng giành được toàn quyền kiểm soát Công ty TNHH Đầu tư Liên minh Thượng Hải, một công ty cổ phần tư nhân và chi nhánh đầu tư mạo hiểm của Ủy ban Kinh tế Thượng Hải của Chính quyền Thành phố Thượng Hải. Bằng cách đầu tư thông qua công ty này, Giang Miên Hằng đã xây dựng nên một đế chế viễn thông khổng lồ và nhúng tay vào hầu hết các ngành độc quyền như bất động sản, tài chính, và chăm sóc sức khỏe.

Được nâng đỡ bởi địa vị lãnh đạo Đảng của cha mình và nạn tham nhũng phổ biến trong nội bộ ĐCSTQ, Giang Miên Hằng đã tự nhận mình là "người đàn ông tham nhũng nhất ở Trung Quốc".

Theo tuyên bố trước đó của Quách Văn Quý, Giang Miên Hằng cũng được hưởng lợi về mặt vật chất từ ​​hoạt động cưỡng bức mổ cướp nội tạng phổ biến của chính quyền Trung Quốc. Trong năm 2017 và 2018, ông Quách nói rằng Giang Miên Hằng đã thực hiện 3 cuộc phẫu thuật ghép thận tại Bệnh viện Quân đội Nam Kinh từ năm 2004-2008 bằng cách sử dụng nội tạng thu hoạch từ những người hiến tặng còn sống.

Thế hệ thứ hai của triều đại Giang Trạch Dân cướp bóc sự giàu có của người Trung Quốc, nhưng thế hệ thứ ba – thế hệ của Giang Chí Thành - lại nhắm vào các nước bên ngoài như Hoa Kỳ.

Được đào tạo tại Harvard , Giang Chí Thành đã không nhúng tay vào các vụ công khai cướp tiền từ doanh nghiệp và công dân Trung Quốc giống cha và ông của mình. Thay vào đó, cậu ta chọn một con đường dễ được che đậy hơn và hiệu quả hơn rất nhiều: Thao túng tài chính.

Giang Chí Thành nhận thấy rằng cậu ta có thể dễ dàng thu được hàng trăm tỷ USD từ thị trường chứng khoán Hong Kong, Hoa Kỳ, và các thị trường chứng khoán nước ngoài khác bằng cách sử dụng các công ty Trung Quốc vào các hoạt động tài chính. Tất cả những gì Giang Chí Thành cần làm là sử dụng quyền lực của ông nội để thao túng, gây áp lực, hoặc tác động đến các công ty Trung Quốc để làm mồi nhử cho các tổ chức tài chính và công ty nước ngoài mong muốn gia nhập câu lạc bộ các nhóm quyền lực liên kết với ĐCSTQ.

Giang Miên Hằng, con trai cả của cựu lãnh đạo chế độ Trung Quốc Giang Trạch Dân, đã tận dụng tư cách “thái tử Đảng” ​​để lừa đảo các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc. (Ảnh: Viện Khoa học Trung Quốc)

Thao túng các doanh nghiệp Trung Quốc để thu thập của cải nước ngoài

Giang Chí Thành có vẻ như đã lần đầu tiên thành công trong hành trình tham nhũng của mình vào giữa năm 2011 với việc mua cổ phần kiểm soát tại Sunrise Duty Free. Sunrise là một nhà bán lẻ du lịch chuyên kinh doanh độc quyền các mặt hàng miễn thuế cần sự hỗ trợ đặc biệt của chính quyền Trung Quốc. Doanh nghiệp này được thành lập bởi Fred Kiang, một người Mỹ gốc Hoa có quan hệ mật thiết với gia đình Giang Trạch Dân.

Reuters đưa tin vào năm 2011, công ty của Giang Chí Thành, Boyu, định giá Sunrise là 200 triệu USD và trả khoảng 80 triệu USD cho 40% cổ phần của Sunrise. Năm 2013, Boyu đánh dấu mảng kinh doanh Sunrise trên sổ sách của mình với giá trị khoảng 800 triệu USD.

“Tuy nhiên, các chủ ngân hàng định giá Sunrise cao gấp đôi số tiền đó - khoảng 1,6 tỷ USD - dựa trên số liệu bán hàng năm 2012 mà công ty đã nộp cho chính quyền Trung Quốc mà Reuters đã nghiên cứu”. Điều đó có nghĩa là khi mua Sunrise, Boyu đã kiếm được ít nhất gấp 7 lần khoản đầu tư ban đầu.

Các nhà đầu tư đã rất ấn tượng. Việc Giang Chí Thành mua lại Sunrise gần như miễn phí đã chứng minh rằng anh ta không chỉ có thể chơi trong các ngành công nghiệp độc quyền nghiêm ngặt, mà còn biến những tài sản này thành những khoản lợi nhuận khổng lồ. Đối với các công ty tư nhân, thị trường cổ phần tư nhân có tính minh bạch thấp đã trở thành một con bò sữa độc quyền mang lại lợi nhuận khủng.

Trong bài báo năm 2013 có tên “Các quan chức đỏ đang hoành hành ở Địa hạt trung tâm: Siêu cổ phần của cháu trai Giang Trạch Dân”, Next Media ở Hong Kong đã vạch ra con đường thống trị khu vực tài chính Hong Kong của các công ty cổ phần đỏ. Đầu tiên, họ làm việc trong một ngân hàng đầu tư quốc tế, sau đó thành lập các công ty cổ phần ở Hong Kong. Tiếp đó, họ thu hút các cá nhân giàu có từ cả trong và ngoài Trung Quốc; sau đó họ chuyển sang tiếp quản các doanh nghiệp ở Trung Quốc. Các ngân hàng đầu tư nơi họ làm việc hoặc các công ty cổ phần mà họ thành lập dễ dàng thao túng hàng trăm tỷ USD để thu lợi nhuận khủng.

Chẳng hạn, trong lần đầu tiên, Boyu đã huy động được một quỹ trị giá 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư nổi tiếng như người giàu nhất châu Á, Lý Gia Thành. Ngày nay, Boyu là một trong những công ty cổ phần tư nhân lớn nhất Trung Quốc, quản lý gần 10 tỷ USD các quỹ đô-la Mỹ.

Giang Chí Thành cũng đã hợp tác với CITIC Capital, một công ty khác được các thái tử Đảng kiểm soát. Thông qua đó, cậu ta đã mua số cổ phiếu trị giá 390 triệu đô-la Hong Kong (khoảng 49 triệu USD) tại China Cinda Asset Management. Nhưng mục tiêu thực sự của Giang Chí Thành có lẽ là Alibaba.

Logo của Boyu Capital tại văn phòng của tập đoàn ở Hong Kong. ngày 11/12/2013. (Ảnh: REUTERS / Tyrone Siu / File Photo)

‘Theo đuổi’ Alibaba

Vào thời điểm Boyu thành lập, Alibaba đã là công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc và Alipay là nền tảng thanh toán bên thứ ba hàng đầu của Trung Quốc.

Nhưng kể từ đó, Alibaba đã trải qua một số xáo trộn bất thường. Tháng 5/2011, Tập đoàn Alibaba đã chuyển giao Alipay cho Alibaba Chiết Giang, một công ty do Jack Ma và Tạ Thủy Hoàng kiểm soát mà không có sự đồng ý của các cổ đông kiểm soát của Alibaba, trong đó có Yahoo.

Alibaba tuyên bố công khai rằng động thái gây tranh cãi này được thực hiện để tuân thủ các chính sách của ĐCSTQ, và tránh sự kiểm soát của các thỏa thuận tài trợ nước ngoài - từ đó có được giấy phép thanh toán như bên thứ ba. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc bác bỏ điều này, cho rằng các chính sách của chính phủ không quá cụ thể, và Alibaba Chiết Giang không thể chứng minh rằng mình ít có ảnh hưởng từ các thỏa thuận nước ngoài. Quan trọng hơn, một nửa trong số 27 công ty tài trợ được trao chứng nhận có liên quan đến quỹ nước ngoài, và không ai trong số họ bị từ chối do liên quan đến các thỏa thuận nước ngoài.

Việc chuyển nhượng Alipay đã phá hủy lợi nhuận hợp pháp của các cổ đông của Alibaba, và sự thật đằng sau động thái này vẫn còn là một bí ẩn. Nhưng theo các phương tiện truyền thông nước ngoài, nguyên nhân sâu xa của việc chuyển giao là do Giang Chí Thành có động cơ trong việc tiếp quản Alipay sau khi thương hiệu này tách khỏi Alibaba.

Năm 2014, Alibaba Chiết Giang đổi tên thành Ant Financial. Đến năm 2018, Ant Financial đã trở thành “kỳ lân” lớn nhất thế giới với giá trị 160 tỷ USD. Thuật ngữ “kỳ lân” dùng để chỉ một công ty công nghệ sáng tạo chưa niêm yết có lịch sử chưa đầy một thập kỷ nhưng được định giá từ 1 tỷ USD trở lên.

Có rất nhiều tin đồn về sự tương tác giữa Boyu và Alibaba. Tháng 9/2012, Boyu cùng với CITIC và CBD Capital đã giúp Alibaba mua lại toàn bộ số cổ phần mà Yahoo đang nắm giữ.

Tháng 9/2014, Tập đoàn Alibaba ra mắt trên sàn NYSE với vụ IPO kỷ lục 25 tỷ USD, trở thành một trong những công ty công nghệ được định giá cao nhất thế giới. Điều này dường như đã khiến cổ đông lớn nhất của nó, ông chủ Jack Ma, trở thành người giàu nhất Trung Quốc.

Năm 2012, Boyu đã đầu tư 400 triệu USD vào Alibaba. Sau khi Alibaba niêm yết, Boyu đã kiếm được hơn 2 tỷ USD chỉ sau 2 năm. Nhưng đây chỉ là một phần nhỏ trong tổng số lợi nhuận mà Giang Chí Thành thu được từ Alibaba. Với tư cách là cháu trai của Giang Trạch Dân, Giang Chí Thành cũng đã nắm giữ lợi nhuận từ quyền chọn mua cổ phiếu chưa công khai từ Alibaba - đây mới là nguồn mang lại phần lớn lợi nhuận cho Giang Chí Thành.

Jack Ma phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh CEO, với sự tham dự của 800 lãnh đạo doanh nghiệp từ khắp nơi, đại diện cho các công ty Hoa Kỳ và châu Á - Thái Bình Dương, tại Manila, Philippines, ngày 18/11/2015, trước khi bắt đầu châu Á- Hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế Thái Bình Dương. (Ảnh: AP / Susan Walsh, Ảnh Tệp)

Bàn về ‘vận may’ kỳ lạ của Giang Chí Thành

Tuyên bố trước khi IPO của Alibaba cho thấy trong năm 2014, 14,6% cổ phiếu của công ty này do ban lãnh đạo Alibaba nắm giữ, bao gồm 7,8% do Jack Ma sở hữu. SoftBank nắm giữ 32,4% và Yahoo chiếm 16,3%. Tuyên bố đã không đề cập đến ai là người sở hữu 1/3 số cổ phiếu còn lại của Alibaba.

Tuy nhiên, lướt qua dữ liệu tài chính của Alibaba cho chúng ta cái nhìn sơ lược về tài sản đen của Giang Chí Thành.

Theo Biểu mẫu 20-F mà Alibaba đệ trình lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ vào năm 2018, Alibaba có 2.592.184.258 cổ phiếu phổ thông đang lưu hành tính đến ngày 18/7. Trong số này, khoảng 1,67 triệu, tương đương 64,4%, được 128 cổ đông ghi trong hồ sơ nắm giữ với các địa chỉ đã đăng ký tại Hoa Kỳ, bao gồm các nhà môi giới và ngân hàng nắm giữ chứng khoán thay mặt cho khách hàng của họ. Trong báo cáo thường niên của mình, Alibaba chỉ xem xét một phần trong cơ cấu sở hữu, bao gồm ban quản lý và các chủ sở hữu thụ hưởng nắm giữ từ 5% cổ phần trở lên của công ty.

Tuy nhiên, một phân tích của Yahoo! Finance về dữ liệu 13-F theo quý năm 2017 của Alibaba cho thấy, tính đến ngày 31/12/2017, có 1.926 công ty Mỹ nắm giữ 1,05 tỷ cổ phiếu, tương đương 40,54% số cổ phiếu đang lưu hành của Alibaba. Điều này có nghĩa là mặc dù số lượng cổ đông đăng ký tại Mỹ giảm 15 lần, nhưng số lượng cổ phiếu của họ đã tăng từ 2/5 lên hơn 3/5 trên tổng số.

Đại đa số trong số 2.000 cổ đông đăng ký tại Hoa Kỳ đã bán hoặc chuyển nhượng cổ phiếu Alibaba của họ cho 128 cổ đông còn lại, một diễn biến trùng khớp với dòng cổ phiếu lớn của Alibaba vào Hoa Kỳ. Một kế toán viên người Mỹ cho rằng đây có thể là kết quả của việc chế độ Trung Quốc thao túng một số lượng lớn các công ty nước ngoài, giống như chiến lược mà họ đã sử dụng để thao túng đồng NDT.

Sự thay đổi mạnh mẽ trong cấu trúc quyền sở hữu của Alibaba có thể liên quan đến chiến dịch toàn cầu chống trốn thuế bắt đầu vào năm 2018. Tháng 11/2017, 13,4 triệu tài liệu đã bị rò rỉ từ một công ty tài chính lớn ở nước ngoài, được gọi là Paradise Papers. Giống như Hồ sơ Panama vào năm 2016, Hồ sơ Paradise đã chỉ ra cách một số lượng lớn các chính trị gia, người nổi tiếng, và các doanh nghiệp quốc tế lách thuế bằng cách đăng ký các công ty nước ngoài vào các thiên đường thuế. Paradise Papers cũng tiết lộ nhiều chủ sở hữu của cải ẩn danh, bao gồm tài sản của các quan chức Trung Quốc và con cái của họ.

Các bài báo đã khiến Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) phải đối đầu với các thiên đường thuế như Quần đảo Cayman và Bermuda. Tháng 12/2017, EU đã ban hành danh sách thiên đường thuế đầu tiên của mình. Năm sau, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã công bố vụ khuấy động quy mô lớn nhất, liên quan đến cáo buộc lừa đảo Hoa Kỳ bằng cách cản trở các hoạt động của Tổng vụ Thu thuế Quốc gia Hoa Kỳ trong việc thực hiện Đạo luật Tuân thủ Thuế Tài khoản Nước ngoài (FATCA).

Dưới áp lực của Mỹ và EU, các thiên đường thuế bao gồm Bermuda, Quần đảo Virgin thuộc Anh, Quần đảo Cayman, và Luxembourg đã triển khai hệ thống Tiêu chuẩn Báo cáo Chung (CRS) để trao đổi thông tin tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực chống trốn thuế.

Lá cờ của Bermuda bay dọc theo khu thương mại và bán lẻ trên Front Street, ngày 8/11/2017, ở Hamilton, Bermuda. (Ảnh: Drew Angerer / Getty)

Điều này buộc những kẻ trốn thuế và các nhà đầu tư ẩn danh phải chuyển các khoản đầu tư của họ trở lại Hoa Kỳ để che giấu danh tính thật của họ một cách hợp pháp.

Các cổ đông vô danh của Alibaba đã làm đúng như thế. Trong 6 tháng đầu năm 2018, các cổ đông có đăng ký tại Mỹ đại diện cho khách hàng của Alibaba đã giảm 93%, trong khi 20% cổ phiếu đang lưu hành (khoảng 620 triệu) đổ về Mỹ.

New York Times đã làm sáng tỏ hơn về vấn đề này trong một bài báo vào tháng 7/2014 với tiêu đề “IPO của Alibaba có thể trở thành một Mỏ vàng cho con cháu của các nhà lãnh đạo Trung Quốc”. Theo thông tin này, một phần cổ phiếu Alibaba của Boyu được nắm giữ thông qua Athena China Limited, được đăng ký tại Quần đảo Virgin thuộc Anh. Bài báo cho biết thêm: “Athena được kiểm soát bởi một tổ chức nước ngoài khác, Prosperous Wintersweet BVI - thuộc sở hữu của Quỹ Boyu Capital I có đăng ký tại Quần đảo Cayman”.

Cơ cấu quyền sở hữu phức tạp của Boyu dường như được thiết kế để che giấu danh tính của Giang Chí Thành với tư cách là một cổ đông của Alibaba. Dựa trên điều này, thật hợp lý để giả định rằng 20% ​​cổ phiếu Alibaba đã chảy trở lại Hoa Kỳ có khả năng là đến từ các công ty nước ngoài do Giang Chí Thành kiểm soát.

Vào thời kỳ đỉnh cao, Alibaba trị giá hơn 500 tỷ USD và hiện có giá trị 450 tỷ USD. Dựa trên con số 20%, Giang Chí Thành có thể đã kiếm được và giấu khối tài sản hơn 100 tỷ USD chỉ từ Alibaba.

Ngoài Alibaba, Ant Financial - công ty sở hữu Alipay - cũng sắp được niêm yết và có giá trị hiện tại là 160 tỷ USD. Báo chí nước ngoài cho rằng Alipay đang nằm trong túi của Giang Chí Thành; và theo tuyên bố của Quách Văn Quý, Giang Chí Thành cũng nắm giữ cổ phần kiểm soát tại Huawei, Tencent, và nhiều doanh nghiệp lớn khác của Trung Quốc.

Ông Quách nói, Giang Chí Thành cũng đã bán đất của Trung Quốc cho các tập đoàn ở nước ngoài với giá thấp để đổi lấy lợi nhuận, với sự giúp đỡ của Ngân hàng Thượng Hải, Tập đoàn Công nghiệp Thượng Hải, và công ty cổ phần Shanghai Jiushi.

Xét về cách Giang Chí Thành dùng Alibaba để bòn rút của cải từ thị trường vốn Hoa Kỳ, những tuyên bố của ông Quách về tài sản của gia đình họ Giang có thể cũng rất gần với sự thật.

Quan điểm trong bài viết là của các tác giả - các phóng viên của The Epoch Times, và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Thủy Tiên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Sau hai nhiệm kỳ Tổng bí thư ĐCSTQ, Giang Trạch Dân và gia tộc giàu có đến mức nào?