Sau Vinfast, Bamboo Airways của Tập đoàn FLC cũng muốn niêm yết tại Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi Bloomberg đưa tin hãng xe hơi VinFast của Tập đoàn Vingroup dự định IPO ở Mỹ, hãng hàng không Bamboo Airways của Tập đoàn FLC và Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cũng thể hiện mong muốn tương tự.

Theo Reuters, Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết vừa cho biết hãng hàng không này đang lên kế hoạch huy động 200 triệu USD thông qua thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ, với mức vốn hoá thị trường kỳ vọng đạt 4 tỷ USD.

Theo ông Quyết, Bamboo Airways sẽ chào bán 5-7% cổ phần trong đợt IPO dự kiến diễn ra vào quý III/2021 này. Hiện, hãng hàng không đã lựa chọn một công ty kiểm toán quốc tế để chuẩn bị cho kế hoạch IPO sẽ diễn ra trên sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE).

"Đợt IPO này sẽ là một phần trong nỗ lực mở rộng dịch vụ toàn cầu của chúng tôi", ông Quyết cho biết.

Hồi giữa tháng 3 năm nay, ông Trịnh Văn Quyết thông báo kế hoạch niêm yết Bamboo Airways lên sàn chứng khoán nội với giá 60.000 đồng/cp, tương ứng với định giá 2,7 tỷ USD. Khi đó, ông Quyết không nói về việc Bamboo sẽ chào bán bao nhiêu cổ phần và huy động được bao nhiêu tiền.

Có thể thấy chỉ sau chưa đầy một tháng, ông Quyết và Bamboo Airways đã nâng mục tiêu định giá thêm 1,3 tỷ USD.

Chủ tịch Bamboo Airways cũng chia sẻ, hãng sẽ nâng quy mô đội bay lên 40 chiếc vào cuối năm nay, từ mức 30 hiện tại và sẽ tăng thêm 2 chiếc Boeing 787-9 trong số các máy bay mới.

Về kế hoạch mở đường bay đến Mỹ, Bamboo Airways dự kiến thực hiện các chuyến bay thuê chuyến (charter) vào tháng 7, sau đó sẽ khai trương đường bay thẳng từ TP.HCM đến San Francisco vào tháng 9, với tần suất 3 chuyến/tuần. Bên cạnh đường bay Mỹ, hãng cũng đặt mục tiêu khai thác các tuyến khác như Australia, Đức, Nhật Bản, Anh... trong năm nay, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Hiện, Bamboo Airways có vốn điều lệ 10.500 tỷ đồng, tương đương với 1,05 tỷ cổ phiếu. Chủ tịch Trịnh Văn Quyết sở hữu 35,43% vốn điều lệ của Bamboo, còn Tập đoàn FLC sở hữu 39,4%. Tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, ông Quyết tuyên bố cá nhân ông và FLC nắm giữ tổng cộng hơn 80% vốn tại Bamboo.

Hai hãng hàng không Vietjet và Vietnam Airlines hiện có vốn hóa thị trường lần lượt là 3 tỷ USD và 2 tỷ USD còn ACV - đơn vị quản lý các sân bay có vốn hóa 6,7 tỷ USD.

Trước VinFast, Bamboo Airways, nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam cũng từng công bố ý định đưa cổ phiếu lên niêm yết tại các thị trường chứng khoán quốc tế. Một công ty Việt Nam là Cavico đã từng lên sàn chứng khoán Mỹ từ hơn 10 năm trước.

Đến tháng 9 năm 2009, cổ phiếu Cavico chính thức niêm yết trên sàn Nasdaq của Mỹ với mã CAVO. Nhưng chỉ sau chưa đầy 2 năm, Cavico phải rời sàn Nasdaq vòa tháng 7/2011 do vi phạm những yêu cầu về công bố thông tin.

Sau khi Cavico rời sàn Nasdaq, chưa có thêm doanh nghiệp Việt Nam nào xuất hiện trên các thị trường chứng khoán quốc tế dù nhiều ông lớn đã công bố kế hoạch.

Vinamilk vào năm 2008 từng nhận được chấp thuận của Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore về việc phát hành và niêm yết một phần vốn trên sàn này. Tuy nhiên, đến năm 2011, kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn Singapore của Vinamilk chính thức bị hủy bỏ, thay bằng việc phát hành trong nước.

Nhiều doanh nghiệp Việt khác gồm Hoàng Anh Gia Lai, Petrolimex, PVFC, Vietjet, SSI cũng từng đánh tiếng về việc muốn đưa cổ phiếu lên các sàn chứng khoán quốc tế như Singapore, Hong Kong, London nhưng đến nay chưa có cái tên nào chính thức triển khai kế hoạch.

Ngọc Minh

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Sau Vinfast, Bamboo Airways của Tập đoàn FLC cũng muốn niêm yết tại Mỹ