‘Siết’ điều kiện hưởng BHXH một lần: Giảm 50% mức hưởng và sẽ có lộ trình để chống ‘sốc’ cho dân?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhằm giảm thiểu tình trạng người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần tăng cao như hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần, trong dự thảo Đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số lao động nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm, giai đoạn 2016-2020 có tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 9%. Chỉ trong năm 2020 là trên 800.000 trường hợp. Riêng trong tháng 5/2021, có 103.918 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, nâng tổng số 5 tháng đầu năm 2021 lên 469.744 người.

Nhằm giảm thiểu tình trạng này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần, trong dự thảo Đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đề xuất mới ảnh hưởng rất lớn đến chính sách an sinh cũng như quá trình phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Theo quy định hiện hành, với mỗi năm tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động khi thôi việc nhận bảo hiểm xã hội một lần thì được hưởng chế độ 2 tháng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi, trong khi đó dự thảo đề xuất giảm 50% mức hưởng, tức là chỉ còn 1 tháng.

Trao đổi với VnEconomy, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết: “Đề xuất này theo quan điểm của tôi là không hợp lý. Đồng ý chủ trương là cần thắt chặt điều kiện để giảm tình trạng người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, cần có nhiều giải pháp, trong đó giải pháp căn cơ nhất là phải làm sao nâng cao thu nhập cho người lao động, để khi chấm dứt hợp đồng lao động thì họ vẫn có khoản tiền tích trữ duy trì cuộc sống trước mắt trong thời gian chưa tìm được công việc mới”, ông Quảng bày tỏ.

Qua thực tiễn tiếp xúc với nhiều người lao động, ông Quảng cho rằng, hầu hết người lao động nói rất muốn duy trì bảo hiểm xã hội lâu dài để có lương hưu. Nhưng, trước mắt do cuộc sống quá khó khăn nên chấp nhận rút bảo hiểm xã hội một lần, thậm chí có tình trạng bán bảo hiểm xã hội một lần sau khi đã nhận.

Sẽ có giải pháp đồng bộ để chống ‘sốc’ cho dân?

Cũng theo ông Quảng, để hạn chế tình trạng nhận bảo hiểm xã hội một lần rất cần có những giải pháp khác đồng bộ khác, chứ vấn đề không phải chỉ là cắt giảm chế độ. “Nếu cắt giảm 50% mức hưởng sẽ là một chính sách rất sốc cho người lao động. Tôi cho rằng, thực hiện các chính sách an sinh xã hội là phải có tính kế thừa, việc sửa đổi cần có bước đi, lộ trình, còn nếu như đề xuất hiện nay là quá sốc”.

Trong thực tế, khi người lao động đã quá khó khăn và đang trong trường hợp rất cần thiết thì kể cả có cắt giảm 50% thì họ vẫn nhận bảo hiểm xã hội một lần”, ông Quảng nhìn nhận.

Cũng từ thực tế này, theo ông Quảng dẫn đến việc có trường hợp người lao động phải bán cả bảo hiểm xã hội một lần còn hơn là đi vay nóng để trang trải cho cuộc sống.

“Vì lẽ đó, theo tôi chính sách nếu có đề xuất giảm thì cũng phải giảm có lộ trình và mức độ, chứ không thể giảm như 50% như đề xuất của cơ quan soạn thảo”, ông Quảng nhấn mạnh.

Vì vậy, để tránh gây ra những phản ứng xã hội không tốt như trường hợp Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Bộ Tư pháp cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động chính sách. Nhất là về lộ trình giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần, tránh gây ra tâm lý hoang mang cho người lao động.

Có phải người Việt từ bỏ BHXH chỉ vì Covid-19?

Người Việt lũ lượt từ bỏ Bảo hiểm xã hội (BHXH) trong nhiều năm nay, chứ không phải chỉ trong thời gian đại dịch.

rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội
Tính đến hết tháng 12/2020, Việt Nam chỉ có hơn 16 triệu người tham gia BHXH. (Ảnh: yenbai.gov.vn)

Riêng trong 5 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (giai đoạn 2014 - 2020), tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần đạt trên 3,7 triệu người. Điều này, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đồng nghĩa với việc trung bình mỗi năm có gần 750 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội rời khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội.

Điểm đáng chú ý, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần năm sau cao hơn năm trước, với mức tăng bình quân 6,5%/năm. Trong đó, số tăng đột biến vào năm 2017 và năm 2018, thậm chí xu thế này chưa có dấu hiệu dừng lại, kể cả ở những giai đoạn mà đại dịch chưa xuất hiện, nền kinh tế đang tăng trưởng tốt.

Đó là còn là dấu hiệu cho thấy chi phí BHXH quá cao làm suy yếu doanh nghiệp khiến khu vực này khó khăn trong tạo việc làm dài hạn…

Như vậy, xem ra lý do người Việt từ bỏ BHXH không phải vì đại dịch.

Rất nhiều doanh nghiệp buộc phải rời bỏ thị trường (tạm thời dừng hoạt đồng, đệ đơn chờ giải thể và giải thể) đã tạo ra làn sóng này. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay, bình quân mỗi tháng có tới 12.300 doanh nghiệp rời bỏ thị trường. Điều này đồng nghĩa hàng trăm nghìn lao động mất việc làm mỗi tháng.

Mất việc làm, không có thu nhập để tồn tại và không dễ dàng xin việc mới trong một thời gian dài là nguyên nhân chính khiến người lao động phải "miễn cưỡng" từ bỏ BHXH, nhận một khoản tiền để "đầu tư" cho việc làm, hoặc đơn giản là chi trả sinh hoạt phí cho gia đình trong tương lai.

Về phía doanh nghiệp, chính sách chi phí BHXH cao ngất và bắt buộc đóng cho mọi thành phần lao động là lý do khiến chi phí lao động trở thành gánh nặng lớn nhất của doanh nghiệp, như kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2020 của Tổng cục Thống kê (TCTK).

Doanh nghiệp vừa và nhỏ, bình thường đã phải chịu gánh nặng chi phí quá cao so với các doanh nghiệp cùng quy mô trong khu vực (chỉ xét về chi phí an sinh xã hội, chưa so sánh gánh nặng chi phí lớn ở Việt Nam như logistics, chi phí hành chính, chi phí ngầm khác…) nên năng lực cạnh tranh đã sớm bị bào mòn. Tích luỹ tư bản chậm làm giảm khả năng mở rộng và tái đầu tư. Khi xuất hiện đại dịch, nền kinh tế đóng cửa, giãn cách, nhu cầu thế giới giảm đột ngột, chuỗi cung ứng gãy, đương nhiên doanh nghiệp vừa và nhỏ là khu vực chịu tổn thương nặng nề nhất. Kết quả là, trung bình mỗi ngày có hơn 400 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.

Doanh nghiệp Việt Nam hiện đang phải đóng BHXH cho người lao động với tỷ lệ cao nhất khối ASEAN trong khi năng suất lao động của người Việt lại thấp nhất trong khối, điều đó có công bằng cho những người kinh doanh ở Việt Nam?

Thoạt nghe, việc đóng BHXH cao có vẻ như là vì để bảo vệ quyền lợi người lao động. Nhưng sự thực có đúng như vậy không? Nếu một chính sách không làm doanh nghiệp khỏe mạnh thì chính sách đó không có hữu ích gì cho người lao động, thậm chí nó còn là một phần nguyên nhân khiến cho cuộc sống người lao động thêm cơ cực. Các số liệu về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, về số người miễn cưỡng rời bỏ BHXH có lẽ phần nào phản ánh thực trạng này.

Mặt khác, do điều kiện 20 năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng là quá dài, không phù hợp với khả năng tạo và duy trì việc làm cho người lao động của nền kinh tế.

“Điều kiện để hưởng chế độ hưu trí này cùng với hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã khiến nhiều người lao động phải quan tâm đến những nhu cầu trước mắt, nản lòng trong quá trình theo đuổi đóng góp cho hệ thống bảo hiểm xã hội để được hưởng hưu trí trong tương lai khi về già”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lý giải.

Ngọc Minh



BÀI CHỌN LỌC

‘Siết’ điều kiện hưởng BHXH một lần: Giảm 50% mức hưởng và sẽ có lộ trình để chống ‘sốc’ cho dân?