Số liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy yếu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc khủng hoảng điện năng ở Trung Quốc tuy đã có dấu hiệu dịu bớt nhưng sẽ còn kéo dài, khiến các doanh nghiệp sản xuất nước này lao đao. Chính sách gần đây của Bắc Kinh đối với bất động sản làm cho đầu tư vào lĩnh vực này giảm sút. Trong khi đó, niềm tin tiêu dùng của người Trung Quốc không thể tăng lên được mức giống như trước đại dịch. Những lo lắng về lạm phát gia tăng và nền kinh tế suy yếu đã đè nặng lên thị trường. Thứ 5 (11/11), cổ phiếu của Alibaba, Tencent, Baidu, JD.Com, Li Auto, và Xpeng đều chứng kiến mức giao dịch thấp hơn tại Hong Kong.

Bloomberg mới đây đã có bài phân tích các dữ liệu kinh tế mới nhất của Trung Quốc.

Về sản xuất, việc cắt điện luân phiên ở Trung Quốc đã bắt đầu từ tháng 9 và có thể sẽ tiếp tục kéo dài. Trong khi đó, áp lực chi phí gia tăng đang bóp chết lợi nhuận của các doanh nghiệp. Chi phí cao và lợi nhuận giảm khiến nhiều nhà máy phải hạn chế sản xuất.

Các nhà kinh tế cho rằng sản xuất công nghiệp của Trung Quốc sẽ chỉ tăng 3% so với một năm trước; đây là tốc độ tăng chậm nhất kể từ đầu năm 2020, theo ước tính của Bloomberg. Một chỉ số phụ hàng đầu trong dữ liệu PMI của Trung Quốc - chỉ số đo lường sản lượng - cũng cho thấy sự yếu kém của lĩnh vực này.

Cuộc khủng hoảng điện năng ở Trung Quốc đang có dấu hiệu dịu bớt trong tuần này, khi nhà điều hành lưới điện lớn nhất Trung Quốc thông báo rằng cung và cầu đã trở lại trạng thái cân bằng ở khoảng 88% lãnh thổ đất nước. Tuy nhiên, vẫn có giới hạn lượng điện đối với một số ngành công nghiệp tiêu thụ điện cao và gây ô nhiễm nặng. Trong khi đó, mùa đông lạnh giá đang đến gần ​​và nguồn cung cấp than bổ sung bị hạn chế là các nguyên nhân dẫn đến việc tiếp tục thiếu hụt điện.

Về đầu tư, theo một khảo sát, đầu tư vào tài sản cố định trong 10 tháng đầu năm ở Trung Quốc sẽ giảm xuống 6,2%, từ mức dự báo 7,3% vào tháng 9. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang bị Bắc Kinh thắt chặt nguồn tài chính trong bối cảnh thị trường bất động sản hỗn loạn bởi quả bom nợ Evergrande.

Mặc dù các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã bắt đầu điều chỉnh một số chính sách bất động sản, đồng thời các thông tin trên phương tiện truyền thông nhà nước đang làm dấy lên suy đoán về việc nới lỏng hạn chế, nhưng sự suy thoái trong lĩnh vực này vẫn có thể là lực cản lớn nhất đối với tăng trưởng của Trung Quốc. Bất động sản và các ngành công nghiệp phụ trợ hiện chiếm tới 25% tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia này.

Trong khi đó, tiêu dùng Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát Covid-19 mới và cách tiếp cận không khoan nhượng của chính quyền Bắc Kinh. Các nhà hàng và dịch vụ ăn uống, cũng như bán lẻ tại các cửa hàng truyền thống là các lĩnh vực chịu nhiều tổn thất nhất. Niềm tin của người tiêu dùng đã không thể tăng lên bằng với mức trước đại dịch. Các nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng doanh số bán lẻ sẽ chậm lại, còn 3,8% trong tháng 10.

Trong một diễn biến khác, vào hôm thứ 5 (11/11), cổ phiếu của Alibaba, Tencent, Baidu, JD.Com, Li Auto, và Xpeng đều chứng kiến mức giao dịch thấp hơn tại Hong Kong, The Epoch Times đưa tin.

Tại Hong Kong, cổ phiếu của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba giao dịch thấp hơn 1,6% ở mức 158,60 đô la Hong Kong (HKD), trong khi cổ phiếu của công ty công nghệ Baidu giảm 1,8% xuống 158,40 HKD, và cổ phiếu của tập đoàn thương mại điện tử JD.Com giảm 1% xuống còn 304,80 HKD.

Cổ phiếu của Tencent giảm 3% ở mức 469 HKD sau khi tập đoàn này báo cáo kết quả thu nhập quý III/2021 không đạt được mức kỳ vọng của các nhà phân tích.

Trong khi đó, vào tuần trước, một cơ quan quản lý Trung Quốc đã triệu tập 16 nhà khai thác nền tảng thương mại điện tử, bao gồm cả Alibaba và Meituan, để cảnh báo về các hoạt động “cạnh tranh không lành mạnh” trong ‘Ngày độc thân’ vào thứ 5, theo South China Morning Post.

Cổ phiếu của nhà sản xuất xe điện Li Auto đã mất 0,9% xuống còn 116,20 HKD và cổ phiếu của Xpeng đã giảm 0,5% xuống còn 174,00 HKD.

Một số nhà kinh tế, bao gồm ông Lu Ting của Nomura Holdings, đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong các quý tới. Ông cho rằng điều tồi tệ nhất đối với tăng trưởng của Trung Quốc trong chu kỳ suy thoái này sẽ xảy ra vào mùa xuân năm 2022.

“Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến”, ông Lu cho biết vào hôm thứ 4 (10/11). “Mặc dù tình trạng thiếu hụt năng lượng đã dịu bớt và các chính sách hạn chế tài sản đã được cải thiện, chúng tôi tin rằng các điều kiện kinh tế có thể trở nên xấu hơn nữa vì tình hình hiện tại vẫn chưa đạt đến ngưỡng mà Bắc Kinh buộc phải có những hành động thiết thực”.

Chi Anh



BÀI CHỌN LỌC

Số liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy yếu