So sánh TTCK Trung Quốc với TTCK toàn cầu cho thấy Kinh tế Trung Quốc đang suy giảm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 2021 là một năm bước ngoặt đối với nền kinh tế Trung Quốc. So sánh hoạt động thị trường chứng khoán (TTCK) của Trung Quốc với của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, chúng ta có thể thấy nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn.

Xem TTCK Trung Quốc: Thấy sự thật đằng sau tăng trưởng kinh tế

Ngày 17/01/2022, Trung Quốc đã công bố con số tăng trưởng GDP chính thức năm 2021 là 8,1%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán con số này sẽ là 5,6% vào năm 2022. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của TTCK Trung Quốc lại cho thấy bức tranh đối lập với những gì giới chức công bố.

Các công ty niêm yết đại chúng của một quốc gia thường nằm trong số những công ty hoạt động tốt nhất và mạnh nhất trong các lĩnh vực kinh tế của quốc gia đó. Họ là những công ty độc quyền hàng đầu trong các ngành công nghiệp hoặc các công ty mới nổi với tiềm năng phát triển lớn. Ở một mức độ nào đó, họ đại diện cho sức mạnh kinh tế của một quốc gia.

Từ lập luận trên có thể thấy, diễn biến của TTCK Trung Quốc tỏ ra không phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP của nước này. Năm 2021, Composite Index của Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải chỉ tăng 4,8%, trong khi Component Index của Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến tăng 2,7%.

Để so sánh, TTCK của Mỹ và Liên minh châu Âu - hai thực thể kinh tế lớn trên thế giới - đã tăng trưởng đáng kể trong năm 2021.

Năm ngoái, TTCK Mỹ ghi nhận mức tăng mạnh trong năm thứ 3 liên tiếp với Chỉ số Dow Jones tăng gần 19% và Chỉ số Nasdaq tăng 22%. Ấn bản tiếng Trung của Wall Street Journal đưa tin hôm 04/01/2022 rằng tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Mỹ có thể lên tới 5%, tốt hơn dự đoán của các nhà kinh tế là 3,7%.

Ủy ban châu Âu dự kiến ​​nền kinh tế của Liên minh châu Âu sẽ tăng trưởng 4,2% vào năm 2021. Chỉ số Euro Stoxx toàn châu Âu đã tăng gần 25% trong năm, trở thành năm có xếp hạng tốt thứ 2 kể từ năm 2009. Chỉ số CAC 40 của Pháp - chỉ số chuẩn của TTCK Pháp - ghi nhận mức tăng gần 30%. DAX của Đức - chỉ số chuẩn của TTCK Đức - đã tăng 15,8% .

Kết quả TTCK cuối năm cho thấy xếp hạng của Trung Quốc là thấp nhất trong số những nền kinh tế lớn.

Một điều quan trọng cần lưu ý ở đây là hoạt động của TTCK Trung Quốc là kết quả của việc chính quyền Trung Quốc cấm các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào thị trường nước ngoài.

Nếu người Trung Quốc có thể mua cổ phiếu nước ngoài như người Nhật…

Ngày càng nhiều người Nhật Bản có xu hướng chuyển từ tiết kiệm sang đầu tư, nhưng họ không hài lòng với việc chứng khoán Nhật Bản tăng chậm. Do vậy, nhiều người trong số họ đã chuyển sang chơi cổ phiếu nước ngoài, chủ yếu là giao dịch trên TTCK Mỹ. Các nhà đầu tư Nhật Bản hoàn toàn tự do trong việc lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu trong nước hay ngoài nước.

Nếu người Trung Quốc có thể được hưởng quyền tự do tài chính như các nhà đầu tư Nhật Bản thì hầu hết người Trung Quốc sẽ giống như người Nhật, tức là họ cho rằng đầu tư vào thị trường nước ngoài sẽ tốt hơn thị trường trong nước.

Tuy nhiên, Trung Quốc, dưới sự cai trị của chính quyền độc tài Đảng Cộng sản Trung Quốc, không có sự tự do như vậy. Hơn nữa, Bắc Kinh rất cần dự trữ ngoại hối để trả nợ nước ngoài. Bắc Kinh cũng rất cần dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong khi FDI đang có kế hoạch rút khỏi Trung Quốc. Nợ nước ngoài chưa thanh toán của Trung Quốc vào cuối tháng 09/2021 là 2,69 ngàn tỷ USD; trong khi vào cuối tháng 10/2021, dự trữ ngoại hối của nước này ở mức 3,21 ngàn tỷ USD, theo số liệu của cơ quan ngoại hối hàng đầu Trung Quốc.

Nếu các nhà đầu tư Trung Quốc được phép đầu tư vào chứng khoán nước ngoài thì dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ không đủ để trả nợ.

So sánh TTCK Trung Quốc với TTCK toàn cầu để thấy Kinh tế Trung Quốc đang suy giảm
Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) tại phố Wall, New York, hôm 12/01/2021. (Ảnh: Angela Weiss / AFP qua Getty Images)

Trò chơi đã kết thúc với Cổ phiếu khái niệm Trung Quốc tại Mỹ

Các công ty lớn của Trung Quốc đã thu hút được khối tài sản khổng lồ từ thị trường vốn của Mỹ bằng cách niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Được biết đến với tên gọi Cổ phiếu khái niệm Trung Quốc (China Concept stock), những cổ phiếu này vẫn tỏ ra không hoàn toàn minh bạch với các nhà đầu tư Mỹ. Nguyên nhân là chính quyền Trung Quốc từ chối cho phép các công ty Trung Quốc tuân theo yêu cầu công bố thông tin của giới chức Mỹ với lý do “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia” Trung Quốc.

Các nhà đầu tư Mỹ ‘bị bịt mắt’ phải tin rằng những doanh nghiệp Trung Quốc mà họ đầu tư sẽ có một tương lai tươi sáng.

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ đã hoàn thiện bộ quy tắc vào tháng 12/2021, qua đó yêu cầu các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ phải tiết lộ mối quan hệ giữa họ với chính quyền Bắc Kinh, đồng thời tiết lộ chi tiết của những cuộc kiểm toán. Việc chính quyền Trung Quốc không tuân theo các quy tắc này sẽ dẫn đến việc ngừng giao dịch hơn 200 cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc trên thị trường vốn Hoa Kỳ.

Trong một bài báo đăng trên CNBC vào tháng 12/2021, ông David Loevinger, giám đốc điều hành của công ty quản lý tài sản TCW Group, dự kiến ​​rằng hầu hết các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ sẽ rời khỏi thị trường vốn Hoa Kỳ vào năm 2024.

Ông David Loevinger nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 12: “Tôi nghĩ đối với rất nhiều công ty Trung Quốc niêm yết tại thị trường Mỹ, cuộc chơi về cơ bản đã kết thúc”.

Cổ phiếu Trung Quốc chủ yếu thuộc về các lĩnh vực kinh tế mới như Internet, giáo dục, công nghệ, giải trí và năng lượng mới - những lĩnh vực từng được các nhà đầu tư ưa chuộng. Theo thông tin đăng trên Liberty Times Net của Đài Loan hôm 01/01/2022, vào năm 2021, tổng giá trị thị trường của cổ phiếu khái niệm Trung Quốc giảm 760 tỷ USD, với việc cổ phiếu của 40 doanh nghiệp ghi nhận mức giảm 80%.

TTCK Trung Quốc chứng kiến mức tăng nhẹ trong năm ngoái là nhờ các khoản đầu tư của phố Wall; nếu không, TTCK Trung Quốc đã có thể kết thúc năm ở vị trí thấp hơn so với thời điểm bắt đầu.

Tuy nhiên, với quy định mới của Ủy ban Chứng khoán Mỹ có hiệu lực từ tháng 1, liệu phố Wall có tiếp tục hỗ trợ TTCK Trung Quốc trong năm nay? Một vấn đề lớn hơn là, hầu hết các công ty Trung Quốc được dự đoán sẽ hoạt động kém hơn năm 2022 bởi các vấn đề liên quan đến đại dịch và việc chính quyền Trung Quốc thanh trừng các lĩnh vực gồm giáo dục, đào tạo, công nghệ, giải trí và các ngành công nghiệp khác. Do đó, nếu các ngân hàng đầu tư ở phố Wall tiếp tục đầu tư vào số cổ phiếu này, họ có thể thua lỗ.

Quan điểm trong bài viết là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Cheng Xiaonong là tiến sĩ, một học giả về chính trị và kinh tế Trung Quốc, đang sống New Jersey. Ông Cheng là từng là phụ tá của Triệu Tử Dương - cố Tổng bí thư ĐCSTQ - khi ông Triệu còn là Thủ tướng Trung Quốc. Ông cũng từng là Tổng biên tập của tạp chí Modern China Studies.

Đức Duy

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

So sánh TTCK Trung Quốc với TTCK toàn cầu cho thấy Kinh tế Trung Quốc đang suy giảm