'Soi' chất lượng tivi và điện thoại của Vingroup - hai dòng sản phẩm hãng vừa 'từ bỏ'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vingroup bất ngờ công bố từ bỏ hai mảng kinh doanh đình đám sau 3 năm khởi nghiệp là Tivi và điện thoại thông minh. Trước đó, tập đoàn này đã đóng cửa Vinpro, bán Vinmart cho tập đoàn Masan, từ bỏ trang thương mại điện tử Adayroi, dừng dự án hàng không và dự án chuỗi nhà thuốc Vinfa...

Việc đóng cửa mảng sản xuất Tivi và điện thoại thông minh của tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam này được cho là để dồn sức cho Vinfast, thương hiệu xe ô tô nội địa đầu tiên của Việt Nam, dự tính sẽ IPO trên đất Mỹ.

Tuy nhiên, đằng sau đó không thể không thừa nhận các thất bại sản phẩm điện tử cung ứng bởi Vingroup, chủ yếu đến từ phần mềm. Nói cách khác, khâu nghiên cứu và phát triển (R&D) của các doanh nghiệp Việt (không chỉ Vingroup) thực sự còn rất yếu.

Mặt khác, Vingroup dường như đã lựa chọn mảng kinh doanh mà bản thân không có lợi thế gì so với đối thủ cạnh tranh hiện có; các đối thủ của Vingroup đã quá mạnh về nghiên cứu và phát triển (R&D) nên sản phẩm của họ không ngừng được nâng cấp trong môi trường cạnh tranh khốc liệt về đổi mới, sáng tạo. Chưa kể, bản thân các đối thủ của Vingroup (các tập đoàn kinh tế FDI tại Việt Nam) cũng nhận được mọi ưu ái về tiếp cận nguồn lực quốc gia (thuế, đất đai, con người, chính sách,...) để cạnh tranh sòng phẳng với Vingroup hoặc thậm chí có lợi thế hơn Vingroup trên sân nhà. Đây cũng là lý do, dù là chơi trên sân nhà và nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng nội địa, có nguồn lực tài chính lớn hậu thuẫn, Vingroup cũng không thể cạnh tranh với các đối thủ của mình trên mọi phương diện, thậm chí là về giá.

Sự mờ nhạt của dòng sản phẩm Tivi

Các dòng sản phẩm Tivi của Vingroup cung cấp ra thị trường Việt Nam trong bối cảnh các ông lớn trong ngành công nghệ TV như SamSung, LG, Sony,… đã tạo nên một thương hiệu vững chắc cho riêng mình trên thị trường toàn thế giới, đặc biệt đã đặt chân vững chắc tại Việt Nam, từ sản xuất, hình ảnh, thương hiệu cho tới niềm tin của người tiêu dùng.

Bởi thế, cạnh tranh về giá sản xuất nội địa cũng không còn là ưu thế của Vingroup khi các hãng sản xuất thiết bị điện tử lớn đều đã đặt cơ sở sản xuất lâu năm và vững chắc tại Việt Nam. Thêm vào đó, việc không có ưu điểm vượt trội về công nghệ, kiểu dáng cũng như hệ thống phân phối nội địa tốt cũng là nhược điểm của dòng sản phẩm này.

Trong một 'đánh giá' sản phẩm Tivi Vsmart trên trang vsfan.vn, một người dùng mua tivi của hãng này cho biết điều bất ngờ đầu tiên của anh là tivi của Vingroup không hiện diện trong các hệ thống siêu thị điện tử điện lạnh mà người Việt đã thân quen như Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim tại thời điểm khách hàng muốn mua (khoảng 2 tháng sau quảng cáo của Vingroup). Các siêu thị này thậm chí còn cho biết họ không có kế hoạch bán dòng sản phẩm này. Rất có thể, do Vingroup phát triển hệ thống siêu thị điện máy riêng nên đã bỏ qua hợp tác với các kênh phân phối khác trong nước.

Theo khách hàng, giá bán của tivi Vingroup hợp lý với thị trường dù thiết kế kiểu dáng công nghiệp còn chưa đẹp và không quan tâm tới thiết kế công nghiệp của phụ kiện đi kèm như điều khiển từ xa hay giá đỡ. Sự tinh tế của phụ kiện đi kèm luôn được các hãng sản xuất của Nhật hay Trung Quốc rất chau chuốt, nó như một 'phần thưởng' làm tăng giá trị của sản phẩm chính vậy. Xét về công nghệ, tivi thông minh của Vingroup cũng được nhiều người dùng đánh giá là không có gì vượt trội, đôi khi bị chậm khi kết nối với internet. Nhưng dù vậy, với giá thành và chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng phù hợp, khách hàng Việt khá hài lòng với sản phẩm này.

Smart phone của Vin đầy nhược điểm

Khác với dòng sản phẩm Tivi, người tiêu dùng nội địa dường như khắt khe hơn với sản phẩm smart phone của Vingroup. Các phàn nàn về lỗi quá nhiều của các dòng điện thoại cung cấp bởi Vingroup cho thấy dường như hãng này đã khá vội vã khi đưa dòng sản phẩm của mình ra thị trường trước khi hoàn thiện nó trong phòng nghiên cứu và phát triển.

24 phản hồi của người dùng trên trang dienmayxanh.com hầu hết đều hết sức tiêu cực. Người dùng Kim Ngan phàn nàn "Bố mình mua máy hãng Vsmart bên Điện Máy Xanh cùng với tủ lạnh được hơn 1 tháng. Điện thoại dùng bị lỗi do máy. Mỗi lần có cuộc gọi đến mà bấm vào máy đều tự tắt bỏ. Hoặc gọi đi cũng như vậy. Bố mình rất khó chịu với điều này. Liệu mình có thể đến đổi máy khác không?".

Một người dùng khác thậm chí còn nói thẳng rằng họ rất thất vọng khi dùng sản phẩm của hãng này dù rất muốn ủng hộ hàng Việt.

Phản hồi và phàn nàn của khách hàng trên trang web của một hãng phân phối điện thoại cho Vingroup (ảnh chụp màn hình)
Phản hồi và phàn nàn của khách hàng trên trang web của một hãng phân phối điện thoại cho Vingroup (Ảnh chụp màn hình)

Nhìn chung, phản hồi của khách hàng cho thấy phần mềm trong các sản phẩm điện tử của Vingroup còn chưa được hoàn thiện, còn thua xa các dòng sản phẩm danh tiếng khác trên thị trường như Samsung hay các hãng điện thoại Trung Quốc dù giá thành của Vingroup phù hợp với túi tiền của người Việt.

Một phản hồi phàn nàn về phần mềm như sau "bản update nhiều người phàn nàn âm lượng nhỏ. Về giao diện, người dùng không di chuyển sắp xếp được các ứng dụng trong ngăn ứng dụng, không dồn các ứng dụng vào 1 thư mục được trong ngăn ứng dụng, không ẩn được phần mềm đi kèm theo máy như vsmart, vmesage .... dẫn đến rối mắt mà chả dùng đến bao giờ. Về điểm này vsmart cần học hỏi samsung và những hãng khác để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình lên".

Tương tự như vậy trên trang phản hồi của Thế giới di động, người dùng Việt liên tiếp phàn nàn về phần mềm và độ bền của máy. Dù vậy, dòng sản phẩm này cũng nhận được nhiều động viên và thiện cảm của người Việt, được cho là pin dùng bền, máy sử dụng tốt trong tầm giá, nhiều người hứa hẹn sẽ giới thiệu với bạn bè, người thân để lan tỏa hiệu ứng người Việt dùng hàng Việt.

Khi bắt đầu một lĩnh vực mới, dù doanh nghiệp từng thành công cỡ nào, từng lớn đến đâu, thì doanh nghiệp vẫn là đứa trẻ khởi nghiệp trên thị trường. Các lĩnh vực khởi nghiệp mà Vingroup chọn, từ hàng điện tử đến ô tô thực sự là các lĩnh vực quá khó, không chỉ đòi hỏi vốn, đòi hỏi bề dày nghiên cứu R&D nghiêm túc, tốn kém và bền bỉ. Sự thất bại của Vingroup với nhãn hàng tivi và điện thoại không khỏi làm buồn lòng người tiêu dùng nội địa, những người vẫn kỳ vọng được sử dụng thương hiệu nội địa, cũng như kỳ vọng vào sự hưng thịnh của nền sản xuất nước nhà.

Cho tới nay, mảng kinh doanh thành công nhất của Vingroup vẫn là mảng kinh doanh truyền thống, bất động sản. Mức lãi mang về từ mảng kinh doanh này, Vinhomes, lên tới 30 nghìn tỷ/năm.

Hữu Nguyên

 



BÀI CHỌN LỌC

'Soi' chất lượng tivi và điện thoại của Vingroup - hai dòng sản phẩm hãng vừa 'từ bỏ'