Sri Lanka chặn mạng xã hội giữa khủng hoảng kinh tế và biểu tình của người dân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Sri Lanka đã chặn mạng truyền thông xã hội trong một thời gian ngắn khi các cuộc biểu tình nổ ra trên toàn quốc do cuộc khủng hoảng kinh tế của nước này.

Mạng truyền thông xã hội bị chặn trong thời gian ngắn tại Sri Lanka

Tất cả các trang mạng truyền thông xã hội lớn đều đã bị chính quyền chặn vào sáng sớm ngày 03/04 sau khi lệnh giới nghiêm toàn quốc được công bố vào ngày 02/04 và tình trạng khẩn cấp được ban bố vào ngày 01/04. Các trang web bị ảnh hưởng bao gồm Facebook, Twitter, Instagram và các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp.

Jayantha de Silva, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Viễn thông, nói với Reuters rằng việc chặn các trang mạng một cách tạm thời được thực hiện do "chỉ thị đặc biệt" của Bộ Quốc phòng. Nó được áp đặt "vì lợi ích" của đất nước nhằm giúp mọi người "duy trì sự bình tĩnh", ông nói.

Chính quyền đã dỡ bỏ việc chặn các trang mạng trên sau khoảng 16 giờ, cho phép người dân tiếp tục kết nối thông qua mạng xã hội. Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề.

“Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho việc chặn mạng xã hội”, Namal Rajapaksa, Bộ trưởng thanh niên và thể thao và là cháu trai của tổng thống nước này, cho biết trong một tweet ngày 03/04. “Sự khả dụng của VPN, như tôi đang sử dụng hiện tại, khiến những lệnh cấm như vậy hoàn toàn vô dụng. Tôi mong các cơ quan chức năng suy nghĩ tiến bộ hơn và xem xét lại quyết định này”.

Sri Lanka có lịch sử áp đặt các hạn chế truyền thông mạng xã hội trên toàn quốc trong thời kỳ bất ổn dân sự, chẳng hạn như vào tháng 04/2019 sau một loạt vụ đánh bom nhằm vào các nhà thờ và khách sạn.

Cơ quan giám sát internet Netblocks cho biết danh sách các nền tảng bị hạn chế trong lệnh cấm gần đây "hầu như thống nhất" với danh sách được sử dụng trong các đợt kiểm duyệt trước đó. Cơ quan này đã phát hiện “sự sụt giảm đáng kể mức độ kết nối” qua nhà cung cấp internet địa phương Dialog vào ngày 29/03, trùng với thời điểm bắt đầu các cuộc biểu tình.

Khủng hoảng kinh tế tại Sri Lanka

Sri Lanka đang chìm trong một cuộc khủng hoảng kinh tế, một phần nguyên nhân là do thiếu ngoại tệ, dẫn đến khó nhập khẩu các mặt hàng như thực phẩm và xăng dầu.

Một lý do khiến dự trữ ngoại tệ giảm là do ngành du lịch suy giảm, vốn chiếm khoảng 10% GDP của Sri Lanka. Ngành du lịch vốn đã suy yếu sau vụ nổ bom năm 2019 ở Colombo; các đợt phong tỏa liên quan đến sự lây lan của COVID-19 đã làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Gián đoạn xuất khẩu sang các quốc gia khác và suy giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng là các lý do khác.

Người dân đã trở nên thiếu kiên nhẫn và ngày càng có phản ứng khi phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và thuốc men, cũng như các đợt cắt điện kéo dài từ nửa ngày trở lên.

Cuộc biểu tình của người dân Sri Lanka

Vào ngày 31/03, những người biểu tình đã tập trung bên ngoài nhà của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ở Colombo. Cảnh sát bắt đầu đánh đập người dân và bắn hơi cay. Những người biểu tình đáp trả bằng cách ném đá vào họ, khiến hai chục cảnh sát bị thương.

Vào ngày 01/04, chính quyền đã bắt giữ 53 người biểu tình và giam giữ 5 người chụp ảnh đưa tin, những người bị cho là bị tra tấn tại đồn cảnh sát, theo BBC. Tổng thống sau đó đã ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 01/04.

Chính quyền đã áp dụng lệnh giới nghiêm kéo dài 36 giờ vào lúc hoàng hôn vào ngày 02/04, sau đó một ngày là lệnh cấm mạng truyền thông xã hội.

Các nhà lãnh đạo đối lập đã dẫn đầu một cuộc tuần hành tới Colombo vào ngày 03/04, bất chấp lệnh giới nghiêm. Cuộc tuần hành của các nhà lập pháp tiến về phía quảng trường chính của Colombo đã bị chặn khi quân đội và các nhân viên cảnh sát dựng rào chắn dọc đường.

"Điều này là vi hiến", thủ lĩnh phe đối lập Sajith Premadasa nói với quân đội khi họ ngăn cản các nhà lập pháp tiến đến quảng trường, theo một báo cáo của Associated Press. “Bạn đang vi phạm pháp luật. Xin hãy nghĩ đến những người đang chịu đau khổ. Tại sao bạn lại bảo vệ một chính quyền như thế này?", ông nói.

“Liệu họ có thể cai trị trong tình trạng khẩn cấp trong bao lâu? Ngay sau khi lệnh giới nghiêm được dỡ bỏ, mọi người sẽ quay trở lại đường phố", Nalin Bandara, một nhà lập pháp khác, nói với AP.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Sri Lanka chặn mạng xã hội giữa khủng hoảng kinh tế và biểu tình của người dân