Sự lạc quan điên rồ về kinh tế Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giới đầu tư đang rất vui mừng vì Trung Quốc đã nới lỏng chính sách COVID, và cũng vì những lời rêu rao rằng Trung Quốc đẩy lùi COVID nhanh như thế nào. Các nhà phân tích nước ngoài cũng đưa ra nhiều đánh giá lạc quan về kinh tế Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, tình hình tại Trung Quốc sẽ khó trở nên tốt đẹp cho đến hết năm 2024, không chỉ bởi vì đại dịch mà còn do những vấn đề về cấu trúc nền kinh tế.

Các nhà tuyên truyền của Trung Quốc nói với chúng ta rằng nền kinh tế Trung Quốc năm nay sẽ “tăng tốc lên 4,8%”. Các nhà phân tích nước ngoài thậm chí còn lạc quan hơn. Goldman Sachs ước tính tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc là 5,5%.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã tuyên bố chấm dứt chính sách “zero-COVID động” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào ngày 07/12. Phố Wall không mất nhiều thời gian để khởi động cỗ máy tuyên truyền lạc quan về kinh tế Trung Quốc. Morgan Stanley, vào ngày hôm sau, đã đưa ra một ghi chú nghiên cứu dự đoán rằng chứng khoán Trung Quốc sẽ vượt trội so với các thị trường mới nổi và các nước khác trên toàn cầu.

Kể từ đó, các nhà phân tích tài chính đã rất tích cực nói về việc chứng khoán Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng vọt như thế nào trong năm nay.

Chứng khoán có thể tăng trong một thời gian, nhưng nền kinh tế Trung Quốc đang ốm yếu hơn nhiều so với giả định của các nhà phân tích.

Tâm lý tích cực

Trọng tâm của những đánh giá tích cực là việc Trung Quốc đang đẩy lùi COVID-19 nhanh như thế nào.

Vào đêm trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở Trung Quốc, thời điểm thường được gọi là “cuộc di cư lớn nhất của con người trên thế giới” và do đó có khả năng là một sự kiện siêu lây lan, ông Wu Zunyou, nhà dịch tễ học trưởng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Trung Quốc, cho biết 80% dân số Trung Quốc đã bị nhiễm bệnh.

Vào cuối kỳ nghỉ lễ, Trung tâm này báo cáo rằng có 6.364 ca tử vong trong các bệnh viện từ ngày 20 đến 26/01, gần bằng một nửa số ca tử vong trong tuần trước đó.

Quan điểm của Bắc Kinh là dịch bệnh đã lên đến đỉnh điểm nên khó có khả năng gia tăng lây lan.

Không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư rất vui mừng. Việc nới lỏng COVID là trọng tâm của ý tưởng rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tạo ra sự tăng trưởng vững chắc. Những người cho rằng thị trường sẽ tích cực lên, được hỗ trợ bởi tuyên truyền của ĐCSTQ và chính quyền trung ương, đưa ra lập luận rằng việc chấm dứt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh - Trung Quốc duy trì một trong những hệ thống quy tắc kiểm soát COVID nghiêm ngặt nhất thế giới trong ba năm - sẽ dẫn đến một làn sóng “chi tiêu trả thù”.

“Người tiêu dùng Trung Quốc, bị mắc kẹt trong căn hộ của họ trong thời gian xảy ra đại dịch, đã tích lũy được hơn 2,2 nghìn tỷ USD tiền gửi ngân hàng vào năm ngoái, điều này sẽ thúc đẩy chi tiêu nhiều hơn”, tờ Wall Street Journal đưa tin trong tháng này. The Financial Times đưa ra con số 2,6 nghìn tỷ USD.

Đánh giá tích cực này có đúng không? Có bốn lý do chính để nghi ngờ nó.

Sự lạc quan điên rồ về kinh tế Trung Quốc
Hành khách đi tàu điện ngầm với hành lý của họ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 19/01/2023. (Ảnh: WANG ZHAO / AFP qua Getty Images)

4 lý do để nghi ngờ

Đầu tiên, số liệu thống kê về bệnh tật của Trung Quốc là đáng nghi ngờ. “Mô tả về sự đẩy lùi suôn sẻ đối với Covid-19 khiến các nhà khoa học muốn có thêm dữ liệu”, một dòng tiêu đề lịch sự của Wall Street Journal đã viết như vậy.

Bắc Kinh đang yêu cầu thế giới tin rằng SARS-CoV-2, mầm bệnh gây ra căn bệnh này, đang hoạt động ở Trung Quốc theo cách khác biệt so với ở tất cả các nơi khác trên thế giới. Nếu điều này là sai, và gần như chắc chắn là như vậy, thì sẽ có một làn sóng lây nhiễm tiếp theo ở nước này vào mùa xuân này, như các nhà lập mô hình dịch bệnh đã dự đoán.

Thứ hai, ngay cả khi Trung Quốc đã vượt qua COVID như chính quyền khẳng định, thì nền kinh tế vẫn bị ảnh hưởng bởi sự phụ thuộc quá mức vào bất động sản, vốn chiếm gần 30% GDP. Giá cả và doanh số bán hàng trong lĩnh vực này đã sụt giảm kể từ cuối năm 2021, khi Bắc Kinh cuối cùng đã hạn chế các khoản cho vay thiếu thận trọng đối với các nhà phát triển lớn, đáng chú ý nhất là China Evergrande Group, hiện đã vỡ nợ.

Nhà ở rất quan trọng vì nó cũng chiếm khoảng 70% tài sản của tầng lớp trung lưu. Người dân Trung Quốc đã hỗ trợ nền kinh tế bằng chi tiêu khi giá bất động sản tăng lên, bởi vì họ đang thu được lợi nhuận từ việc bán bất động sản hoặc vì “hiệu ứng của cải”, tình huống mà mọi người có xu hướng chi tiêu khi họ cảm thấy tài sản của mình tăng giá trị. Bây giờ, tác động ngược lại của hiệu ứng của cải đang làm giảm tiêu dùng.

“Sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản chắc chắn sẽ diễn ra một cách vững chắc vào nửa đầu năm 2023”, Rhodium Group đã báo cáo vào tháng trước, trong một phân tích về triển vọng kinh tế của Trung Quốc.

Điều đó có nghĩa là sự suy giảm trong GDP nửa đầu năm cũng là điều chắc chắn.

Thứ ba, nền kinh tế Trung Quốc yếu hơn nhiều so với những gì Bắc Kinh tuyên bố. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc báo cáo rằng GDP đã tăng 3% vào năm ngoái, nhưng điều đó là rất khó xảy ra.

Nhiều khả năng hơn, như bà Anne Stevenson-Yang của J Capital Research nói với Gatestone, nền kinh tế trên thực tế đã bị thu hẹp lại. Nền kinh tế yếu kém, giống như suy thoái bất động sản, dường như đã hạn chế chi tiêu của người tiêu dùng. Tâm trạng bi quan chung của người dân Trung Quốc sẽ thuyết phục họ tiết kiệm nhiều hơn những gì các nhà phân tích nghĩ.

Thứ tư, chế độ này trong đại dịch hầu như không làm gì để khắc phục lỗ hổng cơ cấu cơ bản trong nền kinh tế Trung Quốc: sự phụ thuộc quá mức vào chi tiêu của chính phủ, điều mà trong nhiều thập kỷ đã dẫn đến tình trạng xây dựng quá mức và do đó tạo ra hàng núi nợ đầy vấn đề. Ông Gregory Copley, chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói với Gatestone rằng các cơ sở cơ bản của nền kinh tế Trung Quốc đã bị phá hủy, vì vậy sự lạc quan về sự đảo ngược chính sách của ĐCSTQ về COVID sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

“Trung Quốc đã trở lại,” đây là cách The Financial Times tóm tắt thông điệp của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc gửi tới Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa kết thúc tại Davos. Có lẽ vậy, nhưng nó đang quay trở lại cơ cấu kinh tế cũ đầy lệch lạc.

“Trung Quốc quá lạc quan về sự phục hồi kinh tế nhanh chóng vào năm 2023 sau các đợt phong tỏa do COVID”, ông Andrew Collier, nhà phân tích tại Global Source Partners, cho biết trong một bình luận qua email gửi tới Gatestone. “Chính quyền địa phương đang thâm hụt tài chính rất lớn, nhiều người đang giữ tiền mặt vì họ lo lắng cho sức khỏe của họ và sự suy thoái của thị trường bất động sản đã ảnh hưởng đến tiền tiết kiệm hưu trí của người dân”.

Ông Collier, người làm việc tại Hong Kong, cho rằng những người tiêu dùng giàu có có thể mua hàng nhập khẩu cao cấp nên tác động tổng thể đối với nền kinh tế Trung Quốc “sẽ không lớn”.

Do đó, ông Collier tin rằng sẽ không có sự gia tăng kinh tế nào cho đến năm 2024.

Trong mọi trường hợp, ông Copley, cũng là tổng biên tập của tờ Chính sách chiến lược quốc phòng và đối ngoại, nói rằng “các nhà phân tích nước ngoài về nền kinh tế Trung Quốc đại lục luôn có suy nghĩ viển vông, và giờ đây có một bầu không khí tuyệt vọng”.

Trung Quốc sẽ không có một năm 2023 hay 2024 tốt đẹp. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ lại mất tiền ở Trung Quốc.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Gordon G. Chang là thành viên cao cấp xuất sắc tại Viện Gatestone, thành viên Ban cố vấn của viện này và là tác giả của cuốn “The Coming Collapse of China” (Sự sụp đổ đang đến gần của Trung Quốc).



BÀI CHỌN LỌC

Sự lạc quan điên rồ về kinh tế Trung Quốc