Sự sụp đổ của SVB là điềm báo cho tương lai tồi tệ của ngành tài chính Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sắp tới chúng ta sẽ có thể quan sát mức độ lây lan của điều tồi tệ. Mọi thứ đang tăng tốc hướng về phía khủng hoảng. Không ai ở Fed hay cấp lãnh đạo cao nhất của Mỹ có thể sửa chữa những vấn đề.

Cho đến nay, trong 3 năm thất bại với quản lý yếu kém và tham nhũng, nước Mỹ vẫn đang tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính. Có những lý do cho điều đó. Chỉ là chúng ta vẫn chưa đến đích theo quỹ đạo của điều không thể tránh khỏi. Vậy giờ chúng ta đã tới ngưỡng chưa? Có lẽ. Dù sao đi nữa, mọi thứ đang tăng tốc. Tất cả những gì chúng ta cần làm là quan sát mức độ lây lan của tình hình.

Sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), với tài sản trị giá 212 tỷ USD cho đến mới gần đây, là một mớ hỗn độn lớn và có thể là điềm báo. Việc nắm giữ trái phiếu có lãi suất cố định của nó suy sụp nhanh chóng theo định giá thị trường do điều kiện thị trường thay đổi. Sự suy sụp của nó được tăng cường khi người gửi đồng loạt rút tiền. Và tất cả đã xảy ra trong vòng chưa đầy một vài ngày.

Tất cả là hệ quả của chính sách của Fed nhằm kiềm chế lạm phát, đảo ngược chính sách lãi suất 0% kéo dài 13 năm. Tất nhiên, điều này đã đẩy lãi suất tăng cao đối với các trái phiếu trung hạn và dài hạn, làm giảm giá trị nắm giữ trái phiếu hiện tại, thứ bị khóa chặt trong các mô hình lãi suất cũ hơn. Các nhà đầu tư nhận ra điều đó và sau đó đến lượt người gửi tiền. SVB - ngân hàng đang bay cao chuyên cung cấp thanh khoản trong các ngành hiện đã mất đi ánh hào quang - đột nhiên nhận thấy mình đang đứng trong một vị thế rất dễ bị tổn thương.

Ngoài ra, SVB còn phải đối mặt với một danh mục các chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp. Nhưng với việc tăng lãi suất, những khoản đó cũng rơi vào tình trạng căng thẳng khi đòn bẩy cao trong nhà ở và bất động sản trở nên có vấn đề trong bối cảnh định giá giảm. Những người đi vay đang thấy tài sản của mình tụt giá và điều đó lại làm tăng thêm căng thẳng cho những người cho vay.

Và SVB, và toàn bộ ngành ngân hàng của Mỹ, đã lấy tiền từ đâu để tăng số lượng lớn tài sản trong danh mục đầu tư của họ với các khoản nợ như vậy? Chính là các khoản thanh toán kích thích kinh tế. Hàng tỷ đồng tràn vào và nó phải trú mình ở đâu đó để thu lại lợi nhuận. Vào thời điểm đó, nó có vẻ là một thỏa thuận tốt, cho đến khi chính sách của Fed thay đổi.

Tình hình giống như một ngôi nhà xây bằng những lá bài. Nhưng có lẽ một phép ẩn dụ tốt hơn là một trò chơi bi-a, trong đó mỗi nước đi đều dẫn đến một loạt các vấn đề mới. Việc phong tỏa Covid đã thúc đẩy chi tiêu lớn của chính phủ, điều này tạo ra những khoản nợ nhanh chóng được tiền tệ hóa và cuối cùng gây ra lạm phát, khiến Fed phải đảo ngược hướng đi với mức tăng lãi suất lớn nhất/nhanh nhất trong lịch sử.

Nguồn vốn tìm kiếm lợi nhuận chuyển dịch sang lĩnh vực hàng tiêu dùng. Lao động đã bắt đầu ảnh hưởng theo, do đó tạo ra sự dư thừa tài nguyên trong lĩnh vực công nghệ thông tin và sự thiếu hụt trong lĩnh vực bán lẻ.

Thật ngây thơ khi nghĩ rằng sự thay đổi này sẽ diễn ra mà không ảnh hưởng đến các tổ chức ngân hàng đã thúc đẩy đòn bẩy theo hướng các ngành phát triển mạnh trong thời gian phong tỏa nhưng hiện đang cắt giảm ồ ạt.

Sự sụp đổ của SVB là điềm báo cho tương lai tồi tệ của ngành tài chính Mỹ
Một khách hàng đứng bên ngoài trụ sở của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đã bị đóng cửa ở Santa Clara, California, Mỹ, vào ngày 10/03/2023. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Các ngân hàng này đánh cược vào các dự án đầu cơ mà từ đó, vốn đang tháo chạy. Như thường lệ, danh mục đầu tư tài sản của họ bị ràng buộc với việc tiếp tục duy trì hiện trạng đã không còn có thể được duy trì, vì vậy các nhà đầu tư và người gửi tiền đang chạy trốn đến nơi an toàn.

Fed có thể lường trước được điều này không? Có thể. Nhưng nó có sự lựa chọn nào nữa? Một lần nữa, toàn bộ mớ hỗn độn này trước hết là do phong tỏa và thứ hai là do các chính sách phi lý của ông Ben Bernanke với tư cách là Chủ tịch Fed năm 2008. Ông ấy tưởng tượng rằng mình sẽ giải quyết một cuộc khủng hoảng tài chính bằng cách bãi bỏ một lực lượng tự nhiên như lãi suất trái phiếu. Sau đó, ông ấy thực hiện một mánh khóe cao cấp với việc để Fed trả tiền cho khoản ký gửi của các ngân hàng nhiều hơn mức số tiền tương tự có thể kiếm được trên thị trường.

Vấn đề là gì? Vấn đề là vốn không bao giờ đứng yên. Nó luôn luôn săn lùng lợi nhuận. Nó đã tìm thấy lợi nhuận trong các gã khổng lồ công nghệ và phương tiện truyền thông Internet, được hỗ trợ bởi khả năng quảng cáo và tuyển dụng dường như vô hạn. Tình trạng này kéo dài suốt 13 năm.

Ông Jerome Powell tiếp quản Fed với quyết tâm chấm dứt những điều vô nghĩa. Ông hy vọng một cuộc hạ cánh mềm. Nhưng sau đó là đại dịch và phong tỏa. Ông ấy được kêu gọi cung cấp tài chính cho sự ngu ngốc của một Quốc hội hoảng loạn đã chi hàng nghìn tỷ USD nhanh nhất có thể, điều chỉ nhằm kéo dài tình trạng phong tỏa.

Mọi thứ có vẻ ổn trong một thời gian, như mọi khi, nhưng đến tháng 01/2021, hóa đơn đã đến hạn dưới hình thức lạm phát giá cả chóng mặt. Fed đã phải đảo ngược hướng đi một cách mạnh mẽ. Bắt đầu từ con số không, nó phải đạt được tỷ lệ quỹ liên bang bằng hoặc vượt quá mức tăng giá. Nó vẫn chưa đạt được điều đó nên nó không có lựa chọn nào khác ngoài việc lao về phía trước.

Tất nhiên, việc tăng lãi suất đã hút vốn ra khỏi các ngành phát triển mạnh trong thời kỳ phong tỏa và hướng chúng trở lại lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng. Nhưng trong khi đó, đường cong lợi suất trái phiếu [đường cong mô tả lợi suất trái phiếu theo từng kỳ hạn] đã có phản ứng, như nó phải vậy. Từ 30 ngày đến 30 năm, mọi đợt chào bán trái phiếu đều được định giá lại, khiến các tổ chức nắm giữ trái phiếu cũ giống như những kẻ ngốc. Đây chính là trường hợp của SVB, với mức định giá thị trường giảm đột ngột.

Cú đánh cuối cùng là động thái của người gửi tiền. Nhằm tìm kiếm sự an toàn, tiền mặt đã nhận thấy lợi tức từ trái phiếu kho bạc ngắn hạn hấp dẫn hơn nhiều so với các dự án mạo hiểm mang tính đầu cơ. Cuộc trốn chạy đến nơi an toàn đã khiến ngân hàng và nhiều đối tác của nó trong ngành tài chính bị tiêu diệt. Đó là một hồi chuông cảnh tỉnh lớn cho toàn bộ thị trường. Không ai trong ngành của Mỹ đang cảm thấy thoải mái tại thời điểm hiện nay.

Khó khăn trước mắt

Điều tôi lo ngại ở đây là mọi người sẽ nhìn nhận tất cả những thảm họa này một cách tách biệt. Chúng không tách biệt. Chúng bắt nguồn từ quyết định thảm họa vào năm 2020 nhằm phong tỏa tài trợ cho các chính sách đó bằng việc tạo ra số tiền không tồn tại. Quyết định đó đã phá hỏng các kế hoạch của Fed nhằm làm đảo ngược các chính sách ngu ngốc trước đây của họ và do đó đưa người Mỹ vào con đường dẫn đến thảm họa.

Tại thời điểm này, tôi rất tiếc phải thông báo, không ai có thể ngăn chặn bất cứ điều gì. Thị trường có thể trở nên khủng khiếp trong những điều kiện này. Thị trường không phải cái gì cũng biết nhưng một khi họ mất niềm tin, sự hoài nghi sẽ không thể dừng lại. Không có ai ở Fed có thể ngăn chặn nó và chúng ta không có những nhà quản lý khôn ngoan ở cấp cao nhất, những người có thể sửa chữa mọi thứ.

Hãy lưu ý đến sự sụp đổ của cổ phiếu ngân hàng chỉ vài giờ sau khi các cơ quan quản lý tiếp quản SVB. Người Mỹ có thể sẽ có một chuyến đi khó khăn sắp tới.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Jeffrey A. Tucker là nhà sáng lập và Chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng nghìn bài báo trên các tờ báo học thuật và phổ thông, cũng như tác giả của 10 cuốn sách viết bằng 5 thứ tiếng với cuốn sách gần đây nhất là “Liberty or Lockdown”. Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết các bài bình luận về kinh tế cho The Epoch Times và nói chuyện về nhiều chủ đề như kinh tế, công nghệ, triết học xã hội và văn hóa.



BÀI CHỌN LỌC

Sự sụp đổ của SVB là điềm báo cho tương lai tồi tệ của ngành tài chính Mỹ